Trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới – Vũ Thị Thanh Hoài

VTH – Vẫn bàn về sự sáng tạo và đổi mới trong VHNT,sáng nay đọc bài nghiên cứu khá thú vị : “...Nhờ năng lực tưởng tượng, ước đoán và sự nhạy cảm trước mọi biến động của cuộc sống, nghệ sĩ dự cảm được những thay đổi của chúng trong tương lai. Trên cơ sở nắm vững thực tại, có tầm nhìn xa và lập trường tiến bộ, bức tranh tương lai của nghệ sĩ được vẽ lên bằng tưởng tượng vì thế không phải là những nét vẽ viển vông, hão huyền, không tưởng. Muốn vượt ra khỏi những khuôn khổ có sẵn, con người cần có trí tuệ và lòng dũng cảm. Phải dám bứt phá ra khỏi những quy ước và ràng buộc, những định kiến lâu đời, nhà khoa học hay người nghệ sĩ cần tự “giải phóng” mình để bay tới “những vì sao”…(VTTH), có lẽ không cần nói thêm. Mời bạn đọc vuthanhhoa.net lược trích bài viết của TS Vũ Thị Thanh Hoài thuộc trường ĐHVH Hà Nội:

110

NĂNG LỰC TƯỞNG TƯỢNG VỚI NHÀ KHOA HỌC VÀ NGHỆ SĨ

Nếu trong khoa học, “cái tôi bao giờ cũng đáng ghét” (Pascal), thì trong nghệ thuật người nghệ sĩ phải tạo nên được dấu ấn riêng của mình, phải có tiếng nói riêng, giọng điệu riêng, cái làm nên sức sống cho tác phẩm của họ, đó chính là cá tính sáng tạo. Sự bất hạnh của người nghệ sĩ là thiếu cá tính, dẫu có dồn tất cả sức lực phong phú của họ vào việc viết những tác phẩm tràng giang đại hải, thì người đọc cũng không xem trọng họ. Nhà văn Dôla hoàn toàn có lý khi ông hùng hồn tuyên bố rằng: “không có cá tính thì coi như không có gì cả”.

Thực sự, khoa học không chối bỏ yếu tố chủ quan. “Con đường đi tới tính khách quan trong khoa học được trải bằng tính chủ quan”(10), Root- Bersteen- một nhà sinh lý học người Mỹ đã từng phát biểu như vậy. Ông viện dẫn câu nói của Albert Einstein, nhà bác học lừng danh: “khoa học như cái đích theo đuổi cuối cùng mang tính chủ quan và phụ thuộc tâm lý như bất cứ lĩnh vực văn hoá nào của loài người”. Ông nhấn mạnh, mục đích các thí nghiệm, chứng minh và phân tích là xoá bỏ tính chủ quan này trong những kết quả cuối cùng của thực tiễn khoa học; nhưng nếu bỏ qua nó, cái cội nguồn tư chất của trí tưởng tượng trong khoa học, sẽ làm giảm khả năng của chủ thể. Ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của mình và điều đó không phải là lạ lùng trong giới khoa học.

Ai cũng biết, Albert Einstein là một nhà bác học kỳ tài, có một sức sáng tạo vô cùng mãnh liệt. Những đóng góp to lớn của ông cho khoa học và sự tiến bộ của loài người khiến hậu thế phải nghiêng mình khâm phục, ngưỡng mộ. Cha đẻ của thuyết Tương đối, một trong những thuyết vật lý cách mạng của nền khoa học hiện đại đã được phát minh nhờ vào óc suy luận và tưởng tượng phong phú. Câu nói bất hủ của ông đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc trong nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Ông lý giải: “Kiến thức bị giới hạn bởi những gì ta biết và hiểu được, trong khi đó, trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới, và cả những kiến thức chưa ai biết, chưa ai hiểu được”(8). Ông từng tâm sự về quá trình sáng tạo của mình: “Tôi hiểu được rằng, sau cái thế giới mà chúng ta biết được, còn ẩn giấu một cái gì vượt khỏi tri thức của chúng ta. Một cái gì đó, mà vẻ đẹp và sự vượt trội chỉ đến với chúng ta một cách phảng phất, như một ánh sáng hiu hắt. Trong ý nghĩ đó, tôi là một người có tôn giáo. Tôi cố mường tượng những bí ẩn mà tôi chiêm ngưỡng và bằng tri thức hạn hẹp, tôi cố thu nạp và tìm hiểu chút ánh sáng phản chiếu từ sự cấu tạo tuyệt vời của cái Hiện thể”(8). Người ta cũng tin rằng, Mendeleev từng phát hiện Bảng hệ thống tuần hoàn trong một giấc mơ, còn phương trình sóng Schrobinger trong cơ học lượng tử cũng được viết như một sự kết hợp linh diệu giữa lôgic khoa học và trực giác nghệ sĩ.

Trường hợp của Desmond Morris cũng vậy. Ông nổi danh không chỉ như một nhà sinh học hành vi mà còn như một hoạ sĩ và nhà sản xuất phim theo trường phái siêu thực. Ông theo đuổi nghệ thuật trước khi nghiên cứu khoa học và một trong những động cơ nghiên cứu hành vi động vật là ông muốn cải thiện kỹ năng quan sát và vẽ tranh của mình. Như một hệ quả, phong cách khoa học của Morris cũng xuất phát chủ yếu từ chủ nghĩa siêu thực. Nghệ thuật và khoa học của Morris có chung một cơ sở phương pháp luận. Ông dùng giấc mơ để vẽ tranh từ những cảm xúc vô thức. Morri cũng dùng cách đó trong nghiên cứu khoa học. Ông kể, trong mơ ông trở thành động vật để chiêm nghiệm cái bản ngã của chúng: “Tôi cố gắng đặt bản thân vào vị trí con vật để những vấn đề của nó trở thành của tôi; và tôi không thêm một chút gì xa lạ vào cách hành xử của nó. Chỉ giấc mơ là lên tiếng”(10). Khả năng tưởng tượng để đồng nhất với đối tượng nghiên cứu như thế, cũng khá phổ biến trong các nhà nghiên cứu thế giới động vật. Barbara Mc Clintock, người nhận giải Nobel cho những nghiên cứu về di truyền, cũng thường thấy mình hành xử như những nhiễm sắc thể: “Tôi thấy càng làm việc nhiều với chúng, chúng càng trở nên to lớn hơn, và khi tôi thật sự làm việc, tôi thấy mình không ở ngoài mà ngay bên trong. Tôi là một phần của hệ thống khảo cứu…Khi bạn ngắm nhìn chúng, chúng trở thành một phần của bạn. Và bạn phải quên bản thân đi. Vấn đề là bạn phải quên bản thân bạn đi”(10).

Tóm lại, các nhà khoa học đó đều cho rằng, để có thể phát minh ra những điều nằm ngoài các giáo trình vẫn thường giảng dạy, để có những cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu thì phải phát huy trí tưởng tượng. Sự thấu hiểu và cảm hứng khoa học bắt nguồn từ những thấu hiểu, những giấc mơ, những cảnh mộng, hay nói gọn lại là năng lực tưởng tượng sáng tạo mang tính nghệ sĩ.

130

Năng lực tưởng tượng với người nghệ sĩ

Nhờ năng lực tưởng tượng, ước đoán và sự nhạy cảm trước mọi biến động của cuộc sống, nghệ sĩ dự cảm được những thay đổi của chúng trong tương lai. Trên cơ sở nắm vững thực tại, có tầm nhìn xa và lập trường tiến bộ, bức tranh tương lai của nghệ sĩ được vẽ lên bằng tưởng tượng vì thế không phải là những nét vẽ viển vông, hão huyền, không tưởng. Trước khi chiếc tàu ngầm đầu tiên ra đời, người ta đã biết đến nó qua “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của J. Vecnơ. Dự cảm về cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện hình trong “Bài ca chim báo bão” của M.Gorki. Trực giác nhạy cảm và tưởng tượng thiên tài của Lêôna ĐờVanhxi khiến hậu thế phải khâm phục: dường như ông biết trước về sự ra đời của máy bay, ô tô, điện thoại…sẽ phổ biến trong tương lai.

Các yếu tố huyền thoại, kỳ ảo, cường điệu là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng cũng là phương tiện để phản ánh hiện thực, lấy cái Hư để phản ánh cái Thực. Nghệ sĩ có thể tưởng tượng về cái chưa bao giờ có mặt trên đời và tác phẩm sẽ chắp cánh cho sự tưởng tượng của con người, khích lệ khát vọng hiện thực hoá những giấc mơ. Tấm thảm biết bay, đôi hài vạn dặm, nồi cơm thần kỳ…là những yếu tố kỳ ảo trong truyện cổ tích nhưng cũng chính là sự thật trong mong ước của người xưa. Như vậy, nghệ sĩ có quyền xây dựng tác phẩm từ óc tưởng tượng nhưng sự tưởng tượng ấy phải phù hợp ở mức độ nào đó với thực tế. Bởi vì, “người ta không chút động lòng về cái gì người ta không tin”(1). Muốn công chúng tin vào tác phẩm, có lẽ cánh diều tưởng tượng phải được cột chặt với mặt đất bằng sợi dây hiện thực. Không có sợi dây hiện thực đó, mọi sự sáng tạo chỉ là sự bịa đặt tuỳ tiện, vô nghĩa lý. Gắn với hiện thực, phản ánh hiện thực một cách sáng tạo, nghệ thuật là cuốn “bách khoa toàn thư” để con người lĩnh hội tri thức từ hiện thực tưởng tượng thấm đẫm niềm tin của tác giả, nên chúng có sức thuyết phục rất cao.

Năng lực tưởng tượng của nghệ sỹ chủ yếu không phải là khả năng tạo ra những tình huống hoang đường, hoàn toàn không có thật, mà là khả năng “lạ hoá”, biết làm cho những cái quen thuộc trở thành xa lạ, mới mẻ, biết phát hiện ra cái lạ trong những cái đã quen. Nhờ đó, thế giới nghệ thuật luôn hiện ra lung linh, đầy màu sắc, gây ấn tượng khó quên trong xúc cảm con người. Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” là sản phẩm của trí tưởng tượng, tài quan sát tinh tế, óc nhận xét sắc sảo, hóm hỉnh và tình yêu sự sống của Tô Hoài. Tác giả đã mượn truyện thế giới sinh vật nhỏ bé, quen thuộc quanh ta để nói bao điều bổ ích về cách sống làm người. Thông qua cuộc phiêu lưu, mạo hiểm không kém phần ly kỳ của chàng Dế, cả thế giới loài vật trong sáng ngây thơ lần lượt hiện lên dưới ngòi bút nhà văn như một thế giới con người thu nhỏ lại. Hơi thở tươi mát của sự sống trong từng trang truyện đã làm say mê biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Bức tranh: “Đứa trẻ đang xem sự ra đời của con người mới”(1943) của Salvador Dali cho ta thấy tầm triết lý cao siêu, trí tưởng tượng phong phú của hoạ sỹ. Trong tranh, hình ảnh một con người trưởng thành đang tìm cách thoát ra khỏi quả trứng khổng lồ, từ vết nứt chảy ra một giọt máu đỏ…Hình tượng thật phi lý nhưng cũng thật có lý. Dường như không có sự hoài thai nào không nhọc nhằn, đau đớn?

Ở người nghệ sĩ, sự bịa đặt sáng tạo được dựng nên từ những hiện tượng khoa học thực đã cho ra đời một loại phim, truyện đặc biệt: phim, truyện khoa học viễn tưởng. Người nghệ sĩ tưởng tượng về những chuyến du hành trong không gian và thời gian, những cuộc chinh phục vũ trụ xa xôi, đại dương bí ẩn, những sinh vật ngoài trái đất… Tưởng tượng nhưng không kém phần thuyết phục khi người nghệ sĩ đề cập đến sự phát triển ồ ạt của các bộ môn khoa học và kỹ thuật, cảnh báo con người trước những vấn đề có tính toàn cầu: thế giới sẽ ra sao nếu vũ khí hạt nhân phát triển, sinh vật ngoài trái đất tấn công con người, sự sụp đổ của nền văn minh, những thảm hoạ ghê ghớm của thiên tai…

Tất nhiên, giá trị của một công trình khoa học hay một tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực tưởng tượng. Có nhiều yếu tố khác cùng tham gia vào quá trình sáng tạo, nhưng tưởng tưởng vẫn là nơi bắt đầu cho những khám phá của con người và quyết định không nhỏ tới thành công.

 Vài suy ngẫm

Con người ngày nay dường như bị nhập vào dòng cuốn hối hả của cuộc sống hiện đại, nếp sống công nghiệp, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nên ít đi những khoảnh khắc mộng mơ, tưởng tượng. Những lo toan bề bộn, thực dụng giết chết cảm xúc bay bổng của con người trước cái đẹp giản dị, bình thường của cuộc sống. Thậm chí có người còn cho rằng, đâu đâu cũng thấy vắng bóng năng lực tưởng tượng. Học sinh chạy theo lối học vẹt, học tủ, trí nhớ được chú trọng hơn trí tưởng tượng. Trong khoa học, tri thức được đề cao hơn năng lực sáng tạo, người nghiên cứu không dám đưa ra những sáng kiến cá nhân, những gì lệch chuẩn… Nhưng mọi thứ đều có thể, mọi thứ đều sẽ biến đổi. Năng lực tưởng tượng dựa trên quan điểm biện chứng ấy của cuộc sống sẽ giúp con người thấy được sự biến mất của cái cũ, hình dung ra sự xuất hiện của cái mới. Thiếu tưởng tượng, người ta chỉ có thể lặp lại lối mòn, theo thói quen, sản xuất theo cách có sẵn, hiểu theo cái vẫn được hiểu. Mà cuộc sống thì cần con người tạo ra cái mới, cái chưa hề có, vượt khỏi đầu óc thông thường, để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Muốn vượt ra khỏi những khuôn khổ có sẵn, con người cần có trí tuệ và lòng dũng cảm. Phải dám bứt phá ra khỏi những quy ước và ràng buộc, những định kiến lâu đời, nhà khoa học hay người nghệ sĩ cần tự “giải phóng” mình để bay tới “những vì sao”…

  • Tài liệu tham khảo
    1. Henri Becnac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.
    2. Nam Cao, Nam Cao tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.
    3. Phạm Thị Chỉnh, Lịch sử mỹ thuật thế giới, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.
    4. Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học (tái bản lần thứ 9), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
    5. Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004.
    6. Phương Lựu, Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001.
    7. Trần Đình Sử, Lê ngọc Trà, Phương Lựu, Lý luận văn học (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1987.
    8. Nguyễn Thế Tài, “Albert Einstein- nhà bác học đam mê và chân thật”, nguồn: http://
    Vietsciencé.free.fr.
    9. Lê Ngọc Trà, Văn chương, thẩm mỹ và văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
    10. Mỹ học, nguồn: http://chungta.com

2 comments

  1. Thật chán chường khi bắn vỡ một nguyên tử còn dễ hơn xóa đi định kiến của con người.
    (Albert Einstein)
    ______________

    It is very depressing to live in a time where it is easier to break an atom than a prejudice.
    (Albert Einstein)

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu