Mở Blog, bất ngờ nhận được tin nhắn của anh Lê Bá Duy về một bài bình thơ của mình đăng trên vanthoviet.com. Vội bấm vào xem và cảm động, bài thơ “Em không yêu anh” mình viết cách đây đã 4 năm, giờ được thạc sỹ Đặng Cao Sửu bình , đọc lại thấy thật thấm thía… Xin đăng lại để quý vị độc giả cùng thưởng thức:

ĐỌC VÀ CẢM NHẬN BÀI THƠ “EM KHÔNG YÊU ANH” CỦA VŨ THANH HOA.
Tình cờ tôi đọc bài thơ “Em không yêu anh” của Vũ Thanh Hoa trên tạp chí Sông Hương. Bài thơ có vẻ đẹp giản dị và lập tức có sức hút đến kỳ lạ. Tuy chỉ có 12 câu nhưng bài thơ nói được rất nhiều điều, những điều toát lên từ con chữ, những hàm ý như mơ hồ nhưng cũng thực cụ thể và đầy sức ám ảnh.
Em không yêu anh
Em không yêu anh
Để khỏi buồn
Em không yêu anh
Để khỏi nhớ
Em không yêu anh
Để khỏi quên
Em không yêu anh
Em không yêu anh.
Hãy siết em trong vòng tay bất tận
Hãy dịu dàng thở trong em hơi thở
Hãy gối đầu lên ngực em và nói
Làm thế nào để em không yêu anh.
Trong tám câu đầu, điệp khúc “Em không yêu anh” được láy đi láy lại đến 5 lần. Thế nhưng dụng ý ở đây không phải để phủ định mà là để khẳng định. Tác giả đã mượn
“không” để nói “có”:
“Để khỏi buồn – Em không yêu anh
Để khỏi nhớ – Em không yêu anh
Để khỏi quên – Em không yêu anh”
“Buồn, nhớ, quên” là những trạng thái, những cung bậc khác nhau của tình yêu. Em không yêu anh vì em không muốn rơi vào những trạng thái ngọt ngào nhưng ray rứt của tình yêu. Ta bắt gặp những câu thơ đầy nữ tính của một tâm hồn đa cảm đã có những trải nghiệm trong tình yêu. Đến đây, hiện lên trong những câu thơ là một phụ nữ với những khát vọng mãnh liệt về một tình yêu trọn vẹn, hoàn mỹ. Một tình yêu không có nỗi buồn, một tình yêu không có sự xa cách và một tình yêu vĩnh cửu với thời gian ( không có sự tan vỡ phải quên nhau).
Mượn ” không” để khẳng định “có”, đẩy ra xa để kéo lại gần là một thủ thuật phổ biến trong thơ nói chung và thơ tình yêu nói riêng. Puskin trong bài thơ ” Tôi yêu em” không phải đã khẩn khoản đề nghị với người tình của mình: cầu cho em có được người tình như tôi đã yêu em! Tác giả phủ định để khẳng định một tình yêu nồng cháy và say đắm mà Puskin đã dành cho người tình. Hai bài thơ ở hai không gian và thời gian khác nhau nhưng đã gặp nhau ở một điểm, đó là sự chói sáng của những tâm hồn đẹp đẽ trong tình yêu, là khát vọng cho một tình yêu trọn vẹn và viên mãn. Đó là tính nhân văn sâu sắc của bài thơ.
Đến khổ thứ hai, nội dung bài thơ chuyển sang một lĩnh vực khác, một khía cạnh khác trong tình yêu:
” Hãy siết em trong vòng tay bất tận
Hãy dịu dàng thở trong em hơi thở
Hãy gối đầu lên ngực em và nói
Làm thế nào để em không yêu anh”
Bốn câu thơ viết về sự dâng hiến mà không hề dung tục, sex mà không hề sex, đầy dục tính mà vẫn trong sáng.
Thơ của PGS – TS Trương Đăng Dung cũng đề cập đến dục tình mà vẫn trong sang đến kỳ lạ. Con người chỉ sống có một lần mà thời gian thì mãi vô tình trôi nên phải tận hiến:
” Anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
Có tự ngàn đời
Để cho em rạng rỡ.”
Thơ của Vũ Thanh Hoa có sex nhưng nó trong sáng và gợi cho chúng ta một niềm khát sống và cháy hết mình với cuộc đời.
Câu thơ cuối: ” Làm thế nào để em không yêu anh” đến như một tất yếu, nó hoàn thiện chủ đề của bài thơ. Trong tâm tưởng, người con gái vừa khẳng định vừa hoài nghi ” Em không yêu anh”. Trong niềm hoan lạc của xác thịt người con gái vẫn không nguôi trăn trở: ” Làm thế nào để em không yêu anh”. Đến đây chủ đề của bài thơ đã thể hiện khá rõ nét: Trong nỗi niềm day dứt boăn khoăn “làm thế nào để em không yêu anh” đã thể hiện rõ trong tâm hồn đa cảm của người phụ nữ mặc dù có sự hoài nghi và nổi loạn thế nhưng vẫn luôn thừơng trực một tình yêu cháy bỏng đối với anh trong mọi thời gian và không gian.
Tứ thơ đến bất ngờ, mơ hồ nhưng lô gich; nó phảng phất phong cách thơ của Targo nhưng sex và đầy tính hiện sinh hơn.
Tôi chưa đọc nhiều về thơ của Vũ Thanh Hoa nhưng có lẽ thơ Vũ Thanh Hoa làm người đọc thích chính là vì:
Vũ Thanh Hoa biết làm người khác ngạc nhiên; ngạc nhiên vì những tứ thơ lạ đến bất ngờ mà hợp lý.
Vũ Thanh Hoa còn biết kết hợp những điều tưởng chừng như đối lập: Một chút cổ kính của Hà Nội với chất hiện đại của thành phố phương Nam; một chút lạnh của phương Bắc với chút nắng ấm của phương Nam; sự lạnh lùng cố ý với niềm nhiệt tình, thiết tha đối với cuộc sống.
Và có lẽ điều đáng quý của thơ Vũ Thanh Hoa là một tấm lòng yêu đời yêu người; một hồn thơ biết nâng niu cái đẹp, cái thiện biết đem đến cho chúng ta những khoảnh khắc hạnh phúc trên hành trình làm người đầy những hệ lụy.
Thơ Vũ Thanh Hoa như ngọn gió đầu thu. Nó gợi chúng ta những hoài niệm về quá khứ để sống tốt đẹp hơn trong hiện tại và mai sau.
Quy Nhơn 24-05-2011
Thạc sỹ Đặng Cao Sửu.
Nguồn VanThoViet.com
Mạng xã hội