VTH – Khi lên trang bài viết này, vuthanhhoa.net nhận được tin con dâu trưởng của nhà thơ Hoàng Quý đã sinh bé trai đầu lòng vào lúc 12h10 tại Bệnh viện Đại học Y Dược, tp HCM. Xin chúc mừng nhà thơ lên chức ông nội. Và biết đâu, sẽ lại một Thi sĩ mang họ Hoàng nữa sẽ tiếp nối đường văn mà ông nội của cháu đã đi”. Thay mặt những người bạn và những bạn đọc yêu thơ Hoàng Quý gửi lời chúc mừng tới nhà thơ và thân quyến!
Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi trước những sạt, lở chữ, nghĩa hôm nay.
Qua nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, chúng tôi nhận được một số thi phẩm của nhà thơ Hoàng Quý. (*) Cảm nhận đầu tiên là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn.
Với tôi, giữa khi cõi-giới thi ca của chúng ta gần đây, càng lúc càng nhập / nhòa chân dung, nhợt nhạt cá tính thì, thơ họ Hoàng hiện ra, vạm vỡ mới và, lạ.
Thơ Hoàng Quý không chỉ mới, lạ ở cách nói, (mà) nó còn vạm vỡ ở cả phương diện tu từ học (rhetoric) nữa. Ông cụ thể hóa những chữ trừu tượng bằng những hình ảnh cụ thể, quen thuộc. Giống như một thứ tiếp-thủ-ngữ và tiếp vĩ ngữ (prefix & suffix), thí dụ: “cánh đồng đời”, “giấc mơ phì nhiêu”…
Hay:
“Trên đĩa đèn loang loáng của kiếp người.”
(trích “Tự Khúc”)
Hoặc:
“Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người em đâm đuống
“Em trổ ống ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. (…)
“…Giấc mộng của em của ta không là gì cả. Hiện. Và xóa. Không là gì cả! Không là gì…
một nhúm phì nhiêu.
(Trích “Giấc phì nhiêu”).
Hoặc nữa:
“Gió mãi loay hoay đi tìm mái nhà mình
“Cỏ chen vật vã mưu sinh
“Mỗi ngày
“Đời người thêm một đoạn văn viết dở…”
(Trích “Điệp Khúc”)
Bên cạnh sự giầu có về nhân-xưng- đại-danh-tự, so với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt theo tôi, còn phong phú về phương diện tính-từ . Nhưng họ Hoàng rất ít dùng. Ông loại, giảm chúng trong thơ của mình, để nỗi buồn trong sinh phần thơ ông, nổi cộm những đường- gân-liên-tưởng khác(?):
“Chợt nhớ ngày xa ấy gió
Đuềnh đoàng nón thúng quai thao (…)
“Chợt nhớ ngày xa ấy chiều
“Hai bờ sương khói như reo
(Trích “Chợt Nhớ Sông Cầu”)
Hoặc:
“Ô mường ta ở đâu, cha ta ở đâu
“Mẹ ta, anh chị ta ở đâu
“Ta đang đói hơn con ma đói, khát hơn con ma khát
“Cái đầu ta nhớ, cái tim ta đau
“Ta như ngọn măng mới nhô con hổ đạp gãy
“Ta như quả ớt vỏ đẹp nhưng trong ruột cay”
(Trích “Ngẫu hứng qua Mường”)
Hoặc nữa:
“Ở phía trước’
“Ở phía trước nữa
“Ai như ta?
“Ai đã là ta?
“Chao ôi! Đời nến sáp
“Ta đấy à, hay chưa từng ta!”
(Trích “Đêm nghe gió qua vườn”)
Tuy nhiên, trên tất cả mọi tân kỳ kỹ thuật (dù rất cần thiết cho thơ), với tôi, vẫn là những thông điệp (mà,) họ Hoàng đã gửi, đã “gieo, trồng” trên dặm trường thi ca đời ông.
Tôi muốn nói, với Hoàng Quý, thi ca là chiếc cầu nối qúa khứ nghìn năm một đất nước – – Hầu khua thức hồn thiêng dân tộc- – Tìm về cuống rốn cội nguồn một tổ quốc, hôm nay.
Sau khi đọc “Ngẫu hứng qua Mường” và, “Những ngấn bùn trên mũi chân tổ quốc,” tôi muốn mượn câu thơ mở đầu bài “Tự khúc” của ông:
“Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới”
Để nói với ông rằng:
Vâng. Ông “đã đến đã gieo trồng và vun xới” cho / với thơ hiện đại, như một hiện diện vững chãi, khả tín trước những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa châng lâng, bập bềnh mảng tối!
Du Tử Lê
(Calif. Aug. 18-2013)
_____________
(*) Được biết nhà thơ Hoàng Quý sinh Năm sinh 1950 tại Phú Thọ. Ông hiện sống tại Thành Phố Vũng Tàu, Việt Nam. Ông khởi viết rất muộn, năm 1982 mới viết bài thơ đầu tiên. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996). Đi bên mùa lá rụng (2000). − Ngang qua cánh đồng (2002. Tái bản:2004). Giả trang (2007)
Một số bài thơ của nhà thơ Hoàng Quý do nhà thơ Du Tử Lê (USA) chọn:
THƠ HOÀNG QUÝ
Ngẫu hứng qua Mường
1.
Một năm Hội Tú Mường (1)chỉ có một lần
Một năm anh ơi nhớ mà đến chơi với em, với hội!
No xôi, no thịt thì cứ chơi liền liền đi
Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi có đứa trốn ra nương,hai đứa khéo mà thành một đứa!
Ơ! Cái Hội Tú Mường là chiếc cầu bẳng từ nhà anh sang nhà em
Đừng run cái chân treo cầu, đừng ngại rát cai vai, bỏng cái lưng cõng em về làm vợ
Đây này, cái má em nó đang cháy vì ống sáo ai thổi
Đây này, cái ngực em nó đang nảy phập phồng bởi tiếng đàn ai réo
CẦU ÔNG VUA TRỜI MÃI CHO BÔNG LÚA CON TO BẰNG CÁI VÒI HÁI,
BÔNG LÚA CÁI TO BẰNG CÁI ĐUÔI CON TRÂU CON LỢN LỚN BẰNG CON VOI NHỠ (2)
Để anh làm cỗ đón em về làm vợ
Có dám yêu thì trèo cầu sang ngay đi
Có gan lấy cược cho pố, mế em xâu bạc trắng!
2.
Em ơi! Một năm Hội Tú Mường chỉ có một lần
Một năm em ơi nhớ mà về đây chơi với anh, với hội
Ơ này, làm sao em cứ giữ chặt ngón tay anh trên cái núm ngực em đấy
Ơ! Cái đầu anh con ma rượu nó vặt đi đâu mất rồi
Chỉ còn cái nửa dưới người anh run run thôi em ơi
Đã thích nhau thì cứ gì đến hội mới trèo cầu đi cõng vợ
Không có cầu, thích, thì anh lội ào qua thác lũ tìm em!
CẦU ÔNG VUA TRỜI MÃI CHO BÔNG LÚA CON TO BẰNG CÁI VÒI HÁI,
BÔNG LÚA CÁI TO BẰNG CÁI ĐUÔI CON TRÂU, CON LỢN LỚN BẰNG CON VOI NHỠ
Cho pố, mế em được đón cái thằng rể hiền đầu đội cỗ chỉ toàn có tóc!
Chẳng có bạc cược cho pố, mế thì anh lên sàn tìm em anh lấy cắp
Em có về với anh không em ơi, em ơi…
Em mà không về, cái lưng cõng em nó rát giọt mồ hôi, nó khóc!
3.
Em ơi! Cái bụng anh thèm nói lời yêu mà sao không nhìn thấy em đâu
Cái ruột, cái gan anh đang gào hoài hơi trên ống sáo
Có thích nhau thì mới đi tìm nhau
Sao không thấy mùa này em về chơi hội
Em để cho dây đàn anh thiếu nốt vợ, nốt chồng
Hay là em chê anh?
Em chê anh thì cứ nói với nhau một lời!
Cứ nói với nhau một lời…
4.
Con săn (3) có ngoan bắt nhiều thú cho chủ làm canh
Con chim mi, con chim khiếu tốt sợ mường buồn biết hót cho mường vui rộn rã
Con chim sáo hay không quên bà chủ nhà
Cây lúa trổ bông nặng, bông to là biết thương cái giọt mồ hôi người đi nương, đốt rẫy
Ô! Cái mường mình vui là bởi có nhiều mùa hội
Nên cái tụi trẻ con lúc no trong ruột rồi nó nhảy chân chim!
5.
Cái váy đứa con gái nhớ yêu ai mà đan xéo rối cái đường thêu
Quả xà tích (4) nhớ ai mà pung pinh réo
Đứa trai bản tốt biết nhớ mường khi xa
Đứa gái bản tốt biết chờ chồng cạn con mắt khóc
Cái đuống mày đâm, cái ống mày trỗ (5)
Là tao nhớ mường, là mường nhớ tao!
Cái nhớ luôn mồm kêu tửng tưng trên dây đàn cò ke (6)
Cái yêu rộn ràng rên tỉ ti trong ống sáo
Là tao nhớ mày, nhớ mường lắm đấy!
6.
Ô! Cái mường mình ơi, cái mường ta ơi
Ta yêu mường vì pố, mế sinh ra ta ở đó
Pố, mế già pố, mế về núi
Pố, mế về núi có nhớ mường, có nhớ đàn con!
Ta lớn phổng lớn phang như cây măng vầu đốt mập là vì được làng chăm
Ta có cái nghĩ khôn là do sự bảo ban của người già tóc bạc
Ô cái mường của ta, cái mường của ta!
Ta yêu mày như hòn đá lở rồi vẫn còn lại vết vỡ trong ruột núi!
7.
Như con nai lạc bầy ngơ ngác giữa rừng hoang
Ta đi tìm cái hang của ta như con nai đi tìm mầm cây đắng
Ta không còn cha, ta không còn mẹ
Ta không có ruộng nương, không có chiêng đồng…
Nếu ta đã ngàn ngày trôi như chiếc lá
Thì, lá ơi xin hãy dừng chân!
8.
Ô mường ta ở đâu, cha ta ở đâu
Mẹ ta, anh chị ta ở đâu
Ta đang đói hơn con ma đói, khát hơn con ma khát
Cái đầu ta nhớ, cái tim ta đau
Ta như ngọn măng mới nhô con hổ đạp gãy
Ta như quả ớt vỏ đẹp nhưng trong ruột cay
Ô mường ta ở đâu, cha, mẹ, anh, chị ta ở đâu
Để tim ta buốt, để đầu ta đau!
9.
Con chim có đôi có lứa dám bay cao, bay xa
Con cá có đôi, có cặp tung tăng bơi lội
Con nai ngác ngơ có đôi có lứa không sợ thung sâu và thú dữ
Ta và nàng yêu nhau sao khổ thế nàng ơi
Đã cùng nhau tìm về nơi cuối đất, nơi cùng trời
Ta đã biết cái bụng nàng yêu ta
Biết cái điều bao tháng năm quả tim nàng bối rối
Cầu trời cho hai ta hóa thành hòn đá lặng câm không biết nói
Sáo hãy nói với nàng lòng yêu của ta
Hãy hát với nàng tình yêu của ta!…
Mường Xuân Đài, tháng Chạp, 1982
___________
(1) Hội Tú Mường: Tổ chức vào khoảng trung tuần tháng Giêng. Trong ngày hội trai, gái có tục tìm hiểu nhau qua các hình thức hát giao duyên gần giống với cách thức tỏ tình ở chợ tình của ngưới H’Mông
(2) Lời trong bài mo “Đẻ đất – Đẻ nước”.
(3) Con săn: Con chó
(4) Xà tích: Một loại trang sức chế tác bằng bạc trắng, công phu, và rất đẹp dành cho phụ nữ.
(5) Đuống: Vật dụng dùng đễ giã gạo. Đuống cũng đồng thời được sử dụng như một nhạc khí dân gian của đồng bào mường. Đồng bào mường vẫn tồn giữ các bài bản đâm đuống, trỗ ống rất đặc sắc.
(6) Đàn cò ke: Một nhạc khí dân gian mường.
Tự khúc
Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới
Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời
Tôi đã ngắm, đã tìm và đắm đuối
Trong hoang mang những Cánh – Đồng – Người
Những cánh đồng ngổn ngang và xanh tươi
Ông đã cày, cha đã cày, ta đã cày rồi con ta cày xới nữa
Gieo xuống những gì gặt hái những gì
Trong phì nhiêu có nắng, bão, nước và lửa
Một ngày
Một năm
Một trăm rồi một ngàn năm
Cày xới, gieo trồng, bón chăm đâu có gì lạ
Trên đĩa đèn loang loáng của kiếp người
Lúa ấy
Ngô khoai ấy và hoa trái ấy
Chất chồng cả máu và mồ hôi
Không có gì lạ!
Cả đam mê say và tỉnh
Không có gì lạ!
Cả nước mắt và tiếng cười
Không có gì lạ, em ơi!
Tôi đã đứng thẳng và khom xuống không chỉ một ngày
Đã đứng thẳng và khom xuống giữa chấp chới sát – na tối và sáng
Giữa đỏ và xanh
Giữa đen và trắng
Giữa đối nghịch và yêu thương
Đã cho
Và đã xin…
Tôi đã đến, đã gieo trồng, vun quén
Trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời
Tôi đã nhìn đau đáu
Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người!…
1996
Chợt nhớ Sông Cầu
Chợt nhớ một ngày xa lắc
Đi qua miền ấy Sông Cầu
Sương muối chiều đông ánh ướt
Bến thuyền ngây ngất hoa lau
Chợt nhớ ngày xa ấy mưa
Hạt bay khi tỏ khi mờ
Có chiếc thuyền đi vội vã
Để thương để nhớ lên bờ
Chợt nhớ ngày xa ấy gió
Đuềnh đoàng nón thúng quai thao
Chót bế bồng câu hát cũ
Qua cầu ngả nón trông theo
Chợt nhớ ngày xa ấy chiều
Hai bờ sương khói như reo
Em hát người ơi! Người ở…
Chưa hừ đã sóng xiêu xiêu!
Chợt nhớ ngày xa
Bỗng buồn
Bỗng buồn lòng còn vấn vương
Bỗng buồn rằng không ước hẹn
Với dòng sông ấy mà thương…
1996
Giấc phì nhiêu
Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người em đâm đuống em trỗ ống ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. Đây là non xanh, kia là thung xanh, con trâu thở hơi sương tung bọt dãi dưới vòm tre kẽo kẹt. Thằng bé đánh cù con cù quay tít. Ông ké già bà ké già tóc xòa như cước vẹo xiêu men đắng men nồng. Vũ trụ bơ thờ hương lửa. Ta và em đắm nhìn mê sảng giấc phì nhiêu
Nín nhìn chiếc đèn kéo quân xoay, quan xoay, lính xoay, quản tượng xoay, kẻ sĩ xoay vòng vo ngây dại, lũ nông ngư xoay chèo xoay lưới, con cá ngoắt đuôi xoay đuổi khôn cùng. Em tha thiết, em tươi nồng vũ trường chớp xanh chớp đỏ chợ chạ người anh khoe sức lực điền kẻ xem người trả. Em nhìn ta đăm đắm như buồn một thủa. Thánh thót loang dài nước mắt phì nhiêu…
Giật mình tỉnh thức: Ô! Chỉ là cơn mê. Cơn mê của mộng si níu giữ. Cuối bờ kia gầm gừ sóng phủ. Biển vẫn xanh cái xanh hoang như chưa bao giờ xanh thế, gió vẫn rung reo thao thiết đến vô cùng, con thuyền ra khơi và lưới và cá, vũ trụ phập phồng cái ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên. Giấc mộng của em của ta không là gì cả. Hiện. Và xóa. Không là gì cả! Không là gì… một nhúm phì nhiêu.
1966
Đi bên mùa lá rụng
“Nếu không còn gì ao ước ở trong tôi
Thì có nghĩa chả còn gì để mất”
Ônga Bécgon
Bên quê chị đã mùa động tuyết
Vít cong cây và trắng mướt trời
Nơi tôi đợi lại một mùa lá rụng
Những mảnh vàng gieo ánh cả vườn tôi…
Trang thơ cũ trước cây vườn tôi hát
Lóng lánh buồn, vui bên lá rơi
“NHẮC AI ĐI QUA DÙ ĐẦY ĐỦ LỨA ĐÔI
NHẮC CẢ NHỮNG AI ĐI CÔ ĐỘC TRÊN ĐỜI
TRÁNH ĐỪNG ĐỘNG VÀO CÂY MÙA LÁ RỤNG”
Ta cả tin, ta rất nhiều hy vọng
Kiên tâm trồng những tháp cát lên mưa
Mê mải thúc những con tàu rỉ sét
Phăm phăm hành khất – thế nhân – buồn!
Thưa chị, lá trên cành rụng đấy
Chúng loay hoay như một tiếng thở dài
Mơ lên mỏi cõi nhân sinh rúm ró
Giấc mơ vàng trong mắt lá mồ côi…
1996
_________
“…” Thơ Ônga Bécgon (Bằng Việt dịch)
Điệp khúc
Mỗi ngày
Mọi hiện hữu lại bước ra từ hư không
Ta cứ tưởng đã hiện hữu không còn lo thất lạc
Mỗi ngày
Những hình dung từ đến chào từ biệt
Như những chiếc lá vàng buồn và đẹp
Đã từng xanh muội mê xanh
Mỗi ngày
Sự minh triết cô đơn như gió
Sự minh triết càng chất chồng càng hoang vu như cỏ
Gió mãi loay hoay đi tìm mái nhà mình
Cỏ chen vật vã mưu sinh
Mỗi ngày
Đời người thêm một đoạn văn viết dở
Những hình hài như có như không
Chưa chợp mắt đã hoang đường hiện hữu
Đầy đường nhân nghĩa rêu rong…
Ta cứ lăm le Đóng – Đinh – Câu – Rút
Đắp – Thánh – Đường – Trong – Cõi – Nhân
Giá tình yêu vô tư như đất
Xoay vòng!
1997
Sông cũ
Và…
Nước mãi chảy mãi về phía biển
Những dòng sông không nghỉ bao giờ
Trăng non thế!
Trăng tơ non thế
Rót đôi bờ lênh loáng cả phù sa…
Ta đã thề không thèm day dứt
Sao đêm nay nước vỗ lên buốn
Những bãi phù sa mênh mang diều sáo
Bồi hồi mắt chớp lên ta!
Ta đã gặp những dòng sông câm lặng
Gìm trong sâu hút buồn vui
Đã ngược thác, đã trôi về biển
Đi hết ngày
Lại hoàng hôn thôi!
Ta đã gặp những miền phố mộng
Những Luy lâu meo mốc rêu phong
Đã hội họp những Chợ – Phiên – Thiện – Ác
Sao lại nhớ về
Nhớ một dòng sông?
Nước cứ chảy mãi về phía biển
Những dóng sông không ngủ bao giờ
Trăng non thế!
Trăng tơ non thế…
Và…
1997
Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Những câu thơ cay đắng nhất
Mang rất nhiều rủi ro
Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ
Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa
Đạn găm đầy hình hài
Nỗi đau không nói được
Bông cúc ta từng hái ở mùa thu
Khô xác gần 30 năm trong ba lô cóc cũ
Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh
Chả vàng được cho ai – Hoa cúc!
Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên
Bia rượu đầy mồm
Bia rượu đầy mặt
Bia rượu tràn trên đất
Đất trổ đầy rong rêu
Chả vàng được nữa đâu – Hoa cúc!
Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Mưa ký ức rơi như bài hát buồn
Mưa ký ức rơi vào bông cúc cũ
Mỗi cánh hoa như một oan hồn.
2002
Giọt thu tôi đếm
Một lá rơi
Hai lá rơi
Tôi ngồi đếm lá thu trôi lặng thầm
Một bàn chân
Mấy bàn chân
Cỏ thiên thu cỏ, chân trầm bụi đi
Đời người loáng chớp thiên di
Mây thì ước lệ. Đất thì chiêm bao
Thu như hơi rượu hồng đào
Em dâng tôi một hôm nào rất xa…
Một thu
Và, một thu và…
Tôi ngồi lắng giọt thu sa dịu dàng
2006
Đêm nghe gió qua vườn
Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Đêm nghe gió qua vườn
Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã
Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?
Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những- hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá
Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!
Thì mùa thu dường thong thả mở lòng
Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi
Ta hứa về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy
Nhắc những lời hoa rụng một ban mai…
05/ 11/ 2011
Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc
(Trích)
1.
Khi bạn hỏi Đất Nước tôi bao tuổi
Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi
Khi bạn hỏi về tầng sâu lịch sử
Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi
Như một cuộc trường chinh vĩ đại
Những ngấn bùn tụ hội ở Giao Châu
Những ngấn bùn thăm thẳm
Rất xưa
Và rất lâu
Những ngấn bùn bất khuất
Đắp bồi từ đớn đau
Những ngấn bùn kiêu hãnh
Chưa bao giờ cúi đầu
Máu tôi chảy trong lốt chân hy vọng
Của 50 người anh theo mẹ lên rừng
Da tôi trổ những bông tràm nhiệt đới
Giữa đoàn người xuôi biển giết Giao Long
Và tôi hát
Và tôi còn hát mãi
Khúc giao hoan của nòi giống Lạc Hồng
Và tôi hát
Xin cho tôi hát nữa
Ánh vàng phèn trên da thịt Tổ Tông
Mắt đẫm ướt dưới mây trời Lũng Cú
Chân đạp bùn se thắt Mũi Cà Mau
Cho tôi cúi trước bài ca của Mẹ
Của Tổ quốc tôi
Bùn bãi thơm màu…
2.
Những cơn lũ sạt nhà tốc cửa
Những cơn bão lật thuyền xác dạt người trôi
Những tháng hạn đồng hoang cỏ cháy
Vốn ngàn đời thách đố dân tôi
Nhưng
Bão, lũ hay đồng kia khô nỏ
Cũng chưa là gì trước những trận lốc đen
Chúng đã đến
Chúng đã từng tràn đến
Đen ngòm từ bắc phương
Sát phu
Hiếp phụ
Trấn trạch
Yểm bùa
Đoạt sừng tê
Cướp ngà quí
Dồn hiền dân mò ngọc dâng trai
Chúng nó đến
Bất từ trò khả ố
Cởi truồng xua quân bức chế Hai Bà
Tráo trở lọc lừa nàng Mỵ Châu trinh tuyết
Khói Loa Thành còn khét đắng tim ta
Chúng đã đến
Sẽ quen mùi
Còn đến
Từ đất liền
Từ phía biển xa
Muốn xóa trắng hình hài Tổ quốc
Cướp giật những đảo biển hiền hòa Hoàng Sa, Trường Sa
Chúng đã đến
Và chúng còn dọa đến
Biến chúng ta thành kẻ yếu hèn
Ép ta nghe cái luận lý ma cô rằng “chính quyền đẻ ra từ súng”
Ngậm ngọt đường trước Hữu Nghị Quan
Một buổi sáng tháng 2 năm 79
Bỗng rùng rùng nồng nặc lũ kên kên
Chim ăn xác khua tối rừng biên ải
Những bản làng nháo nhác súng rền vang
Những bản làng biên giới vốn bình yên nghe cón nước đếm nhịp chày bên suối
Xác bà mế ôm con gập ngang cối gạo
Từng đàn trâu khua mõ thở ven rừng chân dãy đạp mắt trừng không kịp khép
Chúng nó đấy
Bày kên kên tàn độc
Luôn mồm hô hữu hảo, láng giềng
Ve vãn anh, em tối lửa tắt đèn
Hiện nguyên hình loài chim ăn xác
Cái lý thuyết biển người
Cá thói quen bắt nạt
Ta chưa quên
Và, không bao giờ quên
Không thể quên
Không thể bắt ta quên
Chữ Sát Thát ông cha ta khắc thích
Lên những đôi tay gom tích ngấn bùn
Trên cuồn cuộn bắp gân đắp chiến tuyến Sông Cầu,
vát nhọn cọc Bạch Đằng giữ nước
Vẫn văng vẳng tiếng thiên sung Sát Thát
Ghìm chật lòng
Nhưng
Không bao giờ quên!
3.
Ai là bạn
Hãy đến với chúng tôi xoải chân trần trên cát
Lắng tiếng trở mình thao thức phù sa
Nghe suối thở dưới tán rừng châu thổ
Sưởi làn hương thắp tết ông bà
Xin bạn cứ ruổi rong thỏa thích
Suốt vòng cung đầy nắng nước non tôi
Cùng vỗ chiêng, cồng
Như vỗ những mặt trời nho nhỏ
Sẽ gặp đàn chim cổ tích bay ra
Bạn thử ướm bàn chân tõe ngón
Những bước bùn, bước mẹ, bước em tôi
Bạn sẽ hiểu vết bùn như máu đọng
Trên vai trần, trên tóc khét cha tôi
Tôi sẽ hát bạn nghe
Những làn chèo võng đêm thị rụng
Nhịp với trống quân trống quýt trống cò
Sẽ thở khúc nam ai
Sẽ mở điệu nam bình
Sóng sánh Sông Hương
Nối thuyền tình tím áo
Sẽ hát những niềm người thăm thẳm
Dưới vòm trời bát ngát Cửu Long Giang
Ôn ý chí anh hùng đi khẩn đất
Mở rộng dài cho câu lý bay lên
Tiếng cồng âm dương
Điệu hát
Giọt buồn
Đều hồn quê tôi đấy
Nó là hồn thiêng
Và, nó cũng hồn người
Ai là bạn sẽ tìm ra thơm thảo
Xoải chân cùng ngang dọc nước non tôi
Một đất nước
Giặc tan lại tới hồ trả kiếm
Nhân dân tôi không trả oán bao giờ
Lẽ nhân nghĩa tự hóa rừng kiếm sắc
Kết như tràm, như đước ngút ngàn kia…
Đất Mũi,13/7/2011
*Nguồn: Trang nhà Du Tử Lê – https: //dutule.com
Cháu Ngô Nhật anh Kinh Bắc chúc mừng bác Hoàng Quý đã lên chức ông Nội ạ! Chúc mừng cu tí và anh chị Hoàng Long – Kiều Trang! Chúc hạnh phúc toàn thể gia đình bác! Cháu và nhóm bạn đang đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê trên trang vuthanhhoa.net. Tuyệt vời! Một sự khảng định khách quan, thẳng thắn và sòng phẳng về Thơ Hoàng Quý của một ngôi sao lớn trên văn đàn miền Nam trước 1975 hiện sống và viết tại Mỹ. Một danh thi nói về thơ một danh thi dẫu rằng họ từng có một thời sống hai bên chiến tuyến.
Kính chúc sức khỏe bác và mong được đọc nhiều sáng mới, của bác!
Chúc mừng tin vui với nhà thơ Hoàng Quý và gia đình anh! Thế là anh, chị đã cháu nội, cháu ngoại tròn đầy. Nhớ năm anh và nhà thơ Nguyễn Đình Chiến xuôi qua Pha Đin ghé thăm, trong cuộc chuyện, tôi hỏi anh nghĩ về gia đình điều gì và thi ca của anh. Anh cười bảo, thơ tớ viết chỉ như những độc thoại trước tháng ngày gày guộc của tớ, chả có gì đáng kể. Tớ mong mỏi các con sống hạnh phúc và được sống lành. Rồi anh cười lớn, mẹ tớ dạy, trong đám đông các con phải biết bước lùi lại. Lời dạy ấy tớ lại truyền sang các con.
Thật bất ngờ khi được đọc những phân tích, nhận định ngắn, cô quánh nhưng rạch ròi và thẳng thắn của một tên tuổi thi ca, – nhà thơ Du Tử Lê. Bất ngờ hơn, trong cái cõi – giới thi ca lẫn lộn vàng thau, nhiều khi như chợ nát của chúng ta, người ta chỉ nói về tác phẩm của nhau bằng những lời rất ít thật thà. “Ông vái qua, bà vái lại”. Những giá trị thật của văn chương chưa / không được định giá sòng phẳng.
Giá trị thật của văn chương là những tác phẩm chứa đựng tính nhân văn. Tác phẩm mang những giá trị nhân văn không có chiến tuyến, không có bên này, bên kia., nó chỉ chứa đựng cõi người, nỗi người, tình yêu và những khao khát Người.
Nhà thơ Du Tử Lê chọn dẫn sau bài viết chùm 11 bài thơ của nhà thơ Hoàng Quý cũng đã đủ chứng minh một tiếng thơ vạm vỡ, mới, lạ và lớn.
Xin cám ơn nhà thơ Du Tử Lê!
Xin cám ơn trang văn của nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa!
NTA.
Xin gửi lời chúc mừng đến Nhà thơ Hoàng Quý và gia đình đã có thêm một thành viên mới, thế hệ tiếp nối một tài thơ. Một nhân cách văn sỹ, một đức độ nhân hậu giữa đời thường như ông, thật xứng đáng được trời, phật ban cho niềm hạnh phúc lớn này.
Bài viết của Nhà thơ, nhà phê bình Du Tử Lê – Một tên tuổi lớn trên văn đàn nước Việt – ngay từ tiêu đề đã khẳng định thật khách quan, thật chuẩn xác về ngôn ngữ thơ, tư duy thơ Hoàng Quý.
Đã rất nhiều bài viết về Thơ Hoàng Quý kể từ thời điểm ông ra mắt tập thơ đầu tiên, 1996 đến nay như Ngô Quân Miện, Giang Nam, Trinh Đường, Vân Long, Trịnh Thanh Sơn, Vũ Nho, Nguyễn Đình Chiến, Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Hồ Thu… rất nhiều nữa. Cả các nhà văn trẻ như Trịnh Sơn, Văn Thành Lê, Phạm Thuận Thành v.v. Tuy bình diện, góc nhìn từ các bài viết có những khác nhau, nhưng có thể khảng định đều là những bài viết nồng nhiệt, hứng khởi khi “chạm vào tiếng thơ họ Hoàng”. Và tất cả các bài viết đó đều có chung nhận định tiếng thơ họ Hoàng chứa đựng tư duy mới, mạnh mẽ, thậm chí đôi khi uyên ảo giữa những quen thuộc, dai dẳng, nhiều khi đều đặn của hơn nửa thế kỷ thơ Việt. Và hơn nữa, thơ họ Hoàng nhuần Việt, trong trẻo, sang, ngôn ngữ chắt gạn, sáng từ tinh hoa tiếng Mẹ chứ không lai căng (tất nhiên trong tiến trình tìm mới, làm mới, sự tiếp biến, học hỏi rất cần thiết và nên, dẫu thế không có nghĩa là gây méo mó thậm chí biến dạng tiếng Mẹ).
Du Tử Lê khách quan trong nhận diện tiếng Thơ Hoàng Quý.
Nhân góp vài suy nghĩ, xin chúc mừng cháu nội nhà thơ. Chúc niềm vui, sức khỏe tời nhà thơ và gia đình!
Chúc mừng vợ chồng Hoàng Quý đã có “đít nhôm”, có thành viên mới. Tuyệt vời!
Rất tán thành ý kiến của anh Nguyễn Chính: “…ngay từ tiêu đề đã khảng định thật khách quan, thật chuẩn xác về ngôn ngữ thơ, tư duy thơ Hoàng Quý”.
Anh “túm” được bài viết của em về Vũ Thanh Hoa, đọc thích lắm. Em khảng định thơ cô nữ thi sĩ là “Một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa” rất thuyết phục. Bài thơ “Cuối năm dọn nhà” của cô nữ sĩ đúng là một “bông Thảo Thi”.
Nhớ các em lắm. Chị Bích nhắc hoài. Ra Hà Nội một chuyến đi chứ. Các tài tử giai nhân Hà thành đọc bài viết của cụ Du Tử Lê rất đông, tranh luận rất thú vị.
Chúc sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc tới gia đình các em. Và chúc “thằng cu ngẩu đít nhôm”
hay ăn, chóng lớn mà tiếp nối đường văn của ông nội !
Chúc mừng anh Hoàng Quý (và chắc chắn là chị nữa) có đứa cháu nội đích tôn (chứ không phải chỉ có “cháu ngoại đích tôn” như MK! hì…), nghe nói cháu sinh vào giờ hoàng đạo, nặng đến 3,2 kg, ngoại hình cao ráo, đẹp trai và sáng sủa y chang ông nội. Chắc là sẽ “nối dõi tông đường” trở thành bậc tài hoa “ở cấp độ và xứng tầm thi sĩ” như ông nội cháu.
Chúc cháu mau ngoan chóng lớn. Chúc mừng hạnh phúc, sức khỏe cho anh chị và gia đình.
Nều có điều kiện, vợ chồng em sẽ qua VT thăm 2 mẹ con cháu.
Thân quí.
Em
Lê Thiên Minh Khoa.
Trước hết, xin cám ơn trang nhà của nữ sĩ Vũ Thanh Hoa đã đã mang đến tặng bạn đọc một bài viết về Thơ Hoàng Quý của Thi sĩ Du Tử Lê.
Những đánh giá như ông khảng khái “là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng bởi nhiều bất ngờ, lớn”. Phân tích tinh hoa chắt gạn chi tiết nghệ thuật, ngôn ngữ, tư duy thơ Hoàng Quý thuyết phục, khúc triết, ngằn gọn, ngay sau lời mở, và, những dòng vĩ thanh cuối đã nói rất đủ đầy. Thực là không dám hoan ngôn, hỗn ngôn.
Đọc, rồi lại đọc lại, cứ trì níu cái ý nghĩ riêng.
“Tôi ngồi nhắc sỏi đếm buồn
“Gió đi tìm khói chon von mấy đồi
“Mây kia ham sự nhất thời
“Bao nhiêu oan nghiệt mắt người ngước lên”
(Vô thanh – thơ Hữu Thỉnh)
Lại nữa:
“Giữa hai vùng tối sáng
“Thi nhân bước lên cầu
“Gió với bao đáng tiếc
“Sấp ngửa dạt về đâu”
(Thi nhân – thơ Hữu Thỉnh)
Vâng, thưa ông thi nhân, thưa ông cai làng văn Việt. Thi nhân ông bộc bạch có thế thôi nhỉ, Chỉ từng ấy thôi ư? Đứng giữa “hai vùng sáng tối” ông làm gì, ông là gì, ông chỉ than “Bao nhiêu oan nghiệt mắt người ngước lên”, an ủi khéo quá, ông cứ vẽ chuyện. “Gió với bao đáng tiếc/ Sấp ngửa dạt về đâu”. Ông thi nhân thương ai? Có khi, chỉ vài câu thơ thôi, anh không thể đậy điệm mãi cái nhân cách thực anh. Gớm, đọc lại cái câu thần chú “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Tự nhiên kinh. Thì ra no chán cổ súy, tự huyễn cái khẩu hiệu bề trên, ông lại than thở “Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối mang trí khôn ra mài rũa/ Tỉnh thức/ Những hàng cây bật khóc” (Thương lượng với thời gian – Hữu Thỉnh). Chao ôi! Những hàng cây đã đổ suối sông lệ, đang đổ và còn đổ vô vàn lệ nữa, bao nhiêu đời cây thực thà lương thiện không chỉ riêng kiếm sống, đâu có thời gian mà thương lượng, mà “tìm công danh” thưa ông thi nhân!
Chợt nhớ 4 câu thơ đề từ cho tập “Giả trang” của Hoàng Quý, ông viết:
“Hũ rượu rắn cạp nong, hổ lửa
“Chiều nay vui bạn rót lu bù
“Đêm rã rượu giật mình tự hỏi
“Nọc độc ta mời giết chết ai chưa?!”
Rượi rất thơm và quý lắm thưa Hoàng thi nhân. Hương rượi ngấu trong thơ ông sẽ thơm qua tháng năm…
Chúc mừng Hoàng thi sĩ có cháu nội! Chúc phúc lành tới gia đình thi sĩ!
Cám ơn trang văn vuthanhhoa.net!
Nhà thơ Hoàng Quý sống và viết lặng lẽ. Như tôi biết, lúc rảnh rỗi, ông cũng chỉ thi thoảng cà phê vỉa hè hoặc với hai họa sĩ Cao Vân Khánh, Đoàn Đức, hoặc với các anh Văn Ngọc, Hiếu Tân. Cả hai người bạn của ông là nhà thơ Nguyễn Đình Chiến và nhà thơ trẻ Trịnh Sơn thì một người đã mất, và Trịnh Sơn đã sang Mỹ năm ngoái với các anh, các chị của Trịnh trợ giúp việc làm, học hành. Ông viết rất muộn, 1982 mới viết bài thơ đầu tiên – “Ngẫu hứng qua Mường”. Năm 1996 mới ra mắt tập thơ đầu tiên “Giấc phì nhiêu”. Ông trọng bạn, trọng chữ, sống thiện. Có lẽ rất không nên mang thơ ông gợi với thơ bất cứ ai dẫu dù vì một lẽ gì. Thơ Hoàng Quý trong hơn 20 năm (viết đều tính từ 1996) chỉ trên dưới 300 bài, không nhiều, cũng không ít, nhưng đủ xác đáng như nhà Thơ Du Tử Lê gọi tên là ” đã gieo – trồng trên dặm trường thi ca đời ông”.
Chỉ xin có vài lời thưa.
Chúc mừng nhà thơ Hoàng Quý và gia đình được bận rộn hạnh phúc với cháu nội!
Cám ơn vuthanhhoa.net!
Tôi có may mắn được biết nhà thơ Hoàng Quý và được đọc khá nhiều thơ ông, kể cả những trang thơ còn nằm trên bản thảo. Thi sĩ Du Tử Lê, tôi cũng đã đọc song không nhiều nhờ qua các trang của bạn bè tôi mới được tiếp cận. Tôi đánh giá rất cao sự khảng khái, thẳng thắn và rất tình trong nhận xét và đánh giá của thi sĩ Du Tử Lê về thơ Hoàng Quý. Với Hoàng Quý, có ai hỏi ông về những trang viết của mình ông thường cười mà rằng, đời, đó là thứ trời cho (trò chơi). Ông nói thế nhưng trong mỗi con chữ, mỗi câu, mỗi bài là cả một Hoàng Quý, “lão lực điền trên cánh đồng văn chương” mà như bạn bè thường nói vui ông như thế. Và với ông, văn thơ không phải là thứ làm sang, bởi nó là người, là cuộc sống của đời. Khi bạn bè ngồi với nhau, lúc chén nước, điếu thuốc, ông vẫn hay bảo: Dân văn chương mà không thương nhau thì đừng nói ai thương mình. Ông cứ lùi về sau mà viết, ẩn vào đám đông mà viết và ông vẫn là ông, không lẫn. Vẫn là một Hoàng Quý rất riêng, chỉ có ở Hoàng Quý.
Chúc mừng nhà thơ Hoàng Quý lên chức ông. Chúc mừng niềm vui gia đình thêm thành viên mới.
Cám ơn nữ sĩ Vũ Thanh Hoa đã cho bạn đọc biết thêm một bài viết của những người cầm bút nghĩ, sống và viết về nhau.
Bác Huy Toàn tinh xui dại. Bác chúc anh cu ngẩu cháu nội Hoàng thi sĩ ra răng, ví thử thành doanh nhân cho mai sau cháu nó lên xe xuống ngựa, chứ chúc hay ăn chóng nhớn mần tiếp dặm trường ông nội thì… rất gay go. Hehe… Nguyễn Bính chả nói là gì: “Lớn lên con chớ làm thi sĩ v.v..”. Thôi chả chép câu sau của Nguyễn nữa. Em ví dụ nhé, năm Hoàng thi sĩ in tập “Ngang qua cánh đồng”, khi ông biên tập đọc đến bài “Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức” thấy câu kết “Mỗi cánh hoa như một oan hồn”, biết là phải thế, nhưng cứ ghê ghê. Nhỡ trên nó lườm, thụi quả trách nhiệm, lập trường, hoặc ngộ nhỡ thằng ti toe nó móc máy kiếm thính, cũng gay. Ông biên gặp và trao đổi để nhà thơ sửa cho hai chữ. Nhà thơ Hoàng Quý cười, bảo, nhà các bác cứ hay sợ gió máy, thì đổi thành “linh hồn” cho nó tránh aspirin {Aspirin – thuốc cảm, thuốc hạ sốt). Thế là “Mỗi cánh hoa như một linh hồn”. Giờ đọc trong chùm thơ danh thi Du Tử Lê chọn và giới thiệu đúng nguyên tác, rất sướng.
Đọc trang của nhà thơ Vũ Thanh Hoa đa thanh, rất thích.
Cám ơn được đọc bài viết định giá rõ hơn tiếng thơ họ Hoàng giữa “những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa” lộn xộn thật, giả hôm nay!
Chúc sức khỏe, hạnh phúc tới gia đình, anh “cu ngẩu đít nhôm” (mượn chữ bác Huy Toàn) và nhà thơ Hoàng Quý!
Bài viết rất hay!
Thơ họ Hoàng riêng một cõi.
Cám ơn vuthanhhoa.net!
22 năm trước, ngay sau thi tập đầu tiên “Giấc phì nhiêu” của Hoàng Quý, thi sĩ Trinh Đường đã viết đầy hứng khởi: “Hoàng Quý có một giọng thơ riêng, rất riêng. Hình ảnh trong thơ lạ do cảm xúc lạ của nhà thơ. Cùng một cảnh vật ấy, trong mắt Hoàng Quý đã biến ảo như trong một thế giới khác, gây buồn sâu hơn và gợi nghĩ nhiều hơn”. Tiếc rằng, khi Hoàng Quý in tiếp 3 tập thơ sau và thôi miên cõi giới với những trường ca “Đối thoại trắng”, “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” thì Trinh Đường – người thơ đầu tiên nhận chân một thi tài lạ, mới, vạm vỡ, đầy ma lực bước thẳng lên thi đàn Việt, ông lại đã đi xa, rất xa!…
Qua nhà thơ trẻ Trịnh sơn, nhà thơ Du Tử Lê – một trong năm vì sao lớn của Văn học miền Nam trước 1975, dù đang ở rất xa đã viết với “niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn”. Thật cảm động và cảm phục thi sĩ lão trượng Du Tử Lê, bởi tình yêu liên tài của nhà thơ đối với tiếng thơ họ Hoàng khi, ông đâu đã biết người. Buồn thay mùa xác xơ đức văn, buồn thay sự tự huyễn từ nhiều bài phê bình định giá tác giả – tác phẩm bội thực ngạo mạn của văn chương trong nước chúng ta!
Nhân biết tin nhà thơ Hoàng Quý vừa có cháu đích tôn, Xin chúc niềm vui, sức khỏe, hạnh phúc tới nhà thơ và gia đình!
Cám ơn vuthanhhoa.net!
Xin chúc mừng nhà thơ Hoàng Quý và gia đình niềm vui, hạnh phúc đón cháu nội. Chúc cháu yêu của nhà thơ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, thông minh dĩnh ngộ!
Qua trang mạng của nữ nhà thơ Vũ Thanh Hoa, tôi được đọc bài viết đầy cảm xúc nhận định về Thơ Hoàng Quý của nhà thơ Du Tử Lê – một tên tuổi nổi bật của thi ca Việt Nam hiện sống và viết tại hải ngoại. Ông không những công tâm trong nhận diện, mà còn trích dẫn chứng minh bằng một số bài thơ cụ thể, đại diện cho hàng trăm bài thơ vạm vỡ, sang trọng, lạ, đắm mê nhưng khúc triết, tư duy mới, dấu giọng riêng, rất riêng của nhà thơ Hoàng Quý. Do vậy, thêm một tầm nhìn, định giá công tâm cho/với thơ Hoàng Quý từ thi sĩ đại thụ Du Tử Lê. Thật đáng quý và đáng kính.
Tôi nghĩ, thơ họ Hoàng đã được đón nhận đầy ấn tượng và trọng thị ngay từ thi tập đầu tiên và trong hơn hai chục năm trở lại đây. Và thực ra, đã có nhiều đánh giá, khảng định tiếng thơ Hoàng thi sĩ. Nhưng cũng phải phải buồn lòng mà nói rằng, giữa giá trị thực văn, và hư văn đang ngày càng bào mòn lòng tin vào văn chương nước nhà. Xin trích dẫn khảng định nhưng cũng là tiên cảm của cố Nhà thơ – Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn trên 10 năm trước khi ông nói về Thơ Hoàng Quý: “Hoàng Quý là một thi sĩ tài năng bẩm sinh, giọng thơ rất riêng đầy ma lực và khác thường, một giọng thơ độc đáo, một tâm tưởng độc đáo và thi pháp độc đáo. Thơ của nhà thơ tài năng và lãng tử này rồi sẽ còn phải bàn đến vào lúc giá trị thật của thi ca được định giá sòng phẳng. Hoàng Quý là nhà thơ luôn mang nghĩa cử của một thi sĩ đích thực trong cái không gian sống đã chen chúc nhiều tệ hại”.
Xin cám ơn nhà thơ Vũ Thanh Hoa cho phép góp đôi điều suy nghĩ của tôi khi hào hứng và cảm kích đọc bài viết này của thi sĩ Du Tử Lê!
Sau khi học hết đệ nhị, ba, má tôi gom góp cho tôi lên Sài Gòn học tiếp tú tài. Nhưng năm ấy, 1974, cuộc chiến đã căng lắm. Tháng 11 năm 1974 tôi bị gom lính. Thế là sự học tôi dang dở. Từ thủa học trò tôi đã yêu và thích đọc thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn… Thơ phía bên kia thì khi ấy chỉ đọc được một ít Huy Cận, Hữu Loan, Nguyễn Bính… Mãi sau 1975 nhiều năm, tôi mới được đọc thơ của – xin lỗi chỉ là thói quen – nhiều nhà thơ Việt Cộng.
Khoảng trên mươi năm trở lại đây, tôi có đọc vài bài viết về các chuyến thăm viếng qua lại của các nhà thơ trong nước và các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ. Bạn cũ hải ngoại gửi cho cả tập thơ Nguyễn Duy in song ngữ ở Mỹ. Và hôm nay, từ một người bạn nói trong lúc chuyện vãn, tôi về tìm, và đọc được bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về thơ của nhà thơ Hoàng Quý. Tôi không biết có những bài viết nào, nhiều, ít, của các tác giả một thời từng hai chiến tuyến, nhưng, đọc được bài viết này của Du Tử Lê, đọc ngay những dòng đầu khi ông khảng khái, viết: “…là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn”, tôi thật sự xúc động. Du Tử Lê, một tác gia lớn, tôi yêu từ thủa còn là cậu học trò. Nay, đọc ông nồng nhiệt phân định tiếng thơ Hoàng Quý, xin thú thật, nó cho tôi “vỡ” ra rằng, những tác phẩm thấm đẫm nhân văn không có biên giới, không có chiến tuyến, không thể tô, vẽ, bôi, xóa.
Tìm thêm trong vuthanhhoa.net, tôi được đọc thêm bài “Trịnh Sơn với Mưa Đêm của Hoàng Quý”. Lại là Hoàng Quý!
Xin trích từ comment của Nick name là W, đã viết sau khi đọc”Trịnh Sơn với Mưa Đêm của Hoàng Quý” mà W được đọc đã rất lâu, trước tôi. W viết: “Trời sinh nhà thơ có dự cảm về lịch sử. Họ sống trước người đương thời, thấy trước người đương thời, sống lâu hơn người đương thời, và họ có khi chẳng bao giờ chết”. Mưa Đêm mà Trịnh Sơn giới thiệu, chùm thơ Hoàng Quý Thi sĩ Du Tử Lê chọn và giới thiệu, đọc cả 11 bài nhiều lần, đọc đi đọc lại nhiều lần hơn “Tự khúc”, “Sông cũ”, “Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức”, “Đêm nghe gió qua vườn”, tôi nghĩ, người bạn đọc (Nick name là W) đã nói đều cần nói.
Cám ơn!
Nhà thơ Du Tử Lê là một trong năm tác giả được chọn in trong “Thế kỷ xx: Thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập “World Poetry An Anthology of Verse From Antiquyti to Our Present Time” (Tuyển tập thi ca thế giới từ xưa đến nay) của NXB W.W.NortonYork, 1998.
Ở Viện Nam sau 1975: NXB Văn nghệ TPHCM in năm 2005 tập “Thơ Du Tử Lê”. Từ 2014 đến nay, Công ty truyền thông Liên Việt và NXB Hội Nhà văn đã in “Giỏ hoa thời mới lớn” và mới nhất là “Trường thi Mẹ biển đông” của Du Tử Lê.
Ông là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam. Hai nhà thơ đều có tên Quý được ông viết với sự đặc biệt trọng thị, là Hoàng Quý cùng chùm thơ ông giới thiệu này, và Trần Quang Quý thời gian gần đây với tập “Thơ Namkau”.
Và thật bất ngờ, cả Hoàng Quý và Trần Quang Quý đều là người con của Đất Tổ, Phú Thọ.
Nhân đọc bài viết của Du Tử Lê nhận định về Thơ Hoàng Quý, biết tin ông vừa có cháu nội đích tôn, xin chúc sức khỏe và hạnh phúc tới ông cùng gia đình!
Cố nhà thơ Nguyễn Đình Chiến từng nhận định về Thơ Hoàng Quý: Bài nào ông cũng gửi gắm được những tâm trạng, những suy ngẫm của mình về số phận con người và đặt cách lý giải những câu hỏi về kiếp người. Ông xông pha vào trung tâm của trận địa thi ca. Ấy là thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn, phức tạp, sâu xa, với những chấn động lớn và cả những rung động tinh tế, vi diệu nhất của con người” (Hoàng quý – Một chân dung thi sĩ). Và, nhìn sâu vào tinh thần, tính cách Hoàng thi sĩ in đậm trong thơ Hoàng, Nguyễn Đình Chiến viết: “Có thể nói Hoàng Quý là một trong số ít những nhà thơ cách tân đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại. Bản sắc trong thơ ông rõ lắm. Hồn Việt trong thơ ông thật đậm đà đằm thắm. Ông là một trong những gương mặt thơ ca đáng nể trọng hôm nay. Hoàng Quý luôn luôn sống hết mình. Ông là người cực kỳ nhạy cảm, dễ vui dễ buồn. Nhưng vui buồn, yêu ghét ở ông đều lên tới đỉnh”.
Nhân đọc bài nhận định về thơ Hoàng Quý của Du Tử Lê, thốt nhiên, tôi lục tìm bài viết của cố thi sĩ Nguyễn Đình Chiến viết về Hoàng Quý 11 năm trước, chợt nhận ra những gì tôi chưa tỏ tường về một nhân cách thi nhân, một tài năng chưa được đánh giá sòng phẳng của thành tựu Thơ Việt Nam hiện đại.
Chúc sức khỏe, hạnh phúc tới nhà Thơ Hoàng Quý cùng gia đình. Chúc cháu đích tôn của Hoàng thi sĩ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Và rất tán thành chúc phúc tại lời dẫn của chị Vũ Thanh Hoa: “Và biết đâu, sẽ lại một thi sĩ mang họ Hoàng nữa sẽ tiếp nối đường văn mà ông nội của cháu đã đi”!
Cảm ơn vuthanhhoa.net!
Sáng hôm qua, 15/8, tôi được ngồi ngắm nhà thơ Hoàng Quý với những bất ngờ. Ông, nhạc sĩ Hoàng Lương, nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa uống cà phê và trò chuyện ở ban công lầu 1 quán 11 Lê Văn Tám. Tuổi 68 mà ông thanh thoát, lịch lãm, cởi mở chứ không như những kẻ ganh tài đồn thổi. Nhạc sĩ Hoàng Lương vào phòng nhạc lấy một cây ghi ta. Nhà thơ Hoàng Quý lướt vài nốt dạo và bất ngờ cất tiếng hát. Tôi đã nghe nói về sự đa tài của ông. Nhưng đây quả là may mắn bất ngờ. Ông hát một ca khúc tự phổ thơ mình về mùa thu. Giọng khàn khê mà rất ấm, rất vang, cảm xúc rất sâu, rất đặc biệt. “… môi em dường đâu đây – vệt môi thơm mùa thu…”. Một vị khách ngồi cạnh bàn tôi cầm tách cà phê bước khẽ ra chiếc bàn góc ban công để ngắm và nghe nhà thơ. Tất cả các vị khách đều hường về phía nhà thơ, xúc động lắng nghe ông hát. Rồi ông hát tiếp một ca khúc nữa của ông viết về mưa. Giai điệu day dứt và tuyệt đẹp. “… nghe mưa còn đi phù du kiếp người – đêm nay lại về tìm lên thương nhớ – ta nghe đầy trời vang những giọt mưa…”
Tôi viết vài dòng này hy vọng gửi được tới ông, một nhà thơ tôi rất ngưỡng mộ. Và tôi cũng muốn được nói thêm rằng, không chỉ riêng thơ, âm nhạc của hai ca khúc ông tự phổ cho thơ mình và hát sáng qua mà tôi bất ngờ được nghe trực tiếp thật quá tuyệt vời. Một E nhạc trong vắt. Một chút hơi thở gì đó lắng sâu như từng nghe Trịnh Công Sơn hát.
Xin cám ơn một buổi sáng bất ngờ, một buổi sáng tuyệt vời tại 11 Lê Văn Tám!
Chúc sức khỏe nhà thơ Hoàng Quý, cháu nội bé bỏng và gia đình nhà thơ!
Đã lâu tôi mới có dịp dành trọn được vài giờ đọc trang vuthanhhoa.net. Dẫu vậy, trang của nữ thi sĩ vẫn cập nhật được bài hay, thậm chí rất hay, lần này là bài viết rất đặc biệt của Du Tử Lê. Tôi nói đặc biệt, vì, Du Tử Lê (như trong “trang nhà” của ông tôi thường đọc khi có thời gian) thì, mặc dù ông giới thiệu rất nhiều tác giả, không có ai được quan tâm với “niềm hứng khởi” như Hoàng Quý, hơn thế, còn là “niềm hứng khởi mạnh mẽ”. Ở tầm vóc Du Tử Lê, không dễ Thơ của ai đó làm ông phải reo vui “khi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn”. Bài của Du Tử Lê không nhiều chữ nhưng đậm đặc hàm lượng kiến văn và những phân định minh trí về tiếng thơ đặc biệt và khác thường này. Thật ra, những bài thơ Du Tử Lê chọn, giới thiệu đi kèm, có lẽ chỉ là số ít tư liệu Du Tử Lê có được “qua nhà thơ trẻ Trịnh Sơn”. Sự cách trở giữa tư liệu văn chương trong nước và các tác gia hiện sống ở hải ngoại là có thật, là khó có thể trọn vẹn, đó là một thực tế buồn. Tệ hơn, cơn bão “bài rởm – chữ giả” và “bức – tường – vô – hình – vô – ảnh” ngăn cách những giá trị nhân văn tiếp cận nhau, tìm đến nhau như mong mỏi của những Người – Văn.
Tôi không muốn nói thêm về điều vừa nói. Chẳng ích gì, chí ít đến thởi đoạn này. Tôi muốn nói rằng, nếu Du Tử Lê có thêm được những “Đối thoại trắng”, “Viết ở Loa thành”, “Thị Kính bây giờ đã mấy mặt con”, “Mùa xuân trong mắt”, “Trong Bảo tàng Chăm”, “Hãy gọi tên em là Buổi Sáng”, “Trăng sông Trà”… và bao nhiêu bài thơ rất, “rất khác” nữa của Hoàng Quý thì bài viết của ông sẽ còn “hứng khởi” nhân lên trước một giọng thơ “riêng,rất riêng” (chữ của Trinh Đường), mà như cố thi sĩ Trinh Đường từng kêu lên khi đọc Hoàng Quý, rằng “…trong mắt Hoàng Quý đã biến ảo như trong một thế giới khác, gây buồn sâu hơn, và gợi nghĩ nhiều hơn”. Thực ra, không phải trong thế giới khác như cách nói cẩn trọng của Trinh Đường, nó là thế giới thực.
Tôi những muốn qua trang nữ sĩ Vũ Thanh Hoa góp thông tin tới Du Tử Lê, rằng, nhà thơ tài năng không ít, luôn luôn sinh ra, còn sinh ra. Nhưng nhà thơ tài năng và nhân cách tử tế thì rất, rất ít. Hoàng Quý là bậc người hiền trong số ít ỏi ấy. Hãy tạm điểm danh để chứng minh: Toàn bộ tiền thưởng Giải Nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2003 trao cho thi tập “Ngang qua cánh đồng”, Giải Nhì 50 năm Văn học Biên Phòng 2008, Giải Ba cuộc thi lớn Thơ về Hà Nội – Kỷ niện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hoàng Quý đều tặng Hội những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, tặng Mái ấn đồng bào nghèo biên giới – hải đảo, tặng Trường học sinh khiếm thị Hai Bà Trưng Hà Nội.
Ngày xưa, Trịnh Công Sơn rất trọng những tài nhân. Nhưng, Trịnh còn vô cùng trọng sự tử tế. Không chỉ tài năng, Hoàng Quý là nhà thơ chân tài và còn là một nhân cách thi sĩ tử tế. Vì vậy, với tôi, ông là Bậc – Người – Hiền!