Xã hội không tưởng là một xứ sở tưởng tượng, do Thomas More hư cấu và miêu tả trong cuốn Utopia (1516) của ông. Đó là một xã hội khác hẳn xã hội của chúng ta, một thế giới về mọi mặt ưu việt hơn thế giới thực tại. Khái niệm ấy bây giờ xem chừng đã lỗi thời vì tư tưởng không tưởng ngày nay bị ngờ là có khuynh hướng chuyên chế.
Mơ ước viễn vông đó về một xã hội lý tưởng, từ lâu được coi là điều kiện cần thiết để phát triển đầu đủ những tiềm năng của con người, đã trở thành một ác mộng đối với nhiều người. Cách dùng từ ‘không tưởng’ ngày nay trong ngôn ngữ hàng ngày cũng phản ánh sự mất tín nhiệm của nó hiện nay. ‘Không tưởng’ đã trở thành đồng nghĩa với việc mưu cầu cái không thể có, với những tham vọng không thực tế, những dự án thái quá, không thể thực hiện, tóm lại với một cái gì viễn vông. Đối với nhiều người, những cách nhìn không tưởng đã chết hẳn rồi…
Quan niệm như vây có thể là quá sớm. Tư duy lịch sử, chính trị và triết học ngày nay chưa hoàn toàn mất hết những khía cạnh không tưởng của nó. Tuy chủ nghĩa không tưởng đã bị nên án về những sai lầm tư tưởng mà nó khuyến khích song điều ngược đời là nó vẫn là điều kiện không thể thiếu giúp ta hình dung ra những mô hình khác có thể có trong tương lai.
Ở trung tâm lịch sử
Trái ngược với điều ta thường nghĩ, không tưởng phải là một hình thức văn học thoát ly thực tế mà là tác phẩm của những tác giả gắn bó sâu sắc với những thực tại chính trị, xã hội và kinh tế của thời đại mình. Mục đích của hầu hét các tác phẩm không tưởng là thúc giục người ta suy nghĩ một cách phê phán về thời đại mình. Những xã hội lý tưởng miêu tả trong các tác phẩm ấy bao giờ cũng có một mối liên quan như thế nào đó với những giá trị trong thế giới xung quanh họ.
Bản thân Thomas More là một nhà nhân văn, nhà ngoại giao và nhà chính trị, làm tới chức thủ tướng nước Anh. Hòn đảo tuyệt diệu mà ông miêu tả trong cuốn Utopia của ông là nơi tồn tại một xã hội lý tưởng, tương phản với những phần miêu tả một nước Anh bị hủy hoại vì nghèo nàn, thuế khóa và cướp bóc. More đã bị mất đầu vì sự tố cáo táo bạo của mình. Từ trong ngục tù, tác giả Ý Tommaso Campanella đề xuất cộng đồng lý tưởng trong cuốn Thành phố Mặt Trời (1602) của ông để chống lại cái xã hội bất công thời ông, và ông thậm chí còn tìm kiếm sự ủng hộ để biến những ý tưởng của mình thành thực tế. Cuốn Oceana (1656) của James Harrington là một thách thức đối với nước Anh của Cromwell. Francis Bacon, nhà chính khách và triết gia, trong cuốn New Atlantis (1627) của mình, đã vẽ ra một chương trình hành động chính trị cho một nhà quân chủ sáng suốt.
Lịch sử có thể là nguồn khơi gợi nên những thế giới tưởng tượng này, nhưng một số xã hội không tưởng đã ảnh hưởng ngược lại đến lịch sử. Đối với Thomas More – viết sau cơn choáng váng của cuộc gặp gỡ giữa người Châu Âu với Châu Mỹ –cái không còn có thể thực hiện tại Thế giới cũ sẽ phải được thực hiện tại Thế giới mới. Trong thực tế, đã có nhiều mưu toang thực hiện các ý tưởng của ông tại Mỹ latinh trong thế kỷ 16, từ những công xã nông nghiệp và thủ đô do Giám mục Vasco de Quiroga lập ra tại Michoacan ở Mêhicô đến đất nước lý tưởng ‘Verapas’ (‘Hòa bình thực sự’) mà Bartolomé de las Casas tìm cách tạo lập tại Chiapas. Ở thế kỷ 19, đã có nhiều mưu đồ thiết lập những cộng đồng xã hội chủ nghĩa không tưởng tại Anh, Pháp, Mỹ, Mỹ latinh.
Phê phán hiện tại để thay đổi tương lai
Mọi đề án cho một xã hộ lý tưởng đều là một mưu đồ sáng chế tương lai. Đó là điều làm cho không tưởng khác với hệ tư tưởng. Theo Karl Mannheim, tác giả cuốn Hệ tư tưởng và Không tưởng (1929), không tưởng mang một thông điệp hy vọng hiểu theo nghĩa nó là dấu hiệu về một sự thay đổi khả thể. Trong khi hệ tư tưởng chỉ truyền bá thế giới quan của lớp người cầm quyền thì không tưởng, do chính bản chất lật đổ của mình, chống lại quyền lực hiện có và phản đối cái thực tại mà quyền lực ấy áp đặt.
Một số tác giả coi sự cùng khổ và sự phản kháng do cùng khổ dấy lên, là đồng minh lớn nhất của người không tưởng. Theo E.M.Cioran, tác giả cuốn Không tưởng và lịch sử (1960) và là người phê phán sâu cay những giá trị hiện đại và văn minh phương Tây, ‘suy nghĩ điên rồ của người nghèo khó làm cho sự vật chuyển động…; một đám người nóng đầu mong muốn một thế giới khác ở ngay dưới trần thế này và ngay tức khắc. Chính họ là những người khởi nguồn cho các thuyết không tưởng và chính vì họ mà các thuyết không tưởng được viết ra’.
Ngoài ra, yêu sách không tưởng có lẽ còn là nguồn gốc sinh ra nhiều tiến bộ xã hội. Nhiều cải thiện gần đây về cuộc sống từ lâu đã bị coi là những điều điên rồ không tưởng. Về thời gian lao động, bình đẳng nam nữ, bảo hiểm xã hội, tổ chức vui chơi giải trí hay bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị và những nguồn năng lượng thay thế, More, Campanella, Bacon và những người khác ngày nay có thể được coi như những nhà tiên tri mà những mơ ước trong một số trường hợp đã trở thành sự thật.
Nhưng thực tế ấy hoàn toàn không phải chỉ có những khía cạch tích cực. Trong thế kỷ 20, có một số khía cạnh của tư duy không tưởng trở thành hiện thực khiến ta phải lo lắng, thậm chí khiếp sợ. Nhiều tác phẩm đã miêu tả tình trạng máy móc hóa cuộc sống ngày một gia tăng, quan liêu hóa, phi nhân hóa cá nhân, sự khống chế và xâm nhập ngày một mạnh của nhà nước, và đã tố cáo những vi phạm tự do đó như một sự tha hóa đáng sợ.
Những tác phẩm ấy thường khuyếch đại sự phê phán của chúng đối với điều kiện sống hiện tại tới mức độ châm biếm bằng cách đưa chúng vào trong tương lai: một tương lai không giống tương lai trong các thuyết không tưởng duy tâm cổ truyền, không còn tươi sáng nữa mà là nguy hiểm, đáng sợ, như ác mộng. Những tác phẩm thuộc trường phái bi quan này, có thể gọi là phản không tưởng cũng được, gồm các cuốn Chúng Ta (1924) của Eugène Zamiatine, Brave New Word (Thế giới mới tốt đẹp – 1946) của Aldous Huxley, 1984 (1949) của George Orwell và Fahrenheit 451 (1954) của Ray Bradbury.
Những cuốn sách trên đây, nhà quân chủ ân cần trong những tác phẩm không tưởng cổ điển nhường chỗ cho tên bạo chúa chà đạp lên các quyền của con người nhân danh trật tự và an ninh quốc gia, và đi tới mức xâm phạm lương tri con người, phủ nhận đời sống riêng tư và mọi hình thức tồn tại của cá nhân.
Các thuyết không tưởng trước thực tế
Phân tích cách các chế độ chuyên chế áp đặt một xã hội được coi là duy lý bằng vũ lực của bộ máy nhà nước, Karl Popper đã đi đến chỗ đặt câu hỏi phải chăng chế độ chuyên chế là một điều kiện cố hữu của không tưởng. Nhân danh chủ nghĩa duy lý và chũ nghĩa duy tâm, nhà không tưởng một khi lên cầm quyền bao giờ cũng trở thành giáo điều.
Theo nhà triết học Nga Nicolas Berdiaev (mất năm 1948), ở thế kỷ 20, các thuyết không tưởng tỏ ra dễ đạt tới hơn người ta tưởng trước đó bởi vì hiện tại đầy rẫy những xã hội không tưởng chuyên chế. Do đó mà ông đặt ra một câu hỏi đầy lo lắng : làm sao tránh được việc thực hiện cái không tưởng?
Điều nghịch lý là không phải những thuyết không tưởng thực tế nhất, tức là dễ thực hiện nhất, lại là những thuyết trong quá trình lịch sử đã có nhiều ảnh hưởng nhất hoặc đã thúc đẩy người ta thử thực hiện nhiều nhất. Tư tưởng hết sức độc đáo của Charles Fourier, tác giả cuốn Nouveau Monde amoureux (Thế giới tình yêu mới) đã có một ảnh hưởng vang dội theo cả hai hướng đối lập nhau. Một mặt, các môn đệ của ông thiết lập các cộng đồng trung thành với các nguyên lý tự do của ông tại Mỹ, Braxin, Achentina, và Mêhicô. Mặt khác, phong trào siêu thực say mê tính chất lật đổ và tiên đoán tương lai của học thuyết Fourier chính ở chỗ họ coi chúng là viễn vông.
Dù bị đối chiếu hay không với sự thử thách của thực tế hay có ‘sức mê hoặc của cái bất khả thể’, quan điểm không tưởng hình như vẫn là một trong những động cơ của lịch sử. Sau cùng, không tưởng là thước đo niềm hy vọng đẩy loài người tiến lên.
Tuy đối lập với mọi xã hội duy tâm, Cioran vẫn thừa nhận rằng không tưởng nằm trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc cho con người. Thế nhưng ông lại phủ nhận ngay khái niệm hạnh phúc mà ông coi là cái đã gây ra biết bao bi kịch lớn trong lịch sử. Là sản phẩm của lịch sử, hầu hết các thuyết không tưởng theo ông đều thoái hóa thành bạo ngược và nô dịch.
Vậy phải chăng lịch sử của thuyết không tưởng là lịch sử của một hy vọng bị tan vỡ nhưng vẫn sống dai dẳng? Theo nhà bình luận Ý Ignazio Silone, một thế giới không có khía cạnh không tưởng thì khác nào một vũ trụ khép kín, ngột ngạt, và sẽ dẫn đến một sự trì trệ tệ hại hơn cả sự điên rồ. Nhà thần học Mỹ Paul Tillich còn dứt khoát hơn: ‘Không có các thuyết không tưởng để mở ra các khả năng thì hiện tại sẽ tù đọng, cằn cỗi… Không có những thuyết không tưởng thì một nền văn hóa sẽ nhanh chóng rơi trở lại quá khứ. Hiện tại chỉ sống động đầy đủ trong sự căng thẳng giữa quá khứ và tương lai’.
Ngược lại, một nhà lý luận hiện đại về không tưởng, Ernst Bloch lưu ý mọi người đến những nguy cơ của một sự ‘lạc quan tự động’, một ‘niềm tin mù quáng và thiển cận ở tương lai’. Ông thích một sự bi quan thực tế hơn là lạc quan giả dối. Theo ông, những thuyết không tưởng xã hội không nhất thiết dẫn đến tha hóa, mà chúng có thể trở thành một phong trào cụ thế, giải phóng, với điều kiện chúng thể hiện một lập trường sáng suốt, hoàn toàn không có chút gì phiêu lưu.
Thế giới lý tưởng và thế giới ác mộng
Những xã hội thay thế mà các trước tác không tưởng đề ra đa dạng hơn rất nhiều so với khái niệm mà từ này gợi cho ta. Ngày nay từ này thường được dùng để chỉ tình trạng vô chính phủ hoặc chuyên chế, tự do hoặc độc tài, một thế giới lý tưởng hay một thế giới ác mộng. Tuy nhiên, về cơ bản chúng có thể được xếp thành hai loại : không tưởng về trật tự và không tưởng về tự do. Nói một cách đơn giản, More đề xuất loại không tưởng xây dựng trên tự do, còn Campanella đề xuất loại không tưởng dựa trên trật tự. Loại thứ nhất miêu tả những ‘trạng thái lý tưởng’ của con người (không tưởng dựa vào truyền thống dân gian và cách mạng), loại thứ hai miêu tả ‘con người lý tưởng trong nhà nước’ (không tưởng về thể chế và tập thể, thậm chí chuyên chế). Lo sợ xảy ra những xã hội không tưởng chuyên chế nhiều khi làm ta quên mất tiềm năng giải phóng của loại thứ nhất.
‘Muốn gì làm nấy’ là phương châm của tu viện Thélème, thiên đường khoái lại mà Rebelais miêu tả trong cuốn Gargantua et Pantagruel. Nó có thể dùng làm tiếng kèn tập hợp cho mọi thuyết không tưởng về tự do, từ thời Phục Hưng qua một số hình thái chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ 19 cho đến những cộng đồng không tưởng ngày nay, đem đến cho chúng ‘ánh sáng của mơ ước và say mê’, như lời William Morris, tác giả cuốn News from Nowhere (1890). Điều kỳ diệu ấy lấp lánh như ngọn lửa trong mọi tác phẩm trong đó khát vọng tự do đấu tranh để vượt qua mọi trở ngại duy lý muốn thủ tiêu nó hay phủ định nó.
Đối với những nhà không tưởng ấy, nhiệm vụ là phục hồi con người với đầy đủ bản chất của nó. Trong cuốn Basiliade (1753) của Morelly, tất cả những gì cản trở tự do của cá nhân đều bị bãi bỏ: không còn sở hữu, chính trị, hôn nhân, đặc quyền lẫn luật pháp. Cuối cùng con người sống trong sự hài hòa với tự nhiên. Một công cuộc tìm kiếm sự giải phóng hoàn toàn tương tự như vậy ngày nay lại xuất hiện trở lại trong tác phẩm của nhà văn viễn tưởng Mỹ Ursula Le Guin, đặc biệt trong tác phẩm The Dispossessed (1974) của bà. Xã hội không tưởng được miêu tả trong đó làm dấy lên cả hy vọng lẫn khiếp sợ, nói lên tâm trạng bất bình hiện tại mà nó gây ra.
Có lẽ phải khắc phục cho được tình trạng hai mặt đó thì mới có thể nắm bắt lại được sức sống và tính năng động giải phóng của ước mơ không tưởng ban đầu.
FERNANDO AINSA
Nguồn triethoc.edu.vn
Nói một cách khác:
Người không tưởng là người đi trước người thường … vài bước.
Cái khác giữa viễn tưởng và không tưởng là cái thực dụng, baby steps và operational Plan của VT ( set goals, create structure and process maps around it to achieve these goals)
Nói cách thực dụng: một người ngồi ở Sea Breeze mơ xuống cân, và người khác đi bộ từ bến tàu cánh bườm tới gánh Hào …. Và mơ tới số calories đang tiêu.
Haha