Thạc sĩ Đặng Cao Sửu bình “Trăng xưa”

VTH – Đó là thời gian mình đang rất buồn và chống chếnh khi vừa chia tay một cuộc tình nhiều kỷ niệm… lang thang một buổi chiều ở Bãi Trước – Vũng Tàu và bài thơ Trăng xưa ra đời… Mình không ngờ rằng bài thơ đã nhận được nhiều đồng vọng… Mời quý vị đọc bài bình Trăng xưa của thạc sĩ Đặng Cao Sửu trong nền nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Thiên Toàn:

ĐỌC VÀ CẢM NHẬN “ TRĂNG XƯA” CỦA VŨ THANH HOA.

“Trăng xưa” là tiếng lòng của nhà thơ Vũ Thanh Hoa nhớ về một tình yêu đẹp sống mãi trong ký ức. Lời bài thơ nhẹ nhàng, lắng đọng và giàu sức ám ảnh:

hoa7.11 (5).jpg

“ Em lang thang một mình bên biển vắng
Chiều hoàng hôn tim tím cả đất trời
Sóng nhè nhẹ ru cát vàng lặng lẽ
Giữa mây hồng thấp thoáng hải âu bayDelicious Photograph 2009.03.08

Lặng phút giây rồi hoàng hôn dần tắt
Nhường ánh trăng vằng vặc của đêm về
Gió êm ả dịu dàng trăng lan tỏa
Rắc nỗi buồn trong từng cánh hoa rơi

Trăng vẫn thế, biển ngày xưa vẫn thế
Góc phố quen, con đường nhỏ bồi hồi
Cà phê đắng, từng giọt rơi nhè nhẹ
Kỷ niệm về còn in dấu hôn môi

Trăng vẫn thế, cả đất trời vẫn thế
Vũ trụ thênh thang, nhân loại bộn bề
Giữa hoang phế những mầm cây vẫn hát
Chỉ chúng mình là đã khác ngày xưa”

26.9.2006
Vũ Thanh Hoa

Mở đầu bài thơ là những câu thơ tả cảnh:
“ Em lang thang một mình bên biển vắng
Chiều hoàng hôn tim tím cả đất trời
Sóng nhè nhẹ ru cát vàng lặng lẽ
Giữa mây hồng thấp thoáng hải âu bay.”
Cảnh đẹp nhưng buồn. Không gian mênh mông và con người như đang rợn ngợp trước vũ trụ. “ Em” mang riêng mình nỗi cô đơn giữa trời mây sông nước. Khổ thơ sử dụng nhiều từ láy “lang thang” “tim tím” “lặng lẽ” “ thấp thoáng”. Mỗi câu thơ là một từ láy. Thơ Vũ Thanh Hoa thường vẫn vậy. Ta bắt gặp trong thơ những từ láy đầy nữ tính, hiện đại, giàu sức ám ảnh.
Khổ thơ thứ hai vũ trụ như rộng, mờ ảo, và thơ mộng hơn với sự xuất hiện của vầng trăng. Bước đi của thời gian gắn liền với bước đi của tâm trạng. Nỗi buồn như da diết và sâu lắng hơn. Vũ Thanh Hoa đã có hai câu thơ thật xuất thần diễn tả được hình ảnh mênh mang, bàng bạc của vầng trăng và nỗi buồn.
“ Gió êm ả dịu dàng trăng lan tỏa
Rắc nỗi buồn trong từng cánh hoa rơi”
Người con gái trong thơ như đang nếm trải nỗi buồn của riêng mình qua từng kỷ niệm. Cô dạo bước trong ánh trăng hay trong vùng trời kỷ niệm? Chỉ biết cô buồn lắm trước những biến đổi của cuộc đời, cảnh cũ còn đây nhưng tình yêu đã vụt cánh bay xa:
“ Trăng vẫn thế, biển ngày xưa vẫn thế
Góc phố quen, con đường nhỏ bồi hồi
Cà phê đắng, từng giọt rơi nhè nhẹ
Kỷ niệm về còn in dấu hôn môi”
Không phải đến Vũ Thanh Hoa mới có những vần thơ tả cảnh ngụ tình nhuốm màu tâm trạng thế. Từ xa xưa người phụ nữ trong thơ cổ điển cũng đã tê tái lòng mình trước cảnh còn, nhưng người đã xa:
“ Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xa xa những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
( Chinh phụ ngâm )
Nhưng ta có thể lý giải được. Tình yêu thời nào cũng vậy, vẫn là những nhịp đập bồi hồi của những trái tim.
Khổ thơ cuối đến thật tự nhiên và hoàn thiện chủ đề của bài thơ.
“ Trăng vẫn thế, biển ngày xưa vẫn thế”
“ Trăng vẫn thế, cả đất trời vẫn thế”
Hai câu thơ như một điệp khúc khẳng định sự mênh mông và vĩnh hằng của đất trời để rồi lắng sâu trong một thực tế lạnh lùng, khắc nghiệt:
“ Chỉ chúng mình là đã khác ngày xưa”
Nỗi buồn như nhân đôi trước sự vĩnh hằng của vũ trụ, còn tình yêu chỉ một lần đến rồi đi. Cả bài thơ là một điệp âm buồn, nỗi buồn của hoài niệm và một tình yêu đẹp đã vỗ cánh bay xa.
Toàn bài thơ chỉ có một câu thơ toát lên niềm lạc quan, một niềm tin về tương lai:
“ Giữa hoang phế những mầm cây vẫn hát”
Trịnh Công Sơn lắng nghe nỗi buồn của sỏi đá: “Làm sao em biết sỏi đá không đau”. Vũ Thanh Hoa lắng nghe những mầm cây ca hát; “Giữa hoang phế những mầm cây vẫn hát”. Hai tâm hồn của hai thế hệ đã gặp nhau ở một điểm: Tình yêu đối với cuộc sống thật tha thiết. Một câu thơ đã sưởi ấm cho nỗi buồn trùng điệp trong toàn bài thơ. Cô gái như quên đi sự mênh mông của vũ trụ, sự lạnh lùng của dòng đời (Vũ trụ thênh thang, nhân loại bộn bề) để cất lên tiếng hát dẫu trên mình vẫn mang vết thương của mối tình sầu.
Bài thơ không chỉ là nỗi đau của tình yêu mà còn là triết lý của phận người giữa cuộc đời. Cuộc sống thì vĩnh hằng ( trăng vẫn thế, biển ngày xưa vẫn thế) còn đời người thì hữu hạn, vô thường (Chỉ chúng mình là đã khác ngày xưa). Bài thơ như một nốt trầm gợi cho chúng ta nỗi buồn về thân phận làm người. Trong bài thơ có nỗi buồn về tình yêu và thân phận. Nhưng nỗi buồn trong bài thơ không làm cho ta nản lòng mà như gọi ta dậy để hát mãi những bài ca về thân phận của đời người trong cõi tạm. Đó chính là giá trị nhân văn của bài thơ.
Chúng ta hi vọng cô gái trong bài thơ sẽ tìm được một tình yêu đích thực, bởi tình yêu chân chính sẽ giúp chúng ta chiến thắng nỗi buồn phù du của một đời người.

Quy Nhơn, ngày 16 tháng 7 năm 2011
Thạc sĩ Đặng Cao Sửu

Bài đăng trên nhavantphcm tại đây

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu