Scandal và văn nghệ sĩ – Vũ Thanh Hoa

VTH – Một vấn đề khá “nhạy cảm” trong các diễn đàn gần đây qua góc nhìn của Vũ Thanh Hoa trên chuyên mục “Văn hóa – Nghệ thuật” của Báo Bà Rịa Vũng Tàu Chủ nhật số 13 ngày 17/4/2016 (tại đây), mời bạn đọc:

SCANDAL bai baoA

SCANDAL VÀ VĂN NGHỆ SĨ

Scandal luôn gắn với giới nghệ sĩ?

Những chuyện tình ngang trái, chuyện bê bối tình dục, chuyện nợ nần tiền bạc… mà ta gọi nôm na theo phiên âm tiếng Việt là “Xì-căng-đan” (scandal) xảy ra hàng ngày ở mọi quốc gia, rơi vào mọi tầng lớp trong xã hội. Nhưng một số người vẫn quan niệm rằng scandal luôn gắn liền với giới văn nghệ sĩ, đến mức những ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà không “dính” một vụ scandal nào đó coi như “hiện tượng lạ”!

Những nghệ sĩ Việt dính nhiều Scandal

Một số nghệ sĩ Việt dính nhiểu scandal – Ảnh Internet

Khi quyết định đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ sĩ nào cũng mong muốn những  cống hiến của mình đến được với số đông công chúng và hân hoan khi được giới làm nghề ủng hộ, ghi nhận. Một gương mặt mới để được biết đến, người tham gia nghệ thuật cần phải tạo ra một sự chú ý. Và mỗi nghệ sĩ có sự chọn lựa khác nhau. Với người này thì chăm chỉ làm nghề, đều đặn tạo ra những sản phẩm mới  dù có thể chưa có dấu ấn đậm nét, chưa gây được ấn tượng lớn. Sau thời gian cần mẫn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, thậm chí cả thất bại đắng cay, khi tài năng đã chín muồi, cộng với vốn sống sâu sắc, họ mới làm cuộc bứt phá ngoạn mục khẳng định tên tuổi mình. Khi ấy, công sức của họ sẽ được đền bù xứng đáng bằng sự ngưỡng mộ của công chúng và sự ghi nhận của giới chuyên môn.

Nhưng số khác lại muốn đi đến sự nổi tiếng bằng con đường ngắn nhất, gây “hiệu ứng” nhanh nhất với cộng đồng, có thể so sánh na ná như tiêu chí quảng cáo bột giặt, thuốc ho trên truyền hình: Đẹp cũng được, xấu cũng được, hay cũng được, dở cũng được, thậm chí gây phản cảm với người xem, người nghe, miễn là người ta nhớ đến tên sản phẩm, nhớ đến nhà sản xuất làđạt yêu cầu! Và như thế, điều gì cũng có hai mặt và chính những người trong cuộc trả giá đắt cho sự chọn lựa của mình. Được nhớ tên vì có những bức hình khoe thân, clip riêng tư bị rò rỉ, những chuyện tình éo le, những vụ bê bối tình dục…những cái tên gắn scandal” ấy thường  hứng chịu sự chỉ trích và dèm pha của dư luận và sự khai thác quá đà của các báo lá cải. Đã có trường hợp nghệ sĩ phải bỏ nghề và chọn cuộc sống khép kín tránh xa công luận. Nhưng cũng có người coi đó là một bài học, là bước chuyển lớn trong cuộc đời và vươn lên thành công hơn trong sự nghiệp sau này. Điều đó cũng tùy thuộc vào bản lĩnh và tài năng của chính mỗi người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ và dư luận

Phải nhìn nhận là chưa bao giờ danh xưng “Thần tượng” lại được người ta hào phóng ban tặng cho các nghệ sĩ dễ dãi nhưhiện nay. Chỉ cần da trắng dáng đẹp, xài xe sang, hàng hiệu trong vài sự kiện nào đó, đã trở thành “Thần tượng” với một lượng fan đông đảo cho dù những người này tài năng hạn chế, thiếu kỹ năng ứng xử  thậm chí còn là “thảm họa” của giới nghệ thuật. Chả trách các “Thần tượng” bây giờ cũng mau chóng “sụp đổ” đến vậy!

Đã qua cái thời người ta chỉ đọc tác phẩm, chỉ nghe giọng hát qua đài phát thanh, chỉ xem diễn xuất trên phim chiếu ngoài rạp. Nghệ sĩ bây giờ có đầy đủ điều kiện để giao lưu với người hâm mộ, có các trang mạng xã hội như  Facebook, Twitter, Instagram, Flickr… kết nối trực tiếp với công chúng và tất nhiên sẽ được công chúng “cập nhật” thức khắc mọi dự án nghệ thuật, những thông điệp cá nhân trước thời cuộc và cả những tâm trạng riêng tư, nhạy cảm và cũng vì thế, “Thần tượng” cũng chịu nhiều áp lực của “vinh quang va cay đắng” trên mạng ảo…

Trước khi trở thành người của công chúng, những người nghệ sĩ cũng có một tuổi thơ bình thường bên gia đình, họ hàng, họ cũng ngây thơ hồn nhiên như tất cả mọi người khác,  nhiều khi xuất thân của họ là đứa trẻ mồ côi, sinh ra trong hoàn cảnh trắc trở, khốn khó… Đến một ngày, “người bình thường ấy” trở thành “Thần tượng” với người trẻ, thành “mẫu mực” trong mắt người có tuổi, họ sẽ bị săm soi kỹ lưỡng từng cái mụn, từng nếp nhăn trên khuôn mặt, vòng 1, vòng 2, vòng 3… Rồi lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử , thậm chí từng biểu cảm nhỏ nhất trong mọi tình huống bất kỳ chung quanh…

Khi quyết định tôn ai đó lên làm “Thần tượng” để học hỏi theo, các bạn trẻ cũng cần cân nhắc kỹ những yếu tố tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của họ, để thấy họ đã thực sự xứng đáng chưa và nếu như một ngày “Thần tượng sụp đổ” trước mắt bạn thì cũng nên coi đó là điều không quá bất ngờ bởi họ cũng là những người rất đỗi bình thường, có đủ ưu, khuyết điểm, cũng có lúc không vượt qua được cám dỗ và lỡ lầm trong cuộc sống để thông cảm, bao dung hơn, tạo cho họ có cơ hội đứng dậy, vượt qua sai lầm để làm lại từ đầu, đó cũng chính là văn hóa ứng xử của công chúng trong một xã hội văn minh, hiện đại.

VŨ THANH HOA
Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu