VTH – Thời hoàng kim của sách văn học Việt Nam đã lùi xa… Bước vào các hiệu sách chỉ thấy sách văn học nước ngoài chiễm chệ ở những nơi sáng sủa nhất… Vì sao thời bao cấp khốn khó người ta vẫn không ngại xếp hàng để mua sách, để đọc sách? Câu hỏi này chưa có lời đáp cụ thể, chỉ có thể chia sẻ tâm trạng cùng những người nuối tiếc “ngày xưa sách Việt” như mình, bài đăng trên Báo BRVT Chủ Nhật 28/8/2016 tại đây:
Thời bao cấp, những người mê sách thường phải xếp hàng hoặc có giấy giới thiệu mới có thể mua được cuốn sách văn học Việt. Còn nay, một thực tế đáng buồn là sách văn học Việt dù không thiếu nhưng lại đang bị sách ngoại lấn át trên các kệ sách.
Sách nước ngoài lấn át sách trong nước tại các hiệu sách – Ảnh VTH
Tôi còn nhớ, những cuốn sách Việt thời bao cấp in trên chất liệu giấy rất kém, vừa đen, vừa thô, bìa sách thiết kế đơn giản. Chưa kể, có khi muốn mua một cuốn sách văn học còn phải mua kèm thêm vài cuốn sách về nông nghiệp hay lâm nghiệp (tùy theo chiến dịch tuyên truyền)… Vậy mà mẹ tôi vẫn đem về tủ sách của nhà gần như đầy đủ các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam qua các thời kỳ. Tôi vẫn nhớ cảm giác giở từng trang sách rồi hân hoan đắm chìm vào từng câu từ trong thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Quỳnh, Bằng Việt…, những cuốn sách trong “kho tàng nghiên cứu văn học” của giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Cũng cần nhắc đến loạt tác phẩm phản ánh thời kỳ “đổi mới” như: Bến quê của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Cù lao Chàm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Thời xa vắng của Lê Lựu… “Giấy xấu mực nhạt, nhưng sách thường chữa mo-rát cẩn thận. Còn bây giờ, nhiều cuốn sách trông bắt mắt thế, nhưng in sai, có khi bỏ sót cả đoạn văn của người ta” (Sự tương phản – Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn). Có thể nói thời đó, bữa cơm có thể còn chưa đủ đầy, nhưng văn học Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc nước nhà.
Nhưng những điều đẹp đẽ ấy đã là “ngày xưa”. Sách văn học trong nước hiện nay đang bị lép vế ngay trên sân nhà. Tại hầu hết các nhà sách, sách Việt thường chiếm số lượng khiêm tốn và trưng bày ở góc khuất hơn, nhường chỗ cho sách ngoại. Chẳng hạn, bước vào nhà sách Fahasa (siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu), cái biển to đập ngay vào mắt khách là “Văn học nước ngoài”. Khu sách văn học nước ngoài của nhà sách này là một thế giới sách rất phong phú, bắt mắt. Từ những thể loại truyện viễn tưởng, phiêu lưu kỳ thú, kinh dị cho đến ngôn tình… Đông Tây, kim cổ đều có cả. Những tác phẩm kinh điển một thời nay được tái bản sang trọng, đẹp đẽ như: Ba chàng ngự lâm pháo thủ (A. Dumas, Pháp), Đồi gió hú (Emily Bronte, Anh), Bố già (Mario Puzzô, Mỹ)… với giá cả phải chăng, thường xuyên có khuyến mãi, giảm giá. Bên cạnh là các loại sách: dạy làm giàu, nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý tuổi dậy thì, nấu ăn, cắm hoa, phong thủy…
Đặc biệt, mảng văn học Trung Quốc từ lâu vẫn luôn hấp dẫn độc giả Việt. Tiến sĩ Hồ Văn Hiệp nhận xét: “Một nguyên nhân khiến văn học Trung Quốc trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn vì các nhà văn đương đại nước này ý thức được văn hóa là sản phẩm của kinh tế thị trường”. Những người tìm đến văn học Trung Quốc có cả người trẻ và độc giả cao niên. Không chỉ những cuốn kinh điển như: Thủy Hử, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa… Những tác phẩm văn học đương đại của Trung Quốc với các tác giả nổi tiếng như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao cũng có lượng độc giả khá ổn định. Họ nổi bật vì họ có cách giãi bày mới về số phận con người. Bên cạnh đó, phần lớn những tác phẩm văn học mạng được yêu thích ở Trung Quốc hiện nay đều đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, bao gồm những tiểu thuyết tình yêu của gần 100 “cây bút online” người Trung Quốc.
Tìm mãi vẫn chưa thấy chỗ trưng bày văn học trong nước ở nhà sách Fahasa, tôi đành nhờ đến cô nhân viên hướng dẫn. Thì ra sách văn học Việt Nam “an tọa” ở một góc khiêm nhường và lặng lẽ. Tôi thử tìm sách của một số tác giả mình yêu thích nhưng không thấy. Nhiều cuốn sách có bìa in đẹp, được ưu ái bày ra “mặt tiền” thì chủ yếu là văn chương thiên về yếu tố thị trường, của các tác giả trẻ viết về cuộc sống, tình yêu thời @. Tất nhiên, vẫn có các tác giả quen thuộc như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Trang Hạ, Tony buổi sáng… trên kệ sách nhưng còn nhiều tác giả nổi tiếng, từng được giải thưởng của Hội nhà văn và báo chí văn nghệ trong nước thời gian qua thì rất khó tìm thấy. Tại một số nhà sách khác trên địa bàn TP. Vũng Tàu, tình trạng sách ngoại áp đảo trên kệ sách cũng khá phổ biến.
Một bạn đọc tâm sự: “Sách văn học trong nước bây giờ nhiễu loạn, độc giả không biết đánh giá theo hệ quy chiếu nào. Đội ngũ phê bình cũng chưa thực sự công tâm. Các “nhà văn, nhà thơ” từ các câu lạc bộ tự phát cho đến hội văn nghệ địa phương mỗi năm xuất bản rất nhiều sách, rồi hào phóng tặng khắp nơi. Nhiều người chỉ đọc “sách tặng” rồi cứ nghĩ chất lượng các tác phẩm văn học bây giờ nhàng nhàng như vậy mà không muốn bỏ tiền ra mua sách của các tác giả trong nước nữa”. Một bạn nhân viên ngân hàng thì bày tỏ: “Văn học Việt Nam hiện nay giống như phim Việt Nam vậy, không sâu sắc, tình tiết thì thật sự nhàm chán”.
TS. Ngô Văn Giá, một nhà văn, nhà giáo nhận xét về văn học Việt Nam hiện nay: “Môn văn bị lép vế trong sự lựa chọn của các em học sinh ở các nhà trường cũng như hướng nghiệp. Văn chương nói chung trong bậc thang giá trị xã hội, có thể nói ngày càng bị xem nhẹ. Câu chuyện về văn chương ít được cộng hưởng trên toàn xã hội. Những “con sóng” văn chương quá lắm chỉ gây xôn xao trong giới là cùng. Một khi bạn đọc một tác phẩm văn chương đương đại, nhất là tác phẩm ấy có giá trị, chắc chắn bạn sẽ được bồi đắp cảm xúc, sự mẫn cảm nghệ thuật. Qua đó, bạn cũng thấy được nền văn học của dân tộc đang ở đâu, biến chuyển và vận động như thế nào?”.
Có thể thấy sự “hụt hơi” của văn học trong nước không phải chỉ hoàn toàn do phía các tác giả, nó cần được chung tay góp sức vực dậy từ phía nhà trường, xã hội và những nhà xuất bản, các công ty phát hành sách trong nước.
VŨ THANH HOA
Nguồn Báo bà Rịa-Vũng Tàu