VTH – Khi còn học Đại học, câu “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” luôn ám ảnh cánh sinh viên chính quy chúng tôi. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy, có rất nhiều người sau thời gian làm việc thực tế, kiến thức cuộc sống bổ trợ nhiều cho lý thuyết ở trường. Sau này ra trường công tác, tôi mới nhận thấy những anh chị “tại chức” luôn lấy ‘điểm yếu” ấy của mình làm “điểm mạnh”: ỷ lại sự quen biết, nâng đỡ, chạy chọt vào những vị trí béo bở , thậm chí là hàng ngũ lãnh đạo trong khi đó năng lực của họ không xứng tầm.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức hành chính thuộc tỉnh năm 2012. Theo đó, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 588 người, trong đó công chức khối sở, ban ngành là 258 người, công chức khối UBND huyện, TP là 330 người.
>> Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?
>> Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước
>> Cần bằng cấp hay cần năng lực?
Đáng chú ý là điều kiện, tiêu chuẩn để dự tuyển phải là người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Đối với những đối tượng có trình độ đại học hệ tại chức đúng chuyên ngành cần tuyển, đã hợp đồng làm việc tại cơ quan, đơn vị, có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31-12-2009 trở về trước thì được đăng ký dự tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh Quảng Nam từ chối tuyển dụng công chức học tại chức.
Theo ông Bùi Công Hai – phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, việc không tuyển công chức hành chính là người học tại chức xuất phát từ chủ trương của nghị quyết tỉnh ủy ban hành. Chủ trương này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Quảng Nam ngày càng chất lượng hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Hai lý giải thêm: “Không phủ nhận một số người học tại chức cũng giỏi nhưng nhiều trường hợp khác thì phải xem lại chất lượng. Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều người học tại chức là do thi rớt nhiều trường ĐH, sau đó không còn đường nào thì đi học hệ này, chất lượng như vậy không ổn”.
Ông Hai cũng chỉ ra thực tế hiện nay việc học tại chức ở Quảng Nam khá phổ biến khi các trung tâm dạy nghề liên kết với các trường tổ chức chiêu sinh đào tạo. Trả lời câu hỏi liệu việc tuyển công chức như vậy có phân biệt bằng cấp và năng lực thực tế không, ông Hai khẳng định: “Việc không tuyển người học tại chức chỉ áp dụng cho công chức hành chính, còn viên chức sự nghiệp thì vẫn tuyển. Những người có năng lực thật sự vẫn tham gia được. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nguồn cán bộ về lâu dài thì chủ trương của Tỉnh ủy là rất đúng”.
Ông Trần Kim Hùng – ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam – thẳng thắn nhìn nhận: “Có người học tại chức cũng giỏi nhưng đa số học yếu, thi không đậu ĐH mới đi học tại chức”.
Theo ông Hùng, việc Quảng Nam không tuyển công chức hệ tại chức nhằm triệt tiêu tình trạng “con ông cháu cha” chỉ cần học có bằng là xin vào cơ quan nhà nước làm việc. “Không thể vì con ông này ông nọ rồi đưa đi học tại chức là bố trí làm việc. Tình trạng này trước đây ở địa phương cũng có nhưng vài năm trở lại đây đã hạn chế. Với chủ trương này sẽ tiến tới xử lý dứt điểm vấn đề này”.
Theo ông Hùng, đây là một chủ trương đột phá của Quảng Nam nhằm đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao mà tỉnh đang hướng tới.
ĐOÀN CƯỜNG
Nguồn TTO