VTH – Đài phát thanh tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu vừa mời Vũ Thanh Hoa và thạc sĩ Tâm lý Trần Thu Hiền tham gia cuộc phỏng vấn trực tiếp dài 60 phút với chủ đề “Phía sau đổ vỡ” trong chương trình phát thanh Phụ nữ và Cuộc sống sẽ phát vào lúc 15h30 – 16h30 thứ bảy 3/8/2013.
Trân trọng giới thiệu nội dung chính của cuộc phỏng vấn với Vũ Thanh Hoa:
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH TRỰC TIẾP
“PHỤ NỮ VÀ CUỘC SỐNG”
Chủ đề: “Phía sau đổ vỡ”
Thời lượng: 60 phút
Thời gian thực hiện: 15h30 – 16h30 thứ bảy 3/8/2013.
Địa điểm: Phòng thu Đài PTTH tỉnh BR-VT
Khách mời:
-Thạc sĩ tâm lý Trần Thu Hiền
– Nhà thơ Vũ Thanh Hoa
Thanh Nga và chương trình phát thanh trực tiếp Phụ nữ và cuộc sống xin thân ái chào quý thính giả. Chương trình của chúng ta đang được phát trên sóng FM92Mhz Đài PT-TH BRVT. Quý thính giả thân mến! Theo một điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện tăng nhanh và chiếm 31 – 40%, và tuổi thọ hôn nhân ở Việt Nam càng ngày càng giảm.Điều đáng buồn hơn là 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ…
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, theo số liệu thống kê của Toà án nhân dân tỉnh, lượng án liên quan đến hôn nhân gia đình cũng có chiều hướng ngày càng tăng, riêng năm 2012, Toà giải quyết 2.430 vụ (tăng 329 vụ so với năm 2011). Có thể với các cặp vợ chồng, ly hôn là một lối thoát khi cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc nhưng phía sau đổ vỡ còn là những khó khăn của người phụ nữ khi việc bước đi bước nữa không hề dễ dàng và điều quan trọng hơn là cuộc sống của những đứa trẻ. Đây cũng là những vấn đề chương trình Phụ nữ và cuộc sống hôm nay đề cập đến trong chủ đề “Phía sau đổ vỡ”.
Thanh Nga xin giới thiệu các khách mời tham gia chương trình: Nhà thơ Vũ Thanh Hoa – Ban Văn học – Hội VHNT tỉnh BRVT và thạc sĩ tâm lý Trần Thu Hiền. Thanh Nga cám ơn các khách mời đã dành thời gian đến đây và chia sẻ cùng chương trình. Hy vọng rằng, chương trình Phụ nữ và cuộc sống sẽ trở thành diễn đàn để chị em phụ nữ chúng ta có thể gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống hôn nhân gia đình và những vấn đề phụ nữ quan tâm.
Và với chủ đề “Phía sau đổ vỡ” hôm nay, quý thính giả muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này có thể gọi về cho chương trình theo số máy 0643.717.767, chương trình sẽ kết nối lại để tiết kiệm một phần chi phí điện thoại cho quý thính giả.
TN: Chị Thanh Hoa thân mến, Thanh Nga được biết chị là một luật sư, không biết là cơ duyên nào đưa chị đến với thơ?
VTH: Tôi có một tuổi thơ đặc biệt là theo bố mẹ thực hiện nghĩa vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam DCCH và sau khi đất nước thống nhất là nước CHXHCN Việt Nam 2 nhiệm kỳ từ năm 1974-1982 ở 7 nước Châu Phi và sống ở nhiều nước Châu Âu. Lúc ở nước ngoài tôi không có bạn cùng trang lứa nên thời gian chủ yếu là đọc rất nhiều sách và sáng tác văn thơ từ khi 8-9 tuổi.
Sau này về nước tôi tỏ ra có năng khiếu vượt trội môn Văn và luôn là học sinh giỏi Văn toàn quốc. Tôi thi vào Đại học Luật theo ý nguyện của ba tôi, ông muốn tôi có 1 nghề ổn định nhưng tôi vẫn đam mê với cái nghiệp viết của mình cho đến bây giờ và thơ văn cứ tự nhiên đến với tôi như như duyên phận, như định mệnh vậy.
TN: Trong lần tiếp xúc với chị cách đây cũng khá lâu rồi, tôi may mắn được chị giới thiệu một số tập thơ, truyện ngắn của chị được công chúng đón nhận như: tập truyện Người nhìn thấu linh hồn; tập thơ Nỗi đau của lá, Trong em có người đàn bà khác, Lời cầu hôn đêm qua…. Đến nay thì chị đã sáng tác hơn 300 bài thơ trong ấy có một số bài được giải thưởng của ngành dầu khí (ngành nghề chị đang công tác), về đất và người BRVT, và đặc biệt là nhiều trong số đó là những sáng tác về đề tài tình yêu đôi lứa. Theo tôi thì làm thơ tình thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần có một chút năng khiếu sáng tác, nhưng để có tác phẩm thơ tình hay, nhận được sự đồng cảm từ phía công chúng thì không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi ở người viết một sự rung cảm, một cảm xúc chân thực nhất từ trái tim, từ cuộc đời của mình. Chị có đồng ý với tôi suy nghĩ này?
VTH: Ồ, tất nhiên rồi bạn ạ. Một tác phẩm văn học nghệ thuật chỉ thật sự đi vào trái tim người đọc khi tác phẩm ấy được viết một cách trung thực nhất, được giãi bày và chưng cất từ chính hạnh phúc và khổ đau, từ niềm vui và nỗi buồn của người viết.
Văn chương và nghệ thuật không có chỗ cho sự giả dối. Có lẽ chính vì thế mà những người sáng tác nói chung, những người phụ nữ viết văn nói riêng thường có cuộc sống riêng không bằng phẳng, hay nói một cách khác là “đa đoan, trắc trở” là vậy.
TN: Và có lẽ chính vì điều đó mà những tập thơ Nỗi đau của lá, Trong em có người đan bà khác, Lời cầu hôn đêm qua… tôi đã được nghe chị chia sẻ rằng chị đã sáng tác những tập thơ này “gắn liền với giai đoạn mà cuộc sống riêng của chị bị trục trặc và đồng thời là chị cũng là một người mẹ một mình nuôi hai đứa con. Có rất nhiều vất vả, rất nhiều trăn trở, nhiều niềm vui, nhiều cảm xúc nhiều nỗi buồn thì chị cũng đã gửi gắm trongnhững tập thơ này”. Trong giai đoạn khó khăn ấy thì có lẽ thơ đã là người bạn để chị có thể trút nỗi niềm tâm sự của mình mà không dễ gì chúng ta chia sẻ với một ai đó?
VTH: Sự cứu rỗi cuối cùng cho mọi nỗi đau chính là sự cứu rỗi tinh thần, tôi thấm thía nhiều về điều này. Văn chương đã nâng đỡ tôi dậy trong những giờ phút thất vọng và chán nản nhất. Để luôn thấy tự tin, yêu đời, lạc quan tôi phải luôn phân thân rõ ràng: một VTH của công việc và một VTH trong sáng tác.
Trong công việc, tôi phải hoàn thành nhiệm vụ được giao ở cơ quan, về nhà tôi phải chăm sóc, nuôi dạy hai con nhỏ. Trong sáng tác, tôi phải luôn giữ ngọn lửa đam mê văn chương tỏa sáng, phải kiên định và sáng tạo mỗi ngày… Tôi còn quản lí một trang web riêng với đầy đủ các chuyên mục văn hóa, nghệ thuật có khá đông độc giả ái mộ.
TN: Rõ ràng thì ly hôn được coi như một sự giải thoát khi hôn nhân bế tắc, không hạnh phúc, khó có thể chung sống được nữa với nhau. Thế nhưng thế nào là bế tắc, không còn có thể chung sống cùng nhau là điều chúng ta sẽ đề cập đến nhiều trong chương trình hôm nay khi mà thực tế, có nhiều cặp vợ chồng, chỉ vì chuyện nhỏ cũng vội vàng nghĩ đến ly hôn. Xu hướng này gia tăng trong nhiều gia đình trẻ.
Theo nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Hiện tỷ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ không chỉ gia tăng ở các thành thị mà còn có dấu hiệu tăng nhanh tại những vùng nông thôn. Điều đáng buồn là trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ, chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con.
Trong nghiên cứu này cũng đã cho thấy tất cả các nguyên nhân dẫn đến ly hôn, trong đó mâu thuẩn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến mới là ngoại tình…Trước khi đọc nghiên cứu này thì tôi suy nghĩ ngoại tình, bạo lực gia đình mới là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. Theo thạc sĩ Thu Hiền thì nguyên nhân vì sao mà lối sống lại có vai trò quyết định đời sống hôn nhân ngắn hay dài?
Tôi muốn nghe thêm suy nghĩ của chị Thanh Hoa?
VTH: Vâng, điều đáng lưu ý ở đây là tỉ lệ li hôn ở các nước văn minh, ở giới trí thức luôn khá cao hơn phần còn lại. Tôi nghĩ rằng người ta không còn cho rằng li hôn là sự thất bại mà họ coi đấy là một con đường giải thoát, một sự lựa chọn hợp lí khi vấn đề không còn có thể cứu vãn.
TN: Trong cuộc sống chúng ta vẫn hay nói vui rằng, các cặp đôi khi yêu nhau tìm hiểu đến 5-10 năm rất khó đi đến hôn nhân, nguyên nhân là vì họ hiểu nhau quá rồi, từ tính cách, tính tình, lối sống, và có những điều không cảm thấy là không chấp nhận được nếu là vợ chồng, mà có cưới thì cũng sẽ ly hôn; còn ngược lại, với những cặp tìm hiểu mới vài tháng, chưa hiểu nhiều về tính cách, tính tình, lối sống của đối phương đã vội cưới thì không sớm thì muộn cũng đường ai nấy đi. Có lẽ rằng là để có một sự hoà hợp về lối sống thì rất khó?
Thế hệ phụ nữ ngày trước rất sợ khi ly hôn do phải đối mặt với sự lên án của dư luận; họ cũng ít dám chủ động ly hôn thì hiện nay, thực trạng này đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp đôi so với nam giới. Lý do vì sao thưa hai khách mời?
VTH: Người phụ nữ ở thế kỷ 21 rất khác với thời kỳ trước.Tiếp thu văn hóa toàn cầu, được trang bị kiến thức đầy đủ, được giáo dục trong môi trường cởi mở và có những vị trí nhất định trong xã hội, họ nhận thức được giá trị bản thân và định hướng cuộc sống của mình.
Họ không cam chịu hay níu kéo một cuộc hôn nhân quá bế tắc và không còn hạnh phúc. Họ đòi hỏi người chồng tôn trọng mình, thông cảm và thương yêu, cùng chia sẻ cuộc sống tinh thần ngang hoặc hơn cả nhu cầu vật chất. Vì vậy nếu những điều ấy không được thỏa đáng, họ can đảm lựa chọn cuộc sống đơn thân.
Theo tôi, yếu tố quyết định cho hạnh phúc vẫn là sự phù hợp về văn hóa, về thái độ ứng xử và trên hết là phải có một tình yêu đích thực.
TN: Vâng, bên cạnh những cuộc hôn nhân mà đã đi đến bờ vực của sự bế tắc, không thể nào cứu vãn được nữa thì ly hôn là điều tất yếu để cả hai có con đường đi riêng của mình thì cũng những quyết định đưa nhau ra toà “đường ai nấy đi” chỉ vì những lý do rất nhỏ, thậm chí nhiều cặp vợ chồng vẫn quyết đưa ra toà khi họ còn yêu nhau. Phụ nữ ngày nay tính độc lập cao, được ưu tiên nhiều trong công việc xã hội nên các chị có cảm giác tự chủ trong hôn nhân; thêm một lý do nữa là các bạn trẻ dường như không có sự nhẫn nhịn, cam chịu so với lớp mẹ, lớp bà họ ngày trước. Chính vì không có nhiều sự nhẫn nhịn, cam chịu là nhiều bạn trẻ không thể vượt qua được khó khăn trong hôn nhân và luôn suy nghĩ đến hai chữ bế tắc và muốn ly hôn như một sự giải thoát. Thế nhưng, dù ly hôn trong hoàn cảnh nào, vì lý do gì thì phía sau đổ vỡ thì thiệt thòi vẫn thuộc về người phụ nữ.
Sau khi hôn nhân tan vỡ thì nhiều chị em dang dở cuộc đời. Vì sao ạ, với người đàn ông thì họ có thể dễ dàng quen và cưới một người phụ nữ khác nhưng việc “đi bước nữa” đối với người phụ nữ không hề dễ dàng. Có lẽ là phụ nữ chúng ta yêu sâu sắc hơn và khi có sự đổ vỡ thì tổn thương nhiều hơn, không dễ gì một sớm một chiều có thể quên được. Để chấp nhận một người đàn ông mới là một sự đắn đo, kèm với nỗi lo sợ nữa, sợ rằng mình sẽ lại tiếp tục đổ vỡ?
VTH: Tôi nghĩ điều bạn nói hoàn toàn đúng nhưng không phải như thế thì người phụ nữ không còn cơ hội nữa.
Người phụ nữ từng trải thường có một vẻ hấp dẫn riêng biệt và họ cũng có nhiều sự cảm thông của những bờ vai sẵn sàng chia sẻ. Nhưng những người mẹ thường nghĩ nhiều cho những đứa con của mình. Pháp luật khi xử li hôn thường để con theo mẹ nên người phụ nữ phải cân nhắc nhiều hơn.
Tôi nghĩ chúng ta nên có cách nhìn cởi mở hơn và có những khích lệ việc đi tìm hạnh phúc đối với những người phụ nữ đã qua một lần đổ vỡ. Họ xứng đáng được bù đăp những mất mát, thiệt thòi trong việc phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, kể cả điều tiếng dị nghị để đơn thân nuôi dạy con.
TN: Và cũng vì một lý do nữa tôi nghĩ là phụ nữ thì thương con nhiều hơn, nhiều chị không muốn bước tiếp “tập 2” vì sợ rằng con mình bị tổn thương khi sống chung với dượng, sợ chồng mới không thương con…và quyết định ở vậy nuôi con?
VTH: Vâng, vì thực tế đã có rất nhiều trường hợp phức tạp xảy ra với những đứa trẻ khi người mẹ tái hôn, chính vì thế những người mẹ cần tìm hiểu kỹ cho những quyết định quan trọng của đời mình.
Tìm được một người thật sự thông cảm, yêu thương những đứa con riêng, và người ấy cần có công ăn việc làm ổn định, đó là những điều kiện quan trọng khi bắt đầu một hạnh phúc mới.
TN: Khó khăn sẽ rất là nhiều khi một mình nuôi con. Và điều quan trọng hơn nữa là cuộc sống của những đứa trẻ, đáng thương nhất là những đứa trẻ bỗng nhiên “mất” cha hoặc mẹ. Để các em chấp nhận sự thật này rất khó?
VTH: Đúng là sự chia li của bố mẹ thật sự là một cú sốc với con nhưng chúng ta nên để trẻ đón nhận dần dần sự thật này và dạy chúng thích ứng với hoàn cảnh.
Nên tập cho chúng sự độc lập, bình thản, dám đối đầu với những thành kiến, dị nghị chung quanh và cùng thông cảm, chia sẻ với người mẹ.
Tôi quan tâm rất nhiều đến trạng thái tình cảm của các con nhưng không hướng cho chúng đến sự ủy mị, mặc cảm. Người mẹ cần tôn trọng con như những người bạn nhỏ của mình để các con cảm thấy ấm áp khi tựa vào mẹ và mẹ cũng an bình khi bên con.
Có rất nhiều tấm gương những người mẹ nghèo khổ tần tảo một mình nuôi đàn con khôn lớn, thành đạt. Phần thưởng của những người mẹ ấy là tình thương yêu vô bờ bến của các con và sự trân trọng của xã hội.
TN: Có thể thấy rằng để các em chấp nhận “mất” cha, hoặc mẹ là điều hết sức khó khăn khi mà một thời gian dài các em sống trong một mái ấm gia đình có ba có mẹ. Và càng tồi tệ hơn nữa khi ba, hoặc mẹ đi tiếp bước nữa, các bậc cha mẹ không phải ai cũng có cách ứng xử “tâm lý” để những đứa trẻ “hậu ly hôn” không cảm thấy thiếu hụt tình cảm và tổn thương. Trầm cảm, tự kỷ, xa lánh cuộc sống, thậm chí sa ngã, hư hỏng là điều nhiều đứa trẻ sống trong cảnh “hậu ly hôn” đã và đang phải gánh chịu. Sau đây là câu chuyện gia đình mà Thanh Nga thu thập được từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Câu chuyện của một bé gái 12 tuổi. Ngay từ khi kết hôn, cha và mẹ của em đã không được ông bà nội bé chấp nhận. Hai đứa con lần lượt ra đời, những va vấp của đời sống cộng với sự ghẻ lạnh của gia đình bên nội đã khiến gia đình em tan vỡ. Rời tòa, em về sống với cha và em trai thì về với mẹ. Cuộc sống của em thực sự rơi vào bi kịch khi cha em nhanh chóng kết hôn với người đàn bà vốn đã hiện diện trong đời cha em trước ly hôn. Vì nghe vợ mới, cha em thường gây khó khăn cho mẹ em mỗi khi thăm con. Nước mắt của mẹ, sự giận dỗi của mẹ kế, cơn thịnh nộ của cha mỗi khi được gặp mẹ đẻ khiến em hoảng sợ. Mất niềm tin, giờ đây em sống lầm lũi, cô đơn và khép chặt tâm hồn khi em mới chỉ tròn 12 tuổi.
Câu chuyện thứ hai: Mặc dù tòa đã quyết định bố sẽ được tới thăm con trai vào các ngày cuối tuần, tháng 4 lần và thỏa thuận với mẹ về việc đón con đi chơi hay chỉ thăm nhưng cha em lại phớt lờ. Bất kỳ khi nào nhớ con hay rảnh rỗi, anh lại xách xe chạy tới nhà vợ cũ, giờ đã kết hôn lần hai, để thăm con trai. Không chỉ gây xáo trộn cuộc sống nhà vợ cũ, khiến cha dượng có ác cảm với em, anh còn khiến em khổ sở và sợ hãi bởi mỗi lần bố đến thăm là lại có “chiến tranh”. Tồi tệ hơn, khi đón được em về nhà nội, gia đình anh lại ra sức nhồi nhét vào đầu đứa trẻ những lỗi lầm, hư hỏng và ích kỷ của mẹ nó. Bố mẹ chia tay 2 năm, em từ một cậu bé ngoan ngoãn trở nên cứng đầu, bắt mọi người ai cũng phải phục vụ khiến cha dượng ghét bỏ và bực bội. Tệ hại hơn, em không chơi được với bạn bè, cục cằn và hay đánh các bạn. Mẹ cho con tới BV kiểm tra, kết quả em đã bị bệnh tự kỷ mà nguyên nhân từ cách ứng xử của bố mẹ với con.
Rõ ràng, những đứa trẻ “hậu ly hôn” đang gánh những hậu quả khôn lường từ hành xử của cha mẹ chúng.
Nhiều cặp vợ chồng cố gắng hàn gắn cuộc hôn nhân vì con, cho con có mẹ, có ba nhưng nếu hôn nhân thật sự không còi hạnh phúc nữa (không còn tình yêu thương, sự tôn trọng…) mà các cặp đôi vẫn duy trì chỉ vì con thì đó cũng điều hết sức tồi tệ. Trong trường hợp này, ly hôn cũng là lối thoát, điều quan trọng là trách nhiệm của cả bố lẫn mẹ với con trẻ, phải ứng xử làm sao đẻ trẻ không cảm thấy thiếu tình cảm, tổn thương. Chị Thanh Hoa có thể chia sẻ thêm về điều này từ thực tế câu chuyện của chính mình ạ?
VH: Đã có những lần con tôi khóc và đau khổ khi nói về sự trêu chọc của các bạn ở trường và những ánh nhìn dị nghị của hàng xóm khi thấy ba mẹ con thui thủi bao nhiêu năm qua. Tôi đã nói với các con rằng hạnh phúc không bao giờ giống hệt nhau. Một gia đình không đủ người nhưng luôn vui vẻ, thoải mái và yêu thương nhau thì đó là một gia đình hạnh phúc. Có những gia đình đủ cha, đủ mẹ nhưng luôn gây gổ cãi vã, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc ngoại tình, các con bị bỏ bê rơi vào các tệ nạn xã hội liệu có được coi là gia đình hạnh phúc?
Tôi nêu quan điểm rằng li hôn thực ra cũng là một giải pháp lựa chọn nếu thấy nó tốt hơn chứ cũng chẳng phải là vấn đề gì quá ghê gớm.
Việc thường xuyên nói xấu vợ cũ, chồng cũ với con là một hành vi thiếu văn hóa. Chuyện của người lớn có thể rất tệ nhưng gieo vào tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ về sự xấu xa của đấng sinh thành ra chúng là một việc làm vô đạo đức. Khi nhỏ trẻ sẽ rất hoang mang và khi lớn, chúng sẽ đi tìm sự thật và quay lại oán trách chính người cha, người mẹ đã gieo rắc sự thù hận không đáng có. Dù ta có thể không tha thứ cho người bạn đời nhưng đừng quên rằng những đứa con là một phần máu thịt của họ.
Tôi cũng chuẩn bị tinh thần để các con sẵn sàng với những việc có thể sẽ xảy ra như: bố hay mẹ có thể có bạn, có thể đi bước nữa cũng là việc hết sức bình thường trong cuộc sống. Tóm lại, mình thật sự thương yêu và tôn trọng, cởi mở cùng các con thì chúng sẽ như thế với mình.
TN: Hôn nhân đổ vỡ là điều không ai mong muốn cho dù với nguyên nhân nào đi nữa, dù các cặp đôi chưa có kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chưa có sự nhẫn nhịn, cam chịu, một chút lòng vị tha…nhưng luật pháp bảo vệ quyền làm cha, mẹ sau ly hôn dù quyền nuôi con thuộc về cha hay mẹ. Đó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và ai vi phạm sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật”. Thật khó để có được cách ứng xử vẹn toàn với con khi hôn nhân đã đổ vỡ, tuy vậy, để có được tương lai an toàn cho những đứa trẻ thiếu hụt tình cảm, cần sự cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần của những bậc làm cha mẹ đã một lần sai lầm trong hôn nhân. Mọi sự đổ vỡ đều phải trả giá, nhưng người gánh chịu không phải là những đứa trẻ vô tội. Thanh Nga xin mượn chia sẻ sau đây của một người mẹ để khép lại chương trình “Con gái rất yêu ba và chồng cũ tôi cũng là người rất yêu con. Cháu trai lớn ở với ba đang tới tuổi dậy thì cần mẹ tâm sự, hướng dẫn nên tôi không thể ghẻ lạnh với chồng cũ mà vẫn phải hợp tác để cùng vì hai cháu”. Một lần nữa xin cám ơn các khách mời đã tham gia chương trình này, cám ơn quý thính giả đã lắng nghe, xin thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Thanh Nga
Câu trả lời của Vũ Thanh Hoa chân thành, tình cảm, sâu sắc và thuyết phục! Có thể “tóm gọn” trong hai chữ TUYỆT VỜI!
Nói rồi, Tình yêu là sự ngộ nhận giữa hai người mù quáng” “Love is a misunderstanding between two fools.” (Oscar Wilde).
Mỗi lần yêu ai, cứ nói trước theo sách của nhạc sĩ Vũ Thành An : ” con người tôi cũng chẳng được như em mong muốn tìm “. Khỏe re !
Rât ý nghĩa
Can đảm và sáng suốt đối với văn hoá VN.
Btw, đời này là của ai ?