VTH: Nhà thơ Quan Dương hiện sinh sống tại Mỹ. Anh vẫn thường xuyên cộng tác với các trang báo Hải ngoại và theo dõi tin tức Văn chương của bạn bè quê nhà. Nhận được tập truyện “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa gửi tặng, anh đã có bài cảm nhận về tập truyện, xin giới thiệu cùng bạn đọc:
Phong cách Vũ Thanh Hoa trong “Người Nhìn Thấu Linh Hồn”

Hình như văn học Việt Nam đang thu hẹp dần số lượng độc giả . Trong số lưọng độc giả càng ngày càng thu hẹp đó lại không cùng “đẳng cấp” khi thưởng ngoạn một tác phẩm văn chương. Đã vậy không phải ai cũng đủ can đảm để đọc bất cứ một tác phẩm nào mà họ gặp , nhất là những tác phẩm được viết bởi một tác giả chưa quen hoặc chưa nghe nhắc đến tên .
Đó là một thực tế không thể phủ nhận trong tình trạng văn học Việt Nam hiện nay . Điều này tác động không ít đến tâm lý người viết . Người viết nếu biết chắc rằng không có người đọc tác phẩm của mình thì không ai viết để làm gì ? Cho nên, phải nói những người còn cầm bút phải là những người dũng cảm . Những người dũng cảm này còn đáng nể hơn khi chấp nhận dấn thân chọn cho mình một phong cách riêng để làm mới sự thẩm định của người đọc.
Trong một trận đá bóng , huấn luyện viên có thể xin trọng tài thay đổi cầu thủ chứ không thể xin trọng tài thay đổi khán giả . Vậy mà có người vẫn thay đổi được khán giả, có thể nói như vậy về Vũ Thanh Hoa với Người Nhìn Thấu linh Hồn – một tác phẩm cô vừa xuất bản năm 2011. Vũ Thanh Hoa là một nhà thơ mà thương hiệu riêng đã được khẳng định trong những sáng tác của mình , bước qua lãnh vực văn xuôi cô vẫn đóng dấu ấn rất rõ ràng không lẫn vào đâu với phong cách viết của mình. Giống như cô phân thân chính cô , nói đúng hơn cô phân thân chính độc giả . Lối hành văn của “Người Nhìn Thấu linh Hồn “ không thướt tha như văn trong Tự Lực Văn Đoàn của đầu thế kỷ 20 mà ẩn chứa bên trong là sự giằng co giữa thực và ảo . Sự giằng co này cũng là triết lý sống tạo cho người đọc suy gẩm về thân phận . Cảm tưởng như Vũ Thanh Hoa đã chia thành công người đọc thành hai mảng khi thưởng thức những sáng tác của cô. Một mảng cho thơ và một mảng cho văn . Thơ Vũ Thanh Hoa đưa người đọc từ cõi thực vào cõi ảo . Ngược lại trong Truyện, cô lại đưa người đọc từ cõi ảo trở về cõi thực . Cõi ảo thì mộng mơ , nhưng cõi thực thì rất phũ phàng . Người đọc có thể cảm nhận sâu sắc sự phũ phàng trong ( Gai thép – trang 7 ) (ký ức bất nhã – trang 9 ) ( chiêm bao – trang 17 ) ( Hai vạch – trang 159 ) ( Người nhìn thấu linh hồn – trang 200 )
Sự thật phủ phàng không lên gân cốt, đao to búa lớn mà nó lẩn khuất bàng bạc trong hầu hết truyện cô viết . Đó là những mảng xã hội mà hàng ngày ta phải chung đụng cùng nó để sống nhưng không phải ai cũng nhận thấy nếu không có sự lột diễn qua ngòi bút của nhà văn. Vũ Thanh Hoa viết khá bình thản và cô đọng trong đối thoại . Đối thoại của những nhân vật trong truyện có phần thẳng thừng , sẳn sàng lột trần nhau ra ( Phản bội trang 148 ) . Đọc văn của cô có cảm giác vừa trừu tượng vừa hiện thực . Khi bắt gặp ở những chỗ ngắt khúc chấm câu đột ngột, khiến người đọc đang lái xe mơ màng ngon trớn tưởng chừng sắp sữa ngủ quên bỗng dừng thắng gấp mở to hai con mắt để kiểm soát lại cảm giác mình (Ca sĩ trang 116 ) Trong “Ca Sĩ ” tác giả kể lại câu chuyện của một cô bé nhà quê hồn nhiên làm nghề bán bia ôm. Thật là kinh ngạc sau khi đọc xong câu truyện ngắn đó tôi phát giác đuôi mắt tôi ngấn lệ . Cách hành văn tưởng chừng như cộc lốc nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt và tinh tế. Nó mang đến cho người đọc sự lôi cuốn đầy ngạc nhiên nhưng hợp lý. Đó là sự hấp dẫn của lối văn đương đại: vừa trẻ vừa mới, vừa hiện thực, vừa huyền ảo . Đó cũng là phong cách Vũ Thanh Hoa đã chọn làm đặc thù cho các tác phẩm của mình . Phong cách này có thể đương đầu không ít đối với vài cây cổ thụ đã mọc rễ trong miếng đất văn chương Việt Nam . Nhưng cô đã chọn và dấn thân . Dấn thân bằng tất cả đam mê . Sự dấn thân này chính là ngọn lửa lan truyền cho người đọc, đặc biệt là người đọc hải ngoại như chúng tôi .
Ở hải ngoai thời giờ không có nhiều , tôi chỉ định dành ra hai ngày cuối tuần để đọc cho xong “Người nhìn thấu linh hồn ” . Không ngờ tác phẩm này nó lôi cuốn tôi đến nổi tôi đọc nhiều tuần vì đọc xong tôi lại muốn đọc lại vì thích . Theo cách thấy của riêng tôi , truyện của Vũ Thanh Hoa viết có những đặc thù sau đây:
-Vũ Thanh Hoa có lối văn viết truyện giống như kể chuyện , nhưng là lối kể chuyện của một người đàn ông từng trải , trong khi tác giả là một phụ nữ tính chất rất ư là nữ tính!
– Mở đầu mỗi câu chuyện người đọc thường cảm thấy dễ dàng đoán được ngay phần kết thúc, nhưng mà đoán trật lấc . Đây là một điểm đặc biệt lý thú cho tính bất ngờ của tác giả
-Lối kể chuyện tỉnh rụi, không màu mè trau chuốt úp mở . Nói theo kiểu dân dã là kể tuột luốt .Tuy nhiên sự kể chuyện tuột luốt này chất chứa đầy tư duy , gửi gấm triết lý về cuộc sống ở trong đó làm cho người đọc khi gấp quyển truyện lại rồi phải ngồi suy gẩm vì bất ngờ
– Hầu hết những nhà văn khi viết ai nấy cũng phải điều dựa vào sự thật của chính bản thân mình trải nghiệm qua ít nhất vài chục phần trăm trở lên để tạo thành một câu chuyện. Hình như VTH viết truyện không nằm trong thông lệ này? Tác giả không viết tự truyện , toàn kể chuyện xã hội, chuyện ngoài đường không dính líu trực tiếp gì đến cuộc sống của mình , nhưng lại kể rất rành rọt , cặn kẽ , tinh tế đến từng chi tiết nhỏ nhất giống như là chính tác giả đã từng trải qua . Có lẽ đây là tính chuyên nghiệp của một nhà văn .
Cách thấy của tôi có thể không giống như cách thấy của những người khác, nhưng điều đó đâu có sao! Một tác phẩm được đón nhận với nhiều trạng thái ” đối kháng ” có thể xảy ra tranh luận giữa độc giả với nhau là một tác phẩm thành công của một tác giả.
Quan Dương
New Orleans tháng 7 /2011