Phiếm đàm : Nhà văn ở nước ta

My picture!
Nhà báo, nhà thơ Lưu Vỹ Bửu

1.Trước hết là chuyện một vài nhà văn ký hàng ngàn chữ ký tặng bạn đọc, những fan cuồng nhiệt của họ, nhưng chưa bao giờ họ ký đơn xin xét giải thưởng hay xin tài trợ. Trong khi đó những nhà văn (xin đành gọi tạm như vậy) tên tuổi thì không mấy người biết, tác phẩm thì chẳng ai nhớ lại nổi đình nổi đám không phải tài năng mà là lùm xùm chuyện tài trợ, chuyện xét khen đề nghị khen thưởng…

Thực ra, chuyện cũng “đời thường” thôi! Phần hiện kim kèm theo giải thưởng cao nhất lên đến 200 triệu đồng, nếu tính lương cơ bản do nhà nước định mỗi tháng khoảng 1 triệu thì số tiền đó hơn 16 năm tiền lương của một người lao động. Không ít nhà văn nước ta đang được nhà nước bảo bọc, nuôi dưỡng bằng “bầu sữa” ngân sách, tức tiền đóng thuế của nhân dân. Người “ác khẩu” nói rằng, nhiều nhà văn đã bị tê liệt dây thần kinh “tự trọng”, hư hỏng sợi thần kinh “xấu hổ” nên họ điềm nhiên trước dư luận, trước những nỗi đau đời, để thản nhiên đi du hí, in sách bằng tiền của dân.
Thế nhưng, một nghịch lý là, trên văn đàn có được bao nhiêu tác phẩm tạo được dư luận xã hội? Chưa ai đưa ra một con số cụ thể, ngay cả cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam. Những nhà văn nổi tiếng dường như đã mòn sức lực hoặc cạn đề tài. Các nhà văn là quan chức thì lấy việc công chức làm trọng (vì có bổng, có lương) hơn là việc chuyên môn. Còn những cây bút trẻ thì đang định hình, dò dẫm tìm hướng đi cho riêng mình hoặc xem nghề văn như một cuộc dạo chơi, ngoại trừ một vài trường hợp như Nguyễn Ngọc Tư, chẳng hạn.
Có lẽ chỉ ở nước ta mới có chuyện nhà văn được trả lương, được cấp tiền đi tham quan, du lịch, được nhiều ưu đãi đến nỗi không ít nhà văn ảo tưởng về sứ mạng và nhiệm vụ của mình. Có nhà văn mang thẻ hội viên xuống địa phương lòe các doanh nghiệp, các quan chức để tìm hợp đồng quảng cáo hay bàn việc xuất bản địa phương chí, ấn phẩm kỷ niệm một sự kiện gì đó ở địa phương như kiểu “Kỷ niệm 10 năm thành lập…” hoặc xin xỏ (nhưng ngầm dọa dẫm) một cái gì đó cho bản thân. Về phía nhà nước thì ngại mang tiếng đối xử tệ với cánh văn học nghệ thuật nên sẵn tiền của dân đóng thuế, tổ chức giải này giải nọ nhằm thể hiện sự quan tâm đến văn hóa nghệ thuật… Hai “suy nghĩ” đó vô hình trung gặp nhau, tạo ra một thứ danh giá giả tạo, vờ vịt khiến các nhà văn có lòng tự trọng thì xấu hổ còn kẻ cơ hội thì thừa nước đục thả câu…

2.”Nhà văn” không phải danh từ dùng để xưng hô. Nhiều người tâm huyết quan niệm như vậy. Với họ, viết văn là một nghề như mọi nghề khác trong xã hội, tất nhiên, nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Nhưng đã là nghề thì phải lao động để kiếm sống chứ không thể sống bằng sự xin xỏ hay chờ bố thí, tài trợ. Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, tác giả tiểu thuyết Trăm năm cô đơn trong diễn văn đọc tại buổi lễ nhận giải Nobel văn chương năm 1982, đã nói rất rõ: “Nhiệm vụ của nhà văn là viết cho hay”. Viết hay đồng nghĩa với việc sống bằng chính sức lực, trí tuệ của mình.
Ở nước ta lại khác, người ta thích dùng từ “nhà văn, nhà thơ” để giới thiệu mình, xem đó như áo mão vinh danh, như một thứ hào quang làm nổi mình. Cả nước, tính đủ số lượng người tự xưng (và được gọi) là nhà văn, nhà thơ từ trung ương đến các hội địa phương thì số lượng lên đến cả năm, bảy ngàn người. Nói cho công bằng, nhiều nhà thơ, nhà văn là điều đáng mừng nếu họ có được tác phẩm cho xã hội. Trong một nhận xét của chính Hội Nhà văn là có hội viên trong gần 10 năm qua không có một tác phẩm nào được in và những tác phẩm được in thì bằng tiền tài trợ và chất lượng không tương xứng.
Thử hỏi, có bao nhiêu nhà văn được nhà xuất bản sẵn sàng bỏ tiền ra mua và bao tiêu những sáng tác của họ? Con số quá ít ỏi so với lực lượng đông đảo nhà văn hiện nay. Tất nhiên, để đảm bảo lợi nhuận, nhà xuất bản chỉ mua những tác phẩm hay, những tác giả có lượng độc giả lớn. Vì những quan hệ tế nhị, họ cũng xuất bản những sáng tác của các nhà văn tên tuổi nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng. Vì thế, quang cảnh buồn hiu của thị trường sách văn học trong nước hiện nay, nhà văn phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất.

3.Hoạt động của các Hội Văn nghệ địa phương gần đây sôi nổi hẳn lên. Sôi nổi nhất không phải ở chất lượng và số lượng tác phẩm mà là chương trình tham quan du lịch đội lốt dưới danh nghĩa tham dự trại sáng tác hay đi thực tế. Hết tỉnh này đến thăm tỉnh kia bằng kinh phí nhà nước, cứ theo kiểu A đi du lịch qua B, B đến làm khách C, trong khi C lại ngao du ở A.
Một hoạt động khác sôi nổi không kém là chương trình tài trợ xuất bản. Càng đến thời điểm cuối năm, kinh phí còn nhiều nên chỉ cần đăng ký đề tài, nộp bản thảo là có thể ung dung được xét duyệt. Hội viên hội văn học ở một địa phương nửa đùa nửa thật về khoản tài trợ này bằng cách chơi chữ: “biếu trọn” tức 4 triệu, là khoản tài trợ cho một tập thơ. Có Hội Văn nghệ của một địa phương khác lại chủ trương chia đôi tiền tài trợ của nhà nước: một nửa cho quỹ hội, một nửa cho tác giả. Bị chiếm hết một nửa nhưng các hội viên chẳng dám kêu ca vì dù sao, có một nửa còn hơn không có đồng nào!
Vậy mà, nhận tiền tài trợ nhưng tác phẩm in chừng 500 cuốn (có người chỉ in 300 cuốn). Nộp cho cơ quan chủ quản khoảng 50 đến 100 cuốn (tùy từng nơi), biếu bạn bè chừng 50 đến100 cuốn nữa. Nếu có mối quan hệ rộng thì bán được chừng 50 cuốn. Số còn lại đóng gói cất, chờ ngày… bán giấy vụn. Chính vì thế mà nhiều người tin chắc rằng, trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ấn phẩm in bằng tiền đóng thuế của dân thì may chăng được vài tác phẩm có thể chấp nhận về mặt chất lượng.
Một nghịch lý là nhiều hội viên Hội nhà văn làm đơn xin ra khỏi hội thì lại có không ít người tranh nhau vận động để được kết nạp hội. Năm nào, đến dịp xét kết nạp cũng xảy ra nhiều chuyện lùm xùm. Mà trong vô vàn hội viên đó có không ít người viết câu sai ngữ pháp, lỗi chính tả đầm đìa. Thế mà cứ tự xưng là nhà văn chẳng chút ngượng ngùng.
Sực nhớ vừa rồi, một số nhà văn đăng ký đề tài và nhận 25 triệu đồng từ tiền đóng thuế của dân, cho đến nay, không biết có nhà văn nào “trả nợ” được chưa? Và tác phẩm trả nợ đó chất lượng ra sao? Hoặc, nếu không có tác phẩm, liệu số tiền hơn 2 năm tiền lương căn bản của một người lao động có thu hồi được hay không?
Câu hỏi chưa có câu trả lời!

LƯU VỸ BỬU
(tháng 10/2011)

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu