Phê bình văn học: khám phá giá trị tác phẩm và khai phá con đường sáng tạo

VTH – Nhà thơ Võ Tấn Cường ngoài đam mê sáng tác thơ vẫn luôn đau đáu với mảng phê bình văn học, tập tiểu luận phê bình “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng” mới ra mắt của anh đã ghi nhận những đóng góp trong lĩnh vực phê bình  của nhà thơ Võ Tấn Cường với nền văn học nước nhà.
vuthanhhoa.net xin giới thiệu bài viết mới của anh về vấn đề phê bình văn học  và mời các bạn đọc lại bài phê bình tập thơ Trong em có người đàn bà khác của VTH  in trong cuốn “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng” :

Bìa cuốn tiểu luận phê bình của nhà thơ Võ Tấn Cường

Phê bình văn học: khám phá giá trị tác phẩm và khai phá con đường sáng tạo

Hoạt động phê bình văn học trong phạm vi một địa phương và một quốc gia đang trong hiện trạng gánh chịu sự phàn nàn về những chứng tật phổ biến của nó và cả sự hoài nghi về sự hữu dụng của phê bình đối với sự phát triển của đời sống văn học.

Theo tìm hiểu của tôi, phê bình văn hoc Việt Nam hiện đại có hai chứng tật phổ biến đó là: phê bình phán xử (cả khen và chê) mang tính chủ quan, áp đặt và phê bình bỏ qua văn bản, không bám sát những giá trị nghệ thuật và tư tưởng nội tại của tác phẩm văn học. Kiểu phê bình văn học phán xử, nhà phê bình khám phá, đánh giá tác phẩm theo những quan niệm có sẵn, theo một định kiến nên dễ dẫn đến tình trạng khen chê một chiều, chủ quan và tuỳ hứng. Kiểu phê bình này từng thống soái hoạt động lý luận phê bình văn học suốt nhiều giai đoạn của lịch sử văn học. Kiểu phê bình văn học này vẫn còn rơi rớt trong một số bài phê bình văn học của những nhà phê bình quyền uy và một số nhà báo chuyên viết về văn học nghệ thuật. Kiểu phê bình văn học bỏ qua văn bản hiện khá phổ biến trong hoạt động phê bình văn học. Nhiều nhà phê bình khi viết phê bình về một tác phẩm văn học thường không bám sát các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm để phê bình, đánh giá mà chủ yếu viện dẫn những quan niệm về triết học, văn học nghệ thuật của các nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ nổi tiếng để “úp chụp” vào tác phẩm. Phê bình kiểu này giống như đem “cái mũ” lý luận đội “lên đầu” tác phẩm. Người viết phê bình chủ yếu phô diễn sự hiểu biết, kiến thức của mình mà không hề hướng tới việc cảm thụ, khám phá sự bí ẩn của tác phẩm.

Nhận diện những chứng tật của phê bình văn học hiện đại chính là để tìm cách “chữa trị” chứng tật của nó. Những chứng tật của phê bình văn học Việt Nam hiện đại dù có vẻ trầm kha nhưng không phải là không thể chữa trị. Theo tôi, có hai cách chữa trị đó là: thứ nhất, mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình phê bình và thứ hai, tăng cường tính đối thoại, bình đẳng trong hoạt động phê bình văn học.

Để lý luận phê bình văn học ở một địa phương và một quốc gia phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, các nhà lý luận phê bình cần phải tiếp thu có sáng tạo các thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại…vv…Nếu người viết phê bình văn học nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình phê bình văn học và chỉ vận dụng một hệ hình phê bình văn học để đánh giá các tác phẩm văn học sẽ dẫn đến tình trạng phê bình trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị mới lạ của tác phẩm văn học. Điều này chẳng khác gì một người chỉ có trong tay duy nhất một chiếc chìa khóa nên không thể mở được nhiều cánh cửa để mở ra những căn phòng bí ẩn khác nhau.

Để lý luận phê bình ở một địa phương và một quốc gia phát triển, các nhà lý luận phê bình phải coi trọng tính nhân văn của tác phẩm lý luận phê bình. Tính nhân văn biểu hiện thông qua sự dân chủ, bình đẳng trong đối thoại, trao đổi giữa các chủ thể phê bình với nhau. Sự khác biệt trong cái nhìn, quan điểm sẽ mở ra cách nhìn, cách khám phá mới trong sự tiếp nhận, khám phá tác phẩm. Phê bình văn học mang tính nhân văn không chỉ coi trọng sự đối thoại mà còn cần có chủ hướng rõ ràng. Sự tìm kiếm những giá trị nhân văn biểu hiện chủ hướng của nhà phê bình. Chủ hướng của nhà phê bình cần hướng tới vẻ đẹp của lòng nhân ái, lòng trắc ẩn trước nỗi đau và thân phận của con người. Phê bình mang tính nhân văn hướng đến sự phát hiện những giá trị của cái đẹp và bộc lộ sự cảm thông, sẻ chia với những bất hạnh, rủi ro mà những con người vô danh, nhỏ bé phải gánh chịu trong cuộc sống.

Chức năng của phê bình văn học nhằm tạo cầu nối tinh thần giữa tác giả và bạn đọc, giữa tác phẩm và bạn đọc. Muốn vậy, phê bình văn học phải hướng đến sự khám phá, giải mã những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng tiềm ẩn của tác phẩm. Chức năng của phê bình văn học còn biểu hiện ở chỗ nhà phê bình phải là người định hướng, gợi mở cho nhà văn, nhà thơ trong việc khai phá con đường sáng tạo. Nhà phê bình văn học giữ vai trò là người chỉ đường và đồng hành cùng nhà văn, nhà thơ trên con đường sáng tạo.

Mỹ Tho, tháng 11-2011

Võ Tấn Cường

VTH – Mời các bạn đọc lại bài phê bình về tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” của  Vũ Thanh Hoa in trong tập Tiểu luận phê bình mới nhất của nhà thơ Võ Tấn cường:


THƠ TÌNH VŨ THANH HOA
VÀ VẺ ĐẸP CỦA SỰ THI VỊ, ĐẮM SAY

Thế giới tinh thần của con người hiện đại đang bị xâm thực, mất dần vẻ đẹp thi vị của sự vật và vẻ đẹp đắm say, bay bổng của hồn người. Thế giới thi ca, nhất là thơ tình của các nhà thơ hiện đại đã đem đến cho con người sự thi vị và vẻ đẹp lung linh, ảo hóa của sự vật và hồn người. Đọc và cảm nhận tập thơ: “Trong em có người đàn bà khác“(1) của nhà thơ Vũ Thanh Hoa, tôi thả hồn bay bổng vào thế giới tình yêu thi vị và đắm say. Vẻ đẹp thi vị, đắm say trong thơ tình của Vũ Thanh Hoa đã mang đến cho người đọc men say của tình yêu và cả năng lượng sống dành cho những người đang yêu. Thế giới thơ tình của Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp của những cảm xúc mạnh mẽ và cuồng nhiệt, thăng hoa và bay bổng. Đúng như A.Devigny từng viết: “Thơ vừa là một khoa học, vừa là một tình cảm cuồng nhiệt“.

Cơ chế mã hóa ngôn từ và hình tượng trong những bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa có sự hòa trộn, cộng hưởng giữa các yếu tố: sự suy tưởng của tâm hồn, vẻ đẹp thi vị của sự vật và sự thăng hoa của tâm hổn con người trong quan hệ tình yêu. Điều này đã tạo nên cấu trúc của hình tượng ngôn ngữ trong hầu hết các bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa. “Đối với nhà thơ, một luật hòa hợp chung chi phối tất cả sự vật”(Saint John perse):


“Vòng hoan lạc siết bến bờ

Ngây dại

Cổng thiên đàng he hé nụ mung lung

Thở trong thở

Cuốn về hun hút bão

Thân ghì thân

Run rẩy nhịp tinh cầu

Dòng nham thạch phun quyện hòa núi lửa”
(Giao hưởng biển)


“Môi anh vẽ môi em son

Thần tiên trôi về nguyên thủy

Rừng rực mặt trời cháy

Eo thon cuốn siết hồng hoang

Thăng hoa đại bàng

Loang tràn nhau số phận

Ve vuốt trời

Mơn man đất

Khi anh vùi nụ hôn vào ngực em
(Khoảnh khắc)

Quan hệ tính giao trong thơ Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp giao thoa giữa hai tâm hồn, bản thể. Giống như thiền sư Osho từng nói: “Tình yêu của chúng ta là mối quan hệ. Khi tình yêu là mối quan hệ thì nó sẽ tạo ra đau khổ. Khi tình yêu là trạng thái của bản thể thì nó tạo ra niềm phúc lạc.”(2). Sự thi vị, đắm say trong quan hệ tính giao của tình yêu giúp con người lãng quên bản ngã và lãng quên không gian vật lý trong khoảnh khắc để tự tái sinh về tâm hồn và thể xác:

“Mỗi lần ngủ với nhau mình như hai người mới

Bồng bềnh bay ngút ngát cánh linh hồn

Giọt men lạ ủ hương quen ngấm tầng tầng máu thịt

Thanh bình anh tọa lạc cõi tiên em”
(Mỗi lần ngủ với nhau)

Quan hệ tình yêu, theo cái nhìn và quan niệm của Vũ Thanh Hoa, không chỉ là sự giao hòa giữa hai tâm hồn và thể xác mà như một định mệnh trói buộc đôi lứa yêu nhau:

“Buộc nhau vào nửa câu thề

Trói nhau bốn phía lối về mênh mang

Chia nhau đôi nửa vầng trăng

Thả vào dâu bể vĩnh hằng bình yên”
(Đêm vĩnh hằng)


“Chập chờn ôm giấc tơ vương

Vẽ vào sương khói…

Một đường

Nhân duyên”
(Lục bát internet)

Theo cái nhìn, quan niệm của Vũ Thanh Hoa, vẻ đẹp của người yêu không phải là những gì lớn lao, mà gần gũi, gắn bó máu thịt về thể xác và tâm hồn :

“Nốt ruồi nhỏ trên ngực em

Anh thấy

Từ lúc mẹ sinh em

Đến khi em chết

Em gọi đó là Anh!”
(Định nghĩa Anh)

Thơ tình của Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp của sự thi vị, đắm say. Tuy nhiên, cái nhìn của chị vẫn hướng về sự đa cực, tương phản trong mối tương quan giữa thế giới nội tâm của con người và sự vật, thế giới bên ngoài. Bài thơ: “Trong em có người đàn bà khác” khắc họa sự tương phản, đa diện giữa các mặt trong thế giới nội tâm và tính cách của một người phụ nữ:

Khi em hờ hững lạnh lùng

Trong em có người đàn bà khác

Người đàn bà nồng nàn hơn lửa

Muốn đốt cháy anh”
(Trong em có người đàn bà khác)

Thơ tình viết về quan hệ tính giao của Vũ Thanh Hoa không thô ráp, tự nhiên chủ nghĩa chính là do nhà thơ đã tạo dựng một hệ thống hình tượng biến ảo và ngôn ngữ thơ ảo hóa, lung linh, đa nghĩa. Viết về quan hệ tính giao trong mối quan hệ tình yêu, thơ tình của Vũ Thanh Hoa thoát khỏi sự sống sượng, dung tục về cảm xúc và ngôn ngữ biểu đạt như một vài tác giả thơ nữ đương thời khác. Cái nhìn và quan niệm của chị về tình yêu trong các bài thơ tình thể hiện rõ vẻ đẹp của sự trao tặng và dâng hiến chân thành, đắm say cùng với sự tái sinh của đôi lứa trong những trạng thái của bản thể trong tình yêu. Chính điều này đã tạo nên chất thơ và giá trị nghệ thuật những bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa. Phẩm chất thi sĩ và tâm hồn thơ Vũ Thanh Hoa đã bộc lộ và khẳng định qua những bài thơ tình. Đúng như thiền sư Osho từng cho rằng: “Linh hồn của sự thi vị chính là tình yêu. Những ai có thể sống trong tình yêu mới thực sự là những nhà thơ đúng nghĩa…”(3)

Tháng 1-2010
Võ Tấn Cường


1. Trong em có người đàn bà khác- Vũ Thanh Hoa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2009.

2. Thuật giả kim mới hướng bạn vào trong- Osho, Nhà xuất bản Thời Đại, năm 2009, trang 137.

3. Luận về cuộc đời- Osho, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, năm 2009, trang 55

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu