VTH – Qua thăm blog nhà thơ Ngô Minh “Quà tặng xứ mưa” (QTXM), gặp bài phỏng vấn thú vị về thực trạng “Thơ hóa toàn dân” hiện nay… Xin đăng lại cùng bạn đọc của vuthanhhoa.net:
QTXM: Nhà văn Từ Nguyễn Tĩnh ở Thanh Hóa vừa mail cho QTXM bài trả lời phỏng vấn báo điện Tử Tổ Quốc của nhà thơ Văn Đắc về “thơ ca quần chúng”. Chúng tôi thấy hiện nay ngoài Hội Nhà văn VN và các Hội VHNT các tỉnh, còn có các Hội thơ Việt Nam có chân rết từ Trung ương đến huyện, xã với hơn 5000 hội viên. Những hội viên “thơ” này làm ra những bài văn vần vè ( không phải thơ) để thù tạc, đọc cho nhau nghe. Mỗi ngày có thể làm hàng chục bài, chứ không hề biết bắt tứ, tu từ, chọn chữ, chọn hình ảnh… Và nhất là thơ không có tư tưởng nghệ thuật mới mẻ. Chúng tôi in lại bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Văn Đắc để thể hiện ý kiế́n đồng tình của mình
PV: Là một nhà thơ gắn bó với mảnh đất Thanh Hoá, ông có thể giới thiệu cho độc giả biết đời sống thơ ca của quê hương? Đội ngũ nào hiện nay chiếm số đông?

Nhà thơ Văn Đắc: Đời sống thơ ca của Thanh Hóa tiềm tàng từ xa xưa. Nó đi trong các ngày hội cơm rước xuống đồng, trong các trò diễn dân ca Đông Anh, múa Xuân Phả, hát ghẹo, hò sông Chu, sông Mã .v.v… của quần chúng. Nó được kết tinh vào những bậc thi nhân tài hoa; Bậc đứng đầu thiên hạ như nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tông chủ súy Hội Tao Đàn.
Hiện nay đời sống thi ca được lưu giữ và phát triển từ những nhà thơ thành danh, những tác giả thơ quần chúng và những người yêu thơ. Nhưng nhà thơ thành danh thì hầu hết ở xa quê. Một số nhà thơ gắn bó bền bỉ với đất quê thì đã vào tuổi cao niên, nhiệt huyết với thơ có phần kém đi sự hào hứng. Các tác giả là hội viên thơ của Hội văn nghệ tỉnh cũng không còn trẻ nữa, phần đông chi phối cho việc làm ăn. Những tác giả tài hoa, dấn thân cho thơ ca thật ít ỏi. Trong khi ấy bóng dáng những cây bút trẻ, mới chưa kịp phát hiện. Thấy như không ai lo lắng cho thế hệ nối tiếp một cách thực tâm, hết lòng.
Sáng tác thơ ca, trò chuyện về thơ ca lại thuộc các câu lạc bộ quần chúng – Một tình trạng quần chúng hóa sáng tác thơ ca đang nhộn nhịp, rất cần có sự tổ chức hướng dẫn.
PV: Theo ông, đời sống vật chất khó khăn thì người cầm bút có quan tâm đến đời sống tinh thần là thơ ca không? Vì sao?
Nhà thơ Văn Đắc: Khi đời sống vật chất khó khăn thì người cầm bút, người làm thơ lại càng đến gần với thơ ca. Vì thơ ca là chỗ để chia sẻ nỗi buồn, nỗi khổ và khát vọng hạnh phúc của chính người cầm bút và của con người.
PV: Thanh Hoá cũng như nhiều địa phương khác, đều có một tạp chí văn học nghệ thuật. Vậy lý do để có thêm ấn phẩm Thi Thanh là gì? Phải chăng vì tờ tạp chí của Hội VHNT không đủ “đất”, hay lý do nào khác?
Nhà thơ Văn Đắc: Có tập Thi Thanh là do yêu cầu sinh hoạt thơ của một nhóm người. Nhóm này gồm những người yêu thơ và có năng lực sáng tác thơ, thưởng thức thơ. Họ là thầy giáo ở các trường sư phạm, cấp ba, là hội viên thơ của Hội văn nghệ, một số sống và làm việc ở nhiều ngành nghề .v.v… Họ làm thơ là bởi ham muốn bộc lộ mình chứ không có ý phấn đấu gì cao xa.
Tạp chí của Hội văn nghệ là của Hội, đất của các hội viên đã có danh là chính. Thi Thanh mở ra một sân thơ riêng cho những người yêu thơ, một sân chơi lành mạnh không chỉ cho mỗi hội viên mà cố gắng góp vào không khí thơ chung, góp thêm vào việc tập hợp động viên sáng tác, khơi dậy những khả năng sáng tác trẻ và mới, không hề có cái gọi là dám đối trọng với Tạp chí Xứ Thanh.
PV: Là người chủ nhiệm ấn phẩm Thi Thanh, ông có thể cho biết sự giống và khác nhau giữa Thi Thanh và tạp chí văn nghệ của Hội VHNT?
Nhà thơ Văn Đắc: Khác nhau ở chỗ: Tạp chí Văn nghệ Hội VHNT là tạp chí được Nhà nước tài trợ kinh phí, có cả một ban biên tập và các phương tiện làm việc. Đấy là tạp chí gồm nhiều loại hình như văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, nhiếp ảnh, hội họa .v.v… Trong khi ấy ấn phẩm Thi Thanh không phải là tạp chí, chỉ là một tập mang hình thức như tập san, nó không có sự tài trợ của Nhà nước. Chỉ tự thu, tự chi, tự sáng tác, tự biên tập mà không hề có phụ cấp gì.
Thi Thanh giành một phần chuyên trang giới thiệu tác giả, tác phẩm, những vùng văn hóa của quê Thanh. Phần này làm dày dặn, công tâm, mạnh bạo và tự tin.
Thi Thanh và Tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT đều là ấn phẩm về văn học. Nó như hai anh em. Tôi thiết nghĩ đến một độ nào đó Thi Thanh sẽ là phụ san của Tạp chí Xứ Thanh, rất có thể!
PV: Đối tượng làm thơ là “quần chúng” ở Thanh Hoá thì họ sinh hoạt như thế nào? (In ấn tác phẩm ở đâu, đọc ở đâu, có sinh hoạt gặp gỡ định kỳ không?).
Nhà thơ Văn Đắc: Ở Thanh Hóa có rất nhiều câu lạc bộ thơ từ xã lên huyện, lên tỉnh, CLB thơ Đường Việt Nam, CLB thơ Việt Nam .v.v… thật là đông vui.
Thi Thanh với cách nhóm họp khiêm tốn là CLB Người yêu thơ. Nhưng vì CLB quá nhiều, nhóm người yêu thơ đã định hình thành Hội và chỉ thu nhỏ trong vòng ba bốn chục người thật sự có khả năng sáng tác và thưởng thức thơ. Thi Thanh in những sáng tác mới, có chất lượng của hội viên. Hội viên có số lượng bài đủ làm tập sách thì Thi Thanh có thể biên tập, trình bày, giới thiệu, đưa trình nhà xuất bản xin giấy phép, in ấn… Ngoài ra Hội Thi Thanh có Thi Thanh Hội Quán là nơi hội viên và bạn bè yêu thơ ca giao lưu đàm đạo hàng ngày. Một năm họp mặt hai lần để sơ kết, tổng kết; hai lần tổ chức cho hội viên đi tham quan, thực tế và nghe nói chuyện về văn học. Thi Thanh in mỗi quý một số (nếu đủ bài có chất lượng), khi chưa đủ các điều kiện thì cố gắng tối thiểu mỗi năm in ba số.
PV: Nếu phát triển “thơ ca quần chúng” có thể chúng ta sẽ gạn đục khơi trong được những cây bút triển vọng. Tuy nhiên con số này là rất nhỏ. Vậy mục tiêu lớn nhất của thơ ca quần chúng là gì?
Nhà thơ Văn Đắc: Việc phát hiện và bồi dưỡng những cây bút có triển vọng chỉ là việc góp vào với Hội văn nghệ, Sở văn hóa và các ngành khác trong tỉnh. Thi Thanh góp phần hữu hiệu cho việc nuôi dưỡng nhiệt tình sáng tạo, mở ra không khí thưởng thức, phê bình góp ý chân thật, cụ thể về thơ, sáng tác thơ.
PV: Theo nhìn nhận của ông thì “văn nghệ quần chúng” có thực sự cần đến một tổ chức để hoạt động không?
Nhà thơ Văn Đắc: Việc phát triển “thơ ca quần chúng” như hiện nay tôi cho là hơi quá đà. Ví như một câu lạc bộ quần chúng mà lấy tên đại diện cho cả nước gọi là CLB thơ Việt Nam, bành trướng trên cả nước. CLB thơ Đường Việt Nam cũng vậy, nên đưa vào quy củ, Bộ văn hóa phải kết hợp với Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam bàn về vấn đề này.
PV: Ông có cho rằng Hội VHNT cần có vai trò tổ chức, hoạt động, định hướng cho đội ngũ văn nghệ quần chúng không?
Nhà thơ Văn Đắc: Tôi cảm thấy bộ phận văn học dân gian hiện nay dường như bỏ trống. Có lẽ phải nên có một ban, một Nhà xuất bản chuyên lo, đốc thúc, sưu tầm, hướng dẫn, tập hợp, chọn lọc và xuất bản các tác phẩm của quần chúng.
Vì thơ ca quần chúng hiện nay là một bộ phận lớn, có tác dụng tạo ra niềm vui trong lành của quần chúng, số đông là người về hưu. Trong rất nhiều các ấn phẩm thơ, ta chọn lọc được không ít cái tinh túy, để lại trong kho tàng văn học quần chúng, bổ sung cho văn học dân gian cổ xưa của chúng ta.
Hội văn nghệ các tỉnh thấy như đang bị quần chúng hóa. Nhất định Hội văn nghệ phải là vườn ươm, trong đó nên có một ban phụ trách và hoạch định về thơ ca quần chúng.
PV: Cảm ơn nhà thơ!
Hiền Nguyễn (thực hiện)