Phát biểu của Mạc Ngôn khi nhận giải Nobel

VTH – Xin giới thiệu quý độc giả trích đoạn Diễn từ nhận giải Nobel Văn chương 2012 của nhà văn Mạc Ngôn, qua bản dịch của dịch giả Đào Anh Dũng:

Bài diễn từ của nhà văn Mạc Ngôn khá dài, dẫn dắt người nghe đi từ ký ức tuổi thơ của ông về người mẹ với những câu chuyện ngụ ý về sự nhẫn nhịn, cam chịu, độ lượng, dũng cảm và ước mơ. Có thể xem chúng như những giải thích của nhà văn về ngọn nguồn dẫn ông tới lựa chọn nghề viết văn, quá trình định hình phong cách và những ảnh hưởng, thông điệp trong những tác phẩm, mà ông trình bày trong phần tiếp của bài diễn từ.

Giải thưởng Nobel Văn chương cho Mạc Ngôn gây tranh cãi vì vị trí của ông trong hệ thống kiểm duyệt văn chương ở Trung Quốc.Ảnh: Helena Paulin-Strömberg/ Nobel Media AB 2012

“….Giải Nobel của tôi gây tranh cãi. Lúc đầu tôi nghĩ rằng tôi là đối tượng của những tranh cãi, nhưng về sau tôi nhận thấy rằng đối tượng thực sự lại là một người không liên quan đến tôi. Cũng như một người đang xem kịch trong nhà hát, tôi quan sát những màn biểu diễn quanh mình. Tôi thấy người giành giải thưởng này vừa được đeo những vòng hoa chúc mừng, vừa bị bao vây bởi những người ném đá và té nước bẩn. Tôi sợ anh ấy sẽ gục ngã trước sự tấn công, nhưng anh ấy đã trụ lại được với một nụ cười trên mặt, giữa những bông hoa và những viên đá; anh ấy lau sạch bùn và bụi, bình thản đứng sang một bên và nói với đám đông: “Đối với một tác giả, viết là cách nói tốt nhất. Các bạn sẽ tìm thấy mọi điều tôi muốn nói trong các tác phẩm của tôi. Lời nói bị gió cuốn đi, còn những câu chữ đã được viết ra thì không bao giờ bị xóa bỏ. Tôi mong các bạn hãy kiên nhẫn đọc các cuốn sách của tôi. Tôi không thể ép buộc các bạn, và ngay cả khi các bạn làm như vậy thì tôi cũng không trông chờ các bạn thay đổi ý kiến về tôi. Chưa có tác giả nào, dù ở bất cứ nơi đâu, lại được mọi độc giả của mình yêu thích; điều đó đặc biệt đúng trong những lúc như thế này.”

Dù tôi muốn im lặng, nhưng trong dịp này tôi phải nói một điều gì đó, xin hãy cho tôi nói nhanh mấy câu:

Tôi là một người kể chuyện, do đó tôi muốn kể cho các bạn một vài câu chuyện…

Khi tôi là một học sinh cấp ba vào những năm 1960, trường tôi tổ chức một buổi ngoại khóa để công bố những hình ảnh đau đớn và mất mát, ở đó, dưới sự chỉ đạo của giáo viên, chúng tôi đã khóc thảm thiết. Tôi để nước mắt lăn trên má nhằm gây ấn tượng với giáo viên, và xem một số bạn nhổ nước bọt ra tay rồi xoa nó lên mặt làm nước mắt giả. Tôi thấy một bạn không ướt mặt, vẫn im lặng và không lấy tay ôm mặt. Bạn ấy chỉ nhìn chúng tôi, mắt mở to ngạc nhiên và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau buổi ngoại khóa, tôi đã mách với giáo viên và bạn ấy bị cảnh cáo. Sau này, khi tôi tỏ ra sự hối hận vì việc làm đó, giáo viên bảo rằng có ít nhất mười bạn khác cũng làm như tôi. Bạn ấy đã qua đời ít nhất là mười năm rồi, còn lương tâm tôi rất dằn vặt mỗi khi nghĩ về bạn ấy. Nhưng tôi đã học được một số điều quan trọng từ sự cố này, đó là: Khi mọi người quanh bạn đều khóc, bạn vẫn có quyền không khóc, và khi những giọt nước mắt chỉ để làm cảnh, thì không khóc là càng đúng đắn.

Có một câu chuyện khác: Hơn ba mươi năm trước, lúc tôi ở trong quân đội, có một buổi tối khi tôi đang ngồi đọc sách trong phòng, thì một sĩ quan cấp trên mở cửa bước vào. Ông ấy nhìn lướt xuống và ngồi trước mặt tôi rồi thì thầm: “Này, mọi người đâu cả rồi?”. Tôi đứng lên và nói to: “Ông bảo rằng tôi không phải một người hay sao?”. Sĩ quan cao cấp đỏ bừng hai tai vì bối rối, và ông ấy đi ra. Suốt một thời gian dài sau đó tôi lấy làm tự hào về cái điều mà tôi coi là một phong thái hiên ngang. Sau này, sự tự hào ấy trở thành sự cắn rứt của lương tâm.

Xin vui lòng nghe tôi, chỉ một câu chuyện cuối nữa thôi, câu chuyện mà nhiều năm trước ông tôi đã kể cho tôi: Một nhóm tám người thợ xây ở ngoại thành đến trú bão trong một ngôi đền. Sấm ầm ầm bên ngoài, trút những quả cầu lửa xuống chỗ họ. Họ thậm chí còn nghe thấy cả âm thanh tựa rồng thét. Họ kinh hãi, mặt tái mét. Một người nói: “Trong chúng ta có một người nào đó hẳn là đã gây tội khủng khiếp đối với trời. Ai có tội thì tình nguyện bước ra nhận lấy hình phạt và cứu những người vô tội khỏi sự đau đớn”. Tất nhiên chẳng có ai tình nguyện. Cho nên một trong số bảy người còn lại đề nghị: “Vì không ai muốn bước ra, nên tất cả chúng ta hãy quăng mũ rơm của mình ra cửa. Mũ của ai bay qua cửa thì người ấy có tội, và chúng ta sẽ đòi người ấy bước ra và nhận lấy hình phạt của mình”. Thế là họ quăng mũ của mình ra cửa. Bảy cái bị thổi ngược vào trong, một cái bay ra ngoài. Một người bị buộc bước ra và nhận lấy hình phạt của anh ta, và khi anh ta không chịu, bảy người còn lại nhấc bổng anh ta lên và quẳng anh ta ra cửa. Tôi dám cá rằng các bạn đều biết kết cục của câu chuyện: Ngôi đền sụp xuống ngay sau khi anh ta bị quẳng ra khỏi cửa.

Tôi là một người kể chuyện.

Kể chuyện đã giúp tôi có được giải Nobel văn học.

Nhiều điều thú vị đã đến với tôi sau khi đuợc giải thưởng này, và chúng thuyết phục tôi rằng sự thật cũng như công lý vẫn tồn tại, vững vàng.

Vì thế trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của mình.

Cảm ơn mọi người!”

Mạc Ngôn
Nguồn vietnamnet 

1 comment

  1. Đọc đoạn trích phát biểu thật thú vị. Kể chuyện quá hay. Mình chỉ nghe loáng thoáng về văn chương Mạc Ngôn, nay mới để ý thấy hấp dẫn.
    hihi, dân “ngoại đạo” mà !

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu