Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh vừa ra mắt bản tiếng Farsi (Ba Tư) ở Iran và là cuốn tiểu thuyết VN đầu tiên được dịch ra tiếng Ba Tư.
Một góc buổi ra mắt sách Nỗi buồn chiến tranh tiếng Ba Tư tại Iran – Ảnh: Trịnh Đức Anh
Trước đây, một vài cuốn sách VN được dịch ra tiếng Ba Tư là Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồi ký về Ðiện Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đang được cựu đại sứ Iran tại VN Seyed Kamal Sajjadi chuyển dịch sang ngôn ngữ giàu tính văn chương này.
Buổi ra mắt sách được tổ chức ngày 26-2-2012 tại một trong những hiệu sách của nhà xuất bản Ofoq ở trung tâm thủ đô Tehran.
Nhiều nhà văn, dịch giả danh tiếng của Iran đã có mặt và trao đổi về cuốn sách họ mới đọc. Nữ văn sĩ Belgheys Soleimani kể rằng bà sinh năm 1963 – một năm trước khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc VN, và từ khi lớn lên, dường như thế giới bên ngoài Iran chỉ là chuyện chiến tranh VN do cha bà kể lại.
Sau chiến tranh, cuộc sống ở VN vẫn thu hút sự chú ý của bà. Khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, bà lại được biết về chiến tranh thông qua cái nhìn của một người trong cuộc và thấy nhiều điểm tương đồng giữa VN và Iran trong những cuộc chiến mà cả hai đất nước phải gánh chịu.
Nhà văn, nhà phê bình đồng thời là dịch giả Shahryar Vaghfipour nói rằng Nỗi buồn chiến tranh là cuốn sách về sự hủy diệt và tình yêu trong chiến tranh, về một quá khứ mất mát và một hiện tại ám ảnh. Ðó là lý do tại sao những hồn ma lại là yếu tố quan trọng đến thế trong cuốn sách. Theo anh, đây là cuốn tiểu thuyết có màu sắc hiện thực huyền ảo.
Dịch giả Masoud Amirkhani đọc thư của nhà văn Bảo Ninh gửi NXB, có đoạn: “Tôi rất kỳ vọng cuốn Nỗi buồn chiến tranh sẽ là một trong những tác phẩm mở đầu cho quá trình xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn học VN và Iran. Tôi mong mỏi rằng tôi và độc giả VN nói chung sẽ sớm được đọc các tác phẩm văn học Iran dịch ra tiếng Việt”.
Dịch giả Masoud Amirkhani sinh năm 1978, ban đầu vốn học chuyên khoa toán, sau chuyển sang học dịch văn học. Anh đặc biệt thích những tác phẩm về chiến tranh của các nhà văn như Eric Maria Remarque (người Ðức). Gặp được Nỗi buồn chiến tranh bản tiếng Anh, anh đọc say mê và quyết định dịch ra tiếng Ba Tư.
Ðể hình dung về chiến tranh VN, anh đã phải tìm đọc nhiều cuốn sách, xem nhiều bộ phim về chiến tranh, chủ yếu là của Mỹ và phương Tây. Với Nỗi buồn chiến tranh, anh muốn cho người đọc Iran được nhìn thấy chiến tranh VN qua góc nhìn của một tác giả người Việt.
Ofoq là một nhà xuất bản tư nhân, đứng hàng đầu những nhà xuất bản Iran in sách văn học. Mỗi năm trung bình Ofoq xuất bản khoảng 100 cuốn sách. Nỗi buồn chiến tranh ra mắt lần này với 2.000 bản, giá bán lẻ 52.000 rial (khoảng 70.000 đồng).
Nhân dịp ra mắt sách, đại sứ quán VN tại Iran đã mua 100 bản sách để tặng bạn bè Iran.
HỒ ANH THÁI (Từ Iran)
Theo TTO