VTH – Bài viết về nhạc sĩ Thanh Tùng của mình trên báo Vũng Tàu Chủ Nhật số 9 (20/3/2016) tại đây, mời bạn cùng xem:
>> Nhạc sĩ Thanh Tùng: Ta là gã cô đơn 18 tuổi…
>> Độc quyền: Hé lộ ảnh hiếm thời trẻ của cố nhạc sĩ Thanh Tùng

NHỚ ‘GIỌT NẮNG BÊN THỀM’
“Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Một sớm mai kia
Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là … thế thôi …”
(Lời bài hát Giọt nắng bên thềm – NS Thanh Tùng)
Nhớ những năm tháng còn là một cô sinh viên đầy mộng mơ vừa rời ghế nhà trường, tôi và bao bạn trẻ cùng trang lứa hầu như ai cũng thuộc nằm lòng những bản tình ca của nhạc sĩ Thanh Tùng: Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Hoa tím ngoài sân, Lời tỏ tình của mùa xuân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Trái tim không ngủ yên, Lối cũ ta về… Thanh Tùng là một trong những nhạc sĩ tiên phong cho xu hướng Nhạc trẻ Việt Nam những năm 80-90, mà đỉnh cao là phong trào Làn Sóng Xanh tại TP Hồ Chí Minh, và cũng từ đây những giọng ca Bằng Kiều, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung…được người nghe nồng nhiệt đón nhận. Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Trong các giai đoạn sản xuất băng đĩa rộn rịp nhất, dù không có được thống kê cụ thể, nhưng các tác phẩm của Thanh Tùng được liệt vào hàng ăn khách nhất của nhạc trẻ Việt Nam.”

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1971. Trở về nước, Thanh Tùng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam từ 1971 tới 1975. Sau đó, ông vào sống tại TPHCM và là một trong những người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài truyền hình TPHCM. Ông cũng từng chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen trước khi công tác tại Hội Âm nhạc TPHCM.
Khi nhạc sĩ còn khỏe, ông thường xuất hiện trong các chương trình ca nhạc lớn trên sóng phát thanh, truyền hình. Tôi vẫn nhớ vóc dáng cao ráo, vẻ mặt lãng tử, phong thái hào hoa, và đặc biệt cách trả lời MC dí dỏm, thông minh của ông. Một lần ông tự hát giới thiệu ca khúc mới của mình:
“Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu
Là thật ra anh đang dối mình
Còn anh nói đã trót yêu em rồi
Là hình như anh đang dối em…”
(Lời bài hát Trái tim không ngủ yên – NS Thanh Tùng)
Trước đó chưa ai viết như thế, chưa ai hát như thế. Thanh Tùng đã kể câu chuyện của mình thành câu chuyện của mọi người thật tài hoa, thú vị. Không lâu sau, Trái tim không ngủ yên đã trở thành bài hit trên các phương tiện truyền thông với hai giọng ca Bằng Kiều – Mỹ Linh, và cho đến bây giờ, bài hát ấy vẫn tạo một ấn tượng riêng biệt trong ký ức nhiều thế hệ.
Sinh thời nhạc sĩ nổi tiếng đào hoa, có nhiều người đẹp cảm mến. Nhưng dù mang tâm hồn ca hát lãng du, trái tim ông chỉ dành cho duy nhất người vợ đã mất. Bà ra đi từ đầu những năm 1990, sau 18 năm bên ông. Nhạc sĩ một mình nuôi lớn ba người con, giữ lời hứa với vợ trong phút lâm chung “không đi bước nữa”. Ca khúc Một mình ông viết tặng bà, đã khiến bao trái tim thổn thức, cảm phục.
“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa
Áo phơi trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ
Tan ca bố có đón đưa…”
(Lời bài hát Một mình – NS Thanh Tùng)
Ca từ trong các ca khúc của Thanh Tùng giàu chất thơ, thường là những câu chuyện tình buồn dịu dàng, lãng mạn mà mỗi người nghe dường như sẽ tìm thấy mình trong đó. Âm nhạc Thanh Tùng giản dị mà tinh tế, gần gũi mà riêng biệt nên dễ đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Thanh Tùng còn nổi tiếng về ý thức giữ gìn hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ trong mắt công chúng . Cơn tai biến xảy ra năm 2008 khiến ông bị liệt bên phải, mất khả năng nói, phải ngồi xe lăn nhưng mỗi khi tiếp xúc với báo giới, ông vẫn chú ý ăn mặc chải chuốt, phong thái thanh lịch. Ngày 15 tháng 3/2016, ông mất tại Bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi. Nhưng trong trái tim những người yêu quý nhạc trẻ Việt Nam, những giai điệu của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn sống mãi cùng năm tháng.
15/3/2016
VŨ THANH HOA ( Bút danh NGUYỆT CHI )