Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Bất ngờ với bài hát của Đồ Rê Mí

Được mệnh danh là “người nhạc sỹ của trẻ thơ”, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết không biết bao nhiêu ca khúc thiếu nhi, những ca khúc dường như không có tuổi khi được lớp lớp những thế hệ măng non cất tiếng hát từ thập niên này qua thập niên khác.

Trong vô vàn những ca khúc ông viết được thiếu nhi cả nước yêu mến, ít ai biết rằng đằng sau mỗi ca khúc lại cất giấu những câu chuyện thú vị vô cùng. Rềnh rềnh ràng ràng và Tiễn thầy giáo đi bộ đội, hai ca khúc của Nhạc sỹ Phạm Tuyên được hát các ca sỹ nhí của Đồ Rê Mí năm nay đã bất ngờ hé lộ những bí mật đáng ngạc nhiên.

Tiễn thầy đi bộ đội, ca khúc hồi sinh sau hơn 30 năm

Bài hát được viết từ năm 1979, là món quà mà em học sinh lớp 4 đã nhờ cha mình viết tặng thầy giáo dạy Văn trước ngày lên biên giới bảo vệ tổ quốc. Được viết nhanh và gấp trong không khí khẩn trương của đất nước, ca khúc với giai điệu mượt mà, ca từ giản dị nhưng hàm chứa nhiều tình cảm yêu mến của người học trò nhắn gửi tới thầy giáo trước ngày ra mặt trận. Bài hát tưởng chừng đã hoàn thành sứ mệnh “lịch sử” của mình, bỗng trở lại sau hơn 30 năm, được tái hiện đầy cảm xúc trên sân khấu Đồ Rê Mí qua giọng ca cao vút của thí sinh 10 tuổi, em Đặng Hồng Ngọc đến từ Bình Phước. Nhạc sỹ Phạm Tuyên đã rất bất ngờ khi được nghe lại ca khúc này, và càng bất ngờ hơn với giọng hát hay, truyền cảm của một em bé 10 tuổi, hát về một ca khúc cách mạng trong thời bình của đất nước đã truyền tải được trọn vẹn tinh thần của bài hát vốn không phải được viết với mục đích biểu diễn.

Có một điều thú vị được con gái nhạc sỹ Phạm Tuyên, cũng chính là em học sinh lớp 4 ngày nào tiết lộ, sau khi ca khúc hoàn thành và được tốp ca đài tiếng nói thu âm, cũng là lúc người thầy giáo trong bài hát biết tin mình sẽ không lên biên giới nữa, sự thay đổi bất ngờ này hẳn là một kỷ niệm đáng nhớ với cả thầy, trò và người nhạc sỹ sáng tác bài hát. Và dù thế nào, mục đích, ý nghĩa và giá trị của ca khúc Tiễn thầy đi bộ đội trong một giai đoạn lịch sử của đất nước là không thể phủ nhận. Đó chính là lý do vì sao, ca khúc có sức sống lâu bền đến thế, và đã bất ngờ được sống lại trên sân khấu Đồ Rê Mí đầy cảm xúc với giọng hát giàu biểu cảm của Hồng Ngọc, chị cả Đồ Rê Mí năm nay.

Rềnh rềnh ràng ràng, bài đồng dao có phần đọc Rap

Để viết ca khúc của thiếu nhi, phải luôn tự đổi mới, phải sống và suy nghĩ bằng đời sống của các em, nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ. Dù đã bước sang tuổi 81, nhưng người nhạc sỹ của trẻ thơ này cũng không ngừng tự làm mới mình bằng những thử nghiệm mới mẻ trong các ca khúc thiếu nhi. Năm 2000, nhạc sỹ có ý định phổ nhạc đồng dao cho các bài hát, Rềnh rềnh ràng ràng là một trong số đó. Vừa quen, vừa lạ, vừa cũ, vừa mới nên rất gần gũi với các em, ca khúc còn có một đoạn đọc Rap kiểu bảng cửu chương rất ngộ nghĩnh: “Một người hai chân, hai người bốn chân, ba người sáu chân, bốn người tám chân, năm người mười chân”. Nhạc sỹ Phạm Tuyên khuyến khích việc hòa nhập những dòng văn hóa mới, phù hợp với dòng chảy thời đại nói chung, của âm nhạc nói riêng như nhạc Hip Hop, nhạc Rap, miễn sao vẫn phải phù hợp với truyền thống và văn hóa của dân tộc.

NS Phạm Tuyên

Lời bài hát Rềnh rềnh ràng ràng:

Rềnh rềng ràng ràng ba gang xếp lại
Rềnh rềng ràng ràng xếp lại cho gần
1 người 2 chân nè , 2 người 4 chân nè
3 người 6 chân nè , 4 người 8 chân nè
5 người 10 chân
Chân gầy chân béo chân béo chân gầy
Dệt vải cho bà vải hoa vải gấm
Đến mai trời nắng đem vải ra phơi

Những ca khúc thiếu nhi, cả xưa và nay, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần cho các em, mà còn hiển hiện như một dòng chảy lịch sử, phản ánh văn hóa và sự phát triển của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Những ca khúc cách mạng như Tiễn thầy đi bộ đội, Lỳ và sáo, Em bé giải phóng quân hay cả những ca khúc mới như Rềnh rềnh ràng ràng,…đều là những bài hát hay, nhiều ý nghĩa của Đồ Rê Mí năm nay.
Clip bài hát Lỳ và Sáo, một ca khúc nổi tiếng được Trí Dũng, thí sinh Đồ Rê Mí thể hiện trong show diễn bộ đội của tối chủ nhật vừa qua:

Clip bài hát Tiễn thầy đi bộ đội của Hồng Ngọc hát trong show diễn của đội 2 với chủ đề Bộ đội – Đồ Rê Mí 2011:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu