VTH – Mình vừa có bài viết tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên do báo BRVT Chủ nhật đặt hàng với yêu cầu dưới 1 ngàn chữ, mời bạn xem tại đây. Mình đăng lại nguyên văn bài viết và cái tựa đề do mình đặt, sau đó Báo đã dùng tựa đề khác.
NHẠC SĨ AN THUYÊN: ĐƯA TÔI VỀ VỚI NGƯỜI TÔI YÊU
Những người yêu quý nhạc Việt Nam sững sờ khi biết tin, nhạc sĩ An Thuyên, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất với dòng nhạc dân ca cách mạng vừa đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim cấp vào lúc 16h30, chiều ngày 3/7/2015 khi ông đang ở tuổi còn tràn đầy sức sáng tạo: tuổi 66. Có thể có một ai đó không biết nhiều về An Thuyên nhưng khi nhắc đến: “Ca dao em và tôi, Huế thương, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, hay Em chọn lối này…” thì họ, những khán thính giả đủ mọi lứa tuổi chắc hẳn sẽ có một bài nằm lòng hay chí ít một câu nằm lòng: “Cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ…” hoặc “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón…” những làn điệu dân ca thân thuộc ấy cứ tự nhiên neo vào và lắng đọng đến sâu thẳm tâm hồn công chúng, vượt qua khoảng cách của các thế hệ và bất diệt trước thời gian.
An Thuyên sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967 và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo ngành.
Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, công tác ở Đoàn Văn công Quân khu IV. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (chuyển lên đại học năm 2006) từ 1993 – 2009.
Sau tác phẩm đầu tay “Em chọn lối này” viết năm 1971 (khi ông tròn 21 tuổi), nhạc sĩ An Thuyên được mọi người yêu mến ở rất nhiều ca khúc như: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Ca dao em và tôi…
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ An Thuyên đạt nhiều giải thưởng ở thể loại ca khúc như Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy) – Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985, Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995) – Giải Nhất của Bộ Văn hóa – Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chín bậc tình yêu – Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác rất nhiều các tác phẩm ở các thể loại như khí nhạc, nhạc phim, nhạc múa và viết nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo…
Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Cuối đời, ông dành nhiều tâm huyết với Hiệp hội Văn hóa Doanh nhân vừa mới được thành lập.
Tôi được vinh dự gặp nhạc sĩ An Thuyên một lần tại Hà Nội. Đã biết gia tài khổng lồ các tác phẩm của ông, những ca sĩ nổi tiếng Việt Nam từng được ông đào tạo dìu dắt như Hồ Quỳnh Hương, Trọng Tấn, Lưu Hương Giang… nhưng khi gặp nhạc sĩ ngoài đời, tôi cảm nhận về An Thuyên rất gần gũi, hiền hậu và đa cảm. Cách nói chuyện của ông dí dỏm, phong thái từ tốn của một người từng là Hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội nhưng đậm vẻ lãng tử “xứ Nghệ”. Tất cả những cái ấy tạo nên phong thái An Thuyên, phong thái của một nghệ sĩ lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người đồng hương thân thiết với nhạc sĩ An Thuyên kể rằng: “Còn nhớ vào khoảng 1996, VTV làm chương trình giới thiệu Tác phẩm mới tại Đại học Văn hóa Hà Nội của 4 tác giả là Phó Đức Phương, Từ Huy, An Thuyên và tôi, bài “Ca dao em và tôi” của An Thuyên gây tranh luận giữa các khán giả sinh viên về ca từ của bài hát này, có người cho rằng không nên “chặt đôi câu thơ” vì nghe nó phản cảm quá. Nhưng rồi cũng chính vì cái “cảm giác mạnh” đó mà bài hát lại khiến cho nhiều người yêu thích. An Thuyên giải thích rằng, đó là cảm xúc tự nhiên của anh khi sáng tác, âm nhạc và lời ca tự nó cùng tuôn ra một lúc như thế, và anh không thể thay đổi được. Có lẽ đó cũng là cách sáng tác ca khúc của An Thuyên, nên nhạc và lời của anh luôn chung cảm xúc, không gượng ép.” Những ca khúc của anh luôn đậm chất dân ca xứ Nghệ với những luyến láy rất điệu nghệ cùng những cảm xúc tràn đầy. “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” là một bài hát như thế. Lời ca của An Thuyên thường mộc mạc nhưng giàu hình ảnh khắc họa và cũng giàu chất thơ. “Đêm theo phường đi nghe hát/ quần xắn gối đứng đầu sân”… Những hình ảnh như thế rất dễ lay động lòng người. (Trích từ facebook của NS Nguyễn Trọng Tạo)
Những ca khúc của An Thuyên còn phù hợp với rất nhiều ca sĩ, không chỉ là các ca sĩ chính thống miền Bắc hay ca sĩ dòng nhạc “đỏ” mà còn được hát rất nhiều tại các sân khấu hải ngoại, tại những liên hoan văn nghệ quần chúng…
Gần đây , âm nhạc cách mạng Việt nam có những mất mát lớn: Giáo sư Trần văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân và… nhạc sĩ An Thuyên! Nhưng dù những tên tuổi tài hoa ấy đã mãi mãi ra đi nhưng những tác phẩm của họ vẫn vẫn trường tồn trong trái tim và tâm hồn công chúng, để:
“Đưa tôi về
Đưa tôi về với người tôi yêu
Để cùng hát khúc dân ca quê mình
Để tôi sống giữa bao nhiêu ân tình”
(Ca dao em và tôi – An Thuyên)
——————–
VŨ THANH HOA
Tháng 7/2015