Nhà văn Nguyên Ngọc rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh

Sau khi nhà văn Sơn Tùng rút khỏi Giải thưởng Nhà nước, cây bút lão thành Nguyên Ngọc cũng từ chối cơ hội nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh dù ông lọt vào danh sách đề cử từ Hội đồng cấp Bộ lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Nhà văn Sơn Tùng rút khỏi Giải thưởng Nhà nướcĐề cử Giải thưởng Nhà nước về văn học: Thừa mà vẫn thiếu

Trao đổi với VnExpress.net về việc rút tên khỏi đề cử, tác giả Rừng xà nu chỉ nói: “Tôi không làm hồ sơ và cũng không quan tâm đến chuyện này”. Ông giải thích thêm, “đây chưa phải lúc thích hợp” để trả lời về lý do rút tên khỏi giải.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn Nguyên Ngọc tỏ rõ thái độ thờ ơ với sự tôn vinh dành cho mình. Năm 2000, Nguyên Ngọc vắng mặt trong Lễ trao Huân chương Độc lập dành cho ông. Đại diện Hội Nhà văn đã phải mang Huân chương đến tận nhà của nhà văn. Ông cũng từng từ chối nhận Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên. Ngoài ra, Nguyên Ngọc còn từ chối mọi hỗ trợ về vật chất cho việc sáng tác từ Hội Nhà văn.

Ông tâm sự với VnExpress.net: “Tôi là một người lao động bình thường. Tôi như một anh thợ mộc. Tôi làm ra sản phẩm, bán cho nhân dân và có thu nhập bằng sức lao động của mình. Anh thợ mộc có được ai đưa tiền cho để anh ta làm việc đâu”.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thanh Phúc.
Nhà văn Nguyên Ngọc (phải). Ảnh: Thanh Phúc.

Đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Trí Huân cho biết, Hội đề cử nhà văn Nguyên Ngọc vào Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay và đề nghị làm hồ sơ cho ông, nhà văn đã đồng ý. Sau khi hồ sơ hoàn thành và được xét duyệt qua cấp cơ sở, nhà văn lại gửi thư xin rút khỏi giải.

Ông Nguyễn Trí Huân giải thích, việc các nhà văn rút tên khi đã được đề cử là chuyện “rất bình thường” khi xét các Giải thưởng Hồ Chí Minh hay Giải Nhà nước. “Tham gia hay không tham gia, đăng ký hay không đăng ký, đó là quyền và nguyện vọng của nhà văn, Hội hoàn toàn chấp nhận và thông cảm”, ông nói.

Nhà văn Nguyên Ngọc được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh với tập truyện Rẻo cao. Trong danh sách trình lên Hội đồng cấp Nhà nước ở lĩnh vực văn học còn có các tác giả Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng…

Nhà văn Nguyên Ngọc, tên thật là Nguyễn Ngọc Báu, sinh năm 1932 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là dịch giả, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học danh tiếng và còn được coi là một chuyên gia về Tây Nguyên. Ở lĩnh vực sáng tác, Nguyên Ngọc nổi tiếng với các tác phẩm như Đất nước đứng lên, Rừng Xà Nu, Đất Quảng… Còn trong vai trò của một nhà phê bình, nghiên cứu, ông có công phát hiện và nâng đỡ những tài năng như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…

Pham Mi Ly

Theo vnExpress

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu