Nguyễn Trần Bạt: Bởi một nền giáo dục xem nhẹ đạo đức

“Không phải chúng ta kêu gọi không được đánh bố mẹ, không được đuổi bố mẹ ra đường thì những đứa con nó sẽ không đánh, không đuổi bố mẹ. Phải có các chế tài cho con người và phải có các khích lệ với con người. Phải có nhiều thứ thiết yếu dành cho con người hơn nữa, thì tự nhiên con người sẽ tốt dần lên”, ông Nguyễn Trần Bạt – chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group.

>>Công bố toàn bộ hình ảnh con đẩy bố ốm ra đường
>> Con trai cùng bố là thầy giáo đánh mẹ gẫy cổ
>>GS Chu Hảo:Con đẩy bố ra vỉa hè là cái họa
>>PGS Nguyễn Văn Huy:Điều gì giữ con người không “hóa thú“ ?
>>Vụ trưởng Giáo dục: Là người không ai làm chuyện vô đạo

Giáo dục có vấn đề

PV:- Gần đây, báo chí liên tục phát hiện những vụ việc đau lòng xảy ra ngay giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến như: con cái đẩy bố già ốm ra vỉa hè nằm suốt 8 tiếng trước sự chứng kiến của thiên hạ, vợ tố chồng cùng con trai đánh trọng thương phải nhập viện… theo ông nguyên nhân nào dẫn đến những hiện tượng như vậy?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Cuộc sống của chúng ta đang có những chỗ trục trặc và phát triển không lành mạnh. Nền giáo dục của chúng ta có vấn đề. Chúng ta chỉ giáo dục để đi thi cho giỏi. Chúng ta biểu dương tất cả những người giàu có, phong tặng cái nọ cái kia, làm rất ầm ĩ.
Chúng ta mới chỉ chú ý đến việc biểu dương những giọng hát rất hay, những cô chân rất dài mà quên mất không biểu dương những cái đẹp khác quan trọng hơn của con người.

Chúng ta không xác lập một bộ tiêu chuẩn xã hội về con người, cho nên mọi cái tôi đều không được hướng dẫn đúng đắn. Do đó, nó có những khía cạnh lộng hành của nó, tạo ra các hiện tượng tiêu cực mà chúng ta đang lên án.

Ông Nguyễn Trần Bạt

Ông Nguyễn Trần Bạt

PV:- Chúng ta phải hiểu như thế nào khi mà vợ tố cáo chồng, chồng đánh đập vợ dã man, con cái tố cáo cha mẹ độc ác, vu khống đổ tội cho chúng, thậm chí con cái còn đồng lòng dàn kịch đẩy bố đẻ già yếu ra nằm vỉa hè… Theo ông, những hành vi này có được gọi là tội ác hay chỉ là “tồi tệ”, và nó phản ánh điều gì trong xã hội hiện nay?

Ông Nguyễn Trần Bạt: -Nhiều thì nó thành tội ác. Tội ác cá biệt và tội ác có quy mô xã hội là hai loại tội ác. Hành vi xấu nhiều quá thì trở thành nguy cơ của xã hội, hoặc tuy nó ít nhưng nó ghê gớm, độc địa, làm chấn thương con người thì nó cũng là tội ác. Mọi cái tấn công vào an ninh con người đều là tội ác cho dù là ai làm việc đấy.

Những hành vi ấy phản ánh sự lệch lạc về mặt đạo đức trong xã hội, phản ánh con người không được quan tâm một cách thấu đáo và các hành vi con người không được điều chỉnh để trở thành thói quen đạo đức.

PV:- Một điểm rất lạ của những vụ việc nêu trên là nó xảy ra không phải ở những gia đình thất học mà lại xảy ra với những gia đình trí thức, có người làm nhà giáo đàng hoàng và gia cảnh thì không nghèo. Ông có nhận xét gì về cái sự bất bình thường như thế? Quan điểm của ông trước thực tại tàn nhẫn này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: -Tôi không hiểu tại sao lại có sự nhầm lẫn trong việc phân loại như vậy. Căn cứ vào cái gì mà qui định cái xấu thì phải xảy ra trong các gia đình nghèo, gia đình thất học, còn nếu nó xảy ra trong những gia đình trí thức là bất bình thường?

Nếu không có đạo đức thì người trí thức có năng lực làm những việc xấu hơn nhiều so với những người thất học.

Chưa chắc ít giáo dục thì xấu hơn về mặt đạo đức. Bởi một nền giáo dục mà trong đó giáo dục đạo đức không được xem trọng, giáo dục con người không được xem trọng thì chưa chắc giáo dục nhiều sẽ đem lại đức hạnh.

Đổ lỗi cho kinh tế thị trường là không công bằng

PV:- Nhiều người đổ lỗi cho sự đứt vỡ các mối quan hệ gia đình là do kinh tế thị trường, đồng tiền lên ngôi đã lấn át tất cả các giá trị khác, đặc biệt là giá trị đạo đức. Là người đi nhiều nơi trên thế giới, ông có thấy ở các nước có nền kinh tế thị trường thì họ cũng tệ như chúng ta hiện nay không? Tại sao thế?

Ông Nguyễn Trần Bạt: -Tôi không tán thành cách phân tích những thói hư tật xấu mà chúng ta có trong xã hội chủ yếu xuất phát từ yếu tố kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường lâu nay bị biến thành một cái thùng rác để chúng ta đổ tất cả những vấn đề của xã hội lên đấy. Tôi nghĩ điều đó không công bằng.

Kinh tế thị trường là một cách thức hoạt động của xã hội. Xã hội nào cũng buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường, muốn không chấp nhận cũng không được vì nó là bản năng.

Cái gì cũng có mặt trái của nó. Tại sao chúng ta lại nhắc đến mặt trái của kinh tế thị trường mà không nhắc đến mặt trái của nhiều cái khác? Chuyện anh em giết nhau vì phân chia tài sản, bố mẹ bị con cái bỏ rơi… có ở mọi giai đoạn khác nhau trong đời sống xã hội.

Cho nên, tôi muốn nói là không nên ghép các hiện tượng tiêu cực của xã hội với mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đấy là mặt trái của xã hội nói chung chứ không phải chỉ là mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Những vụ con đẩy bố ra vỉa hè, chồng đánh vợ... gây bức xúc dư luận

Những vụ con đẩy bố ra vỉa hè, chồng đánh vợ… gây bức xúc dư luận

Tôi nghĩ là ở đâu mà giáo dục tốt, ở đâu mà các chế tài của đời sống xã hội tốt thì ở đó người ta hạn chế được các mặt tiêu cực. Chúng ta không có những chế tài minh bạch cho việc điều chỉnh các hành vi. Chúng ta chưa xem đạo đức là kết quả của một chế tài. Chúng ta chỉ mới xem đạo đức là một sự khuyến khích và chúng ta cứ rát cổ bỏng họng kêu gọi.

Sự thất bại của con người cũng tạo ra các hiện tượng xấu của con người. Vậy thì chúng ta phải có một thể chế để đảm bảo con người không bị thất bại, hay nói cách khác là con người có những thất bại tiêu chuẩn để từ đó con người không có những hành vi đạo đức dưới tiêu chuẩn.

PV:- Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do cái tôi cá nhân đã xuất hiện và nó không đếm xỉa đến những gì không có lợi cho nó, tự nó gây hấn và xung đột với bất cứ ai ngoài nó. Mối quan hệ cha con, vợ chồng trong gia đình đương nhiên là bị tàn phá như một cuộc chiến sinh tồn. Ông nhận xét gì về nhận xét này?

Ông Nguyễn Trần Bạt: -Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề vì cái tôi cá nhân. Cái tôi cá nhân và cái tôi cá nhân phát triển không chừng mực, không lành mạnh là hai đối tượng khác nhau, cần có đối sách khác nhau. Phát triển cái tôi cá nhân một cách chính đáng chính là phát triển trách nhiệm cá nhân trước tất cả vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho mỗi một con người.

Hiện nay cả xã hội chúng ta đang sôi sục về chuyện không có cá nhân nào chịu trách nhiệm trước những hiện tượng tiêu cực khổng lồ đang diễn ra trong xã hội. Trong khi chúng ta đang cố gắng làm thế nào để mỗi người có trách nhiệm cá nhân trước các công việc của mình thì chúng ta lại lên án cái tôi cá nhân đẻ ra các hiện tượng đuổi cha, đánh mẹ.

Chưa chắc nay tồi hơn xưa

PV:- Chúng ta đã nói khá nhiều về nguy cơ rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình trong thời kinh tế thị trường, nhưng với những vụ việc xảy ra còn nóng hổi như thế thì không phải là nguy cơ hay rạn nứt nữa, đó là sự đứt gãy, thoái hóa về mặt đạo đức trong các mối quan hệ gia đình thời hiện đại. Ông nghĩ sao về vấn đề này và với cương vị của ông, ông sẽ kiến giải và có biện pháp gì để vãn hồi quá trình thoái hóa này?

Ông Nguyễn Trần Bạt: -Hình như ở đâu đó người ta bơm, thổi lên nguy cơ ấy. Gia đình là một bản năng của con người cho nên tôi không nghĩ gia đình tan rã. Gia đình hiện nay không còn màu sắc cổ điển của nó như trong những điều kiện kinh tế và xã hội trước đây nữa.

Gia đình đã bắt đầu khoác những bộ áo mới do điều kiện chính trị xã hội và kinh tế thay đổi. Chúng ta đang quan trắc sự thay đổi màu sắc của tấm áo khoác của gia đình và chúng ta tưởng gia đình cũ của chúng ta tan rã.

Chúng ta không thể kết luận gia đình ngày nay tồi hơn gia đình ngày xưa. Gia đình ngày xưa bố mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy, con cái không được quyền sáng tạo, con cái phải vâng lời, con cái lệ thuộc vào bố mẹ, hoàn toàn không chủ động, hong hóng chờ đợi tất cả sự phân chia tài sản của bố mẹ. Vậy con cái tự kiếm sống và con cái chờ đợi sự chia cho của bố mẹ thì con cái nào tích cực hơn?

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, cùng với sự phát triển của các hoạt động lên án những khía cạnh đạo đức như vậy, cùng với sự ổn định hàng ngày của đời sống con người, cùng với giải quyết việc nọ việc kia liên quan đến đời sống con người, chúng ta sẽ đạt được những hiệu quả.

Không phải chúng ta kêu gọi không được đánh bố mẹ, không được đuổi bố mẹ ra đường thì những đứa con nó sẽ không đánh, không đuổi bố mẹ. Phải có các chế tài cho con người và phải có các khích lệ với con người. Phải có nhiều thứ thiết yếu dành cho con người hơn nữa, thì tự nhiên con người sẽ tốt dần lên.

Tường Lam (Thực hiện)
Nguồn phunutoday

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu