VTH – Ngày mai là ngày Thương binh Liệt sĩ, đến ngày Kỷ niệm thiêng liêng này, tôi muốn đưa lại bài bình của nhà văn Nguyễn Đức Thiện về bài thơ rất cảm động của nhà văn Hoàng Đình Quang:
NGƯỜI LÍNH ẤY TRỞ VỀ
Người lính ấy trở về sau cuộc chiến tranh
Chẳng lo ô tô chẳng nhờ tàu chi hết
Đến đầu hè anh thản nhiên ngồi bệt
Không mũ, không sao. Không quân hiệu, quân hàm
Anh sống lênh đênh trong xóm trong làng
Không đất, không nhà, chẳng lụy phiền mưa nắng
Mấy chà xíết dưới bầu trời chát mặn
Bảy vía đưa anh về với mẹ rồi
Anh ngắm kèo nhà, anh xem bức tường vôi
Anh rờ rẫm bức hình mình thời trai trẻ
Quả trứng bẹp nằm yên trên đĩa
Cơm gạo mùa hai bát úp chông chênh
Năm ngóai mất mùa năm nay mất chiêm
Cả nước thiếu ăn, cả làng thiếu gạo
Đôi quang thúng mẹ chạy đôn, chạy đáo
Anh thản nhiên ngồi ngó mãi trời xa
Bống bang ơi! Cơm vàng cơm bạc nhà ta
Có cơm cúng cơm, không cơm thì cúng cháo
Ăn khói ăn hương anh để dành bơ gạo
Chống con thuyền giáp hạt giữa trần gian
1991
Hoàng Đình Quang
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN ĐỨC THIỆN:
Người lính trong bài thơ đã trở về.
Nhà văn Hòang Đình Quang đã từng là chiến sĩ quân đội. Anh từng chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh. Nói như thế để bảo rằng: anh rất hiểu người lính trong chiến tranh. Người lính lúc bấy giờ sau những trận đánh một sống, một chết; sau những trận chìm trong khói lửa đạn bom thì bao giờ cũng hướng nỗi nhớ về quê hương. Nơi ấy có kỷ niệm một thời trai trẻ, có con sông, có cánh đồng, có bản bè. Nhất là ở nơi ấy còn có người mẹ đã sinh ra anh, khem khổ nuôi anh khôn lớn và sau đó lại sẵn sàng cho anh vào chiến trường đánh giặc, giải phóng quê hương. Trong những ngày chiến đấu gian khổ bất cứ người lính nào cũng khao khát hòa bình để được về quê.
Người lính trong bài thơ NGƯỜI LÍNH ẤY TRỞ VỀ của Hòang Đình Quang đã trở về “ chẳng lo ô tô, chẳng nhờ tàu gì hết”. Lẽ đương nhiên thôi anh đã là liệt sĩ. Vì thế cũng đương nhiên “ Đến đâu hè anh thản nhiên ngồi bệt”, và, cũng đương nhiên “ không quân hiệu quân hàm”. Hòang Đình Quang đã thay đồng đội mình nói lên khát vọng ngày xưa là được trở về nhà. Bây giờ thì anh trở về nhà thật. Để thấy minh còn trẻ trong tấm anh trên bàn thờ. Thấy mình vẫn còn trong nỗi nhớ của người nhà bằng nén nhang, bằng “ quả trứng bẹp nằm yên trên dĩa, cơm gạo mùa bát úp chẳng chông chênh”. Có nghĩa là bây giờ dù âm đương cách biệt anh vẫn còn tồn tại trong chính ngôi nhà của mình. Ngày còn sống, người lính từng thương nhớ quê nhà với bao khó khăn gian khổ, bữa no, bữa đói vẫn một lòng lo cho con đi đánh giặc. Nên bây giờ đây, cái gì anh thấy cũng khiến anh nao lòng.
Năm ngóai mất mùa năm nay mất chiêm
Cả nước thiếu ăn, cả làng thiếu gạo
Đôi quang thúng mẹ chạy đôn, chạy đáo
Anh thản nhiên ngồi ngó mãi trời xa
Và cũng vì thế mà anh muốn
Có cơm cúng cơm, không cơm thì cúng cháo
Ăn khói ăn hương anh để dành bơ gạo
Chống con thuyền giáp hạt giữa trần gian
Viết về liệt sĩ Hoàng Đình Quang đã không đi vào lối viết thường thấy: Nghĩa trang, khói nhang, buồn, gió bâng khuâng, mà anh đã thay những đồng đội mình kết nối cuộc sống âm dương, để thấy một điều thật sâu sắc: những người còn sống sau chiến tranh vẫn không nguôi nhớ đến người lính đã hy sinh. Và những người lính đã hy sinh đã có một thời thưong về mảnh đất mình đã sinh ra, nuôi mình khôn lớn và hy sinh thân mình cho đất nước bình yên. Và cũng bởi thế ta hiểu sâu sắc thêm cái nghĩa uống nước nhớ nguồn với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu hôm qua. Vì thế mà muốn rơi nước mắt khi đọc:
Anh sống lênh đênh trong xóm trong làng
Không đất, không nhà, chẳng lụy phiền mưa nắng
Mấy chà xíết dưới bầu trời chát mặn
Bảy vía đưa anh về với mẹ rồi
Một bài thơ thấm thía như một nén nhang thắp lên đài nghĩa trang liệt sĩ.
Nguyễn Đức Thiện
Nguồn blog Nguyễn Đức Thiện