NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG VÀ “THÁNG TƯ QUA CẦU CỎ MAY”
Tôi cùng sinh hoạt trong Hội Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) Bà Rịa-Vũng Tàu với nhà thơ Nguyễn Đại Bường, biết anh đã lâu và cũng đọc thơ anh khá nhiều. Bút lực Nguyễn Đại Bường dồi dào, thể hiện một tâm hồn nặng tình với quê hương xứ sở và một vốn sống dày dặn, nhiều trải nghiệm sâu sắc trước nhân tình, thế thái. Đọc thơ Nguyễn Đại Bường qua từng giai đoạn, có thể thấy nhà thơ ngày càng lắng đọng hơn sau cuộc hành trình, để trở về với bản ngã của mình, một Nguyễn Đại Bường qua nhiều biến động của thời gian hình thành một phong cách viết riêng, một duyên thơ riêng.
Trong bài viết này, trước hết tôi nhắc đến bài thơ “Tháng Tư Qua Cầu Cỏ May” của nhà thơ Nguyễn Đại Bường:
THÁNG TƯ QUA CẦU CỎ MAY
Mùa biển gọi phía trước
Bãi Trước bãi Sau cũng ở phía trước
Muối tan vào gió vỗ râm ran vồng ngực
Qua cầu Cỏ May không còn có cỏ may
Hào phóng tháng Tư chang chói nắng qua đầu
Rễ Mắm cắm sâu vào lòng đất
Vui gì em mà khe khẽ hát
Cho đôi bờ cây lá ấy xôn xao
Qua cầu Cỏ May không còn cỏ may
Chỉ có những đoàn xe lướt êm ả
Đã thấy ngàn hoa sóng trắng mây nắng hạ
Anh và em và bình yên biển phố Vũng Tàu
Những người lính Sao Vàng trẻ măng đi đâu
Đêm mở chốt vượt sông thầm mơ ngày về Bắc
Ai nhớ ai quên
Ai còn ai khuất
Con nước duới chân cầu vì sao không nỡ trôi xuôi…
Còn lại đây chỉ bát ngát đất trời
Giọng cười em níu mùa xuân đứng lại
Có bông cỏ may tháng Tư ngày ấy
Ghim vào bầu trời xanh lãng đãng khói hương bay!
N.Đ.B.
Ai từng sinh sống lâu năm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đều biết đến cầu Cỏ May. Cứ nhắc đến cái tên cầu này, tôi lại thấy bâng khuâng trong lòng bởi thời sinh viên những năm 1987-1991, khi tôi đang học Đại học Luật ở TP. HCM, tôi thường rất nhớ nhà, mà phương tiện đi về lúc ấy khó khăn lắm, không thuận tiện như bây giờ. Khi nhảy lên một chiếc xe đò để về Vũng Tàu thăm gia đình (có lúc cô sinh viên ngơ ngáo bị lừa lên đúng vào xe cóc, xe dù và cứ đi một đoạn là phải chuyển xe), khi xe đến được cầu Cỏ May là thấy trong lòng ấm áp, yên tâm vì đã đến “đất nhà mình” rồi…
Mùa biển gọi phía trước
Bãi Trước bãi Sau cũng ở phía trước
Bây giờ tra Google chỉ thấy thông tin: “Cầu Cỏ May nối liền hai thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu. Cầu nằm cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 20 km và cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 5 km. Cầu có chiều dài 258m, chiều rộng 30m”. Thay vào vị trí chiếc cầu đơn sơ nhỏ bé xen những bông cỏ may ngày xa xưa là hai chiếc cầu bê tông khổng lồ nằm cạnh nhau với sáu làn đường, hai chiều rộng vài chục mét, đón khách công tác và du lịch bốn phương đổ về thành phố biển Vũng Tàu, nơi này còn là “góc sống ảo” cực chất của các bạn trẻ để có những tấm hình độc đáo đăng trên mạng xã hội, lãnh đạo tỉnh cũng đang có những dự án nâng cấp cây cầu đẹp đẽ hơn, quy mô hơn…
Nhưng trước dòng người ồn ào náo nhiệt và hiện đại kia, thi sĩ lại có chút gì nuối tiếc, xót xa với dĩ vãng ngập tràn hương cỏ may… Bởi khi đã cảm nhận được vị muối của quê hương, vị gió của biển tận nơi lồng ngực thì anh lại thấy có chút hụt hẫng với hiện tại:
Muối tan vào gió vỗ râm ran vồng ngực
Qua cầu Cỏ May không còn có cỏ may
…
Hào phóng tháng Tư chang chói nắng qua đầu
Rễ Mắm cắm sâu vào lòng đất…
Không phải ngẫu nhiên tác giả chọn Tháng Tư để “qua cầu Cỏ May”, bởi chính nơi đây dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng kí ức về cầu Cỏ May ngày ấy không thể nào quên đối với những người cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng của trận quyết chiến ngày 29/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với bao mất mát đau thương vì còn nhiều đồng đội của họ đang yên nghỉ dưới dòng sông Cỏ May mà chưa được tìm thấy.
Những người lính Sao Vàng trẻ măng đi đâu
Đêm mở chốt vượt sông thầm mơ ngày về Bắc
Ai nhớ ai quên
Ai còn ai khuất
Con nước duới chân cầu vì sao không nỡ trôi xuôi…
Ngày nay, trên khuôn viên rộng 1.500m2, cạnh quốc lộ 51 là tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May cao trên 11m thật hoành tráng, là nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Khách thập phương khi qua đây thường vào thắp nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến khốc liệt này. Những dịp lễ, tết, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức các đoàn đại biểu đến thắp nhang, các CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng, từ ngoài miền Bắc, miền Trung, hằng năm, dịp kỷ niệm ngày 30/4 đều vào thăm viếng, thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May.
Có bông cỏ may tháng Tư ngày ấy
Ghim vào bầu trời xanh lãng đãng khói hương bay!
Làm thơ về những địa chỉ lịch sử không dễ dàng. Chỉ viết theo cảm tính, điệu đà câu chữ sẽ sa vào sến sẩm tầm thường mà viết gồng quá lại thành ra bài giảng khô khan thậm chí sáo rỗng. Ở đây, Nguyễn Đại Bường đã dung hòa được điều này. “Tháng Tư Qua Cầu Cỏ May” nhẹ nhàng, thủ thỉ, ngắn gọn nhưng đã nhắc đến nhiều ký ức của người dân Vũng Tàu, những vui buồn mất mát của cả một giai đoạn lịch sử bi hùng. Bình thơ không phải là việc giải nghĩa các câu thơ mà còn đi tìm đằng sau những câu thơ ấy còn có điều gì tác giả gửi gắm, tìm những cảm xúc đồng điệu và gợi mở những ý tưởng mới…
Tháng Tư Qua Cầu Cỏ May chưa phải là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Đại Bường. Anh viết khá nhiều, khá đa dạng. Có khi ta bắt gặp một người đàn ông đa đoan, đa tình, phóng túng với lối viết hiện đại, tự do:
Con đường quanh Hồ Gươm tôi đi không có điểm dừng
Lòng vòng Hà Nội ngày bão rớt
Mà tâm bão lòng mình
Vần vũ tìm em bằng con đường rất thẳng của trái tim!
(Hà Nội ngày bão rớt)
Ngày ấy em đi giũ sạch lời nguyền
Sợi tóc vẫn còn trên drap giường mong manh niềm thống khoái
Anh không thể nhìn lâu
Sợ mình trôi phăng vào dòng sông rập rều bóng tối
(Ngôi Nhà Tháng Ba)
Rồi lại hiện ra một “ông chú” gốc gác xứ Quảng khá “truyền thống” qua một số bài thơ viết theo thể lục bát cũng khá “ngọt”:
Cái lu, cái ảng, cái chum
Gáo dừa rột roạt vét mòn nuớc nôi
Cọng rơm giòn rụm lâu rồi
Con trâu chắt mót cỏ nhơi lại sình
(Đò Cạn)
Đã từng nắng táp mưa chan
Rồi lim dim ngủ chờ trăng vỗ về
Đã từng bật gốc nhà quê
Gán thân vào chỗ sum suê phố phường
Từ trong lòng đất ấp iu
…
Vàng phai đang hoá liu chiu nách chồi
Xin chừa vài lá người ơi
Tự nhiên làm một cuộc rơi cho mình!
(Gửi Người Lặt Lá Mai)
Ở tuổi ngoài lục tuần và các tác phẩm thơ vẫn đều đặn có mặt trên các báo văn nghệ trong và ngoài tỉnh, Nguyễn Đại Bường đã chứng tỏ “tay nghề” của mình ngày càng vững chãi và sâu lắng hơn, ngày càng được bạn đọc và đồng nghiệp ghi nhận hơn.
Nhà thơ Nguyễn Đại Bường (tên thật là Nguyễn Quốc Huân) học Báo chí chuyên ngành kỹ thuật truyền thanh, sau khi nghỉ hưu, anh sống khá lặng lẽ tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT. Không phải ai cũng biết người đàn ông trông vẻ ngoài khắc khổ, ít nói, hay cười, thường ít quan tâm đến bao chuyện ồn ào văn nghệ của Hội VHNT Tỉnh BR-VT lại là một người có sức viết bền bỉ, một quyết tâm đi dài hơi với văn chương dù phải trả giá không ít. Dẫu vậy, hình như với anh, hạnh phúc được viết, được chia sẻ với bạn văn, được những người tử tế hiểu mình là cũng đủ để cảm nhận được vị ngọt ngào của cuộc sống này.
Thấy ta không tỉnh không mê
Không quên không nhớ không về không đi
Trong không ấy biết có gì
Thinh thinh như thể điều chi nhủ thầm
Sáng lên ngọn lửa từ tâm
Cháy lên soi cả đăm đăm phận người
Chầm chậm thôi
Chầm chậm thôi
Cho theo kịp với bước đời xa xăm…
(Tịnh)
Vũng Tàu 06/11/2022
VŨ THANH HOA