>> Truyện ngắn Bách hoa tửu – Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Đề tài không mới, cốt truyện khá đơn giản, nhưng lại hấp dẫn người đọc nhờ lối viết có nghề của tác giả. Mạch truyện được dẫn dắt nhẩn nha ,chậm chạp. Các tình tiết truyện không đan xen, mà được dồn nén đủ chặt để khi “bật” ra, nhẹ thôi, nhưng vẫn gây được hiệu ứng giải tỏa nơi người đọc. Phố Núi hiện ra lặng lẽ và … buồn. Người và cảnh cũng man mác buồn, hình như đang dồn nén, chất chứa điều gì đó bức bối, ẩn ức, khó nói thành lời, nhưng lại có cảm giác như đang hiện hữu đến mức có thể cầm nắm được. Đọc hết mới thấy cái “nút” thắt của truyện nằm ngay ở cái tựa “ Bách hoa tửu”. Nơi Phố Núi thì thiếu gì thứ đặc sản : Rượu mật gấu, rượu tay gấu, rồi thì rắn , rết…. đủ loại. Có thể “Bách hoa tửu” không phải là thứ rượu gồm cả trăm thứ hoa, mà chỉ độc một thứ được mỹ nhân chủ động bỏ vào bình như thể người ta bỏ tiền để dành vào cái ống. Nhưng giật mình là ở cái thứ tự từ số 1 rồi lần lượt đến… con số 99. Đúng là “Bách hoa tửu” chỉ độc một thứ hoa. Thì thằng đàn ông nào chả vậy. Giống nhau hết. Thằng nào chả háu. Đến mức, thời chiến tranh có anh chàng bộ đội được ghé qua nhà mấy đêm, lúc đi bị vợ liếc séo rồi mắng thẳng vào mặt “ làm gì cái đồ, người ta chưa kịp cởi thì thủng mất quần…”.
Ai cũng biết HIV là thứ vi trùng gieo căn bệnh thế kỷ, nhiễm phải coi như cầm chắc cái án tử hình. Biết bao thân phận những mỹ nữ nhà lành của mọi miền quê vì gia cảnh bất hạnh mà nhiễm phải. Và, những thằng đàn ông ham vui vô tình bị trở thành thiêu thân. Cứ nghĩ đến cái cách mà mỹ nhân Phố Núi trả thù đời , mà sởn cả gai ốc, mà nổi cả da gà. Lòng thù hận mới đáng sợ và ghê gớm làm sao. Điều bất ngờ để anh chàng thi sỹ , một kẻ lãng du nơi Phố Núi được người đẹp ban cho cái ơn thoát hiểm lại nhờ ở cái “sự thơ”. Hồn nhiên như thơ. Chất phác, chân thật như thơ, bác học, trí tuệ, không gợn mùi hiểm ác. Người thơ lãng tử đã tặng nàng tập thơ, không biết dày mỏng thế nào, câu chữ ra sao mà anh chàng đã không phải trở thành bông hoa định mệnh thứ một trăm trong cái bình “tửu hoa” đáng sợ đó. Chợt nhớ có một đại danh nhân đã nói đại ý rằng : “ Thi ca có thể làm tàn lụi đi những gì buồn chán, đau khổ và tội ác…”. Tất nhiên, thứ thi ca có sức mạnh hóa giải thần thánh đó, không thể là thứ thơ một thời đỏ lắc ,với mùi tanh của máu và vị mặn của nước mắt trong suốt gần nửa thế kỷ. Thứ thi ca mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xếp là loại thơ “tâm lý chiến”. Và, càng không phải là sản phẩm của thứ thi hứng tụng ca , bợ đỡ , nhạt nhẽo đến phát buồn nôn, mà cũng lại Nguyễn Huy Thiệp phải lắc đầu ngán ngẩm (xin lỗi anh Thiệp và bạn đọc có thể tôi trích dẫn không chính xác lắm) rằng : “ Vợ tôi dở dại dở khôn – Đọc xong nó bảo dí lờ …. vào thơ – Vợ tôi nửa tỉnh,nửa mơ – Đêm qua nó bảo dí thơ vào lờ…”.
Trở lại với những con số 9 trong “Bách hoa tửu”. Nếu số điện thoại, hay biển số nhà, biển số xe v.v… mang những con số này , thì chủ nhân của chúng sẽ vênh váo, tinh tướng lắm. Nhưng cũng những con số ấy trong cái sự “bách hoa tửu” này, giữa cái thời HIV này, thì thật là vô phúc . Thử nhắm mắt hình dung, nếu mỹ nữ không thức tỉnh (tất nhiên là nhờ có thơ và cả người thơ nữa), khi mà những kẻ thiêu thân, vẫn lần lượt là những bông hoa rơi tõm vào cái bình rượu đáng sợ kia, thì con số 99 sẽ tăng theo các loại cấp số để cứ thế mà nhân lên, nhân lên mãi. Tai họa ngọt ngào, sự hủy hoại cũng ngọt ngào. Quả là, “Thi ca có thể làm tàn lụi đi những gì buồn chán, đau khổ và tội ác…”, đủ thấy sức mạnh hồi sinh và tuổi thọ vĩnh cửu của thi ca, của văn học, nghệ thuật, khác hẳn sự tồn tại ngắn tủn của đám vua chúa , quan lại , bạo quyền.
Lại nữa. Người ta đã, đang và chắc là sẽ làm ra những loại thuốc chống lại vi trùng HIV, cứu nhân loại thoát khỏi căn bệnh “liệt kháng”. Nhưng ở cái thời “hậu hiện đại” quá nhiều bất chắc này, nhân loại còn phải đối mặt với không ít căn bệnh thế kỷ hiểm nghèo khác. Trong đó, nguy hiểm nhất, lây lan nhanh nhất, sức hủy hoại cũng ghê gớm nhất, biến tâm hồn con người trở thành cằn cỗi, câm điếc. Đó là thứ siêu vi vô cảm, gây bệnh vô cảm, quay lưng lại với thân phận đồng loại. Vâng ! “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng, nhìn lại nền thi ca, văn học, nghệ thuật một thời với cảm hứng “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải hay “Hồi ký của một thằng hèn” – NS Tô Hải, thì các văn nhân, thi sỹ v.v… nước ta đến cứu mình còn chưa xong, nói gì đến cứu người.
“Bách hoa tửu” là một truyện ngắn hay, với cảm thông, yêu thương, chia sẻ là thông điệp nhẹ nhàng. Tác giả cũng đã phần nào nói được những gì cần nói. Truyện có phần kết như vậy cũng là hợp lý và vừa đủ. Từng đến Phố Núi và cũng rất có cảm tình với đất và người Phố Núi, nên tôi đã tưởng tượng thêm ra rằng, khoác vai mỹ nhân từ bãi tha ma những người xấu số về, chàng thi sỹ tài hoa, lãng tử của chúng ta im lặng. Nàng cũng không nói gì. Họ lặng lẽ đi bên nhau, rồi bịn rịn chia tay. Về đến phòng nghỉ, chàng lăn ra giường. Đầu óc chàng cứ ong ong đủ thứ. Bất giác thấy bình “bách hoa tửu” nàng tặng trên bàn, thi sỹ bật dậy dốc ngược bình cứ thế mà ừng ực. Rồi chàng bú, bú đến giọt cuối cùng, đến khi đáy bình chỉ còn trơ ra những bông hoa mềm nhũn… /.
Nha Trang tháng Chạp Tân Mão 2011
Nguyễn Chính (bauxite)
Cam on bai viet cua anh. Chuc moi su An lanh. NNHP