>> Nắng cuối trời (53) – Vũ Thanh Hoa
Nắng cuối trời
Truyện dài kỳ
54. Những “tin nhắn rác có vần” của nhà báo LCT vẫn đổ không ngừng vào máy Trang. Vốn là học sinh chuyên văn và một thời phụ trách trang văn nghệ của một tạp chí lớn, đọc loạt “thơ tình” với ghi chú “Tặng riêng Trang” khiến nàng muốn bệnh.
Nhớ cái hồi còn làm ở Tòa soạn, ngày nào nàng cũng nhận hàng tá “thơ rác” đại loại thế này. Đến nỗi nhiều lần Trang tự hỏi: Có lẽ nước Việt bây giờ có thể coi là một “câu lạc bộ” Thơ lớn hay sao? Và tất nhiên nhan nhản các “nhà thơ” sinh sản theo cách vô tính ấy cũng sản xuất hàng loạt thơ vô tính. Đọc những câu ghép vần khi thì ngô nghê ngớ ngẩn đến tục tằn kiểu thơ dụ gái của anh hàng thịt, lúc lại ra điều đại ngôn rối rắm nhằng nhịt chả khác chi một bãi rác hổ lốn của mấy “thi nhân” tự coi mình thuộc hàng “bác học’. Cuối cùng thì vẫn ngợi ca mãi một vấn đề, phê phán mãi một vấn đề, chả “vĩ nhân” nào nói thật cho ra hồn cái điều cần nói nhất. Ấy vậy mà năm nào các “đại thi hào” ấy cũng nhận hàng tá giải thưởng lớn nhỏ từ cấp xã cho đến cấp quốc gia. Vẫn nhóm sinh sản vô tính ấy tổ chức thi cuộc này cuộc kia, phân công nhau làm “giám khảo”, cũng bày biện ra các cuộc “bút chiến” rầm rộ ở các diễn đàn “người cầm bút” rồi sau rốt thì chia chác nhau giải thưởng quay vòng, “lại quả” nhau cho đủ lễ!
Nàng không quên ngày ấy, Tổng Biên tập luôn dặn dò nàng:
– Chọn bài vở phải hết sức an toàn, trung tính không đụng chạm ai, không ám chỉ những vấn đề “nhạy cảm” hiện nay. Nhớ đấy!
Một lần nàng không kìm được, Trang cãi:
– Số báo nào cũng đăng các tác phẩm chỉ hót mãi một giọng không bằng con vẹt, thỉnh thoảng phải tìm chút mới lạ đột phá chứ anh?
Và nàng nhớ mãi cái bĩu môi và ánh mắt đầy vẻ thương hại của anh này:
– Ôi dào, cô nàng ơi! Có ai đọc thơ hay xem truyện trên cái tạp chí này đâu, người ta treo tên mình trên đó cho nó oai với gia đình , để mà khoe khoang với xóm làng, để đồng nghiệp quen mặt nhớ tên mà năm sau chia giải thưởng thôi mà! Cô đừng có bon chen ra ngoài cái ghế của mình. Tôi bảo đăng bài nào thì đăng, gỡ bài nào thì gỡ cho nó lành nhé!
Và nàng không lạ gì với đồng lương ba cọc ba đồng mà Tổng Biên tập cứ ung dung mua nhà, mua xe,vi vu các chuyến du ngoạn trong và ngoài nước, khi thì diễn đàn “Thơ ca Á Phi”, khi thì “Giao lưu văn học Châu Âu”… Sau các chuyến “giao du văn hóa” gần xa ấy, Tổng Biên tập xuất hiện rạng ngời trên báo chí và phương tiện truyền thông, trả lời phỏng vấn “nóng hổi” về “Tình hình phát triển của Văn học nước nhà” tìm ra “Những lối đi cho một nền Văn chương đương đại” Và… Ô la la! Nghe anh ấy phát biểu mới hay ho, văn minh và thẳng thắn nhường nào!
Nhưng đến xế chiều đã thấy bầy “fan hâm mộ” tranh nhau mời mọc thịt rượu. Các “quan Văn nghệ” cứ mà “chạy sô” cụng li “zô zô” mệt nghỉ! Từ các quán thịt chó vỉa hè cho đến nhà hàng cao sang, chỗ nào cũng thấy mặt mũi các “nghệ sĩ đích thực” nốc lấy nốc để cho đến lúc chân nam đá chân xiêu, ríu lưỡi, quờ quạng, những “Người của công chúng” say be bét sẽ vừa hát vừa khóc hoặc vừa đọc thơ vừa hôn chùn chụt các em tiếp viên… Đôi khi các “vĩ nhân” mâu thuẫn một ý tưởng gì đó, đại loại ông này “rượu vào lời ra” chê thơ ông kia “dở như con C” hoặc bài hát mới của thằng nọ đạo nhạc của thằng kia” thế là… nhẹ thì đập bàn, ném bát, nặng thì túm cổ giật tóc văng tục chửi bậy ào ào đến mấy bác xe thồ còn phải kêu bằng cụ!
Cứ thế, cả quãng đời “làm nghề”, Tổng Biên tập đáng kính chẳng mấy khi ăn bữa tối ở nhà và cũng chẳng bao giờ phải mở ví thanh toán tiền ăn nhậu! Ấy là thơ ra tiền, văn ra rượu là thế! Quan chức ngành nào thời nay cũng biết cũng tìm ra cái lỗ mọt mà khoét. Quan Văn có cái cách tinh vi, giảo hoạt, đàng điếm đầy nghệ thuật là thế!
Cũng vì chán ngán cảnh ấy mà khi Tuân chuyển nàng về công ty Kinh doanh này nàng cũng không phản đối, nhưng rồi nàng sớm nhận ra, đâu đâu cũng rặt bày sâu đội lốt người, cái nơi trực tiếp vơ vét được tiền này thì mức độ càn quét còn lộ liễu và khốc liệt hơn nhiều!
Mải nghĩ, Trang đã đến cái quán L&L “thơ mộng” nằm trên phố ăn nhậu đông đúc của Sài Gòn từ lúc nào. Giám đốc V hân hoan ra đón nàng từ cửa, ngài đã thay qua bộ đồ thể thao trắng cho ra vẻ “trẻ khỏe”, nàng nhìn cái bụng không thể giấu nổi xập xệ và bộ cẳng khẳng khiu của sếp mà nín cười.
Trông thấy Trang xinh đẹp trong bộ váy dạ tiếc sẫm màu, “nhà báo, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ…” LCT giang rộng hai tay, suýt xoa:
– Trời ơi, người đâu mà cứ như tiên giáng trần vậy!
Rồi nàng vừa ngồi xuống ghế, “nghệ sĩ đa tài” vụt đứng dậy, đốt một điếu thuốc, nốc cạn li bia và “dẫn chuyện” rằng:
– Nhìn thấy nhan sắc kiều diễm của em Trang, trái tim tôi không thể ngừng rung động, sau đây tôi xin phép đọc bài trường ca…- Người “nổi tiếng” ngừng lại, cao giọng diễn giải trước khuôn mặt nghệt ra ngưỡng mộ của sếp V – Bài này đã được giải nhì trong cuộc thi về đề tài “Sản xuất nông lâm khu vực…” lần thứ nhất đấy nhé…
Trang muốn lăn bò ra cười… Trời đất quỷ thần ơi! Sao đời mình có lúc lại bi hài là vậy? Bố mẹ có bao giờ tưởng tượng được nhan sắc con gái mình có ngày lại được “tôn vinh” bằng bài trường ca được giải nhì với đề tài “Sản xuất nông lâm” kia! Mặc cho hai “khán giả” ngồi dưới bày tỏ thái độ ra sao, nhà thơ LCT cứ oang oang đọc thơ, hoa chân múa tay… bác chỉ ngưng lại uống hoặc đốt thuốc lá… Phần thơ chấm dứt rồi đến phần nhạc, LCT lại giới thiệu ca khúc mới sáng tác của mình… hai chai rượu và một két bia đã cạn cũng là lúc “ người tài hoa” để gục xuống bàn… Sếp V bèn đưa mắt cho cậu tài xế riêng…
(Còn tiếp)
Vũ Thanh Hoa