Nắng cuối trời (45) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (44) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời

Truyện dài kỳ

45.  Trang mở mắt, bầu trời mờ sáng sau tấm rèm trắng nơi cửa sổ. Hiện tại lại ùa về. Một ngày mới đang đến… Nàng thấy mình nằm trong căn phòng khách sạn trong tấm chăn ấm áp. Nàng ngồi dậy, mặc lại sống áo hoàn chỉnh, đến bên chiếc bàn trang điểm chải lại mái tóc dài.

Cửa phòng bỗng bật mở, H cầm trên tay hai túi đồ ăn sáng:

– Em yêu, thấy em mệt mỏi, anh dậy sớm mua quà sáng đây…

Nàng mỉm cười hạnh phúc. Nàng kéo rèm cửa cho cả căn phòng sáng bừng lên dù những tia nắng ban mai còn rất yếu ớt. Có những hạnh phúc phô trương ồn ào, thấy vợ chồng tíu tít đầy tình cảm bên nhau nhưng chỉ là vở diễn giả tạo, gượng gạo che mắt thế gian bởi sự liên kết của tài khoản ngân hàng và những quyền lợi khó tách rời. Khi về nhà đóng cửa lại, họ như những con nợ cay nghiệt sẵn sàng băm vằm nhau từ những chuyện nhỏ nhặt nhất bởi câu chuyện lớn nhất đã đi vào ngõ cụt. Còn mình đang sống trong hạnh phúc thầm lặng mong manh thậm chí là lén lút nhưng thật ngọt ngào, chân thành.

– Em cám ơn anh.

Nàng ôm H, ngả lên vai anh yêu thương và tin cậy. H mỉm cười soạn đồ ăn sáng trên chiếc bàn uống nước và nhắc:

– Em dùng bữa đi rồi còn về chở Chíp đi học.

– Dạ.

Nàng cảm thấy mình được sống trọn vẹn thân phận đàn bà, được nâng niu an ủi, chia sẻ và quan tâm đúng nghĩa, có lẽ người phụ nữ xinh đẹp và giỏi giang đến đâu thì cũng mong đợi những điều giản dị vậy thôi.

k45(1)

Đưa bé Chíp đến trường rồi ghé vào công ty, Trang thở dài khi nhìn thấy những “cỗ máy văn phòng” đầy vẻ chăm chú trước cả núi hồ sơ, tài liệu hoặc còng lưng, dán mắt vào màn hình vi tính với thái độ rất nghiêm túc. Thật ra họ có mặt “đúng giờ” về “đúng giờ” như cái đồng hồ đã đặt giờ, nhưng họ không ngừng tranh thủ “tư lợi” dưới cái vỏ bọc vô cảm kia. Nhiều phụ huynh chỉ có một mơ ước cho con ăn học, dạy dỗ thế nào để sau này kiếm một chỗ nhàn hạ, an toàn tại một văn phòng cơ quan công quyền dù theo “công minh chính trực” thì đồng lương cơ bản những nơi ấy không hề đủ sống qua ngày dù có cắt xén tối đa mọi chi tiêu. Nhưng dù nói ra hay không nói ra, thâm tâm họ vẫn có một cứu cánh, vẫn có một niềm tin về những khoản thu nhập ngoài sổ sách, những khoản thu từ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn có khi gấp mấy chục lần đồng lương mặc định, những phi vụ ăn chia theo nhóm, theo phe cánh chỉ 1-2 năm là “gỡ vốn khủng” đã phải chạy vạy xin việc trước đó.

Từ lâu cái từ “Lương Lậu” đã hồn nhiên gắn bó với nhau như một ngôn từ đương đại  quen thuộc trong ý thức của nhiều thế hệ người Việt. Nhìn đồng lương chính thức được phê chuẩn trên hợp đồng lao động chỉ có thể đủ sống 1 tuần, nhiều bạn trẻ rớt nước mắt khi nghĩ 3 tuần còn lại trong tháng họ sẽ ở đâu, sẽ ăn gì để tồn tại? Nhưng họ bình tĩnh một chút, sẽ thấy các “ma cũ” vô cùng ung dung và sung túc trong những điều kiện, hoàn cảnh có thể coi là “dưới mức nghèo khổ” nơi đô thị lớn. Lương chỉ đủ sống 1 tuần nhưng những cán bộ mẫn cán ấy vẫn có thể sắm xe máy, thậm chí xe hơi, mua nhà, mua đất và chuyện một người còn sở hữu tới mấy nhà, cơ man là đất khắp các quận nội, ngoại thành hay các tỉnh xa chẳng hề là chuyện lạ!

Tất nhiên là chức vụ càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, sẽ càng có nhiều “của chìm” và những “quỹ đen” tập thể . Cái vòng quanh vòng quẩn của việc tiền ra, tiền vào, tiền vào, tiền ra mãi mãi khép kín… Dân công sở thuộc lòng một “câu vè” dặn dò: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lươn lẹo lắt léo lại lên lương” là thế! Đừng bao giờ lầm những cỗ máy văn phòng kia đang ngủ đông và dễ thuần như đàn cừu công nghiệp! Thật ra những cỗ máy ấy luôn khao khát một ước vọng chung, mặc dù thân phận có khác nhau. Có thể là chị lao công, anh bảo vệ cho đến ban Giám đốc, Chủ tịch tập đoàn, ước vọng ấy là làm sao để leo được một chỗ cao hơn, một chỗ nhiều bổng lộc, tư lợi được thuận tiện hơn chỗ hiện tại và tất nhiên là nếu ai cũng có chung khát vọng ấy thì họ đâu có từ một thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu!

Trang mở Email, những bức thư chào hàng dày đặc trong hộp thư đến, nàng bật cười. Lại diễn trò sân khấu làm gì, chào thì chào vậy, mời thì mời vậy làm như khách quan, công minh lắm. Thực chất những dự án, hợp đồng đã “phá trinh” từ trước rồi, giá cả, chất lượng và phương thức thanh toán đều đã được “qua đêm” với nhau, thậm chí đã biết mặt cả đứa con lọt lòng nhưng “cô dâu chú rể” vẫn  có một “đám cưới sạch sẽ” để che mắt thiên hạ, tạo ra một cuộc hôn nhân chính đáng, lành mạnh. Tởm lắm!

Trang giật mình khi ai đó đến bên cạnh. Nàng ngẩng lên thấy khuôn mặt mệt mỏi của Hân. Con bé có vẻ đẫy ra, mượt mà hơn nhưng nếu không quan sát kỹ thì vẫn không biết nó đang mang thai. Nó cúi sát nàng, thỏ thẻ:

– Chị ơi, em cần gặp chị lắm…

Trang bảo nó ngồi chờ, nàng in ra bản thống kê, ký nháy vào góc trái rồi mang qua phòng thương mại, quay lại bảo Hân:

– Chị cũng muốn gặp em nhưng mấy ngày qua chị bận quá, bây giờ hai chị em mình qua quán café bên đường nói chuyện nhé.

Buổi sáng, quán café nằm sờ sờ trước cửa công ty vắng mặt các nhân viên nhưng Trang biết mấy cái quán trong hẻm quanh co kia vẫn kín chỗ ngồi. Hai người phụ nữ đẹp vẫn thản nhiên ngồi giữa quán. Nói trắng ra thì chả ai dám “đụng” vào họ, một sắp làm “vợ bé” Giám đốc, một là “người tình tin đồn” của Phó giám đốc, hai cái “chức danh” ấy đã đủ cho hai người đàn bà mặc sức “chảnh” mà không ả nào dám ho he bắt nạt. Trang thấy mình nên chủ động mở đầu câu chuyện, nàng hỏi Hân:

– Dạo này em khỏe không?

– Vâng, cũng may là Ông Trời thương cho những cô gái có hoàn cảnh éo le như em nên không bị những cơn ốm nghén hành hạ chị ạ.

– Ừ, thế cũng mừng cho em… Có ai chia sẻ quan tâm em trong giai đoạn này không? – Trang hỏi tế nhị. Nàng cũng chưa biết chuyển lời “cầu hôn” của giám đốc V đến Hân thế nào đây.

– Thời gian qua giám đốc V quan tâm đến em ghê lắm, ông ấy luôn  tìm cách gặp và ngỏ lời sẵn sàng che chở, lo lắng cho em mẹ tròn con vuông và nếu em sinh con trai thì ông ấy sẽ tổ chức đám cưới đàng hoàng.

– Hoàn cảnh em bây giờ ổn không, có tự lo một mình được không?

Hân rơm rớm nước mắt, lắc đầu:

– Hợp đồng của em ký từng năm một với mức lương thử việc, căn hộ thuê ở Trung tâm nhỏ xíu mà giá lại “cắt cổ”, cộng thêm các chi phí khác nữa thật là đuối chị ạ…

– Gia đình có ai giúp đỡ gì không?

– Bố mẹ em dưới quê đầu tắt mặt tối nuôi 3 đứa em nhỏ. Em là chị cả, chưa giúp gì cho gia đình thì làm sao dám phiền nữa…

Trang cũng thấy rớm lệ khi nghe Hân tâm sự. Nàng dịu dàng hỏi:

– Vậy em định thế nào?

(Còn tiếp)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (46) – Vũ Thanh Hoa

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu