VTH – “Thơ Mới đến bây giờ người ta vẫn thích là vì thẩm mỹ lạc hậu” – nhận định của Đỗ Lai Thúy – “Số đông thích không có nghĩa là nó còn nguyên giá trị. Đó là một điều đáng buồn của thơ ca. Chúng ta không nên căn cứ vào thẩm mỹ số đông để đánh giá những thứ cần vận dụng khả năng thẩm mỹ cao hơn. Điều đó rất nguy hiểm. Công chúng cần có thời gian để theo được cái mới, nhưng lúc đó thì những người đặc tuyển đã tiến thêm một bước”- Bắt đầu từ hôm nay vuthanhhoa.net sẽ trích đăng một số phần trong tập tiểu luận “Thơ như là mỹ học của cái khác” của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.
>> Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?
>> Tản mạn về phê bình văn học (2)
>>Tản mạn về phê bình văn học (1)

THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC
Thơ Mới thuộc dòng thơ quốc ngữ, nhưng lúc này, chữ quốc ngữ đã không còn là một vấn đề của văn hóa Việt. Sự thông dụng của chữ quốc ngữ khiến người ta, một mặt, phiên âm hầu hết tác phẩm thơ Nôm ra chữ quốc ngữ, mặt khác sáng tác các thể thơ truyền thống Việt trực tiếp bằng chữ quốc ngữ. Thơ Mới ra đời như là một cái Khác, được kết hợp từ các thể thơ dân tộc và các thể thơ phương Tây, nhằm thể hiện tiếng nói của cái tôi cá nhân cá thể đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của thơ cũ, tức thơ truyền thống bấy giờ, như là hiện thân của cái ta cộng đồng xưa cũ.
Thơ Mới từ chỗ bị coi là sự nổi loạn của đám thanh niên Tây học nông nổi, nhẹ dạ, “một bọn không biết đặt câu gieo vần”, đến chỗ được thừa nhận là nghệ thuật mới của một lớp người mới, của một văn hóa mới. Chẳng bao lâu, Thơ Mới đã giành được địa vị trung tâm của thơ Việt, đẩy lui thơ luật truyền thống về thôn quê, sống với lớp người cũ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, của tư tưởng văn chương công cụ: văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí.
Nhưng Thơ Mới, xét cho cùng, vẫn là thơ luật. Đó là các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ (sáng tạo riêng của Thơ Mới), hoặc hơn nữa; các câu thơ được xếp liền hay phân thành các khổ 2 câu, 3 câu và thường là 4 câu; vần ở chữ cuối câu, liền hay gián cách. Thơ Mới vẫn là tư duy thơ liên tục; phản ánh thế giới qua cái nhìn duy nhất của một cái tôi cảm xúc. Thơ Mới, bởi vậy, chủ yếu là thơ truyền cảm. Và, khi mỹ học Thơ thôi giữ địa vị thống trị thì chữ Mới trong danh xưng của nó mất đi ý nghĩa ban đầu trong sự đối lập với thơ cũ, mà chỉ còn mang ý nghĩa lịch sử, một cái tên riêng chỉ một trào lưu đã qua.
Cái khác như là sự phủ định biện chứng của Thơ Mới được sinh ra từ trong lòng Thơ Mới. Đầu tiên, Bích Khê thức nhận ngôn từ như một loại vật liệu đặc biệt mà từ đó thi nhân có thể kiến tạo nên bài thơ. Đến Nguyễn Xuân Sanh của Xuân thu nhã tập thì thơ đã khước từ những chủ đề truyền thống của Thơ Mới như tình yêu, nỗi buồn, thời gian… để chỉ bận tâm đến ngôn ngữ, hoặc những chủ đề ấy chỉ là chiếc đinh để thi nhân treo móc chủ đề ngôn ngữ. Rồi Trần Dần với tuyên ngôn Dạ đài muốn vượt thoát Thơ Mới. Rồi buổi đầu kháng chiến chống Pháp (1946 – 1949), Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi viết thơ tự do, thậm chí thơ tự do không vần. Thực ra, dù có ý thức hoặc chưa, nhưng họ đều muốn có một thơ khác, không truyền cảm mà gợi cảm, sự đứt đoạn của tư duy thơ… Nhưng, một mặt, mỹ học Thơ Mới vẫn ngự trị trong trái tim và khối óc số đông, mặt khác cuộc kháng chiến đòi hỏi một thứ thơ dễ nhớ, dễ thuộc, phản ánh trực tiếp đời sống kháng chiến, nên những tiếng nói lẻ loi trên phải im lặng sau Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc tháng Chín 1949. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc với phong trào Nhân văn, yêu cầu đổi khác thơ lại lên tiếng. Một lần nữa lại bị thất bại. Các nhà thơ bị loại ra khỏi tao đàn chính thức. Khuyết thế hệ các nhà thơ chống Pháp ưu tú, các nhà Thơ Mới vẫn thống trị thi đàn. Tư duy Thơ Mới, vì thế, vẫn đóng vai trò chủ đạo. Như vậy, cái Khác với thơ chính thống và chính thức từ 1946 đến Nhân văn và từ Nhân văn về sau chủ yếu vẫn là khác với mỹ học Thơ Mới. Sự thành công quá thời của Thơ Mới, xét cho cùng, chính là một thất bại của thành công.
Cùng chống lại mỹ học Thơ Mới, “chôn tiền chiến”, nhưng trong một bầu khí văn hóa – xã hội khác, Thanh Tâm Tuyền đã thành công mỹ mãn. Ông làm thơ tự do với những đặc điểm hiện đại chủ nghĩa: tư duy đứt đoạn, không dựa vào vần điệu, mà dựa vào nhịp điệu, chủ đề đô thị hiện đại, quan tâm đến những vấn đề chung của thế giới… Cùng dựa vào nhịp điệu như thơ Nguyễn Đình Thi, nhưng thơ Thanh Tâm Tuyền không chỉ dừng lại ở nhịp điệu hình ảnh, mà còn cả nhịp điệu tư tưởng, nhịp điệu ý thức. Tuy đặt tên thi phẩm như những tuyên ngôn: Tôi không còn cô độc và Liên – đêm – mặt – trời – tìm – thấy, nhưng thơ Thanh Tâm Tuyền không chiếm được sự đồng cảm, nhất là buổi đầu. Nhiều người tìm mua thơ ông để rồi lại ném qua cửa sổ. Nhưng ma lực của cái Khác cũng không nhỏ. Người ta ném đi nhặt lại cho đến khi thôi ném.
Nếu cái Khác ở thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ tự do thì ở Trần Dần, Lê Đạt chủ yếu ở sự thay đổi mô hình ngôn ngữ: từ Nghĩa ” Chữ sang Chữ ” Nghĩa, đẩy đến cùng những phát hiện của Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh. Sáng tác của họ mãi đến cuối Đổi mới mới được công bố mà vẫn còn gây sốc cho người đọc. Đa số không hiểu thơ Trần Dần. Rất ít những nghiên cứu nghiêm túc thơ ông, nhưng lại rất nhiều những nghiên cứu nhắc đến tên ông vì e chừng sợ bị coi là lạc hậu. Hẳn vì thế mà càng ngày Trần Dần, Lê Đạt càng được biết đến nhiều hơn, thậm chí được nhiều giải thưởng. Tuy vậy, thơ các ông không nhập vào trung tâm cũ, mà bằng uy tín của mình tạo ra một trung tâm khác, đối trọng với trung tâm quyền uy kia.
Thơ Việt hiện nay, kể từ hậu – Đổi mới đến giờ, nếu cắt một lát cắt đồng đại, thì có thể thấy: ở trung tâm là thơ chính ngạch, vẫn lấy tiêu chí phản ánh hiện thực là chính; vành ngoài thứ nhất là thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa, thơ tự do với những tìm tòi mang tính siêu thực, cái mà trước đây bị phê phán thì nay được chấp nhận vì nó không còn tính tiền phong nữa; vành ngoài thứ hai kế tiếp là văn học trẻ; và vành ngoài sau cùng là thơ theo hướng hậu hiện đại, thơ đương đại, thơ của hôm nay viết về cái hôm nay như một điều bí ẩn: thơ của cái Khác. Tuy nhiên, một mặt do tiếp giao dễ dàng với thế giới, mặt khác vốn là một đất nước hậu thuộc địa và nhiều cái hậu (post-) khác, nên trong quyển văn hóa Việt Nam dễ hình thành một cảm quan hậu hiện đại đặc biệt. Vì thế, dường như không chỉ vành thơ hậu hiện đại mà cả các vành thơ khác cũng đang sử dụng các thủ pháp của thơ hậu hiện đại. Nhưng, có lẽ, thơ hậu hiện đại đích thực không dừng lại ở cấp độ thủ pháp, mà đã tiến tới cấp độ quan niệm thực tại. Có như vậy mới sản sinh ra được cái Khác hậu hiện đại. Một cái Khác không phải là khác biệt, khác lạ trong quan hệ với cái ngoài nó, mà là một cái Khác trong quan hệ với chính nó, mang tính tự thân, là sản phẩm của một cá nhân tự lập và tự trị. Chính cái Khác này không chỉ cứu sống cái chết của tác giả, mà còn bội nhân tác giả, vì giờ đây người đọc cũng là tác giả. Một cái Khác như vậy, hẳn không nằm sẵn trong bài thơ, cũng không nằm sẵn trong đầu tác giả, mà được sinh ra trong tiến trình bập bênh giữa tác giả, văn bản và người đọc. Thơ trở thành mỹ học của cái Khác.
ĐỖ LAI THÚY
Trích phần 9 – Thơ như là mỹ học của cái khác
Nguồn tapchisong huong