Một góc nhìn về hội thảo blog văn chương tiếng việt

Trụ sở Hội nhà văn việt nam tại TP HCM, như tất cả các cơ quan “chính thống” khác của chúng ta: vẻ cổ kính (không muốn nói là cũ kỹ) đặc trưng của nơi “những người làm công tác viết”. Hàng chữ trắng trên khung xanh to và trang trọng đón ngay người đến: “Bàn tròn về loại hình Blog văn chươngTiếng Việt”.

Sáng sớm, tiến sĩ, nhà thơ Nguyên Hùng đã ngồi giữa ngổn ngang các loại “công cụ” tác nghiệp do chính anh mang đến phục vụ Hội nghị : phông projector, láp tốp, loa, đèn chiếu, các loại tư liệu, tài liệu…và chính anh thì…chưa kịp ăn sáng. Người đón tiếp các đại biểu tại “tiền sảnh” là nhà văn Hoàng Đình Quang với vóc dáng thể thao và nụ cười hóm quen thuộc. Nhà thơ Trần Quốc Toàn trông lại càng tất bật, chốc chốc anh lại thì thầm gì đó với TS Nguyên Hùng và nhà văn Trần Văn Tuấn chi Hội trưởng chi hội Nhà văn các tỉnh phía Nam, chiếc láptốp của anh cũng đang chứa đầy những dữ liệu quan trọng. Blogger Sài gòn thì đã quen thuộc nên đến sớm rồi lại chạy đi chạy lại cùng đón khách phương xa. Đoàn Vũng tàu với các Blogger “cộm cán” như: Nhà thơ Nguyễn Đức Đát, nhà thơ Đào Xuân Mai, Đặng Xuân Mộc và Vũ Thanh Hoa cũng đã đón chuyến tàu từ sáng sớm và có mặt sớm như tinh thần giấy mời.

Có lẽ phải gần 9h buổi hội thảo mới bắt đầu được vì khách mời và các nhà báo lúc ấy mới đầy đủ. Tôi nhìn lướt qua các gương mặt và nhận ra ngay: Nhà thơ Hồ Tĩnh tâm, nhà thơ Đinh Đình Chiến, nhà báo Kim Oanh, nhà thơ Nguyễn Lâm Cúc, nhà thơ Nguyễn Mạnh Bình, nhà thơ Phương Phương, nhà thơ Thanh Hiền,nhà thơ Hoa Huyền, nhạc sĩ Minh Thu…và còn nhiều các Blogger khác mà người viết không nhớ hết hoặc chưa biết mặt. Các nhà báo đại diện cho các báo Nhân dân, báo Lao Động, Báo Mực tím,NXB Kim Đồng… đại diện cho Cục bản quyền…với các công cụ hành nghề sẵn sàng trên tay…quả là “bàn tròn” này không chỉ là sự quan tâm của các Bloggger chơi blog, mà đã trở thành một vấn đề “hot” vào thời điểm này.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn mở đầu Hội thảo, hình như anh muốn nói bao quát hơn về vấn đề Blog tại Việt nam rồi sau đó mới cụ thể về vấn đề Văn chương Blog tiếng Việt. Nhà văn Hoàng Đình Quang vốn là “blogger chuyên nghiệp” một mình có đến…3 blogs các loại nên lại rất có kinh nghiệm và sâu sát cho cách “chơi blog” này. Anh nhấn mạnh về tính tự do, ngẫu hứng của việc chơi Blog:”Cái quan trọng là được tự do ra vào, một ngôi nhà không khoá cửa: ” và Hoàng Đình Quang nhắc lại dự đoán ”bất hủ” về tuổi thọ của một Blog thường là…không quá 6 tháng! Chơi blog còn đòi hỏi hiểu biết tương đối về kỹ thuật vi tính, cách truy cập Internet, cách post bài viết, bản nhạc, hình ảnh và rộng hơn nữa là trang trí blog của mình, có thể xen kẽ các ”thủ thuật” chuyên nghiệp và hấp dẫn. Điều này chính là trở ngại lớn cho các nhà văn nhà thơ của chúng ta, nhất là các bậc cao tuổi vì họ rất ngại hình thức thể hiện này. Đây cũng là lúc một trong những người tiên phong trong việc “xây” các “ngôi nhà” cho các blogger, lặn lội không chỉ trên các trang blog ,mà còn cả trên “đường bộ” từ Hà Nội, Vũng tàu, sắp tới là Bình Thuận (chi phí chỉ là tiền túi)…mà tôi vẫn nói đùa với các blogger là “vác tù và hàng tổng”- Tiến sĩ Nguyên Hùng có đôi lời phát biểu. Vẫn là phong cách của người làm công tác KHKT, vừa bấm chuột nhoay nhoáy, anh vừa khái quát sơ bộ cho mọi người biết quá trình hình thành và phát triển một blog và cũng vẫn luôn như thế, anh lại gửi thông điệp cho tất cả những ai muốn hiểu biết thêm về blog và học hỏi bất cứ kỹ thuật gì về IT “thì hãy đến Nguyên Hùng”. Tôi nhìn anh và thầm nghĩ: May mà làng blogs này có anh, có chị Phương Phương, có nhà thơ Nguyễn trọng Tạo… những người rất thạo IT và hết mình với Trò chơi trí tuệ này, đã đem ngọn lửa say mê lan truyền cho bao blogger (trong đó có tôi). Quả không sai chút nào khi các blogger phong tặng anh Nguyên Hùng là Hiệp sĩ của làng blogs văn chương tiếng Việt! Chuyên gia IT Nguyễn Hoà cũng tranh luận rất sôi nổi về việc “Tại sao các nhà văn nhà thơ thích dùng blog hơn web?” Theo ông thì có lẽ vấn đề chính là do tài chính :Blog thì xây dựng đơn giản và miễn phí còn web thì phải xin phép, đăng ký tên miền và thuê chuyên gia IT thiết kế rất công phu…

Phần sôi nổi nhất vẫn là ý kiến của Blogger. Nhà văn HĐQ đã mời tôi với tư cách là một blogger “sôi nổi” phát biểu, tôi nêu lên một số suy nghĩ của mình như: Tôi nêu trước hết là yếu tố tích cực của văn chương Blog (tôi muốn nói chính xác vào chủ đề này) đó là yếu tố cập nhật, yếu tố đại chúng, yếu tố hiện đại. Tiếp đó, tôi cũng nêu lên mặt hạn chế của văn chương blog như do tiêu chí nhanh, gọn, hiện đại nên một số tác phẩm chất lượng chưa cao, chuẩn bị chưa kỹ nên sai lỗi chính tả, làm cho người đọc thấy thiếu chiều sâu và …mau quên. Nhưng phần tôi muốn nhấn mạnh là các văn nghệ sĩ thích blog không phải chỉ vì yếu tố tài chính. Cái “được’ lớn nhất mà blogs đem lại đó chính là tác phẩm vừa sáng tác đã được chia sẻ ngay với người đọc khi “nguồn cảm hứng” còn đang dâng trào, các cảm nhận đóng góp “mở” ấy có đủ mọi thành phần phong phú từ các nhà văn khả kính cho đến các cô,cậu học sinh…Rồi sự giao lưu học hỏi giữa các thế hệ sáng tác mà nếu như chúng ta cứ ngồi viết trên giấy đơn độc ở nhà thì có lẽ cơ hội “gặp” nhau trong văn chương khó khăn hơn nhiều. Một tác phẩm hay thì dù nó viết trên vỏ bao thuốc lá hay in trong cuốn sách mạ vàng thì giá trị của nó vẫn là…hay nếu nó “hay” thật sự và ngược lại!

Nhà thơ Hồ Tĩnh Tâm cũng nói đến “Cái sự nghiện” của văn chương blog, anh đã có nhiều trang blog và trang web rất hoành tráng và chẳng phải để tâm gì đến chuyện tài chính nhưng anh vẫn thích tham gia vào trang weblogs văn chương này, ở đây anh nhận được sự đồng cảm của giới văn nghệ sĩ, mạch cảm hứng sáng tác hình như rạo rực hơn và điều quan trọng là: Vui lắm!
Nhà thơ Nguyễn Đức Đát, người nổi tiếng với truyện dài kỳ “Blog truyền kỳ” một trong những Blogger kỳ cựu của Vũng Tàu cũng phát biểu: Trước đây và bây giờ anh vẫn luôn quan niệm blog chỉ là trò chơi và mới đầu cũng chẳng thạo gì nhưng sau đó thì đâm ra nghiện thật. Blog đã làm cho những nhà văn, nhà thơ lớn tuổi thấy mình trẻ lại và gần gũi hơn với cộng đồng. Nguyễn Đức Đát đã gửi gắm đến 6 tập thơ của mình trên blog và vẫn thương xuyên sáng tác cập nhật trên blog. Nguyễn Đức Đát còn là một trong những người luôn tiên phong trong việc chọn lựa các loại hình văn học trên blog để tránh nhàm chán như post thơ, nhạc, truyện cười, truyện nhiều kỳ…Anh còn đề nghị Bộ Văn hoá thông tin, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà văn VN hãy kết hợp và cho ra đời một trang chủ Blog riêng tạo sân chơi cho các văn nghệ sĩ trong nước, như vậy sẽ dễ dàng quản lí trên nhiều mặt. Nhà thơ Cao Xuân sơn, nhà xuất bản Kim Đồng sau khi nghe phần đặt vấn đề của nhà thơ Trần Quốc Toàn về việc làm thế nào để quản lý các blog đen? đã có ý kiến: Việc quản lý blog là sự không tưởng, chúng ta đều biết nếu chặn cửa này, chỉ cần nhích chuột ra Google là lại có thể vào ti tỉ các trang khác còn “đen” hơn! Ý thức của các blogger và chất lượng của tác phẩm trên blog mới là quan trọng.
Phần cảnh báo blogs đen và đọan phỏng vấn về “tình hình và cách xử lý blogs đen” thật ra không cần thiết lắm vì đây là cuộc hội ngộ của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo đã có nhiều năm trong nghề, đã ở tuổi “các phụ huynh” cả và chủ đề chính của buổi thảo luận là “Văn chương trên blog” chứ ta không đang bàn về các loại blogs lan tràn hiện nay. Đồng hồ mau chóng chỉ đến con số 11h30 tức là đến ‘’hồi kết thúc” theo chương trình, nhưng tôi nghĩ hẳn còn nhiều điều mọi người muốn nói với nhau lắm. Khi ra về, tôi chỉ ước ao giá mà vào cái ngày đẹp như thế này năm sau, chúng ta – những blogger lại được ngồi bên nhau và được nói nhiều với nhau hơn, nói sâu sát hơn về văn chương blog và khi ấy lực lượng blogger chắc chắn là hùng mạnh hơn nhiều.

Nói đến blogs, sao tôi cứ thích so sánh với hình ảnh của đứa bé thế hệ 9X, dù chúng ta có ca tụng sự mới mẻ của nó ở tít trên trời xanh hay cắm đầy quanh nó các loại biển cảnh báo thì, nó vẫn lớn lên từng ngày, có thể có những cái tạm thời chưa ổn nhưng theo thời gian và sự giáo dưỡng của chính chúng ta, tin rằng nó sẽ phát triển một cách đúng đắn , hoà nhập với nhịp độ phát triển của trào lưu thế giới.

Vũng Tàu ngày 8.7.2007

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu