VTH – Nhận được tin buồn anh Bùi Phan Thảo báo qua điện thoại: “VTH ơi, anh Phúc mất rồi!” Mình bàng hoàng rơi nước mắt… thế mà cứ hẹn mãi anh em lại ngồi hát bên nhau, cứ hẹn mãi sẽ tiếp tục viết về nhau… Ra là cuộc đời ngắn ngủi và nhiều bất ngờ quá… Mình đưa bài viết của anh Thảo vừa gửi cho mình như là một lời tạm biệt của những người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ…
>> Lê Vũ viết về tập thơ Vũ Thanh Hoa

Tóc trắng cười hỉ hả
(Thương tiếc anh Vĩnh Phúc)
Những khúc thức anh bỏ quên trong ăm ắp chiêm bao
đã trở về
nguyên vẹn
sao con chữ cuộc ngày nuôi nuối
khóc không thành tiếng
hỏi thơ là gì? (1)
Bỏ lại con đò bên bờ vịnh
tiếng đàn rơi vườn sau
neo mắt tình
xuân ngày cao gót (2)
kết tinh vĩnh nguyên
Trưa chờ “ông em” trong mưa bụi Sàigon
xuân ý trắng thơm
mừng vì tay vẫn sạch
giữa phố mọc xuân (3)
Phố hết xuân rồi chớm hạ
Anh đi đâu
bạn bè ai cũng ngóng
nước mắt nuốt vào trong
mà vọng
xáo xác nhắn tay run
những người thơ
về phía nào cũng nhọc
Hai bạn Trương Nam Hương – Lê Minh quay quắt
Anh Châu Đăng Khoa vời ngày gió lên ngằn ngặt (4)
Giai điệu xanh tấu lời tiễn biệt
Anh Nguyễn Thanh Bình nhắc anh chuyến về Hội An
quà quê làng gốm Thanh Hà
quán quen chụm đầu rưng rức
Anh chẳng đi đâu
vẫn cười hỉ hả
phất phơ cái cười hiền
lệ em trắng
ngần nở (5)
ừ hử
vô vi…
Sinh nhật tóc trắng rồi anh
nhà một gian
ngày mây dột doạt
chuyện với Sartre. Uh ! Le jeu est fait ! (6)
BÙI PHAN THẢO
(21-5-2013)
……………………………….
(1) Ôi thôi, đi suốt cuộc trần gian, hỏi thơ là gì? Là tấm lòng, là chia sẻ, thế thôi! (Cái chi chi thơ – Tiểu luận của Vĩnh Phúc)
(2) Xuân ngày cao gót – thơ Tiểu Kiều
(3) Lúc sinh thời, nhạc sĩ – nhà thơ Vĩnh Phúc thường gọi BPT là “ông em”. Bài thơ Xuân Ý tác giả tặng riêng cho BPT
(4) Ngày gió lên, một trong 9 ca khúc của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, lời của anh Vĩnh Phúc.
(5) Hai câu blast trong blog của anh Vĩnh Phúc: Tôi vẫn cười hỉ hả với nhân gian/Ngần nở em trắng lệ vô cùng
(6) Le jeu est fait: Định mệnh đã an bài – Lý lịch tự khai – thơ Vĩnh Phúc
Hãy đi để không bao giờ vắng mặt
Vào lúc 10 giờ 18 sáng 21-5-2013, nhạc sĩ – nhà thơ – nhà phê bình – biên kịch Vĩnh Phúc (Lê Vũ) đã ra đi mãi mãi, trong niềm thương tiếc của gia đình và bạn bè.
Anh mất tại Giáo xứ Phao lô (gần chợ Căn cứ 3), xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Nhạc sĩ – nhà thơ Vĩnh Phúc ra đi ở tuổi 60, nhưng dường như với anh và gia đình, cuộc sống vẫn như đang tiếp diễn với rất nhiều những dự định phía trước.
Đời cũng là lẽ vô thường. Người đã đến và đi như một cuộc dạo chơi. Một cuộc dạo chơi của số phận, có buồn vui, sướng khổ. Và những năm tháng ấy đã đem đến cho gia đình và bạn bè của anh – một người nghệ sĩ tài hoa và ân tình, như bát nước đầy không toan tính với tất cả những người anh đã ghé thăm, trước khi đi vào yên tịnh mãi mãi.
Sự ra đi đột ngột của anh – một nhà thơ với những câu thơ tài hoa, đôi khi lóe lên những linh ứng u uẩn, xa xăm như đang chiếm ngự ở một thế giới nào khác đã khiến chúng tôi không khỏi tiếc thương và bàng hoàng, dẫu biết rằng ai cũng sẽ có một ngày đặt chân lên cuộc hành trình vĩnh viễn ấy.
Vừa mới hôm qua, hình ảnh một người anh tài hoa còn ngồi kia, trong khói thuốc và rung lên những nhịp cảm tuyệt vời của cây guitar cho bạn bè buông lời ca tiếng hát, thế mà giờ người đã ngàn trùng xa cách.
Mong anh bình yên trong cuộc hành trình mây khói của mình, nơi sẽ giúp anh gột bỏ những phiền lo nặng gánh của kiếp người.
Coi mọi sự nhẹ nhàng, vui vẻ đón nhận những gì đến với mình và không từ chối một ai, dẫu là khó lòng với người khác, chính điều ấy đã tạo nên một Vĩnh Phúc hồn nhiên, hơn tất cả những người hồn nhiên trên đời này, một Vĩnh Phúc bao dung và tinh tế, luôn lắng nghe, đồng điệu với bạn bè. Để rồi hôm nay chúng tôi ngồi đây với nhau và với một khoảng trống mênh mông, chỗ ngồi của anh. Biết là sẽ không bao giờ nhìn thấy anh ngồi đấy, trong khói thuốc, trong tiếng cười nhẹ tênh và đọc thơ, bình nhạc, cầm đàn du dương trong những giai điệu của chính mình, của bè bạn.
Dẫu sự xa cách là hữu hình, nhưng gắn kết và còn trong nhau sẽ là vô hình, là mãi mãi. Chúng tôi vẫn tin anh luôn trở về, trong mỗi cuộc hội ngộ, trong những phút giây sáng tạo và trong cả những câu chuyện đời thường đã từng có nhau.
Anh hãy đi để luôn có mặt ở nơi này, anh Phúc nhé!
LÊ NGUYỆT MINH
——–
Nhạc sĩ Vĩnh Phúc tên thật là Đoàn Đình Phúc, sinh năm 1953 tại Thừa Thiên – Huế. Khi viết truyện ngắn và phê bình văn học, anh ký bút danh Lê Vũ.
Sinh thời anh từng sống, dạy học và sáng tác tại Cam Ranh, Khánh Hòa.
Anh chuyển vào sống và làm việc tại TPHCM từ năm 2010, làm biên kịch tại Công ty M&T Pictures. Anh viết nhiều kịch bản phim truyện, đã xuất bản tập thơ Kinh tuyến đen, viết nhiều tiểu luận phê bình văn học và sáng tác nhiều ca khúc có giá trị….
Do bệnh nặng, anh đã từ trần giữa lúc tài hoa phát tiết với nhiều dự án sáng tác kịch bản, âm nhạc còn dang dở.
Lễ động quan sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ 30 ngày thứ Sáu 24-5-2013 tại Giáo xứ Phaolô, Xuân Hưng, Xuân Lộc – Đồng Nai.