VTH – Hôm nay, 26.3.2011 – Giỗ 100 ngày mất của giáo sư Trần Văn Giàu, tôi vẫn quen gọi là ông Sáu từ khi còn bé, tôi xin trân trọng trích đăng một phần bài viết của mẹ tôi – Bà Đỗ Nguyệt Hương, phó tiến sỹ Sử học, Nguyên Giám đốc Sở Ngoại Vụ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hiện nay là Chủ Tịch Hội KH Lịch Sử Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Bài sẽ đăng trên Tạp Chí Xưa và Nay)
Mẹ tôi kể lại những kỷ niệm đời thường khó quên với vợ chồng Giáo Sư Trần Văn Giàu gắn bó cùng gia đình tôi và cũng là những người se duyên cho mối tình của ba mẹ tôi, xin coi như nén nhang thành kính thắp cho ông bà Sáu…
Nhớ về Cô Dượng Sáu…
Chồng tôi – Anh Đỗ Hằng (Vũ Thanh Hà) gọi phu nhân của Giáo sư Trần Văn Giàu là cô Sáu (vì Ba của cô Sáu có họ với ông nội anh Hằng) nên chúng tôi gọi ông bà là Cô Dượng Sáu. Tập kết ra Bắc, đồng hương Long An quây quần bên nhau, Cô và Dượng Sáu càng thương yêu chúng tôi.
Ra Bắc, Cô Dượng Sáu được nhà nước cấp căn hộ trong ngôi nhà số 20 Phan Huy Chú – Hà Nội. Cuộc sống hồi ấy thật khó khăn, tất cả đều sinh hoạt theo tiêu chuẩn ít ỏi của tem phiếu. Năm 1956, Dượng Sáu Giàu đã là Giáo sư, dạy sử ở trường Đại học tổng hợp Hà Nội nên Dượng có sổ mua nhu yếu phẩm cao cấp ở cửa hàng Tôn Đản (Số lượng thịt, cá, đậu nhiều hơn người bình thường khác)… Cô Dượng rất thương các học sinh miền Nam ra Bắc học tập vì anh em tập kết ăn uống thường thiếu thốn nên hay gọi chúng tôi tới cùng ăn cơm. Tôi vẫn nhớ Cô Sáu nấu ăn rất ngon nên Dượng Sáu hay nói đùa: “ Dượng chỉ ăn được cơm bà Sáu nấu, không ăn được cơm ai nấu trên đời này!” Cô Sáu trổ tài nấu nhiều món ăn Nam Bộ rất đặc sắc. Thứ bảy, chủ nhật Cô Dượng Sáu hay gọi chúng tôi tới ăn cùng cho vui và Cô Sáu nói : “Cũng là để bồi dưỡng cho chúng nó!”
Dượng Sáu nghiện thuốc lá nặng, ngày hút cả bao thuốc, nhất là lúc viết sách, nghiên cứu. Nhưng, khi bác sỹ thấy Dượng bị ho, khuyên bỏ thuốc, thế là Dượng bỏ liền. Hồi đó làm gì có các phương tiện và thuốc cai, chỉ bằng nghị lực và quyết tâm, Dượng Sáu đã bỏ ngay được thuốc lá, không bao giờ hút lại kể từ năm 1960.
Cô Dượng Sáu hay tới chơi nhà bác rể tôi – Bác Sỹ Nguyễn Viêm Hải (Phó chủ tịch ủy ban đoàn kết Á Phi của Việt Nam, giám đốc bệnh viện Việt – Trung Hà Nội) là bạn hoạt động cùng nhau hồi ở Pháp, cũng là bạn thân của bác sỹ Trần Duy Hưng – Chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội đầu tiên. Dượng Sáu cũng hay tới thăm bà Nội tôi vì Dượng ở tù Côn Đảo chung với Bác ruột tôi là Đỗ Ngọc Du tức Phiếm Chu (Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, bí thư thành ủy Hà Nội đầu tiên những năm 1930 -1931). Do tình thân của hai nhà đồng thời cũng do học cùng nhau ở Đại học tổng hợp Hà Nội mà tôi và chồng tôi biết nhau. Chính ông bà Sáu Giàu là người tới đặt vấn đề cưới hỏi cho chúng tôi. Cô Dượng Sáu cũng là người đã mua áo dài cưới, hoa quả, bánh kẹo ở Tôn Đản cho lễ cưới năm 1964 của chúng tôi. Vào những năm ấy, mua được vải may áo dài là một chuyện lạ vì tem phiếu vải tiêu chuẩn của một người, một năm đâu có đủ để may áo dài! Dượng Sáu Giàu cũng là chủ hôn cho lễ cưới của chúng tôi. Hôm đám cưới, tôi nhớ Hà Nội rất lạnh, một người bạn chụp tấm hình vợ chồng tôi cùng Cô Dượng để làm kỷ niệm. Tấm hình ấy giờ đây tôi vẫn giữ và tại nhà cô Dượng Sáu cũng lưu giữ một tấm.
Tấm ảnh đám cưới Ba Mẹ VTH cùng ông bà Sáu Giàu (12.12.1964 tại Hà Nội)
Trong thời gian Cô Dượng Sáu ở số 20 Phan Huy Chú – Hà Nội, Bác Tôn Đức Thắng đến thăm luôn. Tôi cũng được gặp Bác ở nhà Cô Dượng Sáu. Bác Tôn mặc bộ đồ vải màu nâu, đi dép quai hậu. Chiếc xe Com-măng-ca cũ và một anh bảo vệ mặc thường phục đưa Bác Tôn tới. Bác Tôn rất giản dị, vui vẻ thăm hỏi và qua cử chỉ, lời nói, tôi nhận thấy toát lên sự thân mật và tôn trọng đối với Dượng Sáu. Bác Tôn tới thăm nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi nghe Dượng Sáu “ khoe” chuyện đó với ai.
Năm 1970, khi đó một nữ nghiên cứu sinh Liên Xô (cũ) tên là Tonia sang Việt Nam làm luận án tiến sĩ với đề là “Cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Miền Nam Việt Nam”. Viện sử học đã phân công tôi giúp đỡ Tonia – sau 2 tháng đi tìm tư liệu, đi thư viện quốc gia, thư viện khoa học, gặp ban Thống Nhất Trung ương … tôi đã đưa Tonia tới gặp giáo sư Trần Văn Giàu ở nhà. Dượng Sáu đã vui vẻ tiếp Tonia. Dượng trả lời các câu hỏi của Tonia, bảo Tonia trình bày đề cương luận văn và các tài liệu đã thu thập được rồi góp ý, hướng dẫn cặn kẽ cho Tonia về phương pháp luận, về nội dung luận văn, chỉnh sửa một số đánh giá chưa chính xác… Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, Tonia ghi chép đầy đủ và cám ơn mãi không thôi. Khi về, Tonia đã phát biểu: “ Trong suốt 2 tháng trời đi tìm tài liệu, sự hiểu biết về cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam của tôi không nhiều bằng 2 giờ đồng hồ được tiếp xúc và nghe giáo sư Trần Văn Giàu hướng dẫn, chỉ bảo. Là một vị giáo sư uyên bác và tiếng tăm lừng lẫy mà sao giáo sư giản dị và nhân hậu đến thế! Một nghiên cứu sinh bình thường như tôi mà được giáo sư tiếp thân mật và giúp đỡ như vậy, đối với tôi là một sự ngạc nhiên hiếm có.”
Khi đất nước thống nhất , chuyển về Sài Gòn , lúc đầu Dượng Sáu chưa được Thành ủy phân nhà nên chưa có nhà ở chính thức, sau mới về 70 Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch bây giờ). Khi chúng tôi về nước có lại thăm Cô Dượng và cùng ăn cơm, ngủ lại nhiều lần tại nhà này. Khi đó sức khỏe Cô Sáu còn tốt, vẫn ngày ngày nấu cơm, chăm sóc Dượng Sáu. Nhiều lúc cô nói đùa: “Cô chỉ mong nếu trời bắt đi thì bắt Dượng đi trước vì còn có Cô trông nom, săn sóc Dượng, không may Cô đi trước, lấy ai nuôi dưỡng Dượng đây!”. Chúng tôi nghe thật cảm động.
Cô Sáu đúng là mẫu người phụ nữ Nam bộ điển hình, chân thật, vui vẻ, chịu thương chịu khó, chăm lo hết lòng cho gia đình và bạn bè. Câu nói “ Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ” rất đúng với Cô Dượng. Từ thời bao cấp khó khăn ở miền Bắc cho tới khi về Nam, lúc nào Cô Sáu cũng thu vén lo cho Dượng chu đáo với đồng lương hưu khiêm nhường của hai ông bà. Tôi vẫn lưu giữ lá thư của Dượng Sáu gửi cho tôi đề ngày 14/5/83 khi tôi mới về nước, công tác tại Vũng Tàu, trong đó có đoạn viết: “Cô Dượng rất muốn đi Vũng Tàu thăm các cháu nhưng không có xăng đổ ô tô (mượn xe), thôi đành nghỉ mát ở 70 Duy Tân vậy!”. Đọc thư mà tôi thương Cô Dượng quá, chúng tôi bố trí mượn xe cơ quan để đón cô Dượng đi Vũng Tàu nghỉ thì cô Dượng lại bận không đi được .
Những lá thư còn giữ lại của Ông Sáu viết cho mẹ VTH ( Năm 1983):
Thời kỳ ở 70 Phạm Ngọc Thạch, Cô Sáu có bị té do vấp phải cái khung mắc võng, bị nứt rạn xương hông, vì lớn tuổi nên bệnh viện không mổ được mà chỉ dùng thuốc cho vết nứt liền lại. Sau đó cô Sáu phải nằm một chỗ, không đi lại được, cháu gái của Dượng từ Long An lên phụ giúp và chăm sóc cô Sáu. (Vì hai ông bà không có con) cứ đến bữa cơm, Dượng Sáu mang cơm đến bên giường ăn cùng Cô.
Thời gian sau, Dượng Sáu bán căn nhà 70 Phạm Ngọc Thạch, trừ tiền mua căn nhà số 245/3 Lý Thường Kiệt và tặng 1000 (một ngàn) cây vàng xây dựng quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu.
Khi tôi còn làm việc, hay đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh nên tới thăm Cô Dượng thường xuyên. Khi về hưu vào dịp Lễ, Tết ,tôi lại tổ chức cùng anh em trong hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên thăm Cô Dượng.
Từ ngày về Nam, nhất là khi dượng Sáu được Đảng, nhà nước, Thành ủy, và Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trao tặng các huân, huy chương cao quý và có các chế độ đãi ngộ đặc biệt, uy tín và tên tuổi Dượng Sáu được đề cao thì rất nhiều người tới thăm, làm quen, trao đổi, học tập. Thậm chí, tôi biết có người chẳng học Dượng ngày nào, chưa hề gặp Dượng lần nào cũng tới và tự giới thiệu là học trò, là người quen biết từ lâu! Trước tình hình đó, chúng tôi cũng thấy vui vui và yên tâm hơn vì cô Dượng đã bớt cô đơn, đã có nhiều người quan tâm tới.
Ngày cô Sáu mất, tôi tới thăm viếng, Dượng Sáu buồn ngơ ngác, nước mắt chảy dài, ngồi im bất động. Tôi cầm tay Dượng, bàn tay lạnh ngắt, run rẩy. Dượng nói với tôi : “Cô đi rất êm, không đau đớn gì, lúc Dượng gọi dậy ăn cơm thì đã đi rồi, như người ngủ thiếp đi thôi!…” Lời Dượng nói đầy yêu thương tha thiết.
Thế rồi hôm nay Dượng Sáu cũng đã ra đi , Cô Dượng đã bên nhau ở thế giới vĩnh hằng … Trong gần 20 năm gắn bó cùng cô Dượng ở Hà Nội, chúng tôi lưu lại trong ký ức biết bao kỉ niệm vui buồn … nhưng ở đây, tôi chỉ hồi tưởng lại một số kỷ niệm coi như một nén nhang thắp cho Cô Dượng, mong Cô Dượng phù hộ cho những học trò, những đứa con, đứa cháu còn đang ở trần thế này được bình an.
Đỗ Nguyệt Hương
Tháng 2 năm 2011