MẸ MÂY BỐ GIÓ VÀ HAI CHÀNG TRĂNG SAO
Đêm đầu tháng mùa hạ, trời trong lạ thường, trăng non trò chuyện với những ngôi sao li ti. Thỉnh thoảng có một cơn gió, trăng non nheo mắt vì làn mây mỏng vừa đậu nhẹ rồi lại vội vàng đi đâu mà tất tưởi. Gió tuột khỏi trăng như chiếc khăn voan mỏng tang lay bay, lay bay. Gió để hồn vào làn mây mờ.
Chỉ những đêm mùa hạ trời trong, gia đình mây gió trăng sao mới gặp nhau thật gấp, thật ngắn. Lại một cơn gió nữa. Lần này không phải mây mà thoang thoảng mùi hương cau, mùi cốm chiêm đầu nia sẩy vội. Trong căn nhà có mảnh vườn nhỏ ven hồ, cây cau phăng phắc lặng. Hình như nó đang gồng mình để thả vào không gian hương trinh trong thật nức. Cái chum nước lưng gù, cái bụng to tướng, nước mưa đầu hạ mới hứng được non nửa, qua cái miệng meo méo, nó đang soi gương, soi trăng, soi sao, dõi theo những tinh cầu xa xăm. Nước mưa ngọt thỉu, sữa mẹ cũng ngọt, nhưng đục hơn. Những ngày ấy, tôi còn là một cậu bé gày yếu, chạy chơi với bọn trẻ trâu cùng xóm về vục gáo dừa uống ừng ực thứ sữa trời trong veo. Đã cơn khát, tôi nằm tênh hênh, dõi theo những ngôi sao vừa đổi ngôi để lại một vệt sáng cong cong trên nền trời.
Mẹ tôi là cô gái làng chèo. Làng tôi, những năm được mùa, tiếng trống chèo nhức nhối, giục giã, gọi mời. Tôi xem mẹ tôi diễn chèo ở sân đình, cũng ánh trăng non như bây giờ. Mẹ tôi sao mà đẹp làm vậy. Tay mẹ dẻo dẻo là, cứ uốn theo câu hát em xinh là xinh như cây lúa. Khuôn mặt mẹ lấm tấm mồ hôi. Mồ hôi mẹ thật thơm, như ai quãi hoa cau đâu đây, thơm chua, thơm ngậy, lịm cả người.
Thoáng đã năm mươi năm. Sao mà nhanh quá chừng. Mẹ tôi đã về với lúa, rồi dọn sang nhà mới, cái nấm đất nho nhỏ cuối vườn. Bà đã đi thật xa xa lắm. Giờ thì tôi đã về hưu, đến ngày đầu tháng, tiếng ông tổ trưởng nhắc đến lĩnh lương, tôi lại bừng tỉnh. Tôi không hài lòng với những ngày làm việc của mình, những ngày rỗi hơi, sản phẩm chung chung, không cụ thể và không phục vụ vào mục đích gì – sản phẩm của những công chức mẫn cán thất thời, phục vụ những mục đích chung chung. Nghĩa là chuyên ngành đào tạo không có đất dụng võ, phải làm bất cứ việc gì để giành bằng được những tước hiệu một thời: lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua. Sao lại thi đua chiến sỹ. Thật nực cười!
Tôi đa mang lắm. Yêu nhiều thứ. Say đắm nhiều thứ… thật lỉnh kỉnh. Cũng như bây giờ nhiều người đang thể hiện mỗi thứ một tý. Một tý nhạc, một tý thơ, một tý vẽ… cho toàn diện. Phấn đấu thành toàn diện. Vài tháng trước tôi được mời dự một đêm giới thiệu một cuốn sách. Cuốn sách tự truyện này gây tranh cãi một dạo, tạo hai chiều dư luận như hai mặt đối lập. Tôi cũng viết một khúc ngắn bày tỏ sự nghĩ của mình. Sáu bảy tháng sau, tôi đọc lại, giật mình. Lần đọc trước, dòng chảy nội dung thật cuốn hút, nên quên mất một thứ, lau bụi thời gian nó trở lên lóng lánh lạ thường. Đó là chương 12, chương viết về những ngôi sao li ti, và mảnh trăng non đầu tháng – tác phẩm tuyệt diệu của mẹ mây bố gió, tôi cho là như thế.
Mẹ mây cũng múa cho cậu con trai đầu lòng xem, làm cậu sửng sốt, gương mặt bừng lên, mắt long lanh nhìn mẹ, miệng lắp bắp, lắp bắp : “ Mẹ mây, mẹ mây múa đấy!”. Cái buổi diễn chèo ở sân đình ngày xưa của mẹ tôi cũng vậy. Tôi được xem mẹ múa duy nhất một lần. Rồi chiến tranh, sơ tán, máy bay oanh tạc… Tiếng còi báo động lồng lộn chạy khắp không gian, chui vào những căn hầm chữ A, những hố cá nhân, những gậm giường trong những gian nhà gạch…Rồi những đoàn quân ra trận, những giọt nước mắt chia tay. Những giọt nước mắt của ngày gặp mặt trong ngày toàn thắng. Tất cả là những trường đoạn tua nhanh qua một đời người.
Khi tôi chuyển ngành, mẹ tôi không còn. Cô gái làng chèo tay dẻo dẻo là không còn, chỉ là ký ức tuổi thơ tôi nhỏ dại.
Đọc lại tự truyện Lê Vân yêu và sống, tôi bị hạ gục khi đọc những dòng này:
… Trông bé dài rộng, càng lớn càng giống mẹ Vân hơn. Đặc biệt bé có cặp mắt rất tình cảm, rất đẹp. Mẹ yêu nhất mỗi khi bé vòng hai tay ôm ghì cổ mẹ, cố quay mặt mẹ lại để hôn thật kêu. Bé thực sự quấn quít với mẹ không rời. Mẹ yêu bé lắm lắm chỉ có điều đến giờ này bé vẫn chưa chịu nói câu nào tuy bé hiểu hết. Bé nghe được nhưng lười không chịu nói.
Giờ này hai con đang ngủ say, chắc rằng bố mẹ sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con. Hơn ai hết, mẹ hiểu rằng, mẹ sẽ dành tất cả tình thương yêu cho các con mà không đòi hỏi một điều gì. Cuộc đời mẹ đã không được hưởng điều đó nên mẹ rất thèm được sống trong sự yêu thương chia sẻ. Con trai của mẹ, mừng con thêm một tuổi, hay ăn chóng lớn. Mẹ muốn được nhìn thấy anh em con trở thành hai chàng trai to lớn khoẻ mạnh.
Nhất định thế, có phải không, thiên thần nhỏ bé của mẹ!
Chắc chắn sẽ như thế mẹ mây ạ. Người mẹ đa đoan của hai chàng trai ạ.
Bởi chính cha mẹ, ông bà và tổ tiên của chúng, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, đã được nuôi sống, được bảo tồn nòi giống từ đời này qua đời khác là vì có tình yêu…
(trang 337, 338 Lê Vân yêu và sống)
Những trang viết như rút ruột rút gan, tươi hồng tình mẫu tử, ấm nồng nhân văn hạ gục cả những trái tim sắt đá, lơ đễnh, chểnh mảng. Viết như thế là cất cánh. Nó là bản tình ca đồng nội thật mộc, thật tinh khiết và thật như nó vốn có. Nó bay qua thảo nguyên xanh non rồi hướng về phía đông, nơi có quê ngoại, bà ngoại và sóng biển mặn mòi.
Tôi xin phép mượn câu thơ của nhà thơ nữ Hải Phòng để kết cho bài viết này “Ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh.”
15/5/07
VÂN ĐÌNH HÙNG
Lê Vân chưa phải là NSUT. Em lưu ý nhé
Khi đưa ai lên trang mình, em nghiên cứu kỹ rồi anh Vân Đình Hùng ơi, anh yên tâm ạ: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C3%A2n – Em đã tham khảo trên BK toàn thư .