Mặt trái của xã hội hóa thơ -Thai Sắc

VTH – Gặp được bài viết hay của nhà thơ Thai Sắc đã đăng trên báo Văn Nghệ TP HCM, vuthanhhoa.com xin đăng lại:

MẶT TRÁI CỦA XÃ HỘI HÓA THƠ

Xã hội hóa các hoạt động văn học – nghệ thuật, trong đó có xã hội hóa văn chương nói chung, thơ nói riêng là một xu thế tất yếu ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang mạnh mẽ thực hiện thao tác tinh giản bộ máy biên chế nhà nước và thực hành tiết kiệm hiện nay. Có thể nói, dường như lĩnh vực sáng tác và phổ biến thơ đã đi trước một bước trong chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học – nghệ thuật này từ nhiều năm trước và đã tạo nên một không khí không kém phần sôi động, tấp nập, nếu chỉ nhìn về phương diện hình thức.

Nếu cần có một đánh giá mang tính tôn vinh nào đó, dù rất ít, thì cùng với sự ra đời của Ngày thơ Việt Nam, không khí xã hội hóa thơ nói trên đã làm cho sinh hoạt thơ nói riêng, văn chương nói chung ngày càng trở nên phổ biến và bình dân hơn, không còn cao siêu, bác học như đây đó một thời đã tồn tại.Sách lậu: 'Phạt sách lậu vài chục triệu, trong khi lợi nhuận hàng tỷ đồng' - Tin tức xuất bản

Sách in tràn lan, chất lượng thả nổi

Tuy nhiên, cần nói ngay mà không sợ bị chẹn họng rằng, chưa bao giờ, tình trạng người người làm thơ, nhà nhà in thơ lại trở nên nhiễu loạn và lạc phương hướng như hiện nay. Bên cạnh rất ít tập thơ hay, có giá trị, được xuất bản một cách đàng hoàng (do nhà xuất bản chuyên ngành chọn in, được biên tập kỹ lưỡng) thì hàng trăm, hàng ngàn tập thơ ào ạt ra đời mỗi năm theo lối liên kết xuất bản (tác giả tự bỏ tiền mua giấy phép, tự in ấn và phát hành), trong đó có quá nhiều cuốn dở, tệ, phi thơ, khiến khí quyển thi ca nhiều phần bị ô nhiễm. Đó là chưa kể đến không khí xã hội hóa thơ trên mạng xã hội, khi mà bất cứ ai cũng có thể tung cái gọi là thơ của mình lên đó theo kiểu trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, không qua bất cứ một khâu kiểm định nào. Bên cạnh đó, việc tự do, thoải mái thành lập các hội, nhóm, câu lạc bộ… thơ đủ dạng, đủ kiểu, bất chấp tất cả những lề lối, quy định mang tính pháp luật, khiến mặt bằng và chất lượng thi ca ngày một nhôm nhoem, hỗ lốn.

Có thể nói, xã hội hóa thơ là một trong những nguyên nhân chính kéo thị hiếu thơ của công chúng xuống thấp hơn so với mặt bằng chung. Đó là điều dễ thấy nhất, thông qua mạng xã hội. Người ta ngày một ít có nhu cầu tìm đọc những bài thơ hay, những bài thơ mang tính cổ điển đã và đang xuất hiện mà dễ dãi tán dương không tiếc lời những dòng được gọi là thơ xuất hiện ở đây. Người ta cũng rất ít tiếp xúc, học hỏi đội ngũ những người làm thơ đích thực như là một nhu cầu cầu thị, vươn lên mà tự lập ra hội, nhóm để tâng bốc lẫn nhau một cách khác thường, bất thường, trong đó có cả những biến tướng làm tiền, kinh doanh bất hợp pháp.

Điều đáng nói, nơi ngôi đền thơ là Hội Nhà văn Việt Nam, việc công nhận một nhà thơ bằng thủ tục kết nạp họ vào tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp này là vô cùng khó khăn. Hàng mấy trăm hồ sơ xếp hàng rất lâu để được xem xét, công nhận, chứng tỏ ở đây, những người hoạt động một cách chân chính, đích thực, chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn chương nói chung, thơ nói riêng, bao giờ cũng coi thơ như là báu vật thiêng liêng. Thơ xuất hiện và được đóng dấu ở đây hầu hết là thơ đứng được, là thơ góp phần nâng cao xúc cảm thẩm mỹ và thị hiếu cho công chúng.

+Khát vọng trở thành nhà thơ là một trong những nhu cầu có thực và rất lớn của người Việt, dẫu đó là nhà thơ chuyên nghiệp (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) hay chỉ là người làm thơ bán chuyên nghiệp, nghiệp dư. Chủ trương xã hội hóa văn học – nghệ thuật gặp ngay mảnh đất màu mỡ này và phát sinh, phát triển như nấm mọc sau mưa. Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể in thơ – in để chơi, để giao lưu, để quảng cáo, để đánh bóng, để kinh doanh… Không kể thơ lan tràn trên mạng, chỉ nói riêng việc in ra giấy cũng đã thấy rõ ràng hình ảnh xã hội hóa mãnh liệt của nó. Thơ được in dưới bất cứ dạng thức nào như: liên kết với nhà xuất bản; các hội, nhóm tự phát hùn tiền in chung hoặc in cho nhau; cá nhân bỏ tiền tự in không cần giấy phép… Và vì vậy, chất lượng thơ xuất bản kiểu này là rất đáng báo động kiểu tạp pí lù, thiên về văn vần, vè và đậm dung tục hóa.
Trên facebook, lãnh đạo văn nghệ của một tỉnh đã không thể chịu nổi, phải đưa cảnh báo về mấy cuốn sách được gọi là tập thơ của một người tự phong là nhà thơ, liên kết với một nhà xuất bản chuyên ngành vào loại hàng đầu, trong đó, những dòng chữ hiện lên trên từng trang không chỉ không phải là thơ (mà là thơ lục bát) mà còn hết sức tục tĩu, bệnh hoạn (ví dụ cả một trang chỉ nói về việc phụ nữ đến kỳ…). Trớ trêu thay, nhà thơ tự phong này đã đề nghị thẳng với ông chủ tịch Hội Văn nghệ rằng, phải đưa mấy cuốn này của ông ta vào thư viện cơ quan hội như là một vinh hạnh cần phải đón nhận!
Rồi các cuốn ra định kỳ được gọi là tuyển tập thơ của các nhóm thơ, câu lạc bộ thơ từ Bắc chí Nam mà người được cho góp mặt phải đóng một khoản tiền không nhỏ thì chất lượng có thể nói là rất đáng báo động. Không phải là không có một số bài thơ đọc được, song nhìn chung, tác phẩm trong những cái gọi là tuyển tập thơ này, hầu hết hoặc chưa phải là thơ hoặc là những bài thơ dở. Những tuyển tập thơ do các câu lạc bộ thơ Đường luật in ra, có những cuốn đứng đắn, chuẩn mực, nhưng không phải không có những cuốn, không hay đã đành mà trong đó, khá nhiều bài phạm ít nhất một bệnh hoặc lỗi!

Những gì không thể và chưa thể quản lý được như cái gọi là thơ được tung lên mạng xã hội hay điện thoại di động với tốc độ chóng mặt. khiến những nhà chức trách, những nhà chuyên môn đành chấp nhận bó tay ngồi nhìn. Điều trong tầm tay, có thể làm cho thơ từng bước bớt nhảm nhí, hỗn tạp, đó là, cần phải nghiêm túc chấn chỉnh những nhà xuất bản đã buông lỏng khâu biên tập, để lọt lưới nhiều cuốn sách được gọi là tập thơ, nhưng phẩm chất thi ca gần như bằng không.

Xã hội hóa thơ nói riêng, văn học – nghệ thuật nói chung là một tất yếu. Nhưng xã hội hóa luôn mang trong nó những mặt trái. Khí quyển thi ca có phần vẩn đục trong thời gian qua là một ví dụ tiêu biểu. Không bác học hóa thi ca nhưng cũng không bình dân hóa, thậm chí tầm thường hóa nó đến mức thả lỏng như đã nói ở trên.
Để từng bước thay đổi hiện trạng này, những cơ quan chức năng về văn học – nghệ thuật, những nhà thơ đích thực và chân chính cần thấy rõ vị trí, vai trò tiên phong và mẫu mực của mình, tích cực tham gia nhằm xoay chuyển cán cân, từng bước đẩy lùi cái gọi là thơ ra khỏi khí quyển trong lành của văn chương và văn hóa Việt Nam

THAI SẮC

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu