Ở ta có lắm chuyện hiếm, trong đó gần đây nhất là chuyện Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng “Luật nhà thơ”. Có một comment trên một trang website nọ đặt câu hỏi: Hay là người ta dự kiến làm “luật nhà thổ” mà viết nhầm? (Chao ơi! Cái ý này nghe hơi bị “rợn”, không khéo sẽ bị bật đèn đỏ cảnh cáo mất!) khoivudongnai xin copy lại dưới đây mấy ý kiến của chính vài đại biểu quốc hội, cùng hai bài của “người làng ta”:
>> Xem : Tranh luận về Luật Nhà Văn
* Rảnh: bài của Thanh Thảo
* Ô HÔ CÁI LUẬT NHÀ THƠ: thơ của Bùi Văn Bồng
Mời bạn bè cùng đọc.
Luật cần không có, lại thò luật nhà thơ
Ngày 02/11, thảo luận tổ về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng chương trình này còn nhiều vấn đề bất hợp lý cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn, dự thảo chương trình đưa vào những dự án luật chưa cần thiết (như Luật Nhà thơ, Luật Thư viện) nhưng lại thiếu vắng những luật để điều chỉnh những vấn đề cấp bách hiện nay. Những dự án luật liên quan đến những quyền cơ bản của công dân lại bị bỏ ra ngoài.
“Đưa Luật Nhà thơ vào làm gì?”
“Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri” – ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.
Đồng tình, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói thời buổi này chẳng có mấy người vào thư viện thì xây dựng Luật Thư viện liệu có cần thiết? Trong khi đó, những luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân, phát huy quyền làm chủ của người dân như Luật Trưng cầu dân ý lại chưa được xem xét.
Rảnh (Thanh Thảo)
Tôi thật sự choáng khi đọc tin “Luật Nhà văn được đưa vào dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội (QH) khóa 13”. Luật Nhà văn là luật gì nhỉ? Tôi tự hỏi mình, vì nhất thời cũng không biết hỏi ai.
Mỗi năm QH nhóm họp hai lần, và mỗi lần họp đều phải nghiên cứu, góp ý và thông qua rất nhiều sắc luật.
Nhiều đại biểu QH đã than rằng nếu mỗi tuần phải đọc tới 20 kg tài liệu dự luật thì không biết lấy đâu ra thời gian để đọc cho kỹ đặng còn góp ý xây dựng luật. Vậy mà vẫn đang còn rất nhiều dự luật quan trọng và cấp thiết tới kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước chưa được QH xây dựng và thông qua. Điển hình như luật Biển, luật Trưng cầu dân ý, luật Đạo đức cán bộ, luật Biểu tình… Thì nay lại nảy ra luật Nhà văn, một dự luật mà tuy chưa được đọc văn bản, mới nghe tên thôi, đã có rất nhiều đại biểu QH kêu lên là không hiểu gì cả, thậm chí còn lẫn lộn không rõ là luật Nhà văn hay luật Nhà thơ và không thể có thời gian góp ý cho một dự luật “trên trời” như thế.
Vậy thì ở đây phải đặt ra câu hỏi: những người có trách nhiệm đã nghĩ như thế nào khi đưa những luật hoàn toàn không có trong cuộc sống và không thể đưa vào cuộc sống như luật Nhà văn vào chương trình dự thảo luật của mình?
Nếu có từ nào để diễn tả cảm xúc về ý tưởng luật này, từ đó là: rảnh thiệt!
Ô HÔ CÁI LUẬT NHÀ THƠ
BÙI VĂN BỒNG
Nhà thơ có Luật mới hay
Phen này có lẽ thơ bay lên trời
Kinh tế-xã hội rối bời
Rất cần luật để có nơi vận hành
Thế mà luật chạy vòng quanh
Cái đèn cù đã biến thành Luật thơ
Nghe ra ai cũng ngẩn ngơ
Nhà thơ sao lại cũng vơ luật vào?
Đảo điên trời thấp đất cao
Nghĩ ra đủ chuyện tầm phào nhố nhăng
Thần kinh ai có cân bằng
Mà đưa ra luật nhì nhằng cho thơ?
Chắc là ngậm bút bơ vơ
Nghĩ thơ chẳng được nên nhờ luật chăng?
Cân, đong, đo, đếm trắc bằng
Phen này có lẽ bắt trăng vào tù
Tội này bởi tại mùa thu
Tội này chắc tại trăng lu đêm rằm…
Vân vê nhổ sợi râu cằm
Bài thơ ta viết luật nằm ở đâu?
Thơ hay, thơ dở nát nhàu
Làm thơ chắt lọc từng câu, từng từ
Biết đâu gặp kẻ khật khừ
Kéo thơ vào luật nát nhừ hồn thơ
Nàng thơ nay hết bơ vơ
Thơ hay hoặc dở phải nhờ luật soi
Gần xa du khách ghé coi
Nhà thơ nay hết thiệt thòi, cô đơn
Làm thơ ai đó phải chờn
Biết đâu “ông Luật” lên cơn phạt đền (!?).
Nguồn khoivudongnai blog