VTH – Gặp nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa nhiều lần, nghe ông đọc thơ nhiều lần nhưng có lẽ chỉ khi nhà thơ Hoàng Quý “đọc vị” Lê Thiên Minh Khoa ngoài đời: “tâm tính cởi mở, cái tình yêu văn chương hơi hơi cuồng si, cái cách yêu bạn yêu người ngất ngư như rượu nóng và, những bài thơ hồn hậu găm đầy kỷ niệm…”(Hoàng Quý) mới hiện ra rõ nét một thi sĩ độc đáo của văn chương Bà Rịa Vũng Tàu. Mời bạn đọc bài viết cùng vuthanhhoa.net:
LÊ THIÊN MINH KHOA
THƠ GĂM KỶ NIỆM, THƠ LÀ CUỘC VUI
NHÀ THƠ HOÀNG QUÝ
1.
Một sáng nắng nóng, Lê Thiên Minh Khoa tới thăm tôi. Chưa kịp tắt máy và dựng xe cho ngay ngắn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cười một nụ bắt mắt, Khoa nói “quấy anh đây”.
Khoa hấp tấp moi trong bao xốp một tập giấy đóng bìa nghiêm ngắn, rồi bảo: “Em sẽ in tập thơ mới, anh giúp em vài dòng”. Sao lại giúp. Với Lê Thiên Minh Khoa dễ gì từ chối được. Thực thì, giữa tôi và Lê thi sĩ nói rất thân thì chưa hẳn, nhưng tôi yêu quý Khoa bởi cái tâm tính cởi mở, cái tình yêu văn chương hơi hơi cuồng si, cái cách yêu bạn yêu người ngất ngư như rượu nóng, và, những bài thơ hồn hậu găm đầy kỷ niệm, đặc biệt những bài lục bát ngẫu cảm rất nhiều đặc sắc, rất… Lê Thiên Minh Khoa.
Tôi vẫn nhớ cái ngày anh Xuân Sách giới thiệu các tác giả chuyển sinh hoạt về Hội Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu từ Đồng Nai. Khoa ngồi lặng yên giữa những Dương Cao Tần, Trường Thanh, Phạm Thị Nguyệt Cầm và hơn chục cây bút khác. Cái “thằng chả” đầu tóc bù rối như tổ quạ, đánh một bộ sơ mi khá bảnh mà xem chừng cứ lôi thôi ngượng nghịu thế nào, chỉ được nụ cười là đáng kể. Thế mà, cũng đã ngót ngét hai mươi năm chúng tôi từ biết tên, chào hỏi e dè đến a lô luyên thuyên với nhau quên cả vợ sẽ nhăn nhó trả tiền điện thoại.
Tháng 7 năm 2011 Hội Văn nghệ tổ chức chuyến đi Đất Mũi. Cái đêm dừng nghỉ ở một khách sạn cáu cạnh, xây trên vùng lấn biển Kiên Giang, tôi và Trịnh Sơn được bố trí ở chung trong một phòng góc, lầu 7. Cái phòng góc bé bằng hộp diêm chỉ kê vừa cái giường gọi là giường đôi vì chắc chắn nó chỉ nhinh nhỉnh hơn cái giường một và cái bàn hai ghế vuông hoành tráng. Chả biết Lê Thiên Minh Khoa ở phòng nào. Mà ở phòng nào, ở với ai chắc gì hắn đã nhớ. Hắn “ở trọ” phòng chúng tôi trọn đêm, chuyện giời chuyện bể hồn nhiên, phun khói thuốc mù mịt và say lãng đãng. Đêm ấy tôi mới biết nơi sinh Khoa là làng Trung An, Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị. Có lẽ tôi quý Khoa nhiều hơn từ đêm ấy. Quảng Trị – những năm lửa cháy tôi từng có lần bị bom và đạn pháo vùi. Nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống đó. Và cũng ở đó tôi sống được nhờ các mẹ, các chị bới tìm trong mấy lớp cát đất của một trận pháo bầy.
Nhưng thôi, “day đi dứt lại” có khi buồn hơn, có khi đối mặt cái hiện hữu dành giật, thực dụng, quay quắt, trí trá, trợn bợm… mà chìm lặng trong bấu níu xa xăm cũng chẳng để làm gì. Ấy thế mà Khoa đã đọc thơ tôi, đọc cả một seri làm tôi hết sức cảm động, cảm động đến sửng sốt suốt trắng đêm anh “ở trọ”, đọc bằng ngữ điệu Quảng Trị nằng nặng, đọc cay mắt và trầm tư: “… Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ/ Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa/ Đạn găm đầy hình hài/ Nỗi đau không nói được/ Bông cúc ta từng hái ở mùa thu/ Khô xác gần ba mươi năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại tên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai – Hoa cúc!”. Bạn yêu tôi đến thế, viết thế nào cho tập thơ mới của bạn đây? Hồi cố cái đêm Khoa đọc thơ tôi trong căn phòng bé bằng hộp diêm rả rích mưa tháng bảy tôi biết rằng cái sự Khoa đường đột yêu cầu viết lời mở cho tập mới cùa anh làm tôi nhiều đắn đo, lo lắng và ngại ngần, rằng có thể vài dòng tản mạn tôi viết về thơ bạn sẽ không thấu đáo.
2.
Tập thơ Lặng lẽ tôi Lê Thiên Minh Khoa chia thành 3 phần, gồm: Lặng Lẽ. Lãng Đãng và Tri Âm.
Ngọai trừ các nhạc phẩm của các nhạc sĩ bạn hữu phổ thơ Lê Thiên Minh Khoa được Khoa chọn in đan xen lưu làm kỷ niệm, phần Lặng Lẽ gồm 54 bài thơ tự do mà Khoa gọi là THƠ ĐỜI THƯỜNG, phần Lãng Đãng 34 bài, phần Tri Âm gồm những chọn lọc từ nhiều lời bình hoặc bài phê bình của các tác giả viết về thơ Lê Thiên minh Khoa.
“Trở về thành phố cũ tìm em
Lặng lẽ mưa bay về ngôi nhà cổ
Phải phiêu bạt qua bao mùa dâu bể
Em sang ngang đã mấy chuyến đò rồi!…
Trở về thành phố cũ tìm nhau
Như Từ Thức trở về cố xứ
Bạn học cũ đứa chân trời góc bể
Đứa tuổi xuân cát bụi lâu rồi!…”
(Lặng lẽ tôi)
Bài mở đầu cũng là bài mang tên tập. Tôi bị cuốn vào cái cảm giác se se từng gặp trong thi tập Thị trấn tôi mà Khoa đã viết và in 16 năm trước, năm 2002. Vẫn một giọng kể ấy, trầm lắng không ồn ào, hằng quen mà rất nhiều xúc động:
“Chỉ còn tìm đến giáo đường xưa
Mưa tháng bảy lạnh hơn ngày trước
Không có em, liễu rủ hoa tái nhợt
Thánh giá nghiêng buồn trong tiếng chuông nghiêng!…”
(Bài trên)
Dường như trong thơ Lê Thiên Minh Khoa, vài nét găm người bạn anh trọng thị, một góc vườn xưa cô vắng rơi hoa, một thoáng tái tê người văn bóng khuất, một bâng khuâng chưa rõ hình hài… đều tô điểm cho thơ Khoa, và, Khoa chỉ có thể dụng thơ, mượn thơ như cách duy nhất để gọi tên những nỗi niềm thi sĩ:
“Người đi không ngoái
Bụi mờ tóc râu
Môi hồng bỗng nhợt
Mắt huyền xa ơi…”
(Biệt ly)
“Khóc Nguyệt Cầm thấm thía câu thơ
“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Nguyệt ơi, Trăng lạnh chừ khuất núi
Vàng khô ở lại nhớ xanh xưa
(Khóc Nguyệt Cầm)
Đây nữa:
“Tôi trở lại vườn xưa tìm trắng ấy
Khu vườn xưa hoang lạnh bóng người
Chỉ hoa trắng gieo buồn như tuyết điểm
Người xưa sang vườn khác lâu rồi”
(Trăng xưa)
Rồi đây nữa:
“Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương…
bay…
trôi…”
(Mù sương)
Cái âm hưởng dìu dịu tràn chảy trong mục phần Lặng Lẽ đậm dấu ấn trong nhiều bài thơ cảm thức cố nhân, vết chấm phá quá vãng mơ mê không mặc định, như đứng ngoài sự sắp đặt. Có lẽ bởi thế, nó tạo cho thơ Khoa một cách diễn đạt mềm mại, một bút pháp trữ tình nhiều bản năng, những thoảng buồn ướp men, giọng du dương tự sự dễ chịu, nhi nhiên, giản dị, êm đềm:
“Em áo tím phượng chiều thu tím
Anh bâng khuâng năm ngả bâng khuâng
Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng
Mấy ngả đường hoa tím mù sương”
(Đà Lạt tím)
“Chưa bao giờ anh làm thơ tặng em
Nhưng không một lần nghe lời hờn trách
Vì người đẹp trong vần thơ anh viết
Có bóng hình thời con gái của em!…”
(Đồng điệu)
Lê Thiên Minh Khoa cũng giới thiệu những thử nghiệm khác của anh ngay trong phần Lặng Lẽ của thi tập. Anh thử nghiệm Thơ Ba Câu trong các bài “Động viên”. “Đêm và gió”, “Chẳng lẽ”, “Trăng, em và tôi”. Anh cũng lại thử nghiệm một số bài thơ có sắc thái chính luận hoặc thơ văn xuôi như “Điệp khúc Nhân dân”, “Lời nguyền của người ở ngoài vùng phủ sóng”v.v.. Tuy nhiên, tôi có cảm giác loạt bài thơ này đang là sự tìm tòi và chỉ mới manh nha một khởi đầu. Các bài thơ tạo nên dư ba là những bài Khoa viết bằng nhịp thơ đã nhuần nhuyễn với cảm xúc gây men, bằng điệu hồn thúc bách. Vượt thoát cái hằng quen để bước đến những không gian khác của thi ca luôn luôn là mong mỏi, là ý thức của nhiều nhà thơ. Tất nhiên.
3.
Những bài thơ hớp hồn tôi nhất là Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa.
Có một chút gì đó như biến ứng mà tôi gọi là “Ngôn ngữ Bùi Giáng” bắc sang “Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa” mà vẫn là Khoa, rất…Khoa:
“Và anh uống rượu bây giờ
Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh
Và anh uống rượu một mình
Là anh uống với bóng hình em thôi
Và anh chén rượu mồ côi
Là tôi cộng lại với tôi hai người
Và anh chén rượu em mời
Là em cộng với tôi rồi bằng không
Và anh nhớ em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm”
(Và anh…)
Giời ạ. Bài lục bát hay ngất ngư tôi không còn biết diễn đạt tâm trạng mình khi được thưởng thơ thế nào. Thì đấy, cái váng vất “Ngôn ngữ Bùi Giáng” phiêu trong từng câu tượng hình ngay kia Khoa đã dụng thành. Nó “ngon, thơm, đê mê” như một ly cocktail pha theo cách Lê Thiên Minh Khoa bằng tinh liệu chắt gạn trong kho hương ngôn Bùi Giáng và hương ngôn họ Lê. Hình như không chỉ Khoa, nhiều thi bản tôi đã đọc của thi sĩ A Khuê và các thi sĩ cùng thời ông đều có dư vang âm hưởng thiên bẩm họ Bùi. Tôi coi đấy là tiếp nối tinh hoa được bắc tới từ người xưa. Cái khó là khi tiếp nối các tài nhân anh dụng thế nào?!
Hình như, cứ với lục bát là Lê Thiên Minh Khoa thăng hoa, là lơ lửng say, là không “lành” được nữa trước thói người, thói đời:
“Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè một Quỷ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời đi hoang”
(Còn lại)
Khi xưa Tiên ở trên trời
Yêu người trần thế Trời dời xuống đây
Người trần khi tỉnh khi say
Nên Tiên chán ngán lại bay về trời
(Còn lại 2)
“Là ai tâm Phật thân Ma
Nhập nhòa một bóng chợt xa, chợt gần
Chợt phong vân, chợt phù vân
Thương đời, đời loạn, thương thân, thân nhàu!
(Là ai)
34 bài lục bát trong phần thứ 2: Lãng đãng, Khoa chỉ coi như những bài thơ viết trong những khoảnh khắc hoa ngôn, những khoảnh khắc lãng tử, những khoảnh khắc phóng bút. Nhưng với tôi, 34 bài lục bát trong tập này của Khoa là tinh hoa thơ Lê Thiên Minh Khoa. Chỉ với lục bát hồn Khoa, hoạt ngôn Khoa, thi ảnh, thi hình, tư tưởng, chất giang hồ tài tử mới phát lộ, nhiều bài phong nhiêu liêu trai. Buồn tanh mà ngạo đấy. Êm ái mà sóng ngầm, Đùa cười mà rớt lệ giữa cuộc vui:
“Đôi khi bỏ bể về rừng
Ngó anh cọp ốm, chợt lòng từ tâm
Nửa chừng sương rót lâm râm
Một, hai, ba, bốn, năm châm giọt buồn!…”
(Đôi khi)
“Và em
Và tôi
Và thơ
Và dăm ly rượu
Và chờ đêm qua
Và Không
Và Phật
Và Ma
Hội nhau trong cõi ta – bà
Rong chơi
Và em
Và tôi
Và ai
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người…
(Và em…)
Còn xưa mây thả lưng đồi
Còn em mấy độ thu rồi chưa bưa
Nghe chừng ngượng ngập chân đưa
Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!…
(Còn xưa)
Có khi, đọc Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa chả cần lời bình. Tôi những muốn thưa rằng có một vườn Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa tươi an nhiên trong cánh đồng Thơ Việt. Vườn lục bát của họ Lê luôn luôn hiện lộ và tỏa sắc hương riêng. Thứ sắc hương ấy có quyền dán nhãn Made in Lê Thiên Minh Khoa!
HQ
Vũng Tàu, tháng 6/2018
CHÙM THƠ LÊ THIÊN MINH KHOA
(Nhà thơ Hoàng Quý chọn)
Lặng lẽ tôi
Trở về thành phố cũ tìm em
Lặng lẽ mưa bay về ngôi nhà cổ
Phải phiêu bạt qua bao mùa dâu bể
Em sang ngang đã mấy chuyến đò rồi!…
Trở về thành phố cũ tìm nhau
Như Từ Thức trở về cố xứ
Bạn học cũ đứa chân trời góc bể
Đứa tuổi xuân cát bụi lâu rồi
Trở về trướng xưa thăm hỏi thầy cô
Tường đá xám rêu phong đếm tuổi
Bác phu trường già run run tay chổi
Thầy cô ơi, thành thiên cổ hết rồi!
Chỉ còn tìm đến giáo đường xưa
Mưa tháng bảy lạnh hơn ngày trước
Không có em,liễu rũ hoa tái nhợt
Thánh giá nghiêng buồn trong tiếng chuông nghiêng…
Trở về thành phố cũ tìm xưa
Hoa phượng tím tàn rồi, không gặp được
Hoa đào đỏ mùa này chưa đến tiết
Tôi tìm xưa mà… tôi gặp tôi thôi!…
Về Tiền Giang
Mùa mưa tìm về thăm Tiền Giang
No tròn đôi má mận Trung Lương
Vườn dâu Chợ Gạo ngoan hiền quá
Cổ Tự còn in bóng Vĩnh Tràng
Thuyền ngang Sông Cữu qua Rạch Miễu
Cồn Phụng danh lam xứ Kiến Hòa
Mỏ Cày kẹo ngọt thơm tình đất
Trĩu nặng dừa say đợi khách qua
Mấy năm rồi cái chi cũng lạ
Cây thêm trái giọng hò thêm ngân
Tiếng em hay cả tình em đó
Thương nhớ lâu rồi thương nhớ thương…
Anh hẹn ngày về mai mốt nữa
Phù sa theo lũ thấm đồng xanh
Thơ ươm sức sống lên cây mạ
Cho má em hồng trong nắng hanh!
Mỹ tho, 1973
Đà Lạt Tím
Em áo tím phượng chiều thu tím
Anh bâng khuâng năm ngả bâng khuâng
Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng
Mấy ngả đường mây tím mù sương…
Đà Lạt vòng vèo bụi bờ tím ngát
Tím bông cỏ hoang bên tím cẩm tú cầu
Anh hoang dã đi bên em thánh thiện
Được khoan dung trong sắc bao dung
Đà Lạt tím
Tình người tím biếc
Hương bình yên thầm lặng say người…
Đà Lạt, 19/8/2003
Là ai
Là ai tâm Phật thân Ma
Nhập nhòa một bóng chợt xa, chợt gần
Chợt phong vân, chợt phù vân
Thương đời, đời loạn, thương thân, thân nhàu
Nhặt nhành hương sắc tháng ba
Tặng Lê Khánh Mai
Một ta đi dạo quanh đê
Nghe trong ta níu ta về với xuân
Phím lòng không gõ cũng ngân
Tường vi lỡ héo, tầm xuân lỡ mùa
Nép vào nhau dưới bóng trưa
Ngó qua ngó lại nhập nhòa hàng xoan
Đầu ghềnh lều cỏ mấy gian
Kẻ tìm người núp ngỡ ngàng gần xa…
Nhặt nhành hương sắc tháng ba
Đặt lên lá cỏ thành hoa tặng Người…
Rưng rưng
Rưng rưng rượu đến mềm môi
Rưng rưng tôi nhớ cái người tôi thương
Men trong tám hướng bốn phương
Rưng rưng tiễn biệt người thương tôi về!
Tự họa
1.
Hơm qua thơ rượu Tơ –
Tình
Sáng mai hết rượu
Thấy mình mất thơ
2.
Hôm qua thơ rượu Tơ –
Tình
Sáng mai hoang đãng
Thấy mình mất tiêu…
3.
Sáng mai thấy ta vẫn còn
Buồn năm phút lại Diêm Vương nuốt lời
Ta không là kẻ chán đời
Là ta chán ngán làm người
như ta
Còn xưa
Tặng Hoàng Quý
Còn xưa mây thả lưng đồi
Còn em mấy độ thu rồi chưa bưa
Nghe chừng ngượng ngập chân đưa
Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!…
Và anh…
Và anh rượu uống bây giờ
Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh
Và anh uống rượu một mình
Là anh uống với bóng hình em thôi
Và anh chén rượu mồ côi
Là tôi cộng lại với tôi hai người
Và anh chén rượu em mời
Là em cộng với tôi rồi bằng không
Và anh ngó em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống bóng trăng say mèm…
29/1/2016
Và em…
Và em
Và tôi
Và thơ
Và dăm ly rượu
Và chờ đêm qua
.
Và Không
Và Phật
Và Ma
Hội nhau trong cõi ta – bà
Rong chơi
.
Và em
Và tôi
Và ai
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm
.
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!…
Khai bút xuân Bính Tuất
Đôi khi…
Đôi khi bỏ bể về rừng
Ngó anh cọp ốm chợt lòng từ tâm
Nửa chừng sương rót lâm râm
Một, hai, ba, bốn, năm châm giọt buồn
(Chọn trong trong tập: Lặng lẽ tôi –
Thơ Lê Thiên Minh Khoa – NXB Hội Nhà văn, 2018)
Chúc mừng Lê Thiên Minh Khoa ra mắt tập thơ thứ hai của anh, hơn nữa tập thơ này lại được nhà thơ Hoàng Quý viết giới thiệu!
Tôi đọc bài viết của nhà thơ Hoàng Quý, rất thích, không chỉ bởi văn phong uyển chuyển, cẩn trọng của ông, mà còn bởi tấm lòng ấm nóng của ông dành cho tác giả. Ngoài những điểm sáng của thơ Lê Thiên Minh Khoa với trích dẫn chọn lựa kĩ và xác đáng, nhà thơ Hoàng Quý rất tinh tường và nhẹ nhàng khi thân ái chỉ ra những chưa tới với hy vọng tác giả cần vượt lên: “Anh cũng lại thử nghiệm thơ ba câu… một số bài thơ có sắc thái chính luận hoặc thơ văn xuôi v.v.. Tuy nhiên, tôi có cảm giác loạt bài thơ này đang là sự tìm tòi và chỉ mới manh nha một khởi đầu.” Hoặc: “… có dư vang âm hưởng họ Bùi. Tôi coi đấy là tiếp nối tinh hoa từ người xưa. Cái khó là khi tiếp nối các tài nhân anh dụng thế nào?!”…
Cám ơn được đọc một bài viết hay nữa của nhà thơ Hoàng Quý!
Cám ơn vuthanhhoa.net dành đất cho tập sách mới của tác giả BRVT!
Đọc một bài hay, rất có tình và thân ái của nhà thơ Hoàng Quý. Qua bài viết có thể thấy nhà thơ Hoàng Quý ứng xử với người nghệ sĩ trong văn bút của ông với sự tôn trọng. Tôi đã đọc các bài viết công phu và minh trí của ông về Vũ Thanh Hoa, Hà Đình Cẩn, A Khuê, Văn Ngọc… Với mỗi tác giả khác nhau, ông đều lấy sự tôn trọng bạn văn làm căn cốt. Có lẽ bởi thế, viết về ai, ông cũng luôn luôn nhập mình vào tác phẩm của họ và gọi được hồn cốt họ từ tác phẩm sáng lên mặt chữ.
Chúc mừng Lê Thiên Minh Khoa đã ra mắt tập thơ mời của anh!
“Nghe Chừng ngượng ngập chân đưa
“Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!”
…
“Và ngàn năm nhớ xa xăm
“Và xa xăm nhớ lầm
“Than kiếp người…”
Rất, rất hay!
Nhà thơ Hoàng Quý viết văn phong thích thật “uyển chuyển, cẩn trong… mà còn bởi tấm lòng” đúng như bạn Phong Đức bày tỏ.
Chúc mừng anh Lê Thiên Minh Khoa với tập thơ mới!
Nhà thơ Hoàng Quý thẩm thơ tinh tường, khen chê nhã nhặn, trọng thị, thân tình. Tôi đã đọc một số bài viết của ông cho các tác giả, trong đó có Vũ Thanh Hoa. Giọng văn tinh tế, sang trọng, quý những thành công, những nỗ lực trong sáng tác của văn hữu, thi hữu. Viết giới thiệu cho thi tập mới của Lê Thiên Minh Khoa không vị thân sơ. chỉ vị thơ. Phần thơ tự do của anh khoa cái gì hằng quen, cái gì mới chỉ là manh nha chưa thành rất tế nhị. Phần thơ lục bát đúng là “…những khoảnh khắc hoa ngôn, những khoảnh khắc lãng tử, những khoảnh khắc phóng bút”.
Chúc mừng anh Lê Thiên Minh Khoa!
“Và anh ngó em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống bóng trăng say mèm”
Điêu. Trăng nào say, ngó… trôm nhà người ta lại đổ cho trăng, hehe. Lục bát rất hay!
Nhà thơ Hoàng Quý sáng tạo chữ mới HƯƠNG NGÔN, HOA NGÔN tặng LTMK là rất yêu trọng bạn văn. Trong cái tùy bút chân dung viết về con đường và thơ Vũ Thanh Hoa ông gọi Ông hoàng thơ tình Việt Nam – Thi sĩ Hoàng Cầm là CÂY THẢO QUẾ HOÀNG CẦM, ông gọi bài thơ đặc sắc “Cuối năm dọn nhà” của Vũ Thanh Hoa là BÔNG THẢO THI. Những sáng tạo và hình dung từ đắt giá rất Hoàng Quý. Đọc mà tràn ngập chất văn chương. Đọc thế mới sướng.
Tôi có anh hàng xóm làm thơ làm thẩn Hội viên Hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu. Không dám nói thơ anh ta vì tôi chân đất mắt toét, ngoại đạo. Chừng 2 tháng anh ta lại khoe cái tạp chí của Hội anh ta. Được đăng bài có vần vè nào là tít mù hớn hở. Hãnh diện lắm. “Nhà” này giữa quán giữa xá cùng mấy “Nhà” thơ phú khác nói chuyện văn chương chan chát, ca ông Thủ trường Hội thơ triết lý triết leo không có đối thủ, làm ra cái thứ thơ văn để đời. Tôi hãi lắm, cứ rúm ró thấy mình quê một cục.
Kể chuyện tí góp vào cho nó… Dzui. Thưa nhà Thơ Hoàng Quý! Em thích cả thơ bác lẫn văn bác. Mà bác cũng đáng… trách. Chả cà kê ênh uôm cứ như người lánh đời. Nói như các chính trị viên là… thiếu chan hòa, là… chưa tốt, hehe…
Chúc mừng Lê Thiên Minh Khoa trình làng tập thơ mới!
Bài của “nội đạo” ý vị. thú vị và sành đời, sành thơ lắm! Cấm khiêm tốn nghe! hi…
Chân thành cảm ơn nhà thơ Vũ Thanh Hoa và độc giả, thân hữu đã yêu mến.
Hy vọng được thỉnh thoảng gởi bài lên trang nhà để được giao lưu cùng bạn đọc, thân hữu, những người yêu thơ.
Tình thân.
LTMK
Rất hân hạnh được nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa và thi hữu gần xa cộng tác với vuthanhhoa.net. Trân trọng!
Sáng nay đi mua rau heo cho Mụ Thẽm nhà em về, gặp tay T, nó bảo: Lão còm mèn linh tinh cái gì mà bao nhiêu người cười phớ lớ cả lên, anh Lê Thiên Minh Khoa anh ấy mắng kia kìa, cứ lặng lẽ ngày ngày ra chợ mua rau cho vợ nó nuôi đôi heo, tết tớ sang chọc tiết, đánh bữa, tự dưng lại… rồ.
Ối trời trời. Mình còm mèn cái gì ấy nhể. Nhớ ra rồi, còm mèn một cái còm mèn trong trang nhà chị Hoa. Tội nghiệp thằng ngoại đạo răng đen mắt toét này, đọc bài viết và chùm thơ Lê Thiên Minh Khoa của bác Quý, tự dưng sướng, tự dưng lại táy máy, thế có tội nghiệp cho em không cơ chứ.
T ơi là T, anh Khoa anh ấy đâu có mắng mỏ gì, đúng là Nguyễn Văn Tê. Ta đã quê mùa, cố đọc để học thầy học bạn, nhà mi lại mô tê hơn ta. Khổ lắm, anh khoa mắng là mắng yêu. Rõ thật là…
Anh Lê Thiên Minh Khoa thân mến! Em lỗi phép chị Hoa! Em lại còm mèn, cho nó chắc như tôm nỏ nắng cái còm mèn trước của em. Dẫu ngoại đạo, em cũng có đọc đấy ạ. Ông Đại Thi sĩ hàng xóm hồi nọ rưng rưng khoe em, rằng, Ông Hội trưởng tặng tập thơ “Viết lên liếp nhà tao”, lại bảo Thiều thiếc gì đó khen nồng nàn, lại bảo có cả chữ kí rất chi là đẹp của nhà thơ danh tiếng. Thế là dầu đèn len lén Mụ Thẽm đọc tập thơ nọ. Đọc xong tự dưng thấy mình sắp thành triết gia. Thế có sướng không. Nắm mớ thấy 4 giọt nước thế là… triết. Tự dưng gặp… thế là… triết. Viết như đoản văn vơ vơ vẩn vẩn lại xưng xưng là Thơ Văn xuôi. Tội cho em cái thằng ít chữ chả tính. Hỏi thằng con mới tốt nghiệp Khoa Lý luận phê bình rắng mày giảng cho bố xem nó cao thâm, nó sâu hoắm ở chỗ nào? Nó đọc chừng bảy, tám bài, bảo con chịu, chả biết nó hay thế nào mà giảng cho bố. Thơ nó cao thâm. Rõ là phí tiền cho mày đèn sách.
Năm nọ, em có may mắn xem cái Triển lãm Thơ Nguyễn Duy tít ngoài Thủ Đô. Nguyễn Duy chép những câu thơ của ông lên điếu cày, rổ rá, thúng mẹt… Đại để là chép lên những công cụ, vật dụng gắn bó ngàn đời với dân Việt ta. Em trộm nghĩ thế này, Thơ Nguyễn Duy chép lên cái gắn bó ngàn đời không khiên không cưỡng, xứng đáng. Ví dụ hai câu “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Bên nào thắng thì nhân dân đều bại” chép lên cái mẹt sàng sảy gạo. Tuyệt!
Thế mới biết: Học cũng phải biết cách học (ấy là lời bố en dậy em chứ em đâu có nghĩ ra lời dậy). Nhờ ông Thiều ông thiếc viết cả nể, in lia chia, tưởng mình nhà thơ bự, thế là “Viết lên liếp nhà tao”. Này T ơi, anh Khoa mắng yêu cũng được vì thơ lục bát anh khoa rất hay còn mình thì chả biết làm. Chứ này T ơi, bảo tớ… rồ… là tớ nỏ chịu. Chân đất mắt toét nhưng em vẫn cố học cho có chữ mà la lối thằng con học phê bình phê biếc đọc cũng tắc tị chả biết giảng cho bố.
Em ứ chịu anh Khoa “mắng” đâu đấy nhá. Em mạnh dạn sáng – tác – thơ góp vô cho nó… Dzui nha:
Sáng nay đi ra đi vào
Ơ, con chào mào nó hót trên cây
Đêm về thắp chiếc đèn cầy
Ngó sang Mụ Thẽm hay hay, chờn chờn
(Thơ của Ngoại Đạo)
Ghi chú: Chờ chờn, vì sợ sáng mai Nàng Thẽm lại sai đi mua rau heo… hehe!
Chị Hoa đăng cho em, cho em thêm một cái còm mèn, nhá!