VTH – “Mẹ và Cỏ” là bài thơ hay của nhà thơ Lê Huy Mậu đã được nhiều nhà thơ bình, vuthanhhoa.net xin giới thiệu bài bình của nhà văn Lê Hoài Lương, như anh Mậu nói là để dành tặng ngày 20/10 – ngày Phụ nữ Việt Nam:

Viết cho ngày Phụ nữ Việt Nam 20- 10:
MẸ VÀ CỎ
Khi mẹ cầm cây cuốc
Cỏ trốn chui trốn nhủi ngoài đồng
Nhưng mẹ vừa quay lưng
Cỏ lại trùng trùng xông tới
Mẹ chiến tranh với cỏ suốt đời
***
Nay mẹ yên nghỉ rồi
Cỏ bỗng đến đắp chăn lên mộ mẹ
Năm bốn mùa
Nắng
Mưa
Lạnh
Gió
Che nấm đất mẹ nằm
vẫn cỏ
Mẹ ơi!
Lê Huy Mậu
(Từ tập thơ “Bốn giọt nước” của Lê Huy Mậu, NXB Hội Nhà Văn 2011)
LỜI BÌNH CỦA LÊ HOÀI LƯƠNG
Tôi thử đọc bài thơ này của Lê Huy Mậu cho nhiều người nghe, phần đông họ đều khen, hỏi vài người tức thì, họ không nói rõ bài thơ hay chỗ nào, nói chung, thấy viết về mẹ như thế là thật, và cảm động. Thật và cảm động, đúng vậy, trong vô vàn những chuyện về đời sống đẹp như “kỳ quan” của mẹ, một cái thật về mẹ đã được chọn để nói ở bài thơ này là chuyện của mẹ và cỏ, nhiều sức khái quát, lại độc đáo ở cách thể hiện.
Câu chuyện về mẹ và cỏ có hai nhân vật đã được nêu, là mẹ và cỏ. Còn nhân vật ẩn làm người quan sát đầy khách quan là người con, ẩn để khách quan, nhưng ẩn mới nói được lời yêu thương. Cho mẹ, cho cỏ.
Yêu thương ngay từ cách nhìn: quan hệ mẹ và cỏ như đang chơi trò chơi, tranh nhau xem ai thắng ai thua. Mẹ cầm cuốc, mẹ thắng tuyệt đối: “cỏ trốn chui trốn nhủi ngoài đồng”, mẹ dừng tay, “cỏ lại trùng trùng xông tới”. Thấy ngộ nghĩnh và dễ thương trò cò cưa cút kít, mẹ và cỏ như con trẻ. Vì bất phân thắng bại nên “chiến tranh” suốt đời.

Nhưng mẹ lớn lao, mẹ và cuộc chiến muôn đời với cỏ để tồn tại (dĩ nhiên hàm nghĩa nuôi con, nuôi bao người thân khác). Nên sức mạnh của mẹ là vô địch. Cỏ cũng vậy, cỏ xứng đáng làm đối trọng với mẹ, vì khi cỏ cạnh tranh với mẹ, cỏ cũng chỉ cất lời ngợi ca sự sống thường hằng.
Xưa nay nhiều ngợi ca cỏ đẹp, cỏ hát, cỏ ngọt, cỏ thơm, cả bao đức tính: “cỏ đan vào nhau”, cỏ “dưới đế giày của bạn”…, thấy duy nhất có một trường hợp ghét cỏ: “…như cảo như thảo hề, canh giả tăng hiềm, sừ giả phiền não…”¬, vậy cũng ghét vì lau, cỏ làm phiền người cày người bừa, tức là chuyện cấy trồng để sống như mẹ.
Nên không hề hàm nghĩa hằn thù khi Lê Huy Mậu viết “mẹ chiến tranh với cỏ suốt đời”, và có lẽ, ở đây, “chiến tranh” là từ duy nhất đúng và hay.

Đoạn hai của bài thơ cũng là điều hiển nhiên khác. Khi mẹ không cầm cuốc nữa, tức là không chiến đấu nữa, cỏ vẫn tràn đến, nhưng là để “đắp chăn” lên mộ mẹ. Lại một từ đúng và hay, giờ không còn mẹ “tỏ thái độ”, cuộc chơi đã kết thúc, chỉ còn cỏ “thể hiện”. Và luôn luôn, suốt bốn mùa. Bốn mùa “vẫn” cỏ ôm ấp mẹ thôi!
Nhà thơ Lê Huy Mậu- nhân vật ẩn- người con, đã nói hộ chúng ta cái điều cứa lòng. Đúng là chúng ta không thể được như cỏ. Hoặc vì chiến chinh trận mạc xa nhà, hoặc bao nỗi mưu sinh, hoặc chỉ đơn giản quy luật “ái hạ” của muôn đời, người con vẫn đó, những lần về được với mẹ, bao giờ cũng thấy cỏ bên mẹ. Câu thơ ngắt nhịp không hẳn kỹ thuật. Mà là sự nghẹn thắt, dâng đầy:
Năm bốn mùa
Nắng
Mưa
Lạnh
Gió
Che nấm đất mẹ nằm
vẫn cỏ
Mẹ ơi!
Cám ơn Lê Huy Mậu. Không lóng lánh chữ nghĩa, chất giản dị có phần thô mộc và chính xác của ông bất ngờ nói với ta rằng, cuộc sống luôn đâu đó nồng đượm cái đẹp của tình yêu thương, nếu có lòng nghĩ tưởng. Ông đã giúp chúng ta bày tỏ lòng biết ơn cỏ! Và tạc được tượng đài mẹ. Bên cạnh việc xé lòng để sinh ra lớp lớp những người con anh hùng, mẹ muôn đời còn thật lộng lẫy với cuộc sinh tồn, bền bỉ và chan chứa yêu thương.
Như mẹ và cỏ…
Ngày Phụ nữ Việt Nam 2011
LHL
Xem thêm : Nhà văn Nguyễn đức Thiện bình Mẹ và Cỏ tại đây