VTH – Nghe chị hát, thấy sương rơi li ti trên lá mỏng, biết mây đang trôi ngoài trời vắng và gió nức nở trong tiếng hót chim sơn ca… Ông cậu mình, một người đặc biệt hâm mộ giọng ca của chị, đã thốt lên rằng: Dấu ấn Lê Dung ấn tượng và ma mị đến thách thức các thế hệ ca sĩ Việt sau này… Quả vậy, Lê Dung – một giọng hát duy nhất, thành công cả trên hai lĩnh vực nhạc nhẹ và nhạc thính phòng cổ điển. Được công nhận ở đẳng cấp quốc tế. Mời bạn nghe lại giọng ca vàng của chị, NSND Lê Dung trong số Nhạc Việt Tháng 6/2016 cùng vuthanhhoa.net:
>> Nghe những tác phẩm âm hưởng thính phòng do Lê Dung trình bày
- Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung (1951-2001) là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam, có giọng soprano. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân theo quyết định của Chủ tịch nước Việt Nam. Bà thành công trong nhiều thể loại, từ opera, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ và cả nhạc trẻ.
- Bắt đầu sự nghiệp ca hát năm 17 tuổi, bà đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm 1976 Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội từ 1977.Bà đã theo học với nhiều giảng viên có tài năng và kinh nghiệm như Nhà giáo Ưu tú, nghệ sĩ ưu tú Diệu Thúy và đã có một thời gian thụ giáo Nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền. Năm 1982 tốt nghiệp hạng Thủ khoa và từ đó cái tên Lê Dung bắt đầu được công chúng yêu nhạc biết đến. Năm 1984, Lê Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
- Sau đó, năm 1986 Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Đến năm 1990 bà về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bà cũng là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và trường Nghệ thuật Quân đội. Năm 1991, Lê Dung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
- Năm 1992 Lê Dung cũng là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tự tổ chức một đêm solo âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội với hơn 20 bài hát thuộc các dòng nhạc bác học, từ những aria trong nhạc kịch nổi tiếng Cô Sao của Đỗ Nhuận tới Thiên Thai của Văn Cao. Lê Dung có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền opera của Việt Nam [cần dẫn nguồn], bà cũng là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ và nhạc tiền chiến. Một vài ca khúc nhạc trẻ mới của Phú Quang, Dương Thụ cũng được Lê Dung trình diễn thành công. Phạm Duy lúc còn ở nước ngoài, khi được hỏi về các ca sĩ trong nước đã nhắc tới giọng ca Lê Dung [cần dẫn nguồn]. Và Lê Dung cũng từng ghi âm một số ca khúc của Phạm Duy và các nhạc sĩ ở hải ngoại khác từ khi chúng chưa được phép phổ biến chính thức ở Việt Nam.
- Lê Dung mất ngày 29 tháng 1 năm 2001 tức mùng 5 Tết Tân Tỵ, do tai biến mạch máu não.
Mời bạn thưởng thức tiếng hát NSND Lê Dung:
VTH tuyển chọn và giới thiệu