VTH: Trước đây tôi có viết một bài về đạo thơ trên blog (tại đây và tại đây). Có rất nhiều phản ứng khác nhau. Người đồng tình (chủ yếu là những người sáng tác chuyên nghiệp) ủng hộ , những người không hiểu (đa phần là những người viết mang tính giải trí trên blog) cho là tôi “làm lớn chuyện” và thậm chí còn nghĩ là tôi kiêu căng, chủ quan “vì viết về mặt trời thì ai cũng có quyền viết, sao bảo ai đạo của ai?” he he he . Đọc được bài này trên phongdiep.net tại đây, xin copy lại mời quý vị xem:
Nhà văn chân chính không ngồi chung chiếu với quân ăn cắp
(Phong Điệp phỏng vấn nhà văn Triệu Xuân)
Khi báo chí đã phát hiện, đã dóng trống khua chiêng thì các cơ quan thực thi luật pháp phải nhập cuộc liền, truy tố, xét xử nghiêm minh. Cô Lê Thủy ở Dak Nông ăn cắp một truyện ngắn, nếu ngay tức khắc bị buộc bồi hoàn 100 triệu đồng, bị đuổi việc, thân bại danh liệt, có viết ra cái gì cũng không ai in, thì gương tày liếp, có ai còn dám ăn cắp nữa không?
PV: Liên tục các vụ đạo văn được phát giác trong thời gian gần đây. Đối tượng đạo văn khá đa dạng. Thưa nhà văn Triệu Xuân, ông nghĩ gì về thực trạng này?
Nhà văn Triệu Xuân: Cái gọi là đạo văn cần nói trắng phớ ra là ăn cắp, ăn cướp công lao động sáng tạo của người khác. Có đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, từ học sinh, giáo sư, tiến sỹ đến người làm báo, viết văn phạm tôi ăn cắp văn, ăn cắp công trình, ăn cắp tác phẩm của người khác. Chuyện này không phải mới xuất hiện. Nó có từ nhiều chục năm trước, nhưng thời ấy khó phát hiện, mà có phát lộ cũng ít người biết. Nay truyền thông nhanh, mạnh kinh khủng, thành ra dễ phát hiện, dư luận biết liền. Các em học sinh ăn cắp văn thì rất nhiều, nhưng còn hiểu được. Một số người có học hành, có bằng cấp vẫn ăn cắp vì tài năng không có nhưng hám danh lợi, quyền lực… thế là ăn cắp. Đây là sự tha hóa nghiêm trọng của con người! Tháng 11-2004, tôi xuất bản tiểu thuyết Cõi mê, (NXB Hội Nhà văn vừa tái bản lần thứ tư) viết trực diện về đề tài tha hóa. Con người đắm chìm trong cõi mê vì tiền bạc, danh lợi, chức quyền. Đạo đức xuống cấp không tưởng tượng nổi. Dễ hiểu thôi, đó là hậu quả của cả môi trường xã hội, của một nền giáo dục không tôn vinh người trung thực có tài có đức, “xuất xưởng” không phải “thành phẩm” mà quá nhiều “phế phẩm”. Cái nước mình đã và đang ở trong giai đoạn kỳ cục thế này: Người có tài thật sự, có lương tâm trong sáng thường chịu nhiều thiệt thòi. Những kẻ láu lỉnh, đi đường tắt, giỏi thủ đoạn luồn lách, cơ hội thì thăng tiến vù vù, làm giàu nhanh chóng, rồi làm sếp của mấy người có tài. Trong môi trường ấy, ăn cắp là tất yếu, có chi “lọa”. Thực trạng này đang ngày càng phát triển vì môi trường, khí hậu đất đai quá trời màu mỡ, thuận lợi!
PV: Từng có những vụ đạo văn mà báo chí cũng như người bị hại vào cuộc rất quyết liệt, nhưng rồi sau đó thì rất ít vụ việc được giải quyết thật sự rốt ráo. Theo ông, nguyên nhân vì sao? Vai trò của báo chí, của các cơ quan quản lý báo chí xuất bản trong những trường hợp phát hiện có đạo văn là gì?
Nhà văn Triệu Xuân: Trước khi trở thành nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, tôi là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra, tôi đã làm báo từ năm 1974 đến năm 2000 mới về làm Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ: Ở nước mình, không nên hy vọng quá nhiều vào vai trò của báo chí, của các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản! Báo chí có công rất lớn là phát hiện tội phạm, nhưng xử lý tội phạm thì phải là các cơ quan tư pháp, hành pháp. Báo chí có chăng chỉ làm được chuyện đánh trống rồi buông dùi! Còn các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản ư? Họ cần phải bơi được một ngàn mét mà sức lực của họ chỉ bơi được 200 mét là cùng! Các cơ quan hành pháp, tư pháp mà không ra tay thì chẳng cần để lâu, cứt trâu cũng hóa bùn. Có kẻ ăn cắp công trình, tác phẩm của người khác mà vẫn nhơn nhơn là Viện trưởng của một Bộ coi về “nền tảng phát triển của xã hội”. Năm 1993, NXB Văn học xuất bản tác phẩm Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), tái bản 2006. Phó GS Ngô Đức Thọ chủ biên. Biên soạn gồm Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Thế mà có một ông tên Nguyễn Đình Hương, Giáo sư, Tiến sỹ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ăn cắp luôn 350 trang sách đưa vào sách của mình, xuất bản tại NXB Giáo dục năm 2010. Sách có Lời Giới thiệu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: “Cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hương biên soạn là một tác phẩm công phu, có nhiều tư liệu giá trị và nội dung phong phú”. Chuyện tày đình mà như bịa! Những người viết tiểu thuyết tài ba cũng khó mà dám bịa như rứa! Khi ông Hương bị PGS Ngô Đức Thọ mắng: Anh ăn cắp tác phẩm của tôi, ông Hương trả lời thật nham nhở: “Vâng… Việc này tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng… tôi chỉ vì muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau”! Quả là ông Hương nói thật: Ông ta lưu truyền thói ăn cắp cho đời sau, vì ông làm tới chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội kia mà. Quả là tởm, không còn nhân cách! Hết biết! Đúng ra, trong những vụ nhỡn tiền thế này, các cơ quan bảo vệ luật pháp phải xuống tay liền. Tôi đã từng tìm hiểu vấn đề này ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia. Ở đó, rất ít chuyện ăn cắp văn, nhưng nếu có, đủ chứng cứ là bị bắt, ra tòa, phải bồi thường ngay, bị đuổi việc và ngồi tù. Việt Nam mốn ngăn chặn nạn ăn cắp văn chỉ còn cách dùng quyền năng của luật pháp. Phải truy tố, xử theo luật đã có. Điều gì chưa có luật thì Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung liên tục. Cho nên, khi báo chí đã phát hiện, đã dóng trống khua chiêng thì các cơ quan thực thi luật pháp phải nhập cuộc liền, truy tố, xét xử nghiêm minh. Cô Lê Thủy ở Dak Nông ăn cắp một truyện ngắn, nếu ngay tức khắc bị buộc bồi hoàn 100 triệu đồng, bị đuổi việc, thân bại danh liệt, có viết ra cái gì cũng không ai in, thì gương tày liếp, có ai còn dám ăn cắp nữa không?
PV: Bàn về chuyện đạo văn, có người đặt vấn đề là: tại sao hành vi ăn cắp một cái xe máy người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy tại sao hành vi ăn cắp một tác phẩm văn học của người khác thành của mình lại giải quyết có chiều hướng xuê xoa và dễ dãi như hiện nay? Lẽ nào một tác phẩm văn học không đáng giá bằng một chiếc xe máy ? Nhà văn nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Triệu Xuân: cái gốc của vấn đề là sự vô cảm của nhiều người, của xã hội với kẻ ăn cắp. Những người có chức có quyền lẽ ra phải xuống tay xử lý theo luật pháp mà họ lại xuê xoa, nghĩa là họ đồng lõa rồi còn gì. Biết đâu, họ cũng xài bằng giả, cũng ăn cắp một cái gì đó! Chỉ có cùng hội cùng thuyền trong đạo Chích thì mới bao che cho kẻ cắp, bao che cái xấu, cái ác. Vậy nên chăng là ngay khi báo chí phát hiện, toàn xã hội phải lên án bằng mọi phương tiện có trong tay. Lâu nay chúng ta hay nói đến hệ thống chính trị vững mạnh kia mà. Thế khi gặp kẻ ăn cắp văn thì cái hệ thống này đi đâu? Ông thủ trưởng của cô Lê Thủy không xử lý kỷ luật cô Thủy là vì sao? Bà chủ tiệm chả lụa mà tôi quen đặt câu hỏi: “Liệu ổng có mắc gì với cô Thủy ăn cắp?”. Thời thuộc Pháp, một người dân trong làng thua bạc phải nhảy xuống sông tự tử, lập tức ông Lý trưởng nơi ấy bị phạt, bị giáng chức. Nay, đã có ông thủ trưởng nào bị kỷ luật khi nhân viên của mình phạm pháp chưa? Hòa cả làng, cứt trâu hóa bùn là do thế! Cái nước mình nó thế. Tôi nghe nói GS Hoàng Ngọc Hiến hay nói câu này?
PV: Lý giả về tình trạng nhiều nhà văn chấp nhận và thoả hiệp, chung sống hoà bình với nạn đạo văn, nhà thơ Inrasara cho rằng: “phần đông các nhà văn Việt Nam không được gì cả, khi đạo văn. Bị đạo văn, họ cũng chẳng mất mát gì lớn. Bởi đại đa số là không đáng. Không đáng mà phải đuổi theo nó thì mất cả sinh lực, nên ít ai hào hứng. Nhất là với cơ chế chưa có gì là rõ ràng của hôm nay”. Theo ông, có nên vì “bị đạo văn, cũng chẳng mất mát gì lớn” nên chúng ta sẽ không cần phải quá gay gắt với chuyện đạo văn xảy ra như cơm bữa hiện nay?
Nhà văn Triệu Xuân: Nhà văn chân chính không ngồi chung chiếu với quân ăn cắp! Chung sống hòa bình là thế nào? Hãy cùng nhau xuống tay ngăn chặn nạn ăn cắp, nếu không, chả khác nào tiếp tay cho cái xấu, cái ác!
PV: Là người làm công tác xuất bản, kinh nghiệm của ông trong việc phát hiện cũng như xử lý với các tác phẩm đạo văn?
Nhà văn Triệu Xuân: Với những nhà văn chuyên nghiệp, những người đã thành danh, khi tiếp nhận bản thảo, tôi rất vui, niềm vui của một người đam mê nghề nghiệp. Còn với những tác giả lạ lẫm, chưa thấy in sách bao giờ, tiếp nhận bản thảo, đọc qua và hỏi chuyện vài phút là cảm nhận được ngay thực hư. Thế nhưng do có quá nhiều người mới viết, nhiều bản thảo quá, làm sao mà linh cảm chính xác mãi được. Tôi liền nghĩ ra một cách: Với những người mới dại dột lao vào nghề văn, nhất là mới làm thơ, mang bản thảo thơ đến xin Giấy phép, Chi nhánh NXB Văn học đều lịch sự đề nghị tác giả viết vào bản thảo hai câu: “Tôi là chủ sở hữu quyền tác giả bản thảo này. Tôi cam kết không vi phạm bản quyền”. Đã có một số tác giả tự giác loại một vài bài thơ, câu thơ trong bản thảo của mình sau khi viết hai câu trên. Nhờ cách này và một vài thủ thuật khác mà mười một năm qua, chúng tôi không bị mắc lỡm!
PV: Để ngăn chặn tình trạng đạo văn, bên cạnh sự chung sức của pháp luật, của báo chí, chúng ta không thể không nói đến ý thức của người cầm bút. Dù là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp thì cũng luôn cần phải có lòng tự trọng. Họ tôn trọng chữ của người khác thì cũng là họ biết tôn trọng chính mình. Điều giản dị ấy, nhưng tại sao lại khó thực hiện với nhiều người như vậy thưa nhà văn? Họ cóp nhặt văn của người khác, lấy nguyên văn tác phẩm của người khác thành tác phẩm của mình không chút xấu hổ và nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra. Tại sao vậy?
Nhà văn Triệu Xuân: Như đã nói ở trên, kẻ ăn cắp văn là phế phẩm mà nền giáo dục của chúng ta thải bừa bãi ra xã hội. Có một thời, đọc văn mà thấy tới gần nửa là trích dẫn ông ốp ông ép nói thế này thế nọ. Họ lười suy nghĩ, lười sáng tạo, cho nên nếu không trích dẫn thì họ biết viết cái gì. Thầy rứa thì trò làm sao giỏi? Ngày nay, thiếu gì người cầm bút mà lười đi thực tế, lười đọc sách. Có ông giáo sư thú nhận trong mười lăm năm qua ông ta không đọc hết một cuốn tiểu thuyết nào! Có không ít người viết về nền văn học trong nhiều năm qua, quanh đi quẩn lại chỉ biết nêu danh vài tác giả và tác phẩm tại thành phố họ sống. Một vài bài còn được, đến cả chục bài như thế thì nhảm hết sức! Bệnh lười đi, lười đọc, khộng chịu mua sách đọc, nói dựa, nói theo, nói leo, phê phán theo kiểu đánh bề hội đồng… đã trở thành thâm căn cố đế mất rồi. Không chịu thâm nhập học hỏi từ cuộc sống, không đọc sách để tích lũy vốn sống, tri thức trực tiếp và gián tiếp thì làm sao viết văn, làm sao sáng tạo? Ăn cắp là phải thôi!
PV: Nhân chuyện đạo văn, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm cho các nhà văn cũng rất quan trọng. Nhưng chính các nhà văn chúng ta thì lại rất lơ tơ mơ về chuyện này. Tác phẩm của họ bị tùy tiện sử dụng trên mạng, trong các tuyển tập, và họ chỉ còn nước nhìn thấy tên mình mà… thở dài. Để cải thiện tình trạng này, theo nhà văn, chúng ta cần phải làm gì?
Nhà văn Triệu Xuân: Không phải ai cũng tơ lơ mơ đâu. Những người chí cốt với nghề sau khi xuất bản tác phẩm đều nhanh chóng đăng ký bản quyền tác giả văn học nghệ thuật; sau hai tuần được Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Có người cẩn thận hơn: đi đăng ký ngay sau khi hoàn thành bản thảo nữa cơ. Nhà văn chuyên nghiệp là phải vậy.
PV: Xin cảm ơn nhà văn đã trò chuyện cùng Văn nghệ Trẻ
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ