VTH – Từ khi tôi còn học cấp 3 tại trường PTTH Vũng Tàu, Huỳnh Thiên Toàn đã là một nhạc công nổi tiếng.
Ca khúc Trăng Xưa được anh phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tôi là bài hát đầu tiên chúng tôi cộng tác khi cùng là Hội viên Hội VHNT Tỉnh BRVT. “Trăng Xưa” được nhiều bạn bè yêu thích, nhà thơ Tùng Bách thuộc và trình bày khá hay nhạc phẩm này.
Nhắc đến nhạc sĩ Thiên Toàn, có lẽ rất nhiều người Vũng Tàu biết vì anh không chỉ là một nhạc công chơi được hầu hết các nhạc cụ (năm 2009 NS Thiên Toàn được Trung tâm sách kỷ lục VN trao danh hiệu “nhạc sĩ sử dụng được nhiều nhạc cụ nhất BRVT”) mà còn là một nhạc sĩ, người thu âm nổi tiếng, Thiên Toàn còn trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ học trò qua Trung tâm đào tạo âm nhạc Thiên Lý do anh sáng lập từ năm 1992.
Thiên Toàn vốn là “con nhà nòi” âm nhạc, chính cha anh là người thầy dạy nhạc đầu tiên cho anh và sau này hai người con của anh cũng tiếp nối con đường âm nhạc của gia đình.
>> Trăng xưa với nhạc sĩ Huỳnh Thiên Toàn



Mời bạn nghe nhạc sĩ Thiên Toàn chia sẻ về hành trình đến với âm nhạc của mình và thưởng thức các nhạc phẩm của anh cùng vuthanhhoa.com:
Tôi học đàn từ 6 tuổi, do chính ba tôi dạy. Ngày 01/5/1975 tôi độc tấu Mandoline “Tiểu Đoàn 307” tại Thị Đoàn Thị xã Vũng Tàu chào mừng Giải Phóng Miền Nam – Thống Nhất Đất Nước được xem là ngày đầu tiên tôi xuất hiện trước công chúng và nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất!
1/ CÔNG VIỆC BIỂU DIỄN
Tôi xuất thân là một nhạc công của Đoàn Ca Múa Nhạc Chuyên Nghiệp Vũng Tàu (1983) từng là một cây Guitar Lead gây sóng gió trên đất Vũng Tàu vào những thập niên 80. Lúc bấy giờ, được các Thầy, Cô & các nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước tận tình dạy bảo nên tôi tiến bộ rất nhanh.
Sau khi cùng Đoàn Ca Múa Nhạc Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo tham dự Hội Diễn Ca Múa Nhạc Chuyên Nghiệp tại Hải Phòng (1985), tôi được tuyển về chơi Guitar Lead cho Ban Nhạc Đài Truyền Hình Tp HCM (HTV) bây giờ. Thời điểm này, có thể nói tôi được đánh giá là 1 trong 10 cây Guitar Lead hàng đầu VN (Top Ten). Năm 1988 tôi trở lại VT và nhận nhiệm vụ mới là: Phó Đoàn Ca Múa Nhạc, lúc này ngoài công việc lãnh đạo ra, tôi thường đi biểu diễn với đàn Organ & Piano, tiếp tục gặt hái thành công với những loại nhạc cụ khác.
Tôi biết sử dụng nhiều nhạc cụ là nhờ vào năm xưa, ba tôi dạy Lý thuyết Âm Nhạc cho tôi thật kỹ. Song song với thời gian công tác ở Đoàn, tôi theo học Hoà Âm với thầy Nguyễn Bá Nghiêm suốt 9 năm liền, cùng thời điểm này, tôi được học nhiều thầy, cô, nhạc sĩ tên tuổi do Đoàn thỉnh giảng từ TP. HCM và Hà Nội qua các đợt tập huấn. Tôi bắt đầu đam mê các loại nhạc cụ từ lúc này, khi luyện tập cũng như nghiên cứu về Hoà Âm.
Khi công tác ở Đoàn, từ năm 1983 đa phần các ca khúc là do tôi Hoà Âm – Phối Khí, trong lúc luyện tập anh chị em nhạc công gặp trở ngại thì tôi phải “thị phạm”. Dần dần tôi sử dụng các nhạc cụ thành thạo hơn.
2/ CÔNG VIỆC SÁNG TÁC
Tôi bắt đầu viết ca khúc từ thập niên 80, những ca khúc của tôi thời ấy thật sự về phần nhạc lẫn phần lời chẳng đâu vào đâu, chẳng mấy ai đón nhận. Do công việc lưu trữ không có, nên đến nay không còn có văn bản nào.
Phấn đấu miệt mài, học tập từ các thế hệ nhạc sĩ đàn anh, bút pháp của tôi ngày một tiến bộ hơn. Cho đến năm 1996 tôi bắt đầu cho ra đời ca khúc: Màu Biển (phổ thơ: Nguyễn Như Mây) viết cả nhạc và lời 2 ca khúc : Nỗi Nhớ Chiều Xuân – Rừng Cao Su Mến Yêu (1999)
Tôi thực sự được công chúng cả nước biết đến qua ca khúc: “Thế Giới Năm 2000” với giọng ca của ca sỹ Phương Thanh & nhiều ca sỹ, nhóm nhạc hát vào thời điểm này. (Ca khúc này tôi nhận được Bằng Khen: 1 trong 10 ca khúc hay nhất chào thiên niên kỷ mới do Bộ Văn Hoá trao tặng). Được động viên, khích lệ, tôi viết tiếp ca khúc: Lời Tự Tình Dâng Mẹ với giọng ca của ca sỹ Đan Trường, sớm được công chúng đón nhận.
Ca khúc: “Bà- Rịa Vũng Tàu Trong Trái Tim Ta” cũng ra đời vào thời điểm này, được nhóm Tam Ca Áo Trắng trình bày và lần lượt qua các Nhóm 5 Dòng Kẻ – Nhóm Mắt Ngọc, ca khúc sớm được lan toả. Ngoài ra, ca khúc này còn được dùng để khai mạc Festival Biển BR-VT năm 2006 & Đài PTTH Tỉnh đã dùng làm nhạc hiệu suốt 10 năm liền. Vì thế, bài hát được đa số công chúng BR-VT biết đến. Năm 2001, ca khúc này đoạt Giải B (không có giải A) do Hội Văn Học Việt Nam trao tặng.
Tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú và tích luỹ được một số kinh nghiệm trong việc viết ca khúc.
Tri ân mảnh đất này, một loạt ca khúc viết về BR-VT tiếp tục ra đời có thể kể như: “Vũng Tàu Mùa Xuân Về, Tự Hào Thanh Niên BR-VT, Sẽ Mãi Không Quên BR-VT, Em Nhớ Mãi Trường THCS Vũng Tàu, Những Nét Vẽ Đầu Tiên” (Lời: Nguyễn Đức Lập)…
Gần đây nhất, tên tuổi của tôi lại được nhắc lại trong ca khúc: “Hát Về Hoàng Sa – Trường Sa”.
3/ CÔNG VIỆC ĐÀO TẠO
Trước đây, ba tôi vốn là một nhạc sĩ chơi đàn Mandoline – Guitar & Guitar Hawai, đồng thời ông còn là giáo viên dạy nhạc, tôi theo phụ giúp ông trong công việc trợ giảng một thời gian dài (khoảng 10 năm). Còn Lớp Nhạc THIÊN LÝ do tôi sáng lập từ năm 1992 (lấy tên cô con gái đầu lòng để đặt tên cho lớp) đến nay được 29 năm toạ lạc trên đất BR-VT. Như thế, tôi đã trải qua hơn 39 năm làm công việc đào tạo.
Bằng ấy thời gian không phải là ngắn, tôi cảm thấy đam mê công việc đào tạo thế hệ kế thừa, ươm mầm xanh cho Tổ Quốc, như tôi đã từng được các thế hệ cha anh, Thầy Cô trước đây dạy dỗ & nâng đỡ.
Vì thế, trải qua hơn 38 năm với công tác đào tạo, tôi đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương từ Trung Ương cho đến địa phương. Nhưng hạnh phúc hơn hết là các thế hệ học trò Âm Nhạc của tôi, ngày nay đã và đang thành công trên mọi miền, trong và ngoài nước.
Tôi nguyện tiếp tục niềm đam mê bằng tất cả sự tâm huyết trong công việc Đào tạo – Sáng tác âm nhạc trong quãng đời còn lại của mình, bởi lẽ công tác Biểu Diễn dường như sức khoẻ của tôi ngày nay không cho phép nữa.
NHẠC SĨ HUỲNH THIÊN TOÀN
Like like^^
Web rất ấn tượng, mình sẽ thăm thường xuyên
Theo đuổi công việc yêu thích tức là chơi là làm và làm tức là chơi!