Gió độc – Ngọc Bái

Nhà văn Ngọc Bái gặp Vũ Thanh Hoa dịp đoàn Yên Bái ghé Vũng Tàu 2011

 VTH – Nhà văn Ngọc Bái là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam,   Hội viên Hội  Nhạc sĩ Việt Nam,  Hội viên Hội  Nhà báo Việt Nam vừa có chuyến đi thăm các tỉnh miền Nam cùng  Hội VHNT tỉnh Yên Bái. Nhân dịp  Hội VHNT  Yên Bái giao lưu cùng Hội VHNT Vũng Tàu, nhà văn Ngọc Bái đã tăng Vũ Thanh Hoa tập truyện mới “Lắm ngả đường đời” vuthanhhoa.net xin  giới thiệu cùng bạn đọc một  truyện ngắn trích trong tập truyện:

Gió độc 

Gió. Sao mà kinh khiếp thế? Trong tai ong ong u u. Rõ là tiếng gió chứ còn tiếng gì! Không phải từ phía cửa, nơi duy nhất gió có thể lọt vào. Gió từ nơi không thể sinh ra gió. Phảng phất trên trần nhà. Gầm gào góc phòng khách. Rin rít trên đình màn. Mọi vật trong nhà không chút lay động. Vậy mà nổi da gà. Rờn rợn. Trận gió này như gặp ở đâu rồi? Không nhớ. Chỉ thấy nó điên đảo trong đầu. Lão lạnh toát sống lưng. Không phải đây là lần đầu lão gặp cảm giác như thế này. Cảm giác tê tê từ các ngón chân chạy dần lên đầu gối đến xương cụt, chạy theo tủy sống lên gáy, lên tận chỏm tóc. Buốt lạnh kỳ lạ. Gió lật từng tờ giấy vàng mã trên bàn thờ. Gió lách vào từng chiếc chân hương trên bát hương. Lạ, chân hương không ai châm lửa mà cháy đỏ rực. Cháy bùng lên thành ngọn rồi lập tức tắt ngấm. Mắt lão hoa lên. Mở trừng trừng nhìn xoáy vào khoảng mờ tối. Hoàn toàn không thể tin ở đôi tai. Hoàn toàn không thể tin ở đôi mắt. Lão lờ mờ cảm thấy tiếng gió rất giống tiếng lửa bốc ngày nào lão cho hỏa thiêu ngôi đền Tam Bảo. Gió và lửa đã nuốt trửng ngôi đền. Lửa rừng rực mấy ngày không chịu tắt. Những pho tượng nham nhở vết cháy.

Ngôi biệt thự lão xây theo kiểu cách lão nghĩ ra. Không cần thiết kế. Nghĩ đến đâu lão bảo thợ xây đến đấy. Rất tùy hứng nghệ sĩ. Nhìn bề ngoài như chiếc lô cốt. Trên nóc cho xây chiếc máy bay phản lực bằng bê tông nặng có đến mấy tấn.Trước cửa biệt thự quệt vẽ bức sơn dầu hoành tráng. Không biết có phải lão yêu cầu hay do tay họa sĩ vườn khéo mồm tán tỉnh moi tiền lão mà lão cho vẽ bức tranh kỳ cục vậy. Lúc nắng trông như hộ pháp cầm đao búa giữ cửa. Lúc mưa nhìn lại giống vệ sĩ hiện đại khoác súng đứng canh. Trước sân rộng xây bể nước có hòn non bộ, có cây cầu, hắt hiu lão già câu cá, mấy con cò chấp chới, lại có cả lão tiều phu đốn củi. Ngâm dưới nước là một bầy tiên cá mô phỏng từ bức tranh nước ngoài. Mặt các cô gọi là tiên đầu to trớ, mặt đần thối, bởi lão thuê mấy tay thợ vụng đắp. Trên hòn non bộ lão cho đắp nổi đôi chim bồ câu nhác trông như đôi cú. Bể lắp vòi phun nước, chỉ khi nào có khách quý đến thăm hoặc những ngày lễ tết lão mới cho mở. Nước vọt phun lên như mưa bụi. Trên nền lát gạch lão cho đặt những cây bon sai đắt tiền. Lâu, không được tưới chăm chu đáo, nên có phần xơ xác. Đôi chó đá chồm hỗm quay đuôi vào chính cửa. Khác nào kẻ ác rắp tâm phản chủ. Dù sao thì cả đời lão cũng đã xây được một công trình cho chính lão. Thế là cố sức lắm rồi. Thiên hạ chỉ chê công trình tốn tiền của mà chả giống ai.

Lão ngã bệnh chưa đầy một năm. Đúng vào dịp cuối hè trước. Đi chơi ten nít về, tự dưng lão thấy mỏi. Tắm rửa qua loa rồi đi nằm. Sáng dậy thấy một bên chân tê dại, không sao nhấc nổi. Toàn thân ớn lạnh. Mắt hoa. Tai ù. Như có gió thổi lộng trong óc, chưa từng thấy thế bao giờ. Người ta nói lão trúng gió độc. Ngã dụi. Sè bọt mép. Trận đột quỵ đã hại lão. Lão đành phải rời bỏ vai trò cố vấn đặc biệt của một hội đồng gì đó do lão nghĩ ra trước khi đến tuổi hưu. Người đời bảo lão làm quan khá lâu nên bây giờ không biết làm dân, không muốn làm dân, nên cố đấm ăn xôi, sinh ra cái hội đồng để tận hưởng đến cùng lộc của nhà nước. Chả biết có giúp ích gì cho nước không, chứ tiêu tiền thì hội đồng này rất dồi dào khả năng.

Chỉ trong vòng ba năm mà tai ương liên tiếp đổ lên gia đình nhà lão.
Đúng cái năm lão xây xong biệt thự trên nền đất vốn là sân đền Tam Bảo, chưa kịp làm khánh thành thì vợ lão tự dưng bị điên. Mỗi khi lên cơn bà lảm nhảm hát: loăng quăng là mẹ loằng quằng/ để ta thắp một tuần nhang cho người/ khói lên nghi ngút giữa trời/ ba đời nhốn nháo bảy đời nhung nhăng…Bà ấy hát chán thì lăn ra cười khanh khách. Rồi bà chạy ra đường vừa hát vừa múa như thể lên đồng. Chữa chạy sao cũng không khỏi. Người ta nói động mồ mả quỷ thần, rồi khuyên lão bốc bát hương thờ. Lão bảo lão là người duy vật, không thờ cúng gì hết. Mấy đứa con bí mật giấu lão vàng mã hương hoa hao tiền tốn của khấn vái khắp các đền phủ mà chả thấy linh nghiệm gì. Bệnh tình bà càng ngày càng nặng thêm. Những lúc hoang mang lão tự nhủ mình có thể tin theo điều gì vô vi thần bí không. Nhưng rồi lão lại gạt đi bằng ý nghĩ không thể đồng bóng. Đến đúng ngày rằm tháng bảy, bà Lành cởi trần cởi truồng, lấy dây thừng treo cổ lên cây hồng sau biệt thụ tự tử.

Lão có ba đứa con. Hai trai một gái. Lão đặt tên con gắn với địa danh nơi cuộc đời công tác lão từng có kỷ niệm sâu sắc. Đứa con trai đầu lòng lão đặt tên là Dã gắn với ngày lão hoạt động ở Trung Dã. Đứa con trai thứ hai sinh ở Đại Từ, lão đặt tên là Từ. Đứa con gái út kém anh cả vài chục tuổi được sinh ra ở Thậm Thình nên lão đặt tên là Thúy Thình. Thỏa nguyện vì phấn đấu mãi mới được đứa con gái. Thúy Thình là niềm vui của cả nhà. Con út nên mọi người đổ dồn tình cảm chăm chút. Thình học giỏi. Lại xinh đẹp. Suốt bậc phổ thông, năm nào cũng là học sinh giỏi. Lại có giọng hát hay. Thường đoạt nhất trong các kỳ hội diễn văn nghệ của trường. Thừa điểm thi vào Đại học. Luôn xuất sắc suốt những năm tu nghiệp. Tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, trong khi bạn bè còn vơ với đi tìm việc thì Thình đã được nhận ngay vào làm ở sở Ngoại vụ. Đang thời buổi phải đút lót tốn kém mới xin được việc làm mà con gái lão nhận việc quá dễ dàng khiến lão vô cùng phấn chấn. Làm sao không tự hào khi con lão giỏi giang. Tấm bằng thủ khoa đem lại vinh hạnh cho con lão. Thời mở cửa, ngoại ngữ là cái then mở ra mọi chân trời. Lão đắc ý ví von vậy. Bữa cơm liên hoan mừng Thúy Thình chuẩn bị là người nhà nước tràn đầy những lời chúc tụng. Chưa bao giờ lão hởi lòng hởi dạ vì con như thế này. Liên hoan xong, Thúy Thình được người yêu và bạn bè rủ đi chơi núi. Mấy chục chiếc xe máy các cô cậu lai nhau phóng như bay trên đoạn đường dốc quanh co. Hơi men khiến cho các tay lái càng bốc. Bỗng bất ngờ hai chiếc xe quệt vào nhau khi đang xuống dốc. Đau đớn, đó lại là xe chở Thúy Thình. Thình bị văng khỏi xe do người yêu cầm lái, đập đầu vào lan can đường, chưa kịp đưa tới viện thì tắt thở. Lão không thể tin có chuyện như thế xảy ra. Con gái chết quá thương tâm làm cho lão suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Hụt hẫng. Lão không buồn ăn uống cả tháng trời.

Chẳng còn trông cậy ở đứa con nào. Thằng Dã, thiếu tá công an với lão kể như nước với lửa. Từ lâu lão với nó bất đồng quan điểm. Những gì lão đã làm, đã cống hiến cho đất nước trước đây, nó hầu như phủ nhận. Nó phê phán lão ấu trĩ. Nó bảo lão phá các biệt thự một thời là quyết định sai lầm. Ngoài đống đổ nát còn có thứ tệ hại hơn cả sự đổ nát. Phá hoại đã thành thói quen của lão. Những công trình kiến trúc ấy xét cho cùng là do bàn tay nhân dân lao động dựng nên, đều là của cải vật chất của xã hội, không dể gì có. Phá hoại của cải vật chất xã hội là có tội với dân. Nó có biết đâu đó là chủ trương vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến, không còn nơi cho kẻ thù trú ngụ. Đấy là chuyện phòng xa. Tình thế khi ấy bắt buộc phải như thế. Cha con lão ngồi với nhau là tranh luận. Phải nói là cãi vã thì đúng hơn. Nó đỏ mặt tía tai với lão:
– Cách mạng không đồng nghĩa với phá hoại.
– Thì mày biết cái gì? Lúc ấy mày còn chưa là hạt bụi.
– Nhưng lịch sử có quyền xem lại.
– Mày không đủ tư cách.
– Đã thành nếp nghĩ bảo thủ thì không ngẩng đầu lên được.
– Mày đừng coi thường chúng tao. Nếu bây giờ trở lại thời ấy, tao vẫn phá sạch.
– Ông là người bảo thủ cuối cùng! Không ai còn nghĩ bảo thủ như ông nữa đâu.
– Thôi! Mày bước ra khỏi nhà tao cho khuất mắt.
Thằng Dã bỏ đi không ngoái đầu trở lại. Lão bất lực. Lão không đủ lý lẽ để thuyết phục nó. Vả lại, chúng nó bây giờ đã nghĩ khác lão, làm khác lão. Những rực rỡ một thời không còn được chúng nó để tâm. Lão tìm cách cắt nghĩa mà không cắt nghìa nổi. Mãi đến khi Thúy Thình mất, thằng Dã mới trở về lo việc tang ma cho em.

Đang vô cùng đau buồn vì cái chết của con gái thì lão nhận tin đột ngột. Thằng Dã lâm bệnh ung thư máu. Giận nó sôi sùng sục, nhưng trước căn bệnh hiểm nghèo của nó, làm sao lão có thể thờ ơ được. Mặt mũi Dã bệch bạc. Đi bệnh viện khám, bác sĩ bảo bệnh đã ở giai đoạn cuối, không còn khả năng cứu chữa. Trong cơn đau đớn tuyệt vọng, Dã vật vã gọi tên bố mẹ, gọi tên các em. Dã kêu: đau đớn quá, ối cha mẹ ơi, như có người nào bóp cổ con, như có muôn vàn chiếc móc lôi ruột con ra, khốn khổ thân con quá! Thôi thì chuyện bất đồng cha con cũng là lo chuyện của thiên hạ, chả liên quan gì tới tình máu mủ ruột thịt. Con đau thì lão đau. Lão chỉ còn biết nghiến răng, ứa hai hàng nước mắt. Cầm cự với bệnh tật vài tháng thì Dã lìa đời. Nỗi đau đè nặng lên cuộc đời lão. Thế là hai đứa con khôn ngoan của lão đã rủ nhau ra đi. Còn người con trai thứ hai của lão, thằng Từ thì bị bệnh đao từ khi lên ba tuổi, chỉ nuôi nó sống như sinh vật chứ không trông mong gì. Em gái nó chết, anh trai nó chết, trong đám tang mặt nó nghệt ra, ngô nghê chẳng biết rằng nó khóc hay cười.

Trong cơn đau não nùng, lão hình dung lại cái ngày lão ra lệnh đốt ngôi đền Tam Bảo. Ngôi đền này nghe nói ngày xưa dân làng thờ một nữ tướng thời nhà Trần đã có công tập hợp dân quê tăng gia sản xuất, tích cóp lương thảo, giúp triều đình nuôi quân đánh giặc. Cũng có người bảo là đền thờ chúa Thượng Ngàn. Đấy chỉ là do truyền tụng. Đúng là thờ nữ tướng. Điều này mãi sau này lão nghe một người nghiên cứu văn hóa địa phương nói lại. Trước đây lão có chút kiến thức gì về đến đài đâu. Khi ra lệnh cho phá đền, lão chỉ biết đấy là nơi sinh ra mê tín dị đoan cần phải chống. Bài trừ mê tín dị đoan là phải phá cho hết đền chùa, lão nghe chỉ đạo như vậy và lão đinh ninh điều đó là đúng. Một số người khi đó phản kháng, không cho phá đền. Lão ra lệnh kèm theo lời phán: lão đã cho phá hơn một trăm dinh thự kiên cố hồi tiêu thổ kháng chiến, nay một ngôi đền thấm tháp gì? Ai chống đối chủ trương bài trừ mê tín dị đoan là phản động, phải trừng trị đích đáng. Ngôi đền Tam Bảo cháy rần rật ba ngày ba đêm. Những chiếc cột đỏ lựng như những khối lửa đổ sập. Hoành phi câu đối quắn vặn. Bức đại tự thếp vàng chỉ cháy phần gỗ, còn phần chữ vàng sáng rực như hào quang, chả biết từ đâu ù ù như tiếng sấm, rồi nổ bùng, phát ra muôn vàn tia lửa xanh lẹt. Những nét chạm khắc nổi dựng trắng lóa, cong vắt như vẩy rồng theo tàn lửa bay vụt lên. Tiếng gió rít ghê rợn như phát ra từ khối lửa ấy. Những pho tượng trên ban thờ lừng lững, mắt đỏ quắc, bảy ngày chưa chịu tan. Lão ra lệnh cho thanh niên đập tượng mà chả ai dám. Lão lẩm bẩm: toàn là lũ nhát gan, rồi nhảy vào dùng búa phang, chân tay tượng văng ra, gẫy từng khúc. Sau sự vụ ấy có kẻ độc miệng vu cho lão phá tượng vớ được cả thỏi vàng. Lời đồn tai ác làm sao.

* * *
Con người ta thời nào cũng vậy, cứ có tập đoàn mang tính cộng đồng số đông thì thể nào giời cũng cho một vài người được hưởng quyền năng chỉ huy ra lệnh. Còn những người khác thì chỉ được phép tuân lệnh. Lão thuộc người vớ vẩn thế nào giời lại ban cho cái quyền được ra lệnh. Cái quyền ấy đến với lão rất tình cờ. Như thể cơ may. Cả làng cả xã rầm rầm rủ nhau đi cướp chính quyền từ tay bọn thực dân cướp nước. Rồi lại rầm rầm đi phá các dinh thự biệt thự của bọn giàu sang hưởng lạc, bọn cướp nước, bọn bán nước hại dân. Lão cũng gậy gộc dao búa xung trận. Bọn cướp nước, bọn phản động bạt vía. Chỉ có điều số đông những người dân nổi dậy chưa biết bằng cách nào để phá tan các dinh thự xây bằng đá kiên cố, thì lão nảy ra sáng kiến, thực ra là kinh nghiệm của người đã từng làm nghề nung vôi, huy động dân vào rừng đốn củi chất đầy các dinh thự rồi cho phóng hỏa. Lửa biến các công trình kia thành vôi hết. Lửa cháy rần rật hàng tháng. Lửa đỏ ối một góc trời. Những dinh thự năm tầng ba tầng cháy âm ỷ, rồi theo nhau đổ sập, trơ những cọc sắt đen xì. Dùng lửa thiêu các công trình bằng đá là chút kiến thức do làm nghề xây dựng trước đó mà có. Trước kia lão xây, còn bây giờ, chính bàn tay lão đã góp cùng những người đồng sự phá hủy hàng trăm ngôi biệt thự. Cả một vùng tan hoang. Đấy là chiến công. Đấy là kỳ tích của thời kỳ đầu đầy hãnh diện và trong sáng. Lão trở thành người chỉ huy, người được ra lệnh từ đấy. Mãi sau này, hòa bình đã lâu, lão mới có dịp trở về thăm lại chiến trường xưa. Đó là một vùng nghỉ mát nổi tiếng. Trên nền các ngôi biệt thự đổ nát, người ta lại dựng lên những dinh thự mới của những người được dân gọi là đại gia. Chỉ có điều những ngôi nhà mới có vẻ tùy hứng, có phần lôm nhôm, lòe loẹt, khoe của hơn là chú ý vẻ đẹp kiến trúc. Tự dưng lão thấy tiếc, mà không hẳn là tiếc cái gì.

Bây giờ cơn đau dằn vặt lão. Cảm giác trong ống chân như có dòi bò. Lão bị liệt một chân. Đã liệt một chân thì cái sự đi lại coi như chấm dứt. Bên chân lành kể như vô dụng luôn. Cái bệnh thật quái ác. Nó khiến cho khuôn mặt lão dị dạng. Một bên mặt méo xệch, kéo theo một mắt xếch lên, lồi ra, vằn những tia máu. Nằm một mình, chẳng ai trò chuyện, lão thấm thía nỗi cô đơn. Thời đương chức, chỉ nghe lão cúm hắt hơi, đã bao người quây quanh, sẵn sàng phục dịch. Họ tranh nhau thể hiện nhiệt tình và trách nhiệm trước thủ trưởng. Chao ôi, đời nó thế đấy! Vào cái năm bước sang tuổi sáu mươi, lão kiếm mãi không ra ai có thể thay thể nổi mình. Vì tiếc cái công được nhà nước đào tạo, lại tiếc bản thân là người dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo, lão vội đề xuất với cấp trên lập ra cái hội đồng Tổng kết lịch sử để đúc kết những bài học truyền cho đời sau. Lão được điều về thường trực hội đồng, tập hợp những công chức hết mùa nhưng vẫn còn hăng say nhiệt huyết với danh lợi, suốt ngày ghi ghi chép chép bên những đống tài liệu vượt ngang mặt, hoặc vài tháng lại có chuyến công du về các địa phương để được đón rước tiệc tùng và nhận quà cáp. Nhiều anh cán bộ trẻ nể vì trước kia chịu ơn. Nhưng cũng có anh bỗ bã rằng lúc sung sức chẳng ăn ai, bây giờ hết duyên ngồi gốc cây đa rồi mà vẫn tỏ ra nhiệt tình cách mạng quá, chịu các bố. Người thì nói cố đấm ăn xôi, những người làm quan lâu quá, không muốn làm dân mới vậy. Lão nghe hết, nhưng không coi những lời nói vớ vẩn ấy là gì!

Nằm một chỗ, lão bỗng ước ao giá vợ lão còn sống, hai con lão còn sống, mà san sẻ bớt nỗi khốn nạn của lão trong lúc này. Chí ít cũng được miếng cơm miếng cháo tử tế, chứ cái thằng Từ quả vô dụng, có như không, suốt ngày chạy đi chạy lại rối mắt, chỉ biết ề à, thiểu năng trí tuệ, bảo nó kiếm cho miếng nước uống, nó lại mang cả chậu nước tới. Giờ lão cần bàn tay người vợ chăm sóc biết chừng nào. Hình ảnh người nữ du kích thời ấy lại trở về rõ mồn một. Lúc ấy lão đã là cán bộ chỉ huy, được cử vào vùng địch hậu tổ chức lực lượng du kích với nhiệm vụ phá hủy các cầu cống đường xá lô cốt phục vụ chiến tranh của kẻ địch. Địch làm ta phá. Sở trường của lão được dịp phát huy. Sau những tiếng nổ long trời, xác xe, xác cầu, xác người bay lên rồi rơi lả tả xuống sông, xuống bờ cây bên đường. Lão chỉ cần mệnh lệnh. Chỉ cần một câu nói của lão là bao nhiêu du kích quân ngày đêm thực hiện cho được. Dọc tuyến đường Trung du nối sang vùng căn cứ kháng chiến không chiếc cầu nào địch xây xong không bị ta phá nát. Việc triệt phá cầu đường và phương tiện chiến tranh của địch đã làm chúng nhiều phen không thể mở được các trận càn quét ra vùng đất tự do của ta. Chính trong những ngày đầy gian nan ấy, mối tình của anh chỉ huy du kích Tiêu Phi Đạo với nữ du kích tiền tiến Chu Thị Lành nảy nở. Họ yêu nhau trong đạn lửa thật là thiêng liêng. Anh bị thương trong một lần pháo địch cầm canh. Một mảnh pháo đã cứa lìa một bên tai của anh. Chị băng bó và dìu anh về nơi an toàn. Từ đấy anh có biệt danh là “Đạo cụt tai”. Mối tình thời chiến gắn chặt hai người với nhau. Hàng rổ trứng gà của mẹ, được chị biến mỗi lần vài quả bổ dưỡng cho anh. Chị sờ vào chiếc tai cụt và bảo, dù anh có cụt gì đi nữa thì chị vẫn yêu anh và sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho anh.. Anh chị vật nhau ra đống rơm sau nhà. Hai người quằn quại trong sự sung mãn tột cùng. Đến khi bụng chị lùm lùm, mới lo cưới. Đám cưới được đơn vị du kích đứng ra tổ chức, với khẩu hiệu được vẽ vào chiếc nong treo lên vách nứa “ vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Thằng Phi Dã được ra đời sáu tháng sau ngày anh chị cưới nhau. Đấy là ngày đội du kích phá cầu Trung Dã. Chiến tích ấy được lão lấy đặt tên cho con. Giờ đây quá vãng huy hoàng ấy mẹ con Dã lặng lẽ mang đi, để lại trong lão một khoảng trống không gì bù lấp.

* * *
Chạy chữa thuốc thang hàng tháng trời, lão thấy bệnh tình có phần biến chuyển theo chiều hướng tốt. Tuy vẫn không đi nổi, nhưng lão tự ngồi dậy được. Lão húp bát cháo đã thấy ngon miệng. Tai bớt ù. Mắt bớt hoa. Lão mong có người thân bên cạnh. Đêm mơ, lão chập chờn thấy bóng bà Chu Thị Lành dắt tay con bé Thúy Thình đi trên chiếc cầu bằng những sợi dây rất mảnh mai. Bỗng những sợi dây đứt toang, quăng hai mẹ con xuống dòng sông cuồn cuộn nước. Rồi thấy Thúy Thình nhô lên vẫy vẫy lão cười nhỏn nhẻn. Lão véo vào sườn thấy đau mới biết mình mơ. Thúy Thình xinh đẹp. Thúy Thình học giỏi. Thúy Thình là niềm tự hào của vợ chồng lão. Tương lai đang mở ra trước mắt. Thế mà bỗng chốc tiêu tan mây khói. Giá nó còn sống, hẳn lúc này sẽ ngồi bên lão, đấm bóp, động viên lão. Con bé khéo mồm, duyên dáng và hẳn là có hiếu. Nó sẽ làm dịu những cơn đau đớn của lão. Lão cố hình dung gương mặt, cử chỉ của con gái. Lão ứa nước mắt.

Lão thiếp đi. Quá khứ oanh liệt và hào sảng hiện lên trước mắt lão. Đấy là những ngày lão được trên phân công làm đội trưởng phát động giảm tô ở Đại Từ. Nhất đội nhì giời, thời ấy ai cũng bảo thế. Là đội trưởng lão được quyền ra lệnh. Và lệnh nào cũng khiến người ta điêu đứng chết khiếp. Không đạt chỉ tiêu số lượng địa chủ khoán cho địa phương, đội phải gặng mãi mới tìm thêm được một người. Mấy bà cốt cán sôi sục đấu tố. Lão vẫn còn nhớ cái giọng the thé của một bà cố nông: Giáo Chỉnh, mày hiếp bà…mày hiếp bà…mày thậm thụt với Tây…mày làm gián điệp cho Tây…mày lấy gà của bà mổ thịt ăn cho sướng mồm… Giáo Chỉnh bị ghép tội địa chủ phản động, án tử hình. Ba phát súng xen với tiếng kêu oan tôi lắm giời ơi của Giáo Chỉnh. Mắt Chỉnh mở trừng trước khi nhận viên đạn vào thái dương. Sau mới biết, mấy bà tố điêu. Nhưng làm sao cải chính được. Lão nói đây là chuyện ân hận nhất đời lão. Cũng dịp này bà Lành sinh thằng Phi Từ. Lúc đầu nó bình thường như mọi đứa trẻ hay ăn chóng lớn. Khi lên ba tuổi thằng Từ sốt một trận tưởng chết. Rồi nó trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Bao nhiêu tiền thuốc đổ vào chữa chạy cho nó mà không đem lại kết quả gì. Lão thương thằng bé, cố nuôi dưỡng thật tử tế. Mỗi khi nó khùng lên đập phá đồ đạc trong nhà, lão khuyên mọi người nhẫn nhịn. Thằng Dã khi ấy thương em, ôm láy nó, nó lấy cán chổi phang xuýt gẫy tay. Thúy Thình thương anh, nịnh khéo, Từ mới chịu yên. Bà Lành chỉ biết khóc đỏ mắt. Trời bắt tội vậy, biết làm thế nào. Khi Từ ngót ba mươi tuổi, vợ chồng lão bàn nhau lấy vợ cho nó, biết đâu có vợ, âu yếm nhau Từ sẽ bớt bệnh. Nhưng chúng chỉ ở với nhau chưa đầy hai tháng. Thằng Từ đánh vợ, cầm tay vợ dắt ra đường. Đứa con dâu bỏ đi bặt tích. Thật đau lòng, những người lành lặn trong nhà lão lần lượt ra đi, chỉ còn ở lại với lão một thằng ất ơ tội nghiệp. Nó tiếp tục quậy phá. Lão hoàn toàn bó tay. Người lành hành nhiều khi nói còn chẳng chịu nghe, huống hồ đứa thiểu năng trí tuệ.

Nhiều đêm trằn trọc mơ mòng, lão thấy hiện lên rần rật ngọn lửa thiêu đền. Nghe thấy như tiếng gió rít ghê rợn. Cơn gió ấy nổi lên từ ngọn lửa. Xoáy lốc. Thổi tung đám tàn tro bay kín cả khoảng trời. Lão ra lệnh tắt nhưng ngọn lửa càng bốc cao. Lệnh của lão giờ đây không còn ý nghĩa gì. Làm sao ra lệnh được lửa? Lão toát mồ hôi và thấy mình ngã vật xuống nền đất. Lão thở hổn hển và cố sức gượng dậy. Nhưng không tài nào. Lão thoáng thấy tên hộ pháp, lại thoáng thấy tên vệ sĩ từ trong bức tranh ở cửa biệt thự bước ra. Lão gọi to. Định nhờ đuổi cho lão lũ ma tà đang hành hạ vợ con lão. Đúng là lũ ma tà đang hành hạ vợ con lão. Nhưng tên hộ pháp với tên vệ sĩ lẳng lặng bỏ đi. Thật là vô tích sự. Hóa ra cơn mê.

Lão cố nhấc chân. Nhưng một bàn chân lão đã liệt hoàn toàn.Tím tái vì hoại tử. Thuốc men lúc này dường như hết cách. Lão vào viện. Bác sĩ tận lòng cứu chữa. Nhưng vô phương. Giải pháp cuối cùng là tháo khớp để bảo toàn những gì còn lại. Trước tiên là tháo khớp các ngón chân. Chẳng bao lâu lại phải tháo khớp bàn chân. Tháo đến đâu, phần chân còn lại tiếp tục hoại tử. Rồi tháo khớp gối. Tháo tới khớp háng thì lão chết khi y tá chưa kịp truyền thuốc bổ trợ sức khỏe.

Ngôi biệt thự của lão từ đấy chỉ còn thấy tiếng thằngTừ, đêm thật khuya mới gào thét: “Đói quá đói quá, lấy gì cho ta ăn đi chứ. Đồ khốn nạn. Ta lệnh đốt hết bây giờ”. Một hôm, vào quãng nửa đêm trời đang cực kỳ nóng bức, bỗng dưng người ta thấy căn biệt thự của lão bốc cháy đùng đùng. Thằng Từ đã tưới xăng đốt biệt thự. Người dân đã hô nhau đến dập lửa. Chưa kịp khống chế ngọn lửa hung dữ thì giông bão sấm chớp kéo đến đùng đùng. Cơn mưa đã dập tắt đám cháy. Tuy đám cháy bị dập tắt nhưng ngôi biệt thự của lão Đạo bị nứt đôi. Hai con chó đá văng xuống bể nước, cạnh mấy nàng tiên cá gần hòn non bộ. Thằng Từ bỏ đi đâu mất tích. Câu chuyện ấy ở làng Sỏi, thuộc một tỉnh trung du, ai cũng biết.
Bây giờ, người dân làm đơn xin xây dựng lại ngôi đền Tam Bảo ở vị trí mới, nhưng chính quyền sở tại trả lời còn phải đợi xem xét.

Tam Đảo, 12-11-2009
Ngọc Bái

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu