Cách đây tròn năm, VTH ra mắt bạn đọc tại Thủ đô Hà Nội tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” với bìa thơ khá ấn tượng do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thiết kế.
Trang web Hội nhà văn TP HCM vừa chọn giới thiệu tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” kèm 3 bài viết về tập thơ của các nhà thơ Trần Ninh Hồ, Võ Tấn Cường, Lê Vũ.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc thân quý. (Mời xem tại đây)
Một số hình ảnh kỷ niệm tại đêm thơ ngày 28.11.2009:




Giấu trong tĩnh lặng
Trần Ninh Hồ
Trong em có một người đàn bà khác- đấy là tên tập thơ mà cũng là một thông báo, một giới thiệu và một… thú nhận?
Hay là một cách “phân thân” của Vũ Thanh Hoa?
Không nên kết luận gì vội. Cũng như lần đầu gặp chị cùng với anh bạn thơ của tôi, tôi nghĩ: Chị là một người đàn bà lịch thiệp, chu đáo; nhưng còn với thơ thì, chị sẽ là một người biết yêu nó với sự nể trọng? Chị chỉ nghe các nhà thơ đọc thơ với vẻ trìu mến. Chị không đọc thơ chị và thậm chí không nói gì về văn chương.
Chưa gặp lại chị, nhưng lại nhận được bản thảo tập thơ này, và tôi thật sự chú ý về một giọng điệu thơ khi chị viết về thời gian, về “24 giờ”
“24 giờ vòng quanh tờ lịch mỏng
24 giờ trống rỗng
24 giờ ngổn ngang
24 giờ đấu giá từng giây từng phút
lơ lửng giấc mơ tỉa tót
loang lổ hồi ức gọt giũa”
Chật chội và xô bồ thế, còn giây nào cho tình yêu và những cảm nhận khác? Và nếu có thì chẳng lẽ chỉ là “lơ lửng giấc mơ tỉa tót/ loang lổ hồi ức gọt giũa”? Hai câu thơ không xoàng chút nào càng khiến ta lo âu, khiến ta cần đọc tiếp để cùng chị nhìn sâu hơn vào một ngày:
Em chạy vào ngày
Mặt trời sinh non
Em chạy vào đêm
Vầng trăng lão hoá
Những ngôi sao rụng rơi tung toé…”
Mặt trời, trăng, sao thảy đều biến dạng. Thế thì “Em chạy vào anh” – nơi ẩn nấp nương tựa cuối cùng ấy, có gì phải bàn cãi đâu, nếu không có cái nỗi âu lo thật bất ngờ đến mức phải cầu… trời:
“Lạy trời
Anh đừng là dị bản”
Một lo âu thường nhật? Vậy thì đáng lo âu thật! Nếu anh bỗng chỉ là một… dị bản!
Và chị cố gắng “Định nghĩa Anh”. Anh “Là mặt trời”, “Là vì sao”, “là một nửa”. Đúng cả đấy, nhưng “Thiên hạ nói rồi”. Với chị, anh chỉ cần là:
“Nốt ruồi nhỏ trên ngực em
Anh thấy…
Từ lúc mẹ sinh em
Đến khi chết
Em gọi đó là Anh”
Để được: “Buộc nhau vào nửa câu thề/ Trói nhau bốn phía lối về mênh mang”, “Buông chút vàng vào cúc”/ Thẫn thờ suốt mùa thu”, “Buông rơi anh một ngày? Dại khờ day dứt nhớ”…
Để được đưa nhau đến “Chợ chữ”, “Lục tìm vốn chữ ngả vàng/ Giật mình rơi một sẽ sàng tên anh”. Và đến như “Tô mầu nhạt nước bạc vôi/ Thả trôi ngày ấy thì thôi bây giờ”, thì không chỉ là chuyện “Chợ chữ”, chuyện văn chương nữa!
Cuộc đời cần những gọn gàng, mạch lạc, nhiều khi cần cả những… mệnh lệnh! Cũng như “24 giờ” cần được nhìn với cả những góc độ rành rẽ đến mức, như một học giả nào đó đã từng nói: “24 giờ, đấy là số-tiền-vốn-ban-đầu, sự công bằng duy nhất của Thượng đế cấp đều cho mọi người”. Nhưng quả thực cũng có những điều không thể rành mạch được. Và cái đáng yêu lại ở chính điều đó:
“Cuộn cả cánh đồng giấu vào cửa sổ
Không thể giấu bông cúc vàng
Vĩnh hằng một ráng thu!”
“Cuộn một năm giấu vào tờ lịch”, được không? Được chứ. Nhưng “Muời hai giọt lệ thầm/ Mười hai nụ cười ngỏ” thì khó lắm! “Cuộn nỗi nhớ giấu vào đôi mắt”, được thôi. Nhưng sẽ ra sao nếu: “Thân quen ngủ với lạnh lùng”, “Mày nghiêng, mắt ngả một giây/ Ngờ đâu vay trả vơi đầy trăm năm”…
Ý nhị nhất là đôi mắt. Nhưng bộc bạch nhất, khó giấu nhất cũng là đôi mắt: “Hoá buồn vào gió/ ngân ngấn vệt cười”. Không thấy có chữ “mắt” nào trong thơ mà mắt vẫn hiện ra! Nó còn nhìn thấy cả những “cơn mưa ảo giác” trong lúc “gió thay mùa”:
“Cây cúi mặt, rơi thở dài về đất
Xin bình yên giây phút lá thay mùa”
“Rơi thở dài về đất”, phải biết buồn lo lắm, mới nhìn thấy lá rơi như thế!
Sau (hay trong) những ngày nắng, mắt-tình-yêu còn nhận biết: “Hình như đã có một ngày rất nắng/ Ngày cầu vồng ngăn lại một cơn giông” (Mưa tháng sáu).
Vũ Thanh Hoa không “cố làm lạ câu thơ/ Lại tưởng là thơ lạ” – (Trần Ninh Hồ), nhưng với những bài thơ như “Cuộn”, “Hoá”, “Mưa tháng sáu”… chị lại đã có cái nhìn “lạ” mà rất .. tự nhiên!
Và có những lúc quá lo âu về một nỗi niềm chi đó còn đang ngổn ngang, mà thời gian thì cứ trôi đi vùn vụt, khiến Vũ Thanh Hoa không dám dùng thời gian để đo đếm nữa! Chị phải đo đếm qua cảnh sắc của không gian là “vệt nắng cuối chiều”, một “thoáng gió rung”:
“Cho tôi bình yên năm phút
Dõi theo vệt nắng cuối chiều
Thoáng gió rung ngàn lá đổ
Một ngày còn lại bao nhiêu?”
“Thoáng gió rung” thôi mà đã thế, chị biết ơn cái cầu vồng chắn giúp những cơn giông là một điều không quá khó hiểu.
Vũ Thanh Hoa trốn vào “Lục bát internet”. Máy móc cũng có thể thành thơ nếu quả là có thơ:
“Dỗ lòng ảo ảnh thôi mà
Mong mang nối mạng như là chiêm bao
Đường truyền bất chợt chênh chao
Cúi đầu mật mã gánh bao la buồn”
Cảm được những “đường truyền” và những “mật mã” đến thế là có thơ thật!
Nhưng mà xin chị hãy cẩn thận, cho dù chị chưa lấy cớ internét để thả vào thơ ta những câu chữ Tây lổn nhổn như một vài ông-thơ-tây-gỗ- nào đó đã làm. Cần cẩn thận bởi lẽ internet là nó rất hay gỗ hoá, đá hoá, báo chí hoá, sáo mòn hoá văn chương. Những là “thứ tha em tím thẫm một phương trời”; “Rơi tận cùng xa xót giọt đơn côi”… Rồi lại những “phù du”, “hư vô” “thiền tưởng”, “hư ảo cõi âm/ Chao chát cõi trần”, “Giấc xuân nồng”…
Có thể là tôi đã cố chấp, hẹp hòi, nhưng sao tôi cứ thấy sờ sợ những chữ đèm đẹp, khoa trương ấy quá!
Và tôi đã rất mừng – cái nỗi mừng của một bạn đọc thơ chị, khi thấy chị giật mình:
Những câu thơ không thể cõng em qua nỗi niềm thao thức
con phím vô tri ghép con chữ vô hồn
Dấu ngoặc xếp hàng
Trùng trùng dấu hỏi
Ngoảnh lại lưng mình
Bóng có bỏ đi không?…”
Người mà mất bóng thì xem ra rất khó sống! Cái bóng chính mình, và cả cái bóng nào đó đã không thể rời mình?
“Ngày lan man ngôn từ tìm nơi trú ngụ trên bản thảo”. Nếu những suy ngẫm, nhớ thương..” tìm nơi trú ngụ” thì quí quá. Nhưng còn cái đám ngôn-từ-suông ấy mà trú ngụ thì, như chính chị đã viết: “Bản thảo trắng/ Ngôn từ câm”.
Thà là trở về với những điều dễ cảm thông, chia sẻ như: “Đêm nín lặng/ Căn phòng trống/ Điện thoại im/ Chăn gối ngủ”, “Lật trang nào cũng đa đoan /Ngả nghiêng em/ ngả nghiêng anh/ tịnh hình”, “Em giật mình tỉnh dậy/ Giấc mơ ngủ lại trên giường”…
Hay là: “Dấu nằm nghiêng phía lênh đênh”… thì quả là gợi ra nhiều thương cảm hơn là cái đám “ngôn từ suông” kia xin trú ngụ.
Tôi quí tập thơ này dù tất cả đều là… thơ tình, cái vùng thơ lâu nay gây không ít… chấn thương cho bạn đọc! Trong sự hạn hẹp của một bài viết, tôi đã cố gắng trích được phần nhỏ những câu thơ theo ý thích riêng. Còn bao nhiêu ý tình “giấu trong tĩnh lặng” rất đáng để được đọc lại!…
Hà Nội, cuối thu 2009
Thơ tình Vũ Thanh Hoa & vẻ đẹp của sự thi vị, đắm say
Võ Tấn Cường
Thế giới tinh thần của con người hiện đại đang bị xâm thực, mất dần vẻ đẹp thi vị của sự vật và vẻ đẹp đắm say, bay bổng của hồn người. Thế giới thi ca, nhất là thơ tình của các nhà thơ hiện đại đã đem đến cho con người sự thi vị và vẻ đẹp lung linh, ảo hoá của sự vật và hồn người. Đọc và cảm nhận tập thơ: Trong em có người đàn bà khác(1) của nhà thơ Vũ Thanh Hoa, tôi thả hồn bay bổng vào thế giới tình yêu thi vị và đắm say. Vẻ đẹp thi vị, đắm say trong thơ tình của Vũ Thanh Hoa đã mang đến cho người đọc men say của tình yêu và cả năng lượng sống dành cho những người đang yêu. Thế giới thơ tình của Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp của những cảm xúc mạnh mẽ và cuồng nhiệt, thăng hoa và bay bổng. Đúng như A.Devigny từng viết: “Thơ vừa là một khoa học, vừa là một tình cảm cuồng nhiệt”.
Cơ chế mã hoá ngôn từ và hình tượng trong những bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa có sự hoà trộn, cộng hưởng giữa các yếu tố: sự suy tưởng của tâm hồn, vẻ đẹp thi vị của sự vật và sự thăng hoa của tâm hổn con người trong quan hệ tình yêu. Điều này đã tạo nên cấu trúc của hình tượng ngôn ngữ trong hầu hết các bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa. “Đối với nhà thơ, một luật hoà hợp chung chi phối tất cả sự vật” (Saint John Perse):
“Vòng hoan lạc siết bến bờ
Ngây dại
Cổng thiên đàng he hé nụ mung lung
Thở trong thở
Cuốn về hun hút bão
Thân ghì thân
Run rẩy nhịp tinh cầu
Dòng nham thạch phun hoà quyện núi lửa”
(Giao hưởng biển)
“Môi anh vẽ môi em son
Thần tiên trôi về nguyên thuỷ
Rừng rực mặt trời cháy
Eo thon cuốn siết hồng hoang
Thăng hoa đại bàng
Loang tràn nhau số phận
Ve vuốt trời
Mơn man đất
Khi anh vùi nụ hôn vào ngực em.
(Khoảnh khắc)
Quan hệ tính giao trong thơ Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp giao thoa giữa hai tâm hồn, bản thể. Giống như thiền sư Osho từng nói: “Tình yêu của chúng ta là mối quan hệ. Khi tình yêu là mối quan hệ thì nó sẽ tạo ra đau khổ. Khi tình yêu là trạng thái của bản thể thì nó tạo ra niềm phúc lạc”(2). Sự thi vị, đắm say trong quan hệ tính giao của tình yêu giúp con người lãng quên bản ngã và lãng quên không gian vật lý trong khoảnh khắc để tự tái sinh về tâm hồn và thể xác:
“Mỗi lần ngủ với nhau mình như hai người mới
Bồng bềnh bay ngút ngát cánh linh hồn
Giọt men lạ ủ hương quen ngấm tầng tầng máu thịt
Thanh bình anh toạ lạc cõi tiên em”
(Mỗi lần ngủ với nhau)
Quan hệ tình yêu, theo cái nhìn và quan niệm của Vũ Thanh Hoa, không chỉ là sự giao hòa giữa hai tâm hồn và thể xác mà như một định mệnh trói buộc đôi lứa yêu nhau:
“Buộc vào nhau nửa câu thề
Trói nhau bốn phía lối về mênh mang
Chia nhau đôi nửa vầng trăng
Thả vào dâu bể vĩnh hằng bình yên”
(Đêm vĩnh hằng)
“Chập chờn ôm giấc tơ vương
Vẽ vào sương khói…
Một đường
Nhân duyên”
(Lục bát internet)
Theo cái nhìn, quan niệm của Vũ Thanh Hoa, vẻ đẹp của người yêu không phải là những gì lớn lao, mà gần gũi, gắn bó máu thịt về thể xác và tâm hồn :
“Nốt ruồi nhỏ trên ngực em
Anh thấy
Từ lúc mẹ sinh em
Đến khi em chết
Em gọi đó là Anh!”
(Định nghĩa Anh)
Thơ tình của Vũ Thanh Hoa mang vẻ đẹp của sự thi vị, đắm say. Tuy nhiên, cái nhìn của chị vẫn hướng về sự đa cực, tương phản trong mối tương quan giữa thế giới nội tâm của con người và sự vật, thế giới bên ngoài. Bài thơ Trong em có người đàn bà khác khắc họa sự tương phản, đa diện giữa các mặt trong thế giới nội tâm và tính cách của một người phụ nữ:
“Khi em hờ hững lạnh lùng
Trong em có người đàn bà khác
Người đàn bà nồng nàn hơn lửa
Muốn đốt cháy anh”
Thơ tình viết về quan hệ tính giao của Vũ Thanh Hoa không thô ráp, tự nhiên chủ nghĩa chính là do nhà thơ đã tạo dựng một hệ thống hình tượng biến ảo và ngôn ngữ thơ ảo hoá, lung linh, đa nghĩa. Viết về quan hệ tính giao trong mối quan hệ tình yêu, thơ tình của Vũ Thanh Hoa thoát khỏi sự sống sượng, dung tục về cảm xúc và ngôn ngữ biểu đạt như một vài tác giả thơ nữ đương thời khác. Cái nhìn và quan niệm của chị về tình yêu trong các bài thơ tình thể hiện rõ vẻ đẹp của sự trao tặng và dâng hiến chân thành, đắm say cùng với sự tái sinh của đôi lứa trong những trạng thái của bản thể trong tình yêu. Chính điều này đã tạo nên chất thơ và giá trị nghệ thuật những bài thơ tình của Vũ Thanh Hoa. Phẩm chất thi sĩ và tâm hồn thơ Vũ Thanh Hoa đã bộc lộ và khẳng định qua những bài thơ tình. Đúng như thiền sư Osho từng cho rằng: “Linh hồn của sự thi vị chính là tình yêu. Những ai có thể sống trong tình yêu mới thực sự là những nhà thơ đúng nghĩa…”(3)
Tháng 1.2010
——————–
1. Trong em có người đàn bà khác- Vũ Thanh Hoa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2009.
2. Thuật giả kim mới hướng bạn vào trong- Osho, Nhà xuất bản Thời Đại, năm 2009, trang 137.
3. Luận về cuộc đời- Osho, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, năm 2009, trang 55
Mặc cho đức hạnh mồ côi(1)
Lê Vũ
“Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ” (Simone de Beauvoir). Phải chăng từ ý niệm này, nhà văn Y Ban viết I am… đàn bà còn Vũ Thanh Hoa thì khẳng định: Trong em có người đàn bà khác. Và tập thơ dụn dịn những con chữ sáng chiều, một “Nhật ký tình” thuần chất, tuyệt không pha tạp. 65 bài thơ là những khoảnh khắc tình: mắt tình, môi tình, mùa tình, internet tình và cả… giường tình. Thế giới ngôn ngữ của nhà thơ ê hề những răng, lưỡi, thân, môi miệng… và lông tơ lông măng, ngực hồng, eo thon, thân trắng… những hương sắc mùi vị cứ như lan toả, cắm vào những cột mốc ngày tháng. Phải chăngTrong em có người đàn bà khác là một màn trình diễn tính dục (performance of sex), sản phẩm của một ma trận sắc giới?
***
Thực chất, Trong em có người đàn bà khác ẩn tàng tâm thức của người đàn bà đương đại với niềm riêng yêu dấu, với khao khát bản năng sinh tồn (Eros) và khát sống một cách trọn vẹn như chính mình. VTH đã cầm bút theo cái nghĩa “Thơ giúp con người là chính mình vì trước hết, thơ là phương thức sống và sống trọn vẹn” (John Perse).
Đã không hề có những đại tự sự, những nát nhàu nhân sinh, những vực ngờ yếm thế. VTH sống 24 giờ của mình như cây kim đồng hồ xoay vòng theo tâm điểm anh: 24 giờ vòng quanh tờ lịch mỏng/ em chạy vào anh/ lạy Trời!/ anh đừng là dị bản. Còn một năm, sột soạt tờ tờ lịch rơi, em cuộn mình trong giọt lệ & nụ cười, nhan sắc trăng dạ dạ giảm thanh huy(2):
cuộn một năm giấu vào tờ lịch / mười hai giọt lệ thầm
mười hai nụ cười ngỏ / nắng tàn phai nét trăng
(Cuộn).
Mặc kệ những lật bật nhá nhem ngày, mặc kệ bi đát với tồn sinh, VTH cứ muốn làm cái xương sườn nhỏ nằm dưới cánh tay anh để được che chở, nằm kề trái tim để được vỗ về. Nàng trốn vào anh để vui buồn cũng như người thiếu phụ của Trương Cữu Linh(2) nhớ chàng đến gầy hao thanh sắc theo bóng trăng khuyết tàn. Ôi, chữ tình là cái chi chi, cái chi chi để Mimosa hoa vàng với mộng: tay Anh choàng áo len Em /trăng non như trăng mật/mây mỏng như voan mềm/ trải lá thông Em gối (Đêm Mimosa).Tình ngả nghiêng khi tiếng thu vọng khúc sương mù rồi buông một chút cúc vàng áo, một loang tím mây mờ để thẩn thờ : buông chút vàng vào cúc/ thẫn thờ suốt mùa thu /buông chút tím mây mờ /lặn trăng vào thăm thẳm. Hình ảnh thu được lập lại với tần số cao. Thu đầy trong thơ VTH những nhao nhác, quền quệt, những eo óc nguồn cơn, những héo hon ly biệt, mất mát. Nhưng nếu “mâm cỗ tình” của nhà thơ chỉ có chừng ấy mộng mộng thì cửa sẽ khép lại với cái ngôi nhà lãng mạn ngày cũ!
Không, VTH đã mở lòng và làm một bước nhảy đẹp. Tựa đề trong em có người đàn bà khác âm âm một diễn ngôn, là một cú va đập đầu tiên vào cách diễn đạt truyền thống. Em là đàn bà, đàn bà chứ không trang trọng kín đáo kiểu “phụ nữ” Đông Phương. Và em đã tung hê cái tôi (ego) thầm kín, không dặt dè, không sợ những bĩu môi, ngoảnh mặt lại với đức hạnh. Em đóng gói bao nhiêu giáo điều huấn dụ phong kiến cất vào Bảo tàng viện, giả ngơ trước những mô hình đạo đức văn hóa.
ngày nín lặng căn phòng trống điện thoại im miên man chăn gối ngủ
kỷ niệm thức
thân thể gọi
ngày không anh…
(Nhật ký)
Tiếng tình yêu không chỉ thầm thỉ dịu ngọt, buông mềm vào trăng, buông tơ áo ngọc, mà là tiếng của thân thể gọi nồng nàn. Và lời cứ như hú vang bất tận những vòng tay, hơi thở, răng lưỡi, miệng… Thân thể không còn là phương tiện mà là chủ thể của tình yêu .
Hãy siết em trong vòng tay bất tận
Hãy dịu dàng thở trong em hơi thở
Hãy gối đầu lên ngực em và nói
(Làm thế nào để em không yêu anh).
Không che đậy, VTH biện bày cả gối chăn, giường chiếu và tung hê thịt da, hơi thở, âm thanh, tiếng động của tình ái. Mỗi lần ngủ với nhau mình như hai người mới.Điệp khúcláy đi láy lại một hòa âm quãng ba xác quyết. Tính dục nữ ở đây bùng lên, ám ảnh ám thị cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nghe phảng phất tín ngưỡng bái vật giáo (fétichesme), mặt khác rạo rực cái libido của Freud. Và phải chăng đây là con đường hiện sinh mà nhà thơ mơ hồ tự biện trong nhắm mắt đi trong đêm?
Yếu tố sex có cả trong dâm thư (pornography) và văn chương gợi cảm (erotica) nhưng hai thể loại này không thể và không hề giống nhau khi dâm thư kích thích dục vọng con người một cách thô thiển còn erotica thì hướng con người về cái Đẹp của uyên nguyên. Văn nghệ cởi trói, tính dục cởi mở và những cây bút trẻ hôm nay, mỗi người một phong cách thể hiện. Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Lê Thị Thẫm Vân, nhóm Ngựa Trời… có người dịu dặt kín đáo, có người thẳng thừng trực ngữ, có người phẩn uất kêu gào về Bình đẳng giới. Vũ Thanh Hoa thuộc nhóm đầu gợi cảm (erotique): mạnh mẽ trong ý thức, kín đáo trong ngôn từ.
Sóng tình dào dạt mắt môi/ Mặc cho đức hạnh mồ côi một mình. Vẫn biết “đa tình tự cổ thiên di hận” nhưng thây kệ, hãy để cho “sóng tình” dị nịch nhân(3) vì đơn giản, dễ hiểu. Em, không thể một mình /nằm một mình /chống chếnh /nằm một mình(Một mình). Yêu là “tôi muốn” và không cần mặc áo, cầu kinh nhật tụng. Tình yêu là một loại “đạo”, là con đường dẫn về chân ngã với hoan lạc của riêng mình…
thân ghì thân
run rẩy nhịp tinh cầu
dòng nham thạch phun quyện hoà núi lửa
(Giao hưởng biển)
Đêm không chỉ là ‘khắc xuân ngàn vàng’ mà là vĩnh hằng của thiên thu khi âm dương hảo hợp, đất trời phục sinh, phục sinh từ những nhàu nhĩ ngày, những bon chen xô bồ như thể:
lướt môi bất tận chân dài
tay đan tay ngả đền đài phục sinh
thiên thai lặng phút rùng mình
(Đêm vĩnh hằng)
Dưới một góc độ nào đó, dục tính không chỉ là cái nền, mà có thể là đỉnh cao chói lọi của văn chương nếu như tác giả đi từ cái thị dục thấp kém của bản năng để tiến đến phạm trù của linh hồn (soul), của tinh thần (spirit) và ở đây, nhục dục sẽ được thánh hóa bởi đôi cánh của siêu hình (metaphysics). VTH đề cập rất nhiều hành vi tính dục, không trực diện mà thông qua rất nhiều hoán dụ, ẩn dụ… lấy thiên hà, sông biển, núi non để phản ánh nồng đượm của ái tình hợp thể: lưỡi thanh âm, cổng thiên đàng, dòng nham thạch, cánh buồm yêu, vòng xuân, sóng âm dương, thánh địa, thung lũng, biển hồ… Hiện thực ở đây thuộc tầng 3 (tầng tượng trưng)(4). Tuyệt không có những ngôn từ dung tục kiểu dòng thác Hậu hiện đại với máu me, kinh nguyệt, băng vệ sinh… ném thối vào nhan sắc tình yêu. Yêu, không là những cơn thác loạn thú tính. Yêu là để phục sinh thân xác và linh hồn và, tình dục giải phóng thế giới, bay vào tâm linh để siêu thoát. Cảm thức VTH đã bắt kịp hơi thở và nhịp sống đương đại toàn cầu. Đó chính là nét tiến bộ của trong em có người đàn bà khác.
Trong cảm hứng ái tình nhục thể, nhà thơ đã có những định nghĩa vừa nhạy cảm & tinh tế và mới mẽ về chữ Tình. Tình, là khi anh vùi nụ hôn vào ngực em (Khoảnh khắc). Anh, bình rượu say tràn; Anh, nốt ruồi nhỏ trên ngực em (Định nghĩa anh). Màu tình có sắc trắng vì trắng như em /thân trần bên anh; còngiao cảm là lắp ghép vào nhau /anh và em /tròn /vuông (Lắp ghép).
Đặc biệt, VTH còn hiển thị hình ảnh Em rất mực đàn bà: trong ý nghĩ, trong tính cách, trong cả điệu đàng khi trên… giường! Đi tìm một con chữ trong chiều vàng, nhà thơ cũng giật mình cơn gió để đánh rơi một sẽ sàng tên anh. Xuống phố cũng xin cho em ngả vai anh yên ắng và giả như lạc nhauthì nhất định giao thoa về hướng mặt trời Anh. Yêu còn là tận cùng róc rách mê đắm vòng tay trói chặt : vòng xuân khóa vô hạn vòng tay /sóng âm dương trói tận cùng thánh địa (Giấc xuân)
Em đàn bà, đàn bà em chảy thấm trong từng phân ly tế bào. Này ngón chuốt búp măng/ những móng tay xây xát nợ nần; này vẽ vệt cười /chập chùng mấy ngả gân xanh. Lấy mình làm cứu cánh và đồng thời là phương tiện, VTH đã thở ra cái mùi vị đàn bà ý nhị của mình, không lẫn vào ai nhưng vẫn có nét chung thuần nhất :
tôi ghen tuông tôi thóc mách tôi nông nổi tôi sai lầm tôi gục ngã tôi ăn năn tôi khóc tôi cười / tôi cô đơn tôi khát khao tôi hoang dại tôi bỏ rơi tôi rồi chính tôi cùng tôi gượng dậy (Tôi và tôi).
Tuy nhiên, Vũ Thanh Hoa không phải là môn đồ của Antoinette Fouque hay của Hélène Cixous(5) để hô hào giới tính với nữ quyền cũng chưa bao giờ là đệ tử của Freud khi dịch chuyển tâm tình mình thành bộn bề chiếu chăn vì những dồn nén ẩn ức để rồi thổ ra giọng điệu nói nhíu, tục bẫn. VTH là người đàn bà Đông Phương yễu điệu nhưng chân thực trong biểu cảm của mình về tình yêu & tình dục. Nàng bao giờ cũng muốn thuộc về nam giới và anh, là cõi bình yên của em. Em ngả đầu vào số phận anh; em tràn vào /trang sách cuối / cùng anh…; còn anh thanh bình anh tọa lạc cõi tiên em. Giới tính vẫn còn đó như một phân biệt, dịu dàng ?
***
Nắng hồng chiếu bóng đài gương
Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu(6)
VTH mỗi ngày vẫn gương soi tóc chải, không bận tâm nghi hoặc, không băn khoăn về nỗi bấp bênh của những giấc mơ đại tự sự, không rầu rĩ về những mối đoạn trường. Nhà thơ sống chân thực, yêu chân thực nên thơ cũng chân thực. Nhìn chung, VTH đã cố gắng tạo ra được cuộc hôn phối giữa truyền thống và hiện đại từ cảm thức đến thi pháp. Cách ngắt câu ít nhiều cũng gây được tác dụng thị giác. Cái hạn chế của trong em có người đàn bà khác là chạy vòng vòng xoay quanh một trung tâm điểm: cái tôi nhỏ bé nhưng phải chăng văn chương tàn tích nhược như ty(7), phải chăng VTH đến với văn chương như đến với mối tình của mình để viết một tập Nhật ký tình…
TP Hồ Chí Minh 1.10.2010
————————
Thơ Vũ Thanh Hoa
Tác giả bài thơ Tự quân chi xuất hĩ:Tư quân như nguyệt mãn/ Dạ dạ giảm thanh huy ( nhớ chàng như trăng đầy , từng đêm giảm dần ánh sáng)
Sắc bất ba đào dị nịch nhân : Nhan sắc không là sóng mà dìm chết người
Theo cố thi sĩ Trần Dần, hiện thực vốn ba tầng : thực+ tưởng tượng+ tượng trưng (Viết- Trần Dần thơ).
Antoinette Fouque (1936), Hélène Cixous (1937), hai khuôn mặt tiêu biểu của chủ nghĩa nữ quyền
Thơ Bùi Giáng – Vẫn là là
Lời than của Nguyễn Du và Bùi Giáng đã phóng dịch: Văn chương tiếng thở như lời tơ than