Facebook và giới trẻ học đường

VTH – Dù đang rất bận, nhưng khi Đài truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời phỏng vấn về “Facebook và giới trẻ học đường” nhận thấy chủ đề khá hay, nên trưa nay VTH đã dành gần 1 tiếng đồng hồ để trao đổi với phóng viên về vấn đề này. Bài phỏng vấn sẽ phát lúc 18h ngày mai trên kênh truyền hình tỉnh BRVT. Xin chia sẻ cùng Bạn đọc nội dung cơ bản của cuộc trao đổi:

– Thưa cô, facebook đã và đang là trang mạng cá nhân thu hút rất nhiều người. Chúng em rất muốn nghe nhận xét của cô về sức mạnh lan tỏa của facebook ạ?

• Có lẽ cần nói 1 chút về sự hình thành của trang mạng Facebook – FB là một website mạng xã hội truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành và sở hữu tư nhân. Người dùng có thể tham gia các nhóm được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với mọi người khác. Bạn có thể kết bạn và gửi tin nhắn, cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè. Ban đầu Facebook là sáng kiến của Mars Zuckerberg, cậu sinh viên đang học năm thứ 2 đại học Harvard với vài người bạn chỉ dành cho thành viên thuộc đại học Harvard nhưng sau đó với sức lan tỏa mạnh mẽ fb và không còn giới hạn trong các trường học nữa, fb đã mở rộng đến mọi thành phần.

– Hiện nay facebook là trang mạng cá nhân rất phổ biến đối với học sinh. Cô nhận xét như thế nào về hình thức, mục đích sử dụng facebook của học sinh ạ?

• Tôi cho là rất tốt khi SVHS sử dụng nhiều bằng hình thức này, như tôi đã nói ở trên, ban đầu Mark Zukerberg đã sáng tạo nên website này dựa trên nhu cầu của bản thân cậu ấy và những người bạn học của mình trong kí túc xá. Đây là một hình thức giao tiếp văn minh, một xu thế thích hợp của thời đại CNTT toàn cầu.

– Theo cô, tại sao facebook lại hấp dẫn học sinh đến vậy ạ?

• Điều gì mới lạ cũng hấp dẫn và trở thành phong trào lôi cuốn những người trẻ tuổi. Với facebook hấp dẫn là bởi:
– Truy cập miễn phí
– Đăng nhập dễ dàng khi bạn có một E-mail cụ thể
– Kết nối rộng và có thể giao lưu theo từng nhóm, theo quốc gia, khu vực, trường học, nghề nghiệp…Bạn còn có thể tìm được những bạn học, người quen cũ, những sở thích và thần tượng mà mình quan tâm…
– Mức độ bảo mật thông tin tương đối tốt hơn một số trang mạng khác.
– FB nhiều chức năng hấp dẫn như: chia sẻ hình ảnh, thông tin, videoclip, các trò chơi, quảng cáo…
– Chỉ cần nhấp chuột bạn đã có thể bày tỏ quan điểm của mình mà không cần comment dài dòng.

-Thưa cô, thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến việc nhiều bạn học sinh sử dụng facebook để nói xấu thầy cô hay lập hội, nhóm với mục đích không lành mạnh. Với những trường hợp này, ý kiến của cô như thế nào ạ?

• Tôi có biết về những trường hợp ấy và có đưa lên trang web của mình để cùng chia sẻ. Tôi nghĩ vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó.
Nếu nhìn lạc quan một chút, chúng ta lại thấy rằng đó là một cơ hội cho ta hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như những bất ổn trong thế hệ học sinh hiện nay. Đó là những suy nghĩ của những cá nhân thật sự đang tồn tại. Nếu không chia sẻ trên facebook, có thể không bao giờ chúng ta hiểu thật đằng sau những buổi học trên lớp, những câu chào hỏi xã giao, một bộ phận giới trẻ nghĩ gì, hiểu gì về nền giáo dục hiện nay cũng như những người thầy của họ và cả những bức xúc trong mối quan hệ gia đình, bạn bè…
Điều quan trọng là các bạn trẻ phải hiểu rằng khi bạn đưa điều gì đó lên mạng xã hội. Sự kiểm soát thông tin ấy không còn thuộc về bạn nữa. Số lượng người truy cập thông tin đó ngoài sức tưởng tượng của bạn. Sự lăng mạ, nói xấu với lời lẽ thô thiển sẽ lan đi không ngừng. Chẳng hay ho gì khi bạn có những người (bạn lầm tưởng là bạn cùng chí hướng) ủng hộ kiểu “tát nước theo mưa”và rồi chính bạn mới là người gánh chịu những hậu quả khôn lường.

-Nhiều bạn có triệu chứng nghiện facebook, dành rất nhiều thời gian cho nó, thậm chí ngồi học mất tập trung cũng chỉ vì nghĩ đến facebook cùng những chia sẻ, những comment thú vị trên facebook. Lời khuyên của cô dành cho các bạn ấy như thế nào ạ?

• Bất cứ tham gia vào trò chơi nào, điều cuối cùng nhận được cũng xuất phát từ bản lĩnh của mỗi người chơi. Với facebook, bạn biết tận dụng những ưu thế của nó để tìm những người bạn cùng chí hướng, cùng sở thích để học hỏi và tiến bộ…thì thật có ích nhưng nếu quá sa đà vào các chủ đề vô bổ, lê la đến các nơi tán gẫu, bình luận thiếu lành mạnh thì bạn đang tiêu phí thời gian, sức khỏe và rất nhiều thứ quí báu của mình.

-Thưa cô, đối với học sinh, nghiện facebook ảnh hưởng như thế nào đến việc học tập cũng như cuộc sống ạ?

• Theo một nghiên cứu mới tại Mỹ, truy cập fb quá 8 giờ/ ngày có thể coi là “nghiện fb”. Một ngày chỉ có 24 tiếng, trong đó chúng ta đã dành cho học tập, nghỉ ngơi, sinh hoạt riêng… Nếu sa đà vào FB, các em đã phạm vào thời gian làm bài tập, nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều vấn đề bổ ích khác. Chưa kể đến hại mắt, xương sống, dẫn đến nhiều bệnh, căng thẳng thần kinh…

– Theo cô, có nên cấm học sinh sử dụng facebook không ạ?

• Tôi không ủng hộ việc cấm học sinh sử dụng facebook, đó là một cách giải quyết yếu kém của người lớn. Gia đình tôi mọi người đều có trang facebook và chúng tôi thấy rất tiện lợi về việc trao đổi hình ảnh, thông tin cần đọc và bình luận. Qua đó tôi cũng hiểu khá nhiều về tâm trạng, suy nghĩ của các con, rồi biết thêm cả bạn bè của chúng. Tuy vậy tôi cũng luôn chú ý đến thời gian sử dụng và cố gắng giáo dục để chúng có ý thức sử dụng.

-Chúng em rất muốn nghe lời khuyên của cô trong việc sử dụng trang mạng cá nhân facebook để biến facebook thành nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm học tập ạ?

• Khi lập trang facebook, các em cần tìm hiểu rõ những lợi và hại của nó, như cô đã nói ở trên. Cái lợi là chúng ta có thể có thêm bạn bè để kết nối, giao lưu, chia sẻ nhiều vấn đề đáng quan tâm trong cuộc sống và xã hội…
Nhưng cái hại là ta sẽ mất đi khá nhiều thời gian dành cho học tập, nghiên cứu và chăm sóc gia đình và bản thân. Ngoài ra những thông tin cá nhân, những quan điểm riêng tư… sẽ đem đến nhiều rắc rối cũng như có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng mà các em không lường trước được.
Các em cần trau dồi kỹ năng ứng xử trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống: Sự tự ái, tức giận, bất mãn… về tất cả mọi vấn đề để luôn biết kìm chế làm chủ cảm xúc vì ta luôn hiểu khi trải lòng trên fb là đang đối diện trước đám đông, khi ấy bạn sẽ bộc lộ văn hóa, giáo dục và tính cách của mình.
Do đó hãy cân nhắc kỹ và thận trọng khi tham gia facebook các em nhé!

– Cám ơn cô rất nhiều về cuộc trao đổi.

Kim Ngân thực hiện.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu