VTH: Tôi mê thơ Lê Đạt, đọc thơ ông tôi luôn ngỡ ngàng và thán phục, đặc biệt tập thơ Bóng chữ. Ông có những câu thơ hai-kâu làm nín thở người đọc :
“Lời lỡ nuốt thề mà mai buột nở /Xuân đa mang hoa khốn khổ chung tình”
“Đời bất trắc mộng đầy đất chật/Đói sân chơi hành khất chân trời”
“Xe chuyển bánh mặc anh hớt hải/Đất Phố bụi mày cuối Phái mưa may”
Sinh ngày 10.9.1929, quê quán A Lữ, Bắc Giang, nhà thơ Lê Đạt (tên thật là Đào Công Đạt) tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn học từ đó đến nay. Các tác phẩm đã xuất bản: Bài thơ trên ghế đá (thơ 1955), Bóng chữ (thơ 1994), Ngó lời (thơ 1997), Hèn đại nhân (truyện ngắn 1994), U 75 từ tình (thơ 2007). Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. |
Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà thơ Lê Đạt của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến :
Cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt đã làm một cuộc cách – tân – thơ âm thầm trong suốt 30 năm qua và thế hệ các ông đã ghi dấu ấn khởi đầu cho chặng đường nhọc nhằn đổi mới của thi ca Việt Nam sau thơ Tiền chiến. Lê Đạt tâm sự: “Ngay từ nhỏ, tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt – lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng Tháng 8, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô-viết Mayakovsky. Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thay đổi xã hội của ông. Ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ đầu tiên có những hình ảnh sinh sự, khiến tôi ít nhiều được công nhận như một nhà thơ cách tân: “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/Y như một dãy bình vôi/Càng sống càng tồi/Càng sống càng bé lại”.
Cách ngày nhà thơ Lê Đạt mất vài tháng, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc chuyện trò khá thú vị về thi ca hiện đại với ông tại nhà riêng ở phố Phó Đức Chính (Hà Nội). Và tôi cũng không ngờ rằng đấy là buổi cuối cùng được gặp ông. Buổi sáng hôm ấy, tâm sự về gia cảnh, nhà thơ vui vẻ cho biết: “Tôi vừa in cuốn U 75 từ tình tập hợp những bài thơ mình viết từ năm 70-80 tuổi”.
* Thưa nhà thơ, tập U 75 từ tình có những thể nghiệm thơ khác với trước đây không?
– Khác nhiều chứ, nó khác với thể loại thơ hai-kâu (hai-ku) trước đây của mình. Một nhà thơ nước ngoài đã nói: “Khi ngôn ngữ thơ là hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta dám sống mới”. Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân là quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách quan sát về nó, nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Trong tập thơ mới này của tôi, ngoài phần thơ hai-kâu còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn thể thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi.
* Vậy đời sống xã hội, đời sống nhân văn được thể hiện trong đó thế nào?
– Đây là những suy nghĩ của tôi trong rất nhiều năm trời vì các thể thơ trước đây không thể nói hết được nên tôi chuyển sang thể thơ đoản ngôn. Nó bổ sung cho phần thơ hai-kâu trước đây của mình với tiêu chí: chữ ngắn – tình dài – chở được nhiều. Như câu thơ “Khi thánh hiền dạy các tông đồ phải chống lại bản thân thì họ lại hiểu rằng phải chống lại kẻ khác”.
Sinh ngày 10.9.1929, quê quán A Lữ, Bắc Giang, nhà thơ Lê Đạt (tên thật là Đào Công Đạt) tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn học từ đó đến nay. Các tác phẩm đã xuất bản: Bài thơ trên ghế đá (thơ 1955), Bóng chữ (thơ 1994), Ngó lời (thơ 1997), Hèn đại nhân (truyện ngắn 1994), U 75 từ tình (thơ 2007). Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
* Ông đánh giá ra sao về những đóng góp của nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm trong lĩnh vực cách tân thơ?
– Theo tôi, Trần Dần là trưởng môn phái của thơ cách tân thế hệ chúng tôi, nên anh ấy rất quyết liệt, bận tâm với việc đổi mới thơ. Nhưng cái nhược điểm của anh là hơi cứng nhắc, hơi ý chí chủ nghĩa. Tôi vẫn coi thơ Trần Dần là một bản giao hưởng của lý trí. Còn Hoàng Cầm thì anh ấy không bận tâm về đổi mới, cách tân thi ca nhưng giời cho anh ấy thơ và tập Kinh Bắc là một tập thơ rất hay và có nhiều cái mới.
* Còn các thế hệ thơ trẻ hôm nay?
– Thế hệ trẻ rất được nhưng chưa nên nói nhiều về nó, họ là tương lai của thi ca Việt Nam nhưng họ cần phải thấy được trách nhiệm lớn lao và phải lao động thật sự nghiêm túc hơn nữa, học nhiều hơn nữa. Cái quan trọng là họ khác Thơ mới tiền chiến. Phần sôi nổi của thơ trẻ cũng quan trọng, nhưng phần lắng sâu mới là điều cốt lõi và phần lắng sâu trong thơ trẻ hơi ít trong khi phần sôi nổi thì hơi nhiều. Với các nhà thơ trẻ, cái khẳng định mình là quan trọng, nhưng cái suy nghĩ về bản thân mình cũng rất quan trọng. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi.
* Điều quan trọng cốt lõi của nghề thơ là gì?
– Điều quan trọng nhất là phải lao động thơ một cách cần mẫn và không ngừng nâng cao văn hóa. Các nhà thơ cần phải cố gắng hơn nữa để cho độc giả thơ chấp nhận mình. Trong động tác chân, tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng; trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử.
* * *
Cuối buổi chuyện trò nói trên, nhà thơ Lê Đạt còn dò dẫm từng bước cầu thang xuống nhà, tiễn tôi ra tận cửa. Tôi cũng không thể ngờ được rằng, mấy tháng sau, cũng trên những bậc cầu thang ấy, sau chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên, vừa về tới Hà Nội, vào khoảng 22 giờ tối 20.4, khi nhà thơ xuống gác, ông đã bị vấp ngã và chấn thương nặng, tới 3 giờ 15 phút ngày 21.4.2008 thì qua đời. Giờ, nhà thơ đã ở rất xa nhưng tôi vẫn còn thấy văng vẳng bên tai câu nói đầy thi vị của ông: “Bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi”.
Nguyễn Việt Chiến (thực hiện)
Chùm thơ Lê Đạt:
Đánh ngải
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh
(Ca dao)
Mắt xưa xanh
mưa mành
sương liễu sóng
Mùa sang may
thu đánh ngải lông mày
Mây nổi trắng ao say
Ai ruốc mộng ban ngày
Chiều Bích Câu
Cột đèn rớm điện
Là chiều Bích Câu
Rằng tiên giáng trần
Rằng ta gặp nhau
Lạnh giờ em đâu
Khói lay mái chùa
Mà ngỡ tên em
Mờ ơ đá vỡ
Ba hồi ngân chuông
Có nhớ có thương
Thì ròng tóc xuống
Mây trắng ngàn năm
Ơi em cổ tích
Mùi mưa xưa
lòng chưa tạnh
phố nhau đầu
Quá em
Có phải vì quá em
Đứng ngồi
anh vẫn em đôi mặt
Đứng ngồi
anh vẫn bặt em xa
Từng thớ thịt
Anh sống em trọn hẹn
Chỉ bóng anh
ò e
xe Văn Điển
một mình
Anh vẫn hôm em
Phố đời đông động
Cửa đèn
môi men má nắng
Trời mênh chim
Tu huýt yêu
Bóng chữ
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
Mới tuổi
Ai xui em đẹp em xinh
Ba lần con thiến gáy
Mùa xuân phăn phăn lòng đường
Em vừa mới tuổi
Tà áo bay sao phố bổi hổi trời
Bâng khuâng thời gian
Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ
Trang tầm xuân
cau chưa mở nụ nga`
Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng nổi
Ngõ trắng bời bời mây nổi
U ú thiên ha`
tàu nhả khói
ngã ba
Át cơ
Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ
Nhà số lẻ
phố trò chơi bỏ dở
Mộng anh hường
tim môi em bói đỏ
Giàn trầu gia`
khua
những át cơ rơi…
Kênh chờ
Từ Bích Câu em biền biệt tin về
Thu mở mùa chim mây vỡ tổ
Mái thấp cao
chiều ngổn ngang tần số
Đầu ăng-ten
trời quê ngoại kênh chờ
Những cái hôn
Những cái hôn gửi đi
Nỗi đỏ chiều hoang di thực
Bến đục sương lau còi tàu
Những cái hôn gửi đi
Trun trút gió sang sông
Sếu gọi đò ngang nước đổ
Dải yếm đào gẫy cầu
Những cái hôn gửi đi
Biền biệt phù sa
Đất hẹn má mùa nắng lạ
Vườn đồi
ai nhặt lá ô môi
Đầy tuổi
Tượng cởi
hé thân xuân
Da sữa ngần
thắp trắng
Đêm ba mươi
phòng tắt điện
vẫn trăng rằm
Đầy tuổi sáng sang năm
Ngõ chờ
Thư hẹn
én đầu mùa mảng hội
Phát vội
nhầm địa chỉ ngã tư
Xêđuxen đèn trắng sáng
Ngõ chờ
Mà biển chỉ đường luống tuổi
*
Em như người đưa thư
Xe khóa nhà anh
Tin xanh nhà xế cửa
Biển khổ bên này
bến độ bên kia
Lá nẩy chìa
chim yếm đỏ
nhạn thia lia
Em đến
Em đến
áo lùa
trời bỗng sau mưa
Mắt vạn niên thanh
trưa hồ thủy
Nắng lục giàn mi thiên lý
Tóc hè
nghe ngờ ngợ may thu
Tuổi đèn
Đời ngắn
Đêm dài
Mộng khẩn
Gió ăng ten
Phố mấy tuổi đèn…
Kết luận
Đời tốc hành
một ga xanh sót lại
Một góc tuổi mải tàu
thơ dại mãi
Tìm nhà quên mất số lớn khôn
Lê Đạt