Đọc “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa – Đặng Cao Sửu.

NNTLH1.JPG
Tập truyện "Người nhìn thấu linh hồn"

VTH – Thạc sĩ Đăng Cao Sửu vừa gửi đến Vũ Thanh Hoa bài viết về tập truyện “Người nhìn thấu linh hồn”, xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc:

Có những người ta mới gặp lần đầu nhưng đã như quen tự thuở nào. Có những tác phẩm văn chương đọc qua và ta cảm nhận như có thể soi tâm hồn vào để yêu thương và triết lý về cuộc sống. “ Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa là một tác phẩm đầu tay nhưng đã có dấu hiệu của sự bứt phá và cách tân. Ta bắt gặp trong tác phẩm những người xa lạ nhưng quen biết, những vui buồn, hoài bão và sự bất hạnh đã được nhà văn thể hiện bằng ngòi bút tinh tế và đa cảm. Mỗi truyện là một lát cắt của cuộc sống. Và qua một vỏ ốc ta cảm nhận cả một đại dương.

“ Người nhìn thấu linh hồn” đã đề cập đến những vấn đề cơ bản: cuộc sống, con người, hôn nhân và tình yêu. Tất cả được nhìn bằng cái nhìn của một lý trí tỉnh táo và một trái tim đa cảm của người phụ nữ hiện đại.

Vũ Thanh Hoa - 18/9/2011

Cuộc sống trong “ Người nhìn thấu linh hồn” rất đa dạng. Đó là một xã hội hiện đại căng phồng những khát vọng và đam mê. Xã hội có những tấm chân tình đáng quý, nhưng cũng có những mặt trái đáng lên án.
Một xã hội ẩn hiện sự phi lý của triết học nhị nguyên: phi lý và hợp lý, cao cả và thấp hèn, yêu đương và sự gian dối. Có điều đáng quý là trong cuộc sống đầy những lo toan con người vẫn giữ vững niềm tin, vẫn hướng về một niềm hạnh phúc dẫu có lúc cũng mong manh. Điều đó thể hiện trong một số truyện có kết thúc có hậu. Ta như cảm nhận trái tim của nhà văn rung lên với niềm hạnh phúc muộn màng, đầy kịch tính của những nhân vật trong tác phẩm.
Có lẽ nhân vật Sếu là một hình tượng đẹp và giàu sức biểu tượng. Không mạnh mẽ như nhân vật Ratixnhac của BanDac, chàng đưa nắm đấm vào xã hội thượng lưu đầy thách thức, chàng đã hòa nhập và chinh phục xã hội đó. Mỏng manh và yếu đuối, Sếu quyết định từ bỏ xã hội hiện đại để trở về với chính mình. Trong mắt độc giả nhân vật Sếu đã được phục sinh với hình ảnh nhân vật thánh thiện và sự thanh thản trong tâm hồn vì cô đã tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Ta nghe như trái tim tác giả đang thổn thức. Cảm nhận trước nỗi đau của người khác đó là thiên chức và cũng là định mệnh của người nghệ sĩ. Một thông điệp của tác giả cảm nhận vể xã hội hiện đại. Nói như C. Mac “ Nếu như con người là sản phẩm của hoàn cảnh thì hãy làm cho hoàn cảnh mang tính nhân đạo hơn”.
“ Người nhìn thấu linh hồn” còn thể hiện những quan niệm về hôn nhân và tình yêu. Hôn nhân và gia đình đang rung lên trước cơn bão của triết học hiện sinh phương Tây.Có những gia đình tan vỡ vì hôn nhân là mồ chôn của tình yêu (Ca sĩ). Tuy thế, có những người tìm về với mái ấm gia đình dù cách xa vời vợi để cảm nhận nỗi đau ngọt ngào của tình yêu ( Phản bội). Hãy tự làm mới mình, hãy sống bằng trái tim rộng mở và yêu thương, đó là chìa khóa để đi vào thế giới đầy những mê cung và đầy những lo toan của cuộc sống gia đình ( Tự do).
Tình yêu mới là chủ đề chính trong tác phẩm. Tình yêu trong tác phẩm ngọt ngào và thuần khiết ( Tự do) nhưng có lúc cũng rạo rực và đầy chất hiện sinh ( Mười bố tiếng đồng hồ). Bản chất của tình yêu đã hàm chứa sự phi lý. Vũ Thanh Hoa đã từng thể hiện sự phi lý của tình yêu trong thơ:
Hãy gối đầu lên ngực em và nói
Làm thế nào để em không yêu anh.
( Em không yêu anh )
Trong truyện “ Người nhìn thấu linh hồn” sự phi lý đó thể hiện ở sự bất ổn trong tình yêu. Người ta có thể quay lưng với cuộc sống phồn hoa để theo tiếng gọi của tình yêu (Thời tiết xấu), tình yêu với hương thơm nhè nhẹ của những cánh hoa phù dung cũng làm rung động tâm tình không biết tự lúc nào ( Ba trăm ngàn ), tình yêu làm con người hoàn thiện hơn ( Người nhìn thấu linh hồn) nhưng tình yêu cũng đầy cảm tính và phi lý ta không thể cắt nghĩa được (Ký ức bất nhã). Nổi loạn và hoài nghi là những đặc điểm của tình yêu thời @. “ Người nhìn thấu linh hồn” đã đề cập đến những cung bậc lạ của tình yêu để lý giải sự hoài nghi và hoang mang của con người hiện đại. Đó chính là giá trị của những câu chuyện tình yêu trong tác phẩm.
Tình yêu trong “ Người nhìn thấu linh hồn” còn chứa đầy những đam mê, rạo rực và…hơn thế nữa của tình yêu thời hiện đại. “ Chị nằm gọn trong vòng tay vạm vỡ của gã. Chị thấy đôi môi gã lướt trên từng centimet cơ thể mình. Chị thấy mỗi tế bào đàn bà của chị rung rung từng hồi thổn thức. Chị chìm trong niềm hoan lạc đến tận đáy ý thức.”
( Mười bốn tiếng đồng hồ).
Trong suốt tác phẩm ta bắt gặp nhiều hình ảnh, chi tiết tươi nguyên của cuộc sống được đưa vào trong tác phẩm. Ngòi bút của Vũ Thanh Hoa lạnh lùng lướt qua những mãng ẩn chìm của đời sống riêng tư. Có điều lạ là những hình ảnh đầy chất sex ấy lại không hề mang tính trần tục, những chi tiết rất người và hướng chúng ta đến với niềm đam mê trần thế. Điều đó là cần thiết nhất là, khi mà cuộc sống luôn đan xen giữa sự bất hạnh và niềm vui, giữa đau khổ và hạnh phúc. Tình yêu trong “ Người nhìn thấu linh hồn” không che dấu phần người, trái lại, tác phẩm đưa chúng ta trở về với những nỗi đam mê của tình yêu hiện đại rất đời thường và đầy tính hiện sinh. Bước chân “ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều đã làm ngơ ngác bao thế hệ nhà nho. Trong mạch cảm hứng đó Vũ Thanh Hoa trong “ Người nhìn thấu linh hồn” đã đốt cháy thiên đường, đưa chúng ta trở về hạ giới với những nếm trải rất người. Đó là giá trị nhân văn của tác phẩm.
Người phụ nữ trong tập truyện không chỉ là người phụ nữ hiện đại mà mà còn là người phụ nữ truyền thống. Tình yêu trong tập truyện còn là những bản tình ca ngọt ngào đằm thắm, chung thủy của người phụ nữ Việt Nam. “ Tìm bạn” là một truyện hay. Ta bắt gặp cô Tấm đích thực từ cổ tích bước ra cuộc sống. Một cô Tấm đầy bản lĩnh và trải nghiệm sau những lần vào sinh ra tử, nhưng lẫn khuất trong nhân vật là một cái nhìn nhân hậu, một niềm khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Qua kết thúc có hậu của tác phẩm ta như“ nhìn thấu linh hồn” của nhân vật, rất hiện đại nhưng cũng đầy tính nhân văn.
Truyện ngắn với dung lượng hạn chế nó cần phải có “ những chi tiết đặc sắc và lối hành văn đầy ẩn ý” ( Lý luận văn học tập 2). Vũ Thanh Hoa sử dụng chi tiết rất đắc. Những chi tiết có khả năng bộc lộ tâm trạng nhân vật đồng thời giàu tính biểu tượng. Ngôn ngữ của Vũ Thanh Hoa phong phú và sinh động. Những ngôn từ biết nói như gọi dậy cả một miền quá khứ hay những biến động trong tâm hồn nhân vật. Đó là một lý do làm cho “ Người nhìn thấu linh hồn” có sức rung động và thẩm thấu tâm hồn người đọc.
“ Người nhìn thấu linh hồn” được sáng tác với bút pháp đa dạng. Có những truyện ngắn phản ảnh hiện thực bằng ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh (Trò khốn), có những lúc ngòi bút phân tích tâm lý phớt tỉnh đến lạnh lùng phải nhường bước cho ngòi bút trữ tình đầy nữ tính (Sếu). Ta còn bắt gặp một nét lạ, ma ma người người, của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm ( Người nhìn thấu linh hồn, Đời đời kiếp kiếp). Đa dạng nhưng vẫn thống nhất. Xuyên suốt 33 truyện ngắn ta như thấy hiện hữu một ngòi bút hiện thực tỉnh táo và một trái tim đa cảm đầy nữ tính. Một phong cách rất Vũ Thanh Hoa.
Trong tác phẩm ta bắt gặp những nhân vật “Xa lạ” nhưng “Quen biết” ( Một nguyên tắc xây dựng nhân vật điển hình của Ban Dắc). Đó là vì tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật. Điều mà Tonxtoi gọi là “biện chứng pháp của tâm hồn” đã được Vũ Thanh Hoa thể hiện khá thành công. Phương Tây đã đem đến cho các nghệ sĩ khát vọng thành thực, khát vọng thành thực đến nhức nhối (chữ dùng của Hoài Thanh), thế nhưng phải đến những thập niên 80 văn học mới bắt đầu diễn tả hiện thực vốn có hơn là hiện thực cần có. Nguyễn Minh Châu người khởi xướng và đi đầu trong trong việc định hướng văn học đi sâu vào nội tâm con người với đời sống phong phú vốn có. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu đạt đến những thành tựu trong việc miêu tả những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn con người. Nhân vật trong “Người nhìn thấu linh hồn” không đơn giản mà đa chiều và có chiều sâu nội tâm; chính vì thế mà có những kết thúc bất ngờ nhưng mạch truyện vẫn hợp lý ( Thời tiết xấu, Tìm bạn) . Vũ Thanh Hoa đã nhìn thấu linh hồn của nhân vật và vì thế nhân vật của truyện đã sống trọn vòng đời một cách lô gich và mãi day dứt trái tim của độc giả.
Gấp truyện lại nhưng những âm vang của tác phẩm còn lay động trái tim ta. Có lẽ là do nghệ thuật viết truyện khéo léo của tác giả, hay do một tấm lòng gọi dậy một tấm lòng?
Dẫu sao đây cũng chỉ mới là tác phẩm truyện đầu tay của tác giả. Chúng ta có quyền hy vọng trong những tác phẩm mới Vũ Thanh Hoa sẽ không lặp lại mình trong đề tài và kết cấu để đem lại cho độc giả những rung cảm nghệ thuật mới mẻ và có sức thanh lọc tâm hồn.
“ Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa là một tác phẩm hội đủ hai điều kiện để tồn tại trong lòng người đọc, đó là nghệ thuật và một tấm lòng. Mà có gì quý hơn một tấm lòng nhất là một tấm lòng khát sống! Chúng ta đón nhận tác phẩm như đón nhận một người bạn mới để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trên những nẻo đường đã định./.

Quy Nhơn, 21/09/2011
Thạc sĩ Đặng Cao Sửu.

Xem thêm: 

  • Cầm Linh đọc “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa  – Tạp chí Văn Nghệ BRVT  số 110 (4-2011) Tại đây 
  • Nhà thơ Xuân Thu đọc “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa – Tại đây 
  • Phong cách Vũ Thanh Hoa trong  “Người nhìn thấu linh hồn” của nhà thơ Quan Dương – Tại đây

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu