VTH – Tôi “nghe danh” dân Bách Khoa sành văn chương lâu rồi nhưng quả thật khi đọc Trần Thiện Anh bình những bài thơ của các tác giả thơ trên VNWEBLOGS thì tôi mới thực sự “tâm phục khẩu phục” : khiêm nhường, lặng lẽ và trân trọng, nhưng lại có những nhận định chuyên sâu đầy bất ngờ. Vũ Thanh Hoa xin được giới thiệu bài bình của anh cho bài thơ của mình và cũng là lời cám ơn một cây bút bình thơ hiếm hoi và đáng nể của làng VNWEBLOGS.
GIAO HƯỞNG BIỂN
Ướt
cát mịn
phập phồng
trần ngực biển
lưỡi thanh âm giao hưởng ngút mây trời
dừa rừng rực vươn thẳng cây đón đợi
mơ màng dương lún phún lá đong đưa
ngây ngất sóng
cơn cuồng phong
chạm đáy
thăm thẳm xanh mạch chảy
tận khôn cùng
vòng hoan lạc siết bến bờ
ngây dại
cổng thiên đàng he hé nụ mung lung
thở trong thở
cuốn về hun hút bão
thân ghì thân
run rẩy nhịp tinh cầu
dòng nham thạch phun quyện hòa núi lửa
trôi
bềnh bồng
phiêu dạt
cánh buồm
yêu
22.5.2008
Vũ Thanh Hoa
Năm ngoái tôi có đọc được mấy bài thơ của Vũ Thanh Hoa trên báo Tết, gần đây mới đọc được nhiều bài thơ của chị trên mạng, thú thật, cảm giác đầu tiên của tôi là bị choáng ngợp trước một phong cách thơ táo bạo, mãnh liệt lẫn dịu êm, bảng lảng và đầy nữ tính. Thơ chị có kiểu cũ và có kiểu mới, dường như càng ngày càng mới (theo thời gian chị ghi dưới mỗi bài thơ). Chị chú trọng đến tứ thơ và cũng trăn trở cách tân ngôn ngữ thơ. Nhưng điều quan trọng hơn là thơ chị khoan sâu vào nhiều trạng thái yêu của nữ giới như muốn bộc bạch, muốn tiết lộ dần những bí mật mà tưởng như cần giữ kín, tưởng như còn húy kị trong thơ truyền thống ở ta. Trong những bài thơ gần đây của Vũ Thanh Hoa, chứng tỏ chị muốn bứt phá vượt qua rào cản ấy một cách tự nhiên nhưng không thô ráp như một vài nhà thơ trẻ nữ đã làm. Chị từng trải và nồng nàn, chân thành và chân thật nhưng lại nhận biết cái ranh giới mỏng manh của cái giả-chân trong nghệ thuật. GIAO HƯỞNG BIỂN là một bài thơ như thế, nói về tình yêu cùng với sự thăng hoa của nhục thể, mà cách nói lại chứa đựng những thi ảnh đầy gợi cảm.
ướt
cát mịn
phập phồng
trần ngực biển
lưỡi thanh âm giao hưởng ngút mây trời
dừa rừng rực vươn thẳng cây đón đợi
mơ màng dương lún phún lá đong đưa
Mới đọc thoạt tưởng chị tả cảnh biển với sóng với cát với rừng dương, hàng dừa… Nhưng cái cảnh ấy đã có một chút gì nhân cách hóa, gợi ra một trường liên tưởng về người với những “trần ngực biển”, “lưỡi thanh âm”, “vươn thẳng cây”, lún phún lá”. Có một chút Hồ Xuân Hương ở đây chăng?
Nhưng đấy mới chỉ là màn dạo đầu êm dịu của bản “giao hưởng biển”. Rồi âm nhạc như bắt đầu cuộn xiết trào dâng hơn khi cuồng phong xuất hiện:
ngây ngất sóng
cơn cuồng phong
chạm đáy
thăm thẳm xanh mạch chảy
tận khôn cùng
vòng hoan lạc siết bến bờ
ngây dại
cổng thiên đàng he hé nụ mung lung
Những “chạm đáy”, “hoan lạc”, những “ngây dại”, “thiên đàng” đều gợi tới cảm giác của đam mê mãnh liệt. Nó gấp gáp, nó dồn dập và nó đang “yêu”. Cảm giác mạnh ấy chính là rung động của một hồn thơ trước thiên nhiên lộng lẫy và hoang vu, nhưng cũng là cảm giác của rung động thân thể của người thơ. Và không kìm được nữa, thiên nhiên đã hóa con người (hay con người đã hóa thiên nhiên) bằng những ngôn ngữ lộ diện, và “bản giao hưởng” đã được đẩy tới cao trào:
thở trong thở
cuốn về hun hút bão
thân ghì thân
run rẩy nhịp tinh cầu
dòng nham thạch phun quyện hòa núi lửa
Rồi tất cả như đang trôi, như đang bồng bềnh thực ảo sau cơn phun trào núi lửa của đam mê và hoan lạc tình yêu:
trôi
bềnh bồng
phiêu dạt
cánh buồm
yêu
Người ta nói thơ hiện đại thường lấy việc tạo cảm giác làm chủ đạo sáng tạo. Thì GIAO HƯỞNG BIỂN đã làm được điều đó. Mà lại là cảm giác nhục thể. Nhưng nhục thể ở đây không hề thô thiển hay dung tục, bởi sự kết hợp thiên nhiên con người thực – ảo thật tinh tế và hài hòa. Hài hòa cả về thi ảnh, ngôn ngữ và nhịp điệu; hài hòa cả về sự việc và góc nhìn thẩm mỹ.
Đọc kỹ bài thơ, đọc nhiều lần theo nhịp ngắt xuống dòng, ta thấy lối thơ tự do tạo nhịp này thực ra lại xuất phát từ những nhịp thơ 8 chữ truyền thống khá quen thuộc. Tôi đã thử ghép chúng lại và thấy rất rõ hình thức câu thơ cũ:
thở trong thở/ cuốn về hun hút bão
thân ghì thân/ run rẩy nhịp tinh cầu
Nhưng cái tài của nhà thơ không chỉ cố ý ngắt dòng hợp lý, mà chính là nhờ từ mạch nguồn cảm xúc và cách nhìn mới mẻ đã khiến cho bài thơ mang một hơi thở mới về cả nội dung lẫn hình thức. Đó cũng là điều dễ nhận thấy khi đọc thơ Vũ Thanh Hoa, mà GIAO HƯỞNG BIỂN là một bài thơ trong dòng mạch mới mẻ đó.
Trần Thiện Anh