Con ngựa trắng ngác ngơ – Trịnh Sơn

VTH – Nhà thơ Trịnh Sơn là một người đặc biệt và Vũ Thanh Hoa cũng… đặc biệt không kém… hehe. Sơn bảo: Viết về chị thì cỡ 5 ngàn chữ cũng chưa đủ (chắc vì mình quá rắc rối) nhưng Sơn mới ngẫu hứng viết mấy trăm chữ theo yêu cầu của một tờ báo, mấy trăm chữ thôi cũng hiện lên một Vũ Thanh Hoa qua con mắt của Trịnh Sơn quả là… đặc biệt winking!! Bởi vì nàng biến thành “con ngựa trắng”! …. Mời bạn xem nhé:

ngua trang2A

Vũ Thanh Hoa – Con ngựa trắng của Ravilious ở Vũng Tàu

Nhắc đến Vũng Tàu, nhiều văn nghệ sỹ và độc giả nghĩ ngay đến cái tên Vũ Thanh Hoa. Có thể chưa từng gặp gỡ hoặc quen biết nhà thơ nữ xứ biển Đông Nam Bộ, nhưng đa số họ có cảm giác quen thân và yêu mến chị. Cũng phải thôi, nhất là trong thế giới phẳng, con người kết nối nhau bất kể không gian thời gian chỉ bằng vài cái nhấp chuột. Vũ Thanh Hoa là tên tuổi quen thuộc trong làng blogger Việt từ thuở đầu, những trang yahoo, vnweblogs, wordpress của chị khá “hot” với lượng bài vở và hình ảnh được cập nhật thường xuyên, đáng phục. Vài năm trước, chị còn cho ra đời trang web vuthanhhoa.net chuyên về văn hóa nghệ thuật Việt Nam và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thu hút đông đảo người xem. Xu hướng chọn lựa và post bài của chị rất cá tính, thể hiện một Vũ Thanh Hoa bản lĩnh, mạnh mẽ và không thể thiếu một đặc tính cố hữu của bất kỳ người nghệ sỹ nào: Nhạy cảm. – Đó cũng là một khía cạnh tính-cách-thơ của Vũ Thanh Hoa.

Nhiều người cho rằng thơ nữ Việt Nam thường nhẹ nhàng, thậm chí là yếu đuối. Thiên về bộc lộ cái “sâu sắc như cơi đựng trầu” trong thế giới tâm tình đàn bà Á Đông: Yêu thương, hờn giận, nhung nhớ, tương tư, chia ly, sum vầy, hạnh phúc, phục tùng,… Nhiều người cho rằng thơ của những cây bút miền biển đậm chất nồng nàn “muối mặn” và tuần hoàn thường thức như thủy triều. Thi sỹ là người dám từ chối sự đánh đồng, cương quyết đứng ngoài đám đông. Người đọc ấn tượng gì ở Vũ Thanh Hoa người đàn bà làm thơ bên biển?

ngua trang
Bức tranh Con ngựa ở Westbury (Westbury Horse, 1939) – Tranh của Eric William Ravilious (1903-1942) là thiên tài mỹ thuật đồ họa của nước Anh, họa sĩ màu nước hàng đầu thế kỷ XX.

Trước bão giông em bình thản
Trước thị phi em mỉm cười
Trước núi cao, biển rộng, vực sâu em cắn răng bước đi
đôi chân trần rướm máu
Thế nhân đổi trắng thay đen, thế nhân ô trọc,
thế nhân lọc lừa, em ngẩng đầu kiêu hãnh
(Trước Anh)

Đã có nhiều bài viết công phu và tỉ mỉ nhận định về thơ Vũ Thanh Hoa. Nhà thơ Hoàng Quý vốn cẩn trọng khen chê, cũng phải thốt lên: “Có một người đàn bà khác trong Vũ Thanh Hoa, đó là người đàn bà thơ của tín ngưỡng thơ mới, hiện đại và mạnh mẽ – đó là thơ quyết tìm hướng khác với ngôn ngữ, thi ảnh và nhịp điệu đang thúc bách để ứng xử tương thích với thời đại không giống hôm qua. Người đàn bà khác ấy có tự vấn thì cũng tự vấn và tự trả lời không thể như cái nếp sống chậm, mơ mơ của văn hóa đình làng, bến nước, cây đa và tre lũy, hay nhịp một hai trong đô thị nho nhỏ, xinh xinh với ôn hòa trước đó”. Thơ và truyện, kể từ Trong em có người đàn bà khác, Vũ Thanh Hoa đã dũng cảm thừa nhận bản thân, một sự thừa nhận để phủ nhận và thoát hẳn. Linh hồn chữ nghĩa của chị, con người “khác” của chị không co chân chạy trốn như mợ còng trên cát nữa, mà đi gần tới cái kính phân tâm rất ư khổ nhọc và hạnh phúc của J.D. Salinger. Mảnh vỡ khổ nhọc hay mảnh vỡ hạnh phúc đều có thể khiến con người ta đứt tay:

Góa phụ âm thầm
đếm
mảnh
vết thương
(Ký sinh)

Thuở nhỏ, Vũ Thanh Hoa theo cha mẹ sống ở nhiều nước (cha chị là đại sứ ở một số nước Phi châu và Đông Âu), chị được tiếp xúc nhiều nền văn hóa, cụ thể là nhiều phương thức ngôn ngữ, nhịp điệu và hình ảnh hoàn toàn khác Việt Nam. Sự tiếp xúc ban đầu ấy, cũng có thể xem là một sự “ký sinh” ban đầu dấu ấn Tây phương lên tâm hồn cô gái Việt. Nó không vồ vập, ồn ào mà lặng lẽ như nước thấm vào lửa. Sáng tác của Vũ Thanh Hoa về sau, đặc biệt là thơ, chất hiện đại tự trỗi dậy theo cách tự nhiên và tự do nhất, nhẫn nại nhất. Không cầu kỳ, không e sợ. Con chim đã hiểu cành cong thì sẽ kiêu hãnh neo tiếng hót mang tên mình trên ấy.
Tôi ấn tượng nhất với thơ Vũ Thanh Hoa ở tính logic – lí lẽ của tâm hồn. Nhiều tác phẩm của chị khiến độc giả thán phục lẫn hơi e ngại, không phải vì mùa màng câu chữ tốt tươi mà chính bởi sự đầy đặn dần lên sau mỗi nhát liềm thu hoạch đầy tỉnh táo.

Đời thực, Vũ Thanh Hoa dường như không khác trong thơ là mấy. Có lẽ chỉ có một thứ khiến người đàn bà có đôi mắt sáng trong đầy kiêu hãnh và giọng nói ấm áp đặc trưng Hà Nội phải phục tùng là lý lẽ cuộc đời. Chị không chạy theo đám đông và cũng không bỏ rơi nó. Chị khai thác ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên đỉnh đầu mình để vẽ bức tranh đời và thơ, rồi trình bày trước thiên hạ mặc họ nhìn theo ánh sáng của họ. Phần nào đó, tính cách và số phận Vũ Thanh Hoa lấp lánh hình ảnh chú ngựa trắng trên đồi của Eric Ravilious. Chữ nghĩa và tâm hồn chị chưa nguôi khao khát đồng cỏ và bụi hồng.
Mấy trăm chữ quá ít để nói về tác giả và tác phẩm Vũ Thanh Hoa. Độc giả có thể tìm đọc chị, biết đâu chẳng nghe vang vọng tiếng vó ngựa thúc giục ánh sáng tâm hồn mình.

TRỊNH SƠN

4/2015

2 comments

  1. “…tính logic – lí lẽ của tâm hồn. Nhiều tác phẩm của chị khiến độc giả thán phục lẫn hơi e ngại, không phải vì mùa màng câu chữ tốt tươi mà chính bởi sự đầy đặn dần lên sau mỗi nhát liềm thu hoạch đầy tỉnh táo.” …
    Trịnh Sơn nói đúng lắm.

  2. Trịnh Sơn nói chưa hết, VTH còn đẹp và gợi cảm, tôi đã từng gặp và nói chuyện với nữ sĩ tại SG. Không biết nàng còn nhớ tôi không nhưng tôi nhớ mãi.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu