Chuyện tình làng Sầu nghe kể ở Budapest – Trần Đức Tiến

VTH – Nhà văn Trần Đức Tiến sống và viết ở Vũng Tàu đã hơn 30 năm. Ông là tác giả của một số tập tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi: Bão đêm, Bụi trần, Giờ của quỷ, Mười lăm năm mưa xói, Tuyệt đối yên tĩnh, Lỏng và tuột, Thả hy vọng, Chờ bay, Trăng vùi trong cỏ, Dế mùa Thu, Làm mèo, Trên đôi cánh chuồn chuồn, Xóm Bờ Giậu…

Truyện ngắn “Chuyện tình làng Sầu nghe kể ở Budapest” là một trong những sáng tác mới nhất của ông, đã được in trong tập sách chuyên đề “Viết & Đọc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), số mùa Xuân 2001.

vuthanhhoa.com  xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Nhà văn Trần Đức Tiến

CHUYỆN TÌNH LÀNG SẦU NGHE Ở BUDAPEST

Châu Âu cuối thu. Cuối thu đã lạnh tê tái. Chập tối trời bỗng đổ cơn mưa nhỏ. Từ trên căn phòng khách sạn tầng bốn, hé cửa nhìn xuống, thấy dưới đường những chiếc xe hơi bật đèn chạy lướt thướt. Thỉnh thoảng vài bóng người mũ áo trùm kín mít rảo bước trên hè. Nếu không vì hơi lạnh ngoài trời lùa vào, chắc tôi còn nán lại thêm chút nữa để ngắm người lạ cảnh lạ.

Đành phải bỏ ý định dạo phố. Thời tiết này ngồi nhà nhấm nháp ly cà phê nóng cũng thú vị. Sẵn ấm điện siêu tốc, cà phê G7 mang từ nhà, chẳng mấy chốc trong căn phòng ấm cúng của tôi và Hảo, hương cà phê đã thơm lừng.

Xoay xoay chiếc ly trong tay, Hảo gợi chuyện:

– Ông này! Đã bao giờ… Biết nói thế quái nào nhỉ? Đã có lúc nào ông rơi vào cái cảnh ảo ảo thật thật, rất khó phân biệt. Nó cứ đeo lấy mình, ám mình mãi không?

– Không bố. Tôi kém cái vụ sống ảo lắm. Được ngồi uống cà phê ở Tây thế này là hơi bị ảo rồi đấy.

Hảo nhìn tôi cười cười. Cùng là hội viên của một hội nghề nghiệp, nhưng tôi với anh ở hai nơi rất xa nhau, chả quen biết nhau, bỗng nhiên lại được ghép thành “đoàn”, được cử sang đây làm việc với hội bạn để củng cố lại mối quan hệ giữa hai hội sau nhiều năm đứt nối. Trước khi bay chỉ gặp nhau một ngày ở Hà Nội, chưa kịp chuyện trò gì, vậy mà cũng nhanh bắt quen, thậm chí có thể bỗ bã với nhau được.

– Mới sang, khó ngủ đấy – Hảo nói – Nằm “buôn” nhá. Lúc nào mệt thì khò.

Tắt đèn. Khoan khoái kềnh ra giường. Mỗi người một giường – hai cái giường cá nhân kê châu đầu vào nhau. Kéo tấm chăn mỏng lên ngang bụng, Hảo bắt đầu vào chuyện. Tôi biết, nếu không phải là đang ở trong một căn phòng giữa Budapest, cái thành phố lạ lẫm, xa lắc ở vùng trung Âu này, chưa chắc anh đã dễ dàng kể tôi nghe một câu chuyện như vậy.

*

*    *

“Năm bảy mốt (1971), các trường đại học ở Hà Nội phải đi sơ tán để tránh máy bay Mỹ ném bom. Trường tôi về một vùng quê hẻo lánh thuộc tỉnh H. Lớp tôi ở trong cái làng có tên là làng Sầu. Làng chỉ có vài ba xóm, mỗi xóm lèo tèo dăm bảy nóc nhà túm tụm dưới chân một quả đồi. Những quả đồi mọc đầy sim mua nổi lên giữa cánh đồng. Các xóm nối với nhau bằng những lối mòn vắt ngang sườn đồi, băng qua đồng.

Tôi và tay bạn cùng lớp, tên Danh, trọ trong một gia đình có ba người: hai vợ chồng ông chủ và cô con dâu. Ông cụ mê cờ tướng, ít khi ở nhà. Chơi cờ loanh quanh trong làng, chán thì cụ cuốc bộ sáu cây ra thị trấn, tỉ thí cao thấp với những tay cờ sừng sỏ ngoài đó. Có khi cụ ăn ngủ luôn ở thị trấn vài ba hôm. Bà cụ lãng tai, cả ngày ngồi tỉ mẩn tuốt rơm bện chổi. Chổi quét sân, chổi quét nhà, chổi quét bếp, chổi xua mạng nhện… Nhà dùng không hết, cụ đem cho khắp xóm. Một mình cụ ngồi ở bậc thềm, lâu lâu quài tay ra sau đấm lưng. Rồi lại chợt ngẩng đầu, lẩm bẩm với một người vô hình ngoài ngõ: “Ai gọi đới? Hỏi Mận hử? Mận ra đồng rồi. Phải đi làm mới có cái cho vào mồm chứ. Suốt ngày mơ mơ mận mận, mơ mơ mận mận…”.

Cổng nhà vắng hoe. Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo hun hút. Thỉnh thoảng có cơn gió quẩn xào xạc trong bụi tre.

Mận là vợ anh Kỳ – con trai út của ông bà. Cưới vợ được ít ngày, Kỳ nhập ngũ, đi thẳng một lèo vào chiến trường. Lúc tôi và Danh đến nhà, Mận chủ động gọi chúng tôi là “chú”, xưng “tôi”, đôi mắt ngầm ánh vẻ tinh nghịch. Hơn chúng tôi khoảng năm, sáu tuổi, về tuổi tác đáng mặt chị, nhưng Mận lại chưa có con, nhìn bề ngoài chẳng khác gì bọn con gái trong lớp. Hai thằng sinh viên trọ học thì như hai ông cụ non. Nhất là thằng Danh. Lúc trêu đùa tôi vẫn gọi nó là thằng “Ranh con”. Thằng “Ranh con” cận lòi đeo kính 7 đi ốp lúc nào cũng cắm đầu vào sách. Không giáo trình triết học, kinh tế chính trị học thì cũng “Chống Đuy-rinh”, “Gia đình thần thánh”, “Tiến lên dưới ngọn cờ…”.

Mận, da rám nắng, vai vuông. Tôi thích phụ nữ vai vuông. Nhìn những cô nàng vai vuông, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến lúc họ ngả mình ra giường, hai vai là hai điểm tựa khỏe mạnh, vững chãi.

Ông cứ tà tà nghe, đừng sốt ruột, tôi chưa quên cái vụ thật ảo lẫn lộn mà tôi định kể đâu. Sở dĩ phải vòng vo chút chút, vì muốn đưa ông nhập dần vào bầu khí quyển của câu chuyện.

Mận đẹp. Càng ngày tôi càng thấy đẹp. Giá như tôi không phải là thằng sinh viên trọ học. Giá như Mận chưa chồng. Giá như chồng Mận không phải là lính ngoài chiến trường… Những cái “giá như” giời ơi đất hỡi! Nhưng chúng cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Thâm tâm, tôi thích, và gọi thầm Mận bằng tên không: Mận. Thật nương nhẹ, trìu mến. Nhưng nói ra miệng với nhau hàng ngày thì vẫn bô bô “chị chị em em”.

Tuy thế, tôi vẫn đủ tỉnh táo để giữ vững hàng rào ngăn cách giữa tôi và Mận. Cho đến khi xảy ra chuyện cái đống rơm. Mận nhờ tôi đánh giúp cái đống rơm ở góc sân. Rơm mới, được nắng, thơm giòn. Tôi hăng hái trèo lên ngọn, dang tay đón từng bó rơm vàng óng cô ấy xêu lên ở đầu cây gậy tre. Chả hiểu do vụng về, do rơm bồng bềnh trơn trượt, hay vì chếnh choáng bởi thứ “từ trường” quá mạnh, quá nguy hiểm tỏa ra từ người đàn bà đứng dưới, mà tôi hoa mắt ngã nhào xuống. Mận vội vàng quăng gậy, ôm chầm lấy tôi. Tôi chỉ kịp cảm thấy đôi vú rắn chắc tì vào lưng mình. Chưa chuồi ra khỏi tấm thân nóng hổi thì cô ấy phá lên cười. Cười khanh khách. Tôi liếc vội vào nhà. Chỉ có mình bà cụ nghễnh ngãng đang ngồi cắm cúi bện chổi. Tiếng lá rụng ngoài ngõ có khi lọt tai cụ, nhưng tiếng cười khanh khách ngay trong sân thì trôi tuột qua. Mận cười thế chứ cười nữa cụ cũng chả thèm chấp.

Đêm ấy, chính cái đêm ngã từ trên nóc đống rơm xuống, tôi khoan khoái lịm đi trong một giấc ngủ sâu. Tỉnh dậy, mơ màng thấy ánh đèn le lói lọt qua khe tường. Buồng Mận ngăn cách với gian nhà ngoài – nơi có hai thằng sinh viên ở trọ – bằng bức tường tooc-xi lâu ngày đã nứt nẻ. Bên cạnh tôi, thằng Danh ngủ há mỏ. Tôi khẽ vén màn bước ra ngoài, rón rén tới sát bức tường, nín thở, ghé mắt nhìn qua cái khe hở.

Mận nằm trên giường. Giang rộng hai cánh tay trần. Đôi vai vuông như hai điểm tựa. Mái tóc hất ngược, cuồn cuộn trên chiếu như một dòng suối đen đổ xuống gần chạm đất. Ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ đặt trên chiếc ghế đẩu cạnh giường thỉnh thoảng bị gió lùa, run rẩy. Ánh sáng chập chờn. Thân thể người đàn bà cũng chập chờn như mời mọc. Tôi đứng chôn chân như thế một lúc lâu, rồi bỗng nhiên nấc lên thành tiếng. Cả người thoắt nhẹ bỗng như rơi vào khoảng chân không. Bằng cách nào đó, tôi đã ở bên cạnh người đàn bà mà tôi khao khát. Ngọn đèn tắt ngóm từ lúc nào. Tối mịt mùng. Trong bóng đêm đen đặc, tôi bập bềnh trôi giạt như bị sóng đánh. Những con sóng ấm áp khôn tả. Dềnh lên từng cơn. Đỉnh điểm khoái cảm, tôi rùng mình, bục vỡ…

Đúng lúc ấy có tiếng kẹt cửa. Tôi giật mình, choàng tỉnh. Hóa ra ban đêm Mận chỉ khép hờ cửa phòng. Gió lùa vào thổi tắt ngọn đèn hạt đỗ. Tôi thấy mình vẫn đang ở gian ngoài. Đang ngồi dựa lưng vào chân tường. Bàng hoàng thoát ra khỏi giấc mơ. Một giấc mơ như thật. Tôi, thằng thanh niên chưa vợ, đã từng trải qua không ít những giấc mơ như thế với phụ nữ. Bất giác tôi đưa tay xuống hạ bộ. Ướt đẫm, lạnh.

Tôi mò mẫm trong bóng tối, tìm khăn lau và chiếc quần lót để thay. Xong, quay ra đánh thức thằng Danh:

– Này, dậy đi!… Đói quá.

Đây không phải lần đầu chúng tôi thức nhau dậy vì đói. Suốt quãng đời sinh viên là cơn đói trường kỳ. Đói nhất lại là mấy năm đi sơ tán. Quen rồi nên Danh không cằn nhằn nửa câu. Hắn chỉ kịp xỏ chân vào chiếc quần dài rồi lập cập theo tôi ra ngõ.

Từ nhà trọ phải băng qua cánh đồng mới tới cái quán nhỏ đầu cầu bắc qua con kênh đào. Quán bán nước chè, kẹo lạc, thuốc lá và bánh chưng. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, xinh xinh, nhỉnh hơn bao thuốc lá. Những chiếc bánh làm dịu cơn đói muộn. Bà chủ đóng cửa quán từ chập tối, nhưng chúng tôi là khách quen, nửa đêm đến gọi bà cũng dậy châm đèn…

Ra giữa cánh đồng trống, hai thằng đi sát vào nhau. Qua miếu Bà Cả, tôi hơi khựng lại.

Miếu Bà Cả nằm dưới gốc cây si già cành lá um tùm. Nghe đồn ngôi miếu cực thiêng. Bà Cả ngày xưa không chồng, nhưng có cả đàn con. Mỗi lần muốn có thêm đứa con thì trên đường đi chợ, đi làm đồng, đi mò cua bắt ốc, bà chỉ việc ướm chân mình vào dấu chân đàn ông lạ. Đến đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, dân làng Sầu vẫn tin vào cái truyền thuyết bất hủ ấy của làng. Trên nền miếu Bà, ngay gần cửa ra vào, có sẵn hai vết chân mờ mờ. Nền gạch cũ bợt bạt, nhưng hình thù hai vết chân chưa lúc nào mất. Đàn bà con gái làng Sầu, người nào có nguy cơ mắc chứng vô sinh, chịu khó vài lần thành tâm mang lễ vật đến thắp hương xin Bà ban phép lạ, rồi nhẹ nhàng ướm chân mình lên vết chân thần. Thấy hai bàn chân nóng lên là phép màu ứng nghiệm. Những đứa trẻ lộc rơi lộc vãi của Bà Cả bao giờ cũng mạnh khỏe, sáng láng.

Tôi nhìn ngôi miếu tối om dưới tán cây, trong đầu chợt nghĩ: dẫm lên vết chân người khác mà dính bầu, vậy còn làm tình với nhau trong mơ? Cái câu hỏi ấy khiến tôi xao xuyến, bồi hồi mãi một nỗi gì không đâu”.

*

*    *

Hảo ngồi dậy chỉ để chiêu ngụm nước rồi lại nằm ngay xuống, tiếp tục mạch chuyện.

“Sau cái đêm ấy khoảng một tháng thì đình chiến, chúng tôi được về Hà Nội. Chấm dứt mấy năm sơ tán thiếu thốn gian khổ. Không nói ông cũng biết chúng tôi vui mừng như thế nào. Riêng tôi có chút lấn cấn với làng Sầu, với Mận. Mối giao cảm bí ẩn giữa tôi và cô ấy cứ thấp thoáng, vướng vít đâu đó. Tôi phải cố gạt đi và tự nhủ: thôi, chẳng qua là tuổi trẻ, thèm khát, rồi mơ tưởng hão huyền. Thực tế đâu có gì? Nhìn thái độ cô ấy đủ biết. Chúng tôi sắp rời đi mà cô ấy vẫn bình thản làm lụng, bình thản thu vén việc đồng áng nhà cửa. Vẫn chuyện trò, cười nói như không.

Chỉ đến buổi tối hôm cuối cùng… Tối đó tôi sang nhà thằng bạn cùng lớp ở xóm bên để đòi lại mấy quyển sách. Ngồi tán phét với nó một lúc, khi ra về, làng xóm đã yên ắng lắm. Dân ở đây buổi tối đi ngủ rất sớm, tầm hơn bảy giờ đèn đóm tắt hết. Đêm cuối tháng, trời lất phất mưa. Tôi lần theo cái lối mòn đi lên đồi.

Lên gần đến đỉnh, ngang qua cái sân kho hợp tác xã, tôi giật mình nghe tiếng gọi:

– Hảo!

Tiếng Mận. Khẽ, chỉ vừa đủ nghe. Chưa kịp nhìn rõ người thì cô ấy đã tới sát bên, kéo tôi vào dưới hiên nhà kho.

– Đi đâu về?

– Em sang xóm Giếng lấy quyển sách.

– Lấy sách mà mất biệt cả buổi tối… Mai mấy giờ đi?

– Bảy giờ. Bọn em phải cuốc bộ ra Cầu Mây, đón chuyến xe tám giờ.

– Bảy giờ mai đi rồi, sao không nói gì?

Tôi ớ người. Còn nói gì nữa? Chúng tôi về Hà Nội thì cả làng Sầu biết. Tôi và thằng Danh cũng đã cảm ơn ông bà chủ nhà. Giặt giũ, phơi phóng chăn màn. Gói ghém quần áo, sách vở… Mọi thứ dọn dẹp, thu xếp tinh tươm ngay trước mắt Mận.

Mận xoay người, ngồi thụp xuống, úp mặt vào hai lòng bàn tay. Tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra, và chỉ muốn ngồi xuống ngay bên Mận. Muốn vô cùng. Ngồi xuống ôm lấy đôi vai cô. Nhưng chân tôi vẫn như chôn xuống đất. Cuối cùng, chính cô ấy lại đứng lên ôm lấy tôi. Vuốt nhẹ tay lên tóc tôi: “Mưa ướt hết rồi này”. Giọng Mận thoảng đi. Người cô run khẽ. Đôi môi lành lạnh cà lên mặt, lên cổ tôi. Những cái hôn thoạt đầu còn rụt rè, sau càng lúc càng ráo riết. Hôn như thể sắp có người đi qua bắt gặp, hoặc đêm tối đột nhiên bừng sáng.

Sách tuột khỏi tay tôi rơi xuống đất. Mặc kệ sách. Tôi chỉ sợ cái thân thể người đàn bà có thật đang hừng hực này lại biến mất khỏi vòng tay mình như trong giấc mơ. Người tôi chếnh choáng. Cảm giác y hệt đêm nào trong căn buồng tối mịt mùng.

Nhưng Mận đã nhẹ nhàng đẩy tôi ra. Cột lại tóc. Rồi bất đồ đưa tay túm chặt lấy thằng bé của tôi. Trong quần, cu cậu chưa kịp hạ hỏa, cứng ngắc.

– Thôi, về.

Mận thả tay ra, cười khẽ”.

*

*    *

– Bố khỉ! – Tôi ngồi bật dậy –  Tỉnh cả ngủ!

– Vậy à? Thế để tôi kể tiếp nhé?

– Khoan đã…

Tôi thả chân xuống quờ quạng tìm đôi dép, bụng nghĩ: đằng nào cũng thức rồi. May ngày mai đi chơi. Sáng mai, theo kế hoạch, một người bạn Việt sinh sống ở bên này sẽ đưa chúng tôi đi tham quan hồ Balaton. Vậy đêm nay mất ngủ cũng không sao. Hảo đang say chuyện. Còn tôi thì say nghe.

Chờ cho tôi đi toilet xong yên chí leo lên giường đắp chăn, Hảo lại nhẩn nha kể tiếp.

“Sáng hôm sau, tôi và thằng Danh khoác ba lô, chào ông bà chủ để ra chỗ tập trung. Bà cụ nghễnh ngãng nghe nói chúng tôi về Hà Nội, nghiêng tai hỏi:

– Bộ đội… Lại đi bộ đội nữa à?

– Hà Nội! Hà Nội! Không phải bộ đội. Chúng con về Hà Nội.

Nhìn vẻ mặt ngơ ngơ của cụ bà, cụ ông hạ thấp giọng:

– Hết bom Mỹ rồi. Hòa bình rồi. Thằng Kỳ nhà mình sắp về đấy.

Nhẹ nhàng thế hóa ra bà cụ lại nghe thủng. Bà gật gật đầu.

Tôi liếc Mận. Cô ấy đứng ở cửa buồng nhìn ra. Hình như cô ấy định mỉm cười, nhưng không cười nổi. Nụ cười chưa kịp nở, môi đã mím ngay lại. Tôi quay mặt, bước nhanh ra ngõ.

Về Hà Nội, chúng tôi bận bịu thu xếp nơi ăn chốn ở, dọn dẹp trường lớp, học bù quãng thời gian nghỉ học làm các việc linh tinh ở nơi sơ tán. Cái làng nhỏ vùng trung du với những kỉ niệm vui buồn lẫn lộn tạm cất vào một góc trong lòng. Cho đến lúc tôi giật mình nghe tin Mận có bầu. Tin này phát ra từ thằng Danh. Nó nghe được từ đâu không rõ. Sau thì mọi người trong lớp đều biết. Tôi không còn lý do gì để bán tín bán nghi nữa. Ông hỏi tôi thấy thế nào ấy à? Thú thật, mới đầu hơi chột dạ. May là mình chỉ nằm mơ. Biết cô ấy nồng nàn, cháy bỏng, lại đằng đẵng xa chồng, nhưng trong bụng vẫn ghen ghen. Vừa ghen vừa ái ngại. Nay mai, nếu chồng cô ấy về…

Nhưng hình như mọi chuyện không đến nỗi quá tệ. Khi Kỳ từ chiến trường trở về với mảnh đạn găm trong đầu, thấy vợ ở nhà có đứa con nhỏ, anh chỉ cười hề hề. Thậm chí người thương binh ấy còn buông một câu nhẹ tênh: cá vào ao nhà ai nhà nấy được.

Bẵng đi hơn mười năm nữa… Tôi ra trường, đi làm, lấy vợ, sinh con. Lúc ấy đang là cán bộ của tổng cục T. Một lần nhân dịp đi công tác về tỉnh H, xong việc sớm, tôi mượn xe máy về thăm lại Sầu.

Làng không còn như xưa. Nhiều nhà mới xây. Con đường mòn từ xóm trọ ngày trước băng qua cánh đồng ra quán nước đầu cầu giờ lát bê tông, sạch sẽ và rộng thoáng. Quán nước không còn. Cầu tre cũng thay bằng cầu xi măng. Nhận ra mình đã đi quá miếu Bà Cả, tôi vòng xe lại. Hóa ra ngôi miếu được tân trang, mái ngói đỏ tươi. Bức tường xung quanh gắn lưới thép. Cổng vào khóa chặt, nên không biết trên nền miếu có còn vết chân thần?

Tìm đến nhà Mận, bắt gặp một ông già cởi trần, gầy tong teo, tóc húi cua bạc trắng ngồi trên hè. Tôi mau mồm mau miệng:

– Chào cụ.

Ông già nhìn tôi với ánh mắt là lạ.

– Con đây, Hảo đây. Cụ còn nhận ra con không?

Hỏi xong, sực nghĩ: mình nhìn cụ còn thấy khác quá, làm sao cụ nhận ra mình?

Vừa lúc ấy, một cô bé chừng mười một, mười hai tuổi từ trong nhà tong tả chạy ra:

– Bố cháu mắt kém, chả nhìn rõ đâu. Chú là?…

Tôi giật mình. Bỏ mẹ. Con bé này là con gái Mận. Còn ông già kia, hóa ra là… anh Kỳ!

– Chú xin lỗi – Tôi vội quay sang nói với con bé – Hồi chiến tranh đi sơ tán, chú trọ học ở nhà cháu.

– A, cháu biết. Chú là chú Hảo, đúng không?

Nghe con bé nói tên mình, tôi nhẹ cả người.

Trưa, từ ngoài đồng về, vừa nhìn thấy tôi, Mận dỗi:

– Tưởng chú không còn nhớ đường về Sầu.

Tôi tìm cách lảng sang chuyện khác. Thì ra ông bà cụ thân sinh anh Kỳ đã mất cách đây mấy năm. Bà cụ ra đi êm ả nhẹ nhõm, đúng kiểu ra đi của những người đã sớm bỏ ngoài tai mọi sự nhốn nháo ở đời. Còn ông cụ lúc cuối đời cứ ngậm ngùi tiếc vì chưa một lần được về chơi Hà Nội. Mận bảo lúc sắp đi trên giường bệnh, ông cụ vẫn nhắc tôi…

Đang nghe Mận kể thì bất đồ từ ngoài hè, anh Kỳ cất giọng ngân nga một câu vọng cổ. Giọng lào phào vì mất mấy chiếc răng cửa, lúc rướn lên nghe như sắp đứt hơi. Anh hát câu gì mà có đường làng ngày xưa, lũy tre soi bóng, trách ai hờ hững quên tháng quên năm, quên lối đi về, để cho ai phải tuổi xanh mỏi mòn chờ đợi. Dứt câu hát anh còn tằng tắng tăng tăng đệm theo khúc đàn mồm. Con Mùi, con gái Mận, mặt tỉnh queo, vỗ tay bồm bộp, bắt chước giọng Nam bộ:

– Xuống sề ngọt ha!

Chị Mận nguýt con, rồi quay sang tôi nói khẽ:

– Bệnh tình anh ấy càng ngày càng nặng, chú ạ.

Ăn cơm xong, anh Kỳ đi nằm. Mận nói:

– Tôi lo lắm. Hồi mới về nhà thì dễ thế, vui thế. Giờ đâm dở người. Hôm nay thấy Hảo đến chơi, hình như anh ấy cũng biết giữ ý đấy. Chứ như mọi hôm, ăn xong là đùng đùng nổi cơn, cởi quần áo, kêu toáng lên cháy cháy, nóng quá nóng quá! Rồi cứ thế chạy ra giếng, hối hả múc nước dội lên người uồm uồm.

– Thì bây giờ cũng đang mùa hè, nóng thật mà?

– Hè cũng như đông. Mùa đông, anh ấy còn dội ướt hết cả chăn chiếu trong nhà cơ.

Tôi không ngờ lần ấy là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh Kỳ. Khi về lại Hà Nội, chỉ vài tháng sau được tin anh mất. Cơn mê sảng về những đám cháy bất thường khiến anh phát điên, giữa trưa lao đầu xuống giếng – cái giếng đá ong sâu hút ở góc sân. Hàng xóm láng giềng xúm vào loay hoay mãi lôi được anh lên thì đã muộn.

Tôi lại mải mốt về Sầu dự đám tang anh Kỳ. Con Mùi thấy tôi về thì mừng. Bố chết, chỉ có hai mẹ con xoay sở tránh sao khỏi bối rối. Mấy năm cuối cùng trong đời, anh Kỳ như người ở cõi khác, tình cảm giữa hai bố con nó cũng không được thân thiết gắn bó như những người bình thường. Mấy ngày ở Sầu, con bé thổ lộ với tôi nguyện vọng của nó là được theo học ngành y.

Rồi nó thi đại học, đỗ vào trường y thật.

Hôm tựu trường, Mận đích thân dẫn con gái về Hà Nội.

Đưa con đến trường, lo tìm chỗ trọ học, mua sắm cho con những vật dụng cần thiết để sống xa nhà… Mấy ngày tất bật, xong việc, Mận bất ngờ bảo tôi thuê cho cô một phòng ở khách sạn để nghỉ qua đêm.

Tôi nghĩ bụng, bà này vẽ chuyện nhỉ? Bao nhiêu năm thui thủi ở quê, giờ có tí việc ra Hà Nội cũng bày đặt thuê khách sạn.

– Sạn siếc gì, nhiêu khê. Chị chịu khó về nghỉ tạm phòng khách ở chỗ em.

Chỗ tôi ở là khu tập thể độc thân của cơ quan. Vợ con tôi ở tỉnh xa. Hơn mười năm làm việc ở Hà Nội, một mình tôi sống trong khu tập thể này.

– Tôi không muốn phiền cơ quan chú. Chú cứ thuê giúp tôi một phòng ở ngoài. Tôi có tiền. Tiếc gì.

Tôi đành chiều ý Mận. Nhận phòng xong, Mận dặn:

– Ngày mai tôi ngược Sầu. Tối nay chú không bận, đến chở tôi đi loanh quanh mấy nơi. Chả nhẽ mang tiếng về Thủ đô mà không biết chỗ nào Bờ Hồ, chỗ nào công viên Thống Nhất.

Rồi nhìn tôi, cười:

– Bao nhiêu năm đầu tắt mặt tối, giờ mới được mấy ngày thong dong đấy.

Câu nói nửa đùa nửa thật khiến tôi chạnh lòng.

Tối, tôi đến khách sạn. Định ngồi dưới sảnh gọi cô ấy xuống, nhưng cậu lễ tân lễ phép: “Chú gửi xe ở dưới rồi lên phòng chờ cô. Cô dặn có việc muốn nhờ chú”.

Tôi lên phòng. Cửa phòng hé mở. Tôi lách vào.

Quay người, chốt cửa.

Năm ấy tôi xấp xỉ bốn mươi, không quá trẻ nhưng chưa thể nói là già. Ngoài vợ cũng còn một hai cuộc tình bèo mây thoáng qua. Cái hành động quay người chốt cửa là hành động của kẻ đã từng nếm trải mùi vị của những cuộc hẹn hò ở những nơi chốn kín đáo. Thấy cửa phòng tắm khép kín, đèn bên trong hắt sáng ô kính mờ, tôi lặng lẽ ngồi đợi. Xung quanh lặng như tờ. Lắng tai mới nghe tiếng nước chảy róc rách khe khẽ. Lát sau Mận từ trong nhón chân bước ra. Linh cảm của tôi không sai. Trên người cô chỉ quấn hờ chiếc khăn bông. Đôi vai trần lồ lộ. Tôi không còn lúng túng, cứng đờ như thời mười tám đôi mươi nữa.

Chúng tôi ập vào nhau. Như là chuyện đương nhiên, sau rất nhiều những dền dứ, ngập ngừng, câm lặng. Mận yêu tôi như Trời chỉ cho yêu một lần này. Yêu như mấy chục năm nhịn yêu để dành cho lần duy nhất. Mái tóc mềm hất ngược, xõa dài trên giường như con suối đen. Giữa cơn yêu hôn cuồng nhiệt, tôi bất ngờ nhận ra mùi rơm mới được nắng thơm nồng – mùi hương trên thân thể người đàn bà từ nhiều năm trước, tưởng đã bay đi mất.

Mận nghẹn ngào thốt ra những âm thanh rất lạ. Rồi đột nhiên cô la hoảng: “Ôi anh ơi! Cắn đi. Cắn em đi”. Tôi chưa kịp hiểu gì thì Mận túm chặt mớ tóc sau gáy tôi, ghì sát đầu tôi vào ngực cô: “Cắn đi”. Tôi vội vàng làm theo. Nhưng cũng chỉ dám bập nhẹ răng vào một bên bầu vú trắng mềm. “Cắn đau vào” – Mận hét to. Tôi cắn. Mận giật mình, oằn người lên một cái rồi từ từ duỗi ra…

Mận khóc lặng lẽ. Nước mắt chảy ướt gối. Tôi nhỏm dậy tìm chiếc khăn, nhưng cô dịu dàng kéo tay tôi lại:

– Nằm xuống đây với em.

Cô gối đầu lên tay tôi:

– Quay đi quay lại đã hai mươi năm rồi đấy anh.

– Em bảo sao?

– Em bảo hai mươi năm.Tính từ lần đầu tiên…

Tôi lắng tai. Mận đang nói về chuyện gì? Lần đầu tiên nào?

– Sau cái đêm đầu tiên ở Sầu ấy, em cứ như người sống trên mây – Mận không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi – Thân thể anh, gương mặt anh, mùi mồ hôi của anh, mái tóc cờm cợp của anh lúc nào cũng lởn vởn trong đầu em, quanh quất bên em. Rồi cả cái lúc anh nhón chân ra ngoài, vấp vào bậc cửa. Em điếng hồn. Bà cụ nghễnh ngãng không sao, nhưng chú Danh nằm nhà ngoài trở mình… Suốt hai mươi năm, không lúc nào em thôi nghĩ về anh. Nghĩ nhiều quá lắm lúc đâm quẩn. Rồi hoảng lên tự hỏi: có thật là có cái đêm hôm ấy không? Có thật là anh đã yêu, đã ngủ với em? Yêu sao bẵng đi cả chục năm không thèm về Sầu? Hay em nằm mơ? Nhưng nằm mơ thì làm sao lại có con Mùi? Con Mùi bằng xương bằng thịt sờ sờ ra kia. Thế mà vẫn thắc thỏm, chỉ sợ đột nhiên nó biến đi mất. Nửa tỉnh nửa mê, nửa tin nửa ngờ. Cứ vùng vẫy quẫy đạp, nửa nọ nửa kia như thế…

Chắc ông nghĩ rằng đến đó thì tôi phải bật ngay dậy chứ gì? Ít nhất thì cũng phải làm cho ra nhẽ: có đúng là nửa đêm hôm ấy, tôi đã chui vào buồng Mận, đã ngủ với Mận? Và con Mùi chính là con tôi, là kết quả cuộc tình một đêm của tôi với người đàn bà làng Sầu? Nhưng không hiểu sao tôi không bật dậy được ông ạ. Tai tôi ù đi. Tôi nằm cứng đơ như một tên tội phạm trốn lệnh truy nã bất ngờ bị phát giác. Những câu hỏi của Mận đay đi đay lại trong đầu tôi. Suốt hai mươi năm, cô ấy đau đáu đi tìm câu trả lời. Còn tôi, suốt hai mươi năm, chưa khi nào tôi tỉnh giấc mơ. Chưa khi nào tôi đủ hoài nghi để đi tìm tình yêu cho mình.

Mận bật cười khúc khích, dụi đầu vào ngực tôi:

– Sao đêm ấy anh không cắn cho em một nhát.

Thấy tôi im, Mận hỏi:

– Biết để làm gì không?

Rồi tự trả lời:

– Để em tin là anh có thật. Tin là anh đang yêu em thật. Như bây giờ ấy.

Mận cầm tay tôi đặt lên vú cô. Chỗ có vết răng tôi bập vào.

Đêm ấy tôi ngủ lại khách sạn. Mận kể thêm cho tôi nghe về Kỳ. Chuyện Kỳ từ chiến trường về thấy vợ ở nhà có con vẫn thản nhiên “cá vào ai nhà ai nhà nấy được”. Nhưng Kỳ xử sự như vậy chỉ cốt để nhà yên cửa ấm. Giống như mảnh đạn còn găm trong đầu, cái vết thương ủ kĩ ấy chờ dịp bùng phát. Nghe ai đó đùa ác, nói Mùi không phải con Kỳ mà là… con Bà Cả, Kỳ tức tốc về nhà hỏi vợ: Bà Cả nào? Biết đầu óc chồng lúc này không còn bình thường, Mận buột miệng cho qua chuyện: Bà Cả ngoài đồng chứ Bà Cả nào? Bà cho đấy. Kỳ lặng thinh. Nửa đêm hôm sau, ngôi miếu cổ bất ngờ phát hỏa, cháy rừng rực. Chỉ một mình Mận biết ai là người tưới xăng đốt miếu, nhưng lại không biết Kỳ nhảy xuống giếng là do đâu? Do mảnh đạn trong đầu Kỳ tác oai tác quái? Do Bà Cả trách phạt? Hay do vết thương chính Mận gây ra cho chồng?

Lúc gần sáng tôi chợt thức giấc, thấy Mận ngồi trên giường, tấm chăn mỏng tụt xuống dưới bụng. Hai tay cô đang nâng bầu ngực trần. Trong ánh hồng buổi rạng đông hắt qua tấm rèm mỏng che cửa sổ, vết bầm do răng cắn vẫn còn hằn trên vú Mận. Mận chăm chú ngắm nhìn vết cắn và mỉm cười.

Tôi cũng mỉm cười, yên chí thiếp đi. Không ngờ tỉnh ra sau cái giấc ngủ thêm ngủ nếm ấy, chỉ thấy trong phòng còn trơ lại mình mình.

Dưới quầy, cậu lễ tân lễ phép: “Cô đã thanh toán tiền phòng, bắt taxi ra bến xe khách từ sớm”.

*

*    *

“Mận về Sầu ngay trong buổi sáng hôm đó. Và cũng từ đó, cô ấy không bao giờ đả động đến chuyện tình cảm riêng tư của hai chúng tôi nữa. Không bao giờ, ông ạ. Cứ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cô ấy lại gọi tôi là chú, xưng tôi, tự nhiên hơn cả cái hồi tôi mới đến nhà cô trọ học. Khi con Mùi còn ở trong nước, những lần đi Hà Nội thăm nó, cô đều ghé qua chỗ tôi, mang theo những món quà quê, khi thì cân gạo nếp, mấy lạng bột sắn, có lần còn xách theo cả quả mít, con gà… Lần nào cũng tỏ ra rất vui. Vui vì lâu lâu được rời làng đi đây đi đó. Vui vì con Mùi học giỏi, sau này ra trường làm chuyên môn cũng giỏi. Cười nói, chào hỏi tất cả mọi người trong khu tập thể. Vui thật hay cố làm ra vẻ vui để khỏa lấp điều gì thì tôi chịu. Nhìn cô ấy chẳng khác gì bà chị ở quê ra thăm em. Ông bảo thế có điên không? Thoắt cái lại thành người khác, thay đổi chóng mặt mà không hề có dấu hiệu báo trước. Tôi chịu, không hiểu được đàn bà. Đàn bà  ghê gớm. Đùng phát họ biến mình thành kẻ lẽo đẽo theo sau họ”…

Hảo lặng đi hồi lâu.

“Nhưng may tôi còn con Mùi. Nó nhận ra tôi, ông ạ. Tôi không nói, và chắc mẹ nó cũng không nói. Nhưng nó nhận ra. Bằng thứ linh giác câm lặng chỉ có ở những kẻ cùng chung dòng máu. Mấy năm cuối ở trường đại học, nó gọi tôi là “bố”. Lúc đầu chỉ là vui vui, thân tình thôi. Đáp lại, tôi cũng gọi nó là “con”. Rồi đến khi nó ra trường, đi làm, lấy chồng… Tôi coi con Mùi chẳng khác gì những đứa con tôi ở quê. Nhưng vẫn không ai nói thêm một câu về cái mối quan hệ thầm kín, thiêng liêng ấy. Chúng tôi tự hiểu. Giống như tôi với mẹ nó. Thế là đủ”.

Tôi tò mò định hỏi Hảo thêm mấy câu, nhưng nhìn ra cửa kính thấy trời đã rạng. Thoáng cái trọn một đêm thức trắng nghe chuyện. Hảo ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường:

– Bảy giờ xe đến đón. Dậy sửa soạn một tí cho kịp ông ạ.

Mười phút trước khi xe đến, Hảo cạo râu, thay bộ đồ mới, xỏ giày, đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa xoa cằm. Nhìn anh lúc này bỗng thấy trẻ trung hơn hẳn hôm mới gặp. Đúng giờ, chúng tôi ra thang máy.

Chiếc xe hơi bốn chỗ đợi sẵn dưới đường. Một phụ nữ xinh đẹp, tươi cười từ trong xe bước ra. Hảo vui vẻ giới thiệu tôi với cô. Xong, anh cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng không giấu nổi chút kiêu hãnh:

– Đây là Mùi, con gái tôi. Hai vợ chồng cháu định cư ở bên này, đều là tiến sĩ y khoa, cùng làm việc trong một bệnh viện ở Budapest. Hôm nay được nghỉ, cháu tình nguyện làm lái xe và hướng dẫn viên du lịch cho bố và chú.

2017 – 2021
TRẦN ĐỨC TIẾN

 

1 comment

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu