Chuyện đạo văn với góc nhìn từ Mỹ – Nguyễn Minh Phương

VTH – Mình là người rất cứng rắn trong vấn đề vi phạm bản quyền hay nói cách khác là “đạo văn”, cũng vì thái độ đó mà mình đã từng bị “ném đá” một thời trên một trang web văn chương nhưng mình vẫn giữ vững quan điểm này vì mình cho đó là ý thức của một công dân văn minh.
Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day), vuthanhhoa.net đăng một bài viết của một người từ Mỹ nói về chuyện vi phạm bản quyền:

Chuyện đạo văn ở Việt Nam quá phổ biến. Chưa đầy một tích-tắc sau khi gõ từ khóa về thông tin bạn cần, có thể thấy hàng loạt bài báo giống nhau, được sao đi chép lại nhiều lần, có chỗ ghi nguồn trích dẫn, nhưng đại bộ phận là không ghi ở đâu cả.

122

Người viết may ra được nhận tiền nhuận bút ở một tờ báo là may lắm rồi, còn sau đó thì những đứa con tinh thần cứ trôi nổi khắp nơi. Nhiều người cho rằng chuyện đạo văn ở ta “xưa như trái đất” và chuyện sao chép của người khác thậm chí cả đoạn văn, cả trang dài mà không trích dẫn, được coi là đương nhiên. Những người bị đạo văn thường được an ủi một câu “Việt Nam mà, làm thế nào được!”

Thông thường có hai khả năng đạo văn. Thứ nhất, người đạo văn không hiểu thế nào là đạo văn; thứ hai, biết đạo văn là vi phạm Luật bản quyền tác giả mà vẫn cứ làm.

Trường hợp thứ nhất có lẽ bắt nguồn từ triết lý giáo dục của Khổng Tử. Học sinh có trách nhiệm phải học chữ thánh hiền, học thuộc lòng thật nhiều chữ của thầy và tích lũy thành tri thức của mình, chính là đạt được mục đích học tập. Tuy nhiên, với tư duy của nền giáo dục Tây phương thì việc “đứng trên vai người khổng lồ” là rất nên làm, nhưng phải ghi nhận công lao của người khổng lồ đó. Có nghĩa là dùng tri thức của người khác thoải mái nhưng phải trích dẫn tên tuổi và công trình họ làm ra. Trường hợp thứ hai, biết là phạm luật nhưng vẫn cứ làm vì như thế sẽ rút ngắn đường đi tới đích lại tốn kém ít thời gian và công sức.

Điều này thực hiện khá dễ dàng với công nghệ “cắt dán” bằng máy tính và thời buổi anh bạn Google mang đến thông tin chúng ta cần chỉ chưa đầy một giây sau cái nhấn chuột. Quan trọng hơn cả là không mấy ai kiểm chứng nguồn thông tin sao chép và việc đạo văn được dễ dàng chấp nhận như một lẽ thường tình.

Chuyện đạo văn không chỉ phổ biến ở nước ta. Ở Hoa Kỳ, thực trạng chung là sinh viên ngoại quốc, nhất là từ Trung Quốc, Ấn độ sang học tại các trường đại học của Mỹ cũng vô tình sao chép thông tin nhưng không trích dẫn nguồn. Theo Giáo sư Ross Feldberg, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Đại học Tufts, Massachusetts, sinh viên cao học và tiến sỹ, thậm chí các nhà khoa học khi trích dẫn từ các công trình đã nghiên cứu trước đây, cũng mắc phải chuyện đạo văn. Điều này có thể hiểu được vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nên họ khó có thể diễn đạt ý tưởng của mình bằng vốn từ tiếng Anh hạn chế đó.

Để cho an toàn, họ dùng lại những từ hay thuật ngữ trong văn bản họ đọc được vào trong công trình nghiên cứu của mình. Đó chính là đạo văn. Những ai muốn có được tấm bằng tốt nghiệp cả đại học và sau đại học ở Hoa Kỳ, phải học cách trích dẫn nguồn và không được đạo văn. Nói cách khác, dù bạn viết có dở một chút nhưng phải đúng là lời lẽ của bạn, nếu trích dẫn ý tưởng hoặc lời văn, câu chữ của ai, bạn phải ghi rõ ra theo những cách trích dẫn đã được hướng dẫn thống nhất trong từng ngành học.

Việc đạo văn ở Mỹ là không thể chấp nhận nên ngay từ nhỏ các em học sinh đã được dạy về đạo đức trong học tập là phải trung thực khi viết bài, không đánh cắp ý tưởng hoặc sao chép thông tin của người khác. Nếu dùng thông tin của người khác thì cần phải có lời trích dẫn tên và nguồn trích dẫn. Học sinh tiểu học đã được dạy về bản quyền tác giả.

Nếu ai muốn viết báo hoặc chụp ảnh, ghi hình về một lớp học ở trường tiểu học, tác giả phải xin phép phụ huynh học sinh. Mỗi học sinh sẽ mang một tờ Giấy cam kết về nhà cho cha mẹ ký, đồng ý cho phép con em họ được chụp ảnh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ cần một trong số học sinh của cả lớp không đồng ý cho đưa ảnh của mình lên mặt báo thì bức ảnh đó sẽ hoặc là không được dùng, hoặc ảnh của người không đồng ý bị che đi.

Lên đại học, điều đầu tiên sinh viên năm thứ nhất được dạy là “Không được đạo văn”. Lời cảnh báo này được để ngay trên trang mạng của trường, và nó được lặp đi lặp lại trong các buổi hướng dẫn phương pháp học ở đại học. Đương nhiên, giáo sư là người luôn nhắc nhở, phát hiện, giúp sinh viên hiểu thế nào là đạo văn và tránh làm điều đó.

Các trường đại học thường có biện pháp chống đạo văn của sinh viên. Cũng theo giáo sư Ross Feldberg, Đại học Tufts đã dùng dịch vụ của công ty Turnitin để kiểm tra thông tin bài viết có bị đạo văn hay không. Quy trình như sau: trước tiên, sinh viên gửi bài kiểm tra, bài luận, hoặc bài thi tới công ty này. Họ dùng phần mềm để so sánh bài viết với các thông tin có sẵn trên Internet và gạch đỏ những đoạn văn nào được coi là sao chép. Sau đó họ sẽ gửi lại cho giáo sư. Khi giáo sư kiểm tra, nếu sinh viên có ghi nguồn trích dẫn thì bài viết đạt yêu cầu. Nếu không ghi rõ thì sinh viên đó đã đạo văn và bài thi không đạt yêu cầu.

Ra ngoài thực tế cuộc sống, nếu đạo văn thì đương nhiên có luật pháp can thiệp và khi đó, cả một sự nghiệp có thể đi tong chỉ vì chuyện đạo văn. Ở Việt Nam, luật pháp có không? Có chứ! Luật Báo chí, Luật Bản quyền Tác giả, Luật Sở hữu Trí tuệ. Có đủ cả. Nhưng vấn đề ở chỗ là luật không được tôn trọng. Kể cả người làm báo cũng coi thường pháp luật.

docsach3

Một ví dụ cho thấy, một cộng tác viên của báo Hoa Học trò đã ngang nhiên dùng thông tin, ảnh và bài viết của một nhóm tác giả ở Mỹ, để viết bài của mình. Bài báo đó mới viết ra đang trao đổi trong nhóm để chỉnh sửa đã bị lấy và đăng thành bài của mình đánh cắp. Khi bị phát hiện, cộng tác viên này không hiểu đó là đạo văn mà chỉ là “sơ ý trong khi khai thác thông tin”. Để sửa chữa “khuyết điểm không đáng kể” này, người đó đề nghị vẫn giữ nguyên bài báo của mình, chỉ trích dẫn tên của tác giả bài báo gốc mặc dù 100% thông tin không phải do tác giả đó tự thu lượm.

Trên thực tế người đó không có mặt ở sự kiện trong phóng sự của mình mà đọc nguồn tư liệu chưa xuất bản của người khác để sử dụng cho mình. Rất may, tòa soạn báo Hoa Học trò đã nghiêm khắc xử lý vụ việc và dỡ bỏ bài báo đó ngay lập tức.

Nghiêm trọng hơn là ngay cả những người có học vị tiến sỹ và giữ vai trò chủ chốt trong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng còn đạo văn một cách vô tư. Người viết bài này trong một lần tìm kiếm thông tin về giáo dục đại học Việt Nam đã đọc được bài viết của một vị tiến sỹ có tựa đề “Vietnam Higher Education – Reform for the Nation’s Development” (NTLH, 2008). Nói về những hạn chế và yếu kém của hệ thống giáo dục (tr. 3 & 6), tác giả đã sao chép ba đoạn văn từ văn bản “Vietnam Higher Education Reform Agenda 2006 – 2020” (3) tại trang 6, không sai đến một dấu chấm và không hề trích dẫn (xem các đường dẫn kèm theo).

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ở các trường đai học có biết bao nhiêu chuyện về dịch vụ làm luận văn tốt nghiệp. Có những nhà máy sản xuất đồ án tốt nghiệp và luận văn cao học chỉ mất một tuần. Người làm việc này chuyên cắt dán thông tin, xào xáo và cho ra lò hàng loạt công trình nghiên cứu rởm. Và đương nhiên, sản sinh ra hàng loạt các nhà khoa học rởm với những tấm bằng rởm. Ở một trường đại học danh tiếng, hàng năm có hàng trăm luận văn tốt nghiệp chung một đề tài. Chỉ cần ra hàng photocopy trong trường với vài triệu đồng là có thể có một luận văn trong tay. Vậy bao giờ chúng ta mới

theo kịp được các nước trên thế giới? Mục đích của Chiến lược Phát triển Giáo dục Đại học giai đoạn 2006-2020 là đến năm 2020, chúng ta phải lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu thế giới. E rằng, chỉ cần Turnitin ra tay, thì hàng triệu công trình khoa học rởm xuất hiện, không biết đặt nền đại học nước nhà ở chỗ nào?

Một xã hội văn minh là phải biết tôn trọng các giá trị trí tuệ, tôn trọng pháp luật và làm việc mang tính chuyên nghiệp. Chúng ta đang tiến đến xã hội văn minh đó. Vậy phải có cách nào ngăn chặn được hành vi kém hiểu biết, kém văn minh là đạo văn trong sinh viên đại học? Làm sao ngăn chặn được lối đạo văn bừa bãi của một số cộng tác viên non tay, mới bước vào nghề làm báo? Làm sao cho các trường đại học được nghiêm chỉnh và báo chí nước nhà phải chuyên nghiệp và tôn trọng pháp luật.

Theo số thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), hàng năm Việt Nam có khoảng 15 nghìn sinh viên du học tại Mỹ. Nhiều sinh viên học tập tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. May mắn cho sinh viên học ở nước ngoài được dạy về ý thức tuyệt đối không đạo văn.

Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với 2,1 triệu sinh viên hiện nay của nước ta. Giáo dục đại học có mục đích cung cấp nguồn lực có trình độ, kỹ năng và nhân cách cho sự phát triển phồn vinh của mỗi quốc gia. Mục đích nữa là nó tạo ra một bản sắc của quốc gia đó. Nếu cứ để tình trạng sinh viên mặc nhiên đạo văn và không coi đó là điều phạm pháp thì chúng ta khó có thể thay đổi được nền giáo dục và nâng tầm của đất nước. Tương tự như vậy nếu cứ để tình trạng đạo văn lan tràn trong giới báo chí thì không biết bao giờ chúng ta mới thực hiện được “sống và làm việc theo pháp luật”.

Nguyễn Minh Phương
Theo phunutoday.vn

Nguồn thetreeacademy.edu.vn

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu