Đất nước đẹp vô cùng!
“… bài thơ viết vội cho Hoàng Sa của chúng ta!”
Đất nước đẹp vô cùng
lẽ nào chúng ta có thể mãi lặng im?
con sóng ngoài Hoàng Sa mất ngủ
cũng khiến đá sỏi Cao Bằng, Tây Nguyên thao thức
núi Tản, non Hồng đêm đêm gửi gió về phía biển
để vọng lại đất liền vị mặn chát của biển đảo quê hương
Đất nước đẹp vô cùng
lẽ nào chúng ta có thể mãi làm ngơ?
súng địch nổ ngoài khơi cũng làm đau lòng bông lúa
trong cơn mơ, tận Cửu Long, Cà Mau cũng nghe biển gọi
những đàn cá Lạc Hồng bị vây bủa giữa trùng dương
Anh mơ một ngày được yêu em
bài tình ca đầu tiên anh hát cho em
là bài ca Huế – Sài Gòn – Hà Nội
lòng tham ơi, đạn bom ơi, khí giới nào diệt nổi dân ta**
trong hẹn hò đầu tiên
anh sẽ kể em nghe về Hoàng Sa, Trường Sa và Phú Quốc
ơi những cái tên như thể nụ hôn đầu!
Đất nước đẹp vô cùng
lẽ nào chúng ta bằng lòng với những giấc mơ con***?
Mẹ hãy kể con nghe chuyện Hưng Đạo Vương viết Hịch tướng sĩ
và cả chuyện Hoài Văn Hầu bóp nát quả cam
để con mơ một Hội nghị Diên Hồng!
Thế kỷ này có thể không còn cần ngựa sắt
nhưng trong mỗi tuổi nhỏ nước Việt oai hùng, có một Thánh Gióng đã đầu thai!
Đất nước đẹp vô cùng
lẽ nào chúng ta đã lãng quên
những Như Nguyệt, Bạch Đằng, Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút?
những Điện Biên, Núi Thành, Khe Sanh, Hàm Rồng, Củ Chi đất thép?
núi sông này là núi sông của ta
biển đảo này là biển đảo của ta
trong mỗi vuông biển có một nấm mồ liệt sĩ
xương máu ông cha mình hoá thân thành sóng gió phía trùng khơi!
trong mỗi tấc đất có một bàn thờ Tổ Quốc
khói hương dân tộc mình đã nghi ngút tự ngàn năm!
Hai chữ đầu tiên ba dạy cho con
là hai chữ HOÀNG SA thiêng liêng và gần gũi!
vì trong hai chữ ấy đã bao gồm Tổ Quốc
đã bao gồm Ông Bà, Cha Mẹ cùng với Tổ Tiên
khi biết nói lúc lên ba, biết viết lúc lên năm
con hãy phát âm, hãy nắn nót hai chữ ấy
để Hoàng Sa với con là một khúc ruột liền!
Đất nước đẹp vô cùng
lẽ nào chúng ta có thể ngủ yên
những đêm nay
từng lá cỏ trên Hoàng Sa oằn mình dưới gió…
———–
* Ý thơ của Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước”
** Tên bài hát và một lời bài hát của Trịnh Công Sơn
*** Ý thơ Chế Lan Viên
Độc Hành
Gởi người bạn láng giềng
Người bạn láng giềng của tôi ơi!
Tổ quốc tôi yên bình chưa bao lâu
Vết thương chưa lành từ những chuyện đã cũ
Chắc lòng mẹ thiên nhiên sẽ hiểu
Biển vỗ sóng rì rầm ru nỗi đau về khơi xa…
Người bạn láng giềng của tôi ơi!
Lòng căm giận hơn một ngàn năm đô hộ
Trống trận còn âm vang
Tuổi trẻ sục sôi dòng máu liệt tổ anh hùng
Cớ gì phải làm tôi nhìn về một chiều hận thù
Hòa bình đâu? Hòa bình đâu?
Tôi khát bình yên lãnh thổ chữ S và mẹ biển ngọt ngào
Tôi khát bài thơ tôi không nhuộm máu và bom đạn
Khát dân tôi khỏi kiếp đoạn lầm than
Đừng như thế!
Đừng như thế!
Đừng đổ vết mực đen làm dơ bẩn tình nghĩa xóm giềng
Dân nước tôi yêu hoà mình như yêu tấm áo mẹ nghèo
Lòng yêu nước dũng mãnh hơn những chiến sa, xe tăng, tàu chiến…
Người bạn láng giềng của tôi ơi!
Biên giới cha ông đã vạch sẵn ra rồi
Thèm muốn làm chi để máu trào từ tim bao người vô tội
Người bạn láng giềng của tôi ơi!
Chuyện xưa còn nguyên
Cọc nhọn Bạch Đằng vót nhọn vươn vươn chờ đợi bao thế kỷ
Sau trận cuồng phong
Máu đàn bà, con trẻ chảy cùng một dòng nóng hổi
Tinh thần Diên Hồng náu nung ngọn lửa vĩnh hằng
Tôi khóc vì tình yêu đã lỡ một lần có nơi bạn
Tôi đau vì bạn làm biển Đông rùng mình
Người mẹ biển vừa giận dữ vừa khiếp sợ
Mẹ trong, mẹ xanh, mẹ hiền hòa đến thế
Sao nỡ để buồn vương trên gương mặt bao la
Người bạn láng giềng của tôi ơi!
Hãy để sóng biển Đông mãi mãi như lời ru của mẹ
Lời ru vỗ về những giấc mơ
Cho bạn
Cho tôi.
Miên Ca (theo nvtphcm)
Sự im lặng của bầy cừu
Hai con dê cùng qua một chiếc cầu hẹp
dê đen đi từ đằng này lại
dê trắng đi từ đằng kia sang
con nào cũng muốn nhường con nào
chúng chưa kịp mừng gặp nhau thì đã rơi tõm xuống nước
ở đầu cầu bên kia
con cáo thình lình
cắt cáp
bên này
bầy cừu chứng kiến mọi việc
vẫn im thin thít
ngao ngán lắc đầu nguẩy đít
lặng lẽ lũ lượt đi tìm một cây cầu khác
cáo cười hả hê
nói vọng sang bên kia
“này bầy cừu im lặng
1982 chiếc cầu trong khu rừng này đều đan bằng cáp”
bầy cừu vẫn lặng im
không con nào nói với con nào
chỉ tự an ủi lòng mình
“hình như trên tất cả đỉnh cao là lặng im”
Bầy cừu đi mãi cũng tìm được một cây cầu
như lời cáo nói, cầu đan bằng cáp
Bên kia cầu, cáo cũng đang chờ
Bầy cừu lại im thin thít nguẩy đít đi tìm
Đi khuất bóng cáo mà vẫn nghe tiếng cười vọng
“mọi thứ trong khu rừng này đều đan bằng cáp”
Cừu non ngây ngô chạy lên trước hỏi ông mình:
“Ông ơi, lẽ nào sự thật cũng được đan bằng cáp?”
Ông cừu thâm trầm: “Sự im lặng cũng đan bằng cáp!”
5.6.2011
Hoa Nip (theo nvtphcm)
Không thể mất biển
Sông Hồng chảy về đâu
Sông Gianh sẽ về đâu
Cửu Long biết về đâu
Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
Con sóng mặn ngàn đời như dải lụa đào thơm
Chít eo thon mùa xuân em trẩy hội
Lóng lánh vẩy rồng Lạc Long Quân thẳng lưng nguồn cội
Hải đảo nhấp nhô khát vọng hòa bình
Đứng lên mau
Bước đi mau
Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
Ưỡn ngực Trường Sơn lăn đá lấp Vạn lý trường thành
Dải lụa đào nhuộm máu người hóa thành vuông khăn trắng
Hỡi kẻ thù, ai không có tình yêu ?
Mẹ ngóng con về
Vợ tiễn chồng đi
Anh đợi tin em
Tàn hơi khản giọng
Hỡi kẻ thù, ai không có quê hương ?
Ta tự hào vùi thân đắp nấm mồ dòng giống
Mãi mãi các ngươi phơi xác xứ người
Đứng lên mau
Bước đi mau
Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng
Mỗi chúng ta là một ngọn chông
Trái tim vót nhọn lửa căm hờn
31/05/2011
Trịnh Sơn