Cắt nửa vầng trăng… – An Thuyên

VTH – Có lẽ tin nhạc sĩ An Thuyên mất đột ngột gây sốc nhất với mình vì ông mới còn đang ở tuổi sung sức sáng tạo: NS An Thuyên sinh năm 1949. Thật buồn cho một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của dòng nhạc dân ca Cách Mạng VN đã mãi mãi không trở về. Năm 2015 quả là năm đau buồn cho những người hâm mộ đã quen thuộc với những ca khúc một thời gắn bó với cả cuộc đời họ và khi phải chia tay với những tác giả họ đã nằm lòng yêu quý: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân và nhạc sĩ An Thuyên. Gặp ông một lần tại Hà Nội, mình vẫn ấn tượng mãi với vẻ ngoài hiền lành, hóm hỉnh và rất lãng tử theo đúng chất “Nghệ”. Mời bạn nghe lại những ca khúc sống mãi với tên tuổi của nhạc sĩ An Thuyên cùng vuthanhhoa.net:

Nhạc sĩ An Thuyên qua đời khoảng 16h20 ngày 3/7 tại bệnh viện 108, Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. Ông quê Nghệ An, hoạt động văn hóa văn nghệ tại đây từ năm 1967. Năm 1975, ông vào bộ đội rồi vào công tác ở đoàn văn công Quân khu 4 từ năm 1977. Sau đó ông được cử đi học ở nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8/1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là nguyên hiệu trưởng của ngôi trường nghệ thuật này nhiều năm và có rất nhiều sáng tác để đời.

  • Nhạc sĩ An Thuyên sống và làm việc tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Nghệ An. Khán giả biết đến ông qua nhiều ca khúc nổi tiếng bên cạnh vai trò hiệu trưởng Đại học nghệ thuật Quân đội Hà Nội.
  • Là người con xứ Nghệ nên các sáng tác của An Thuyên đều mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Nhiều người cho rằng, ông là một trong số nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca miền Trung một cách tài tình, hiệu quả. Ngoài ra, An Thuyên còn học tập ở những bậc tiền bối như Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn, Nguyễn Tài Tuệ… nên các ca khúc của ông đều ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách sáng tác của họ.

AN THUYENNhạc sĩ An Thuyên.

  • Trong số tác phẩm của An Thuyên, ca khúc được ông sáng tác đầu tiên vào năm 21 tuổi là Em chọn lối này. Đây là ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ An. Ca sĩ Thanh Hoa là người thể hiện thành công nhất ca khúc này.

  • Nhưng tên tuổi của ông thực sự được biết đến và ghi dấu trong lòng khán giả từ khi ca khúc Huế thương ra đời. Đây là ca khúc tất cả người Việt Nam đều thuộc bởi ca từ gần gũi và giai điệu đậm chất dân ca. Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác ca khúc này năm 1992 và đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất viết về Huế. Nghệ sĩ Thu Hiền là người thể hiện thành công nhất tác phẩm này, sau đó ca sĩ Vân Khánh, Quang Lê… cũng để lại dấu ấn của mình khi trình diễn Huế thương.

  • Ca dao em và tôi là ca khúc ông sáng tác vào cuối những năm 80 nhưng đến những năm 90 thì mới thực sự phổ biến. Bài hát này từng làm mưa làm gió một thời trên thị trường âm nhạc Việt Nam qua giọng ca của ca sĩ Quang Linh. Ngoài Quang Linh, ca sĩ Thái Bảo cũng là người thể hiện thành công ca khúc này. Những thế hệ người yêu nhạc từ 8X trở lên chắc đều nhớ cơn sốt ca khúc này mang đến khi nhà nhà mở nhạc, người người hát theo bài hát. Đây là một bài hát về tình yêu nhưng được viết giản dị, có phần thôn quê nhưng cũng rất thi vị: “Cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, tôi làm con thuyền lướt sóng. Đưa tôi về với người tôi yêu…”.

  • Neo đậu bến quê có thể xem là một trong những ca khúc viết về tình yêu quê hương điển hình của nhạc sĩ An Thuyên. Ca khúc này được ông sáng tác năm 1993 và cũng được nhiều người Việt thuộc nằm lòng. Ca khúc nói về tình cảm của những người con miền Trung hướng về quê mẹ. Dù đi xa lòng vẫn luôn muốn quay về neo đậu, nương tựa. Nghệ sĩ Thu Hiền, ca sĩ Hương Mơ, Bùi Lê Mận đều là những người hát thành công ca khúc này.

  • Ngoài ra ông còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền Quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Mẹ Việt Nam anh hùng, Chiều sông Thương (nhạc: An Thuyên, thơ: Hữu Thỉnh).

Hân Quy
Nguồn ngoisao.net

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu