Cần một bức ảnh toàn cảnh về văn học nghệ thuật – Hoàng Vũ Thuật

NVTPHCM- Hiện có một bức ảnh toàn cảnh mà chúng ta đã chụp được, đó là chủ nghĩa bình quân các giá trị văn học nghệ thuật. Trong khi chúng ta say sưa nghiên cứu, tìm tòi làm sao có được nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách sáng tác để có nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao nghệ thuật, thì đang diễn ra một thực tế đau lòng là công chúng phải thưởng thức quá nhiều các thứ nghệ thuật bằng phẳng, đơn giản. Một thứ nghệ thuật bất cứ ai cũng có thể xưng danh là nghệ sĩ.

Sự thật ấy đang chiếm số đông, nhất là vùng nông thôn, miền núi, các tỉnh lẻ. Văn học nghệ thuật ở nhiều địa phương được “đại chúng hoá” đến mức không phân biệt đâu là giá trị đích thực, đâu đang bị hạ thấp vàng thau lẫn lộn. Tại Hội nghị Toàn quốc phát triển phong trào Nhiếp ảnh và hội viên đến năm 2000, tháng 5-1996, nhà phê bình văn học Từ Sơn nêu suy nghĩ: Có nguy cơ biến văn hóa đỉnh cao thành văn hóa đại chúng.

mơ

Các văn sĩ, nghệ sĩ phục vụ công chúng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhưng chúng ta hoàn toàn không muốn công chúng chỉ thưởng thức thứ nghệ thuật bằng phẳng, đơn giản, rập khuôn cuộc sống một cách máy móc. Tiêu chuẩn mỹ học cần phải được xem là thước đo của nghệ thuật. Nhiều tác phẩm trưng bày, nhiều sách báo in ấn xuất bản với chất lượng làng nhàng, dễ dãi. Chúng tôi thường gọi đó là thứ lá cải trong văn học nghệ thuật mà sự tốn kém về ngân sách không nhỏ.

Một dân tộc mạnh về văn hoá là một dân tộc giàu bản sắc, giàu cá tính và biết phát huy bản sắc, cá tính đó trong thời đại mới. Mảnh vườn văn hoá Quốc gia đang có nguy cơ tụt hậu. Người làm vườn không muốn trồng lên đó những thứ không phải là văn hoá văn học nghệ thuật đích thực.

Trăn trở vấn đề này, vì văn hoá thứ thiệt đang có nguy cơ bị lấn chỗ. Những người sáng tạo ra nó thiếu sự chăm chút bảo vệ, họ lo sợ khi phải đương đầu trong việc sáng tạo với mục đích khám phá tìm tòi, thử nghiệm?

Một số nhà lý luận phân chia văn hoá bác học và văn hoá đại chúng. Có thể sự phân biệt ấy chưa thật rõ ràng, cần thảo luận hơn nữa. Tôi cho rằng đã là văn hoá tại sao không xem là bác học? Ai đảm bảo rằng tranh Đông Hồ, ca dao tục ngữ không bác học? Mọi sản phẩm nghệ thuật khi đã tôn vinh tinh hoa nhân loại, lẽ nào không phải bác học, dù người tạo ra nó là quần chúng nhân dân. Cũng vì thế, việc thưởng thức, thực thi đời sống văn hoá chỉ có chung một giá trị, làm gì có cấp bậc ngôi vị cho giá trị ấy. Người ta sinh ra muốn hiểu biết thì phải học – nhân bất học bất trí lý. Văn hoá, văn học nghệ thuật, một thứ tri thức đặc biệt. Muốn dụng nó, muốn thưởng thức, ai cũng phải học. Có người học để làm, có người học để biết, có người học để quản lý lãnh đạo. Khi tất cả mọi người đều thông suốt, cùng làm, thì hiệu quả đời sống văn hoá mới cao hơn.

Có vậy, trên cái nền đó, hạt giống tài năng gieo trồng sẽ tươi tốt, sẽ được nâng niu trân trọng. Nhân dân có quyền đòi hỏi người nghệ sĩ phải sáng tác hay hơn, có nhiều tác phẩm xuất sắc, thứ thiệt ra đời. Người nghệ sĩ cũng có quyền yêu cầu công chúng nâng trình cao độ thưởng thức nghệ thuật, chấp nhận, khuyến khích những tìm tòi nghệ thuật đích thực. Đó là mối quan hệ: Nhân dân là bể – Văn nghệ là thuyền – Thuyền xô sóng dậy – Sóng đẩy thuyền lên (Tố Hữu).

Điều báo động nêu trên rất cấp thiết, không chỉ dành riêng cho văn học, sân khấu, điện ảnh mà cho cả các ngành nghệ thuật khác.

Và, lại phải có một bức ảnh toàn cảnh, nhưng nội dung của nó là công chúng đang được thưởng thức các giá trị văn học nghệ thuật thứ thiệt. Vậy ai là tác giả của nó? Không ai khác, chính là người lãnh đạo, quản lý văn hoá văn học nghệ thuật, là tác giả, là văn nghệ sĩ, là công chúng. Quy trình từ nhận thức đến hành động là quy trình tất yếu của nhiều vấn đề xã hội nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng.

Chỉ như thế, nền đạo đức, lẽ công bằng xã hội và hạnh phúc con người mới đạt tới đỉnh cao lý tưởng mà ai cũng mong muốn.

HOÀNG VŨ THUẬT

Nguồn nhavantphcm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu