Ngoài tượng Nữ thần Tự do nguyên bản ở Mỹ, nhiều bức tượng bắt chước tác phẩm điêu khắc này cũng đã xuất hiện trên khắp thế giới. Trong đó, nhiều nghệ sĩ chọn phá cách chứ không làm y hệt nguyên mẫu.
Tượng Nữ thần Tự do có tên chính thức là “Tượng Nữ thần Tự do soi sáng thế giới”, nằm trên đảo Liberty rộng hơn 50.000m2 ở cảng New York.
Đây là món quà nhân dân Pháp tặng cho nước Mỹ. Bức tượng trên đảo Liberty nặng 225 tấn, cao tương đương với tòa nhà 22 tầng (tính từ chân tượng đến đỉnh ngọn đuốc).
Theo trang Travel Tips, bức tượng tượng trưng cho sự tự do, thoát khỏi đau khổ của nhiều người nhập cư Mỹ cuối thế kỷ 19. Ngọn đuốc trên tay phải của bức tượng thể hiện cho ánh sáng dẫn đường tới tự do, bình đẳng, bác ái.
Đã có rất nhiều bức tượng sau này tại các nước bắt chước tạo hình của bức tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, dưới đây là những phiên bản khá nổi tiếng khác:
Phiên bản “gốc” tại Paris
Bạn có thể tìm thấy phiên bản bức tượng Nữ thần Tự do “gốc” ở gần tháp Eiffel tại Paris, Pháp. Đây là bức tượng được tạo ra trước khi tượng Nữ thần Tự do phổ biến với công chúng được công bố tại New York, Mỹ.
Bức tượng nhìn về phía tây, hướng về nước Mỹ. Công trình này được đặt trên hòn đảo nhân tạo có tên Île aux Cygnes trên sông Seine, gần cầu Grenelle bắc qua sông Seine.
Rất nhiều người nhận xét bức tượng mẫu này rất đẹp và là một phần của cảnh quan xung quanh.
Nữ thần Tự do ngồi ở Lviv, Ukraine
Có câu nói đùa là đến cả Nữ thần Tự do cũng cần được nghỉ ngơi và điều đó thể hiện trong bức tượng Nữ thần Tự do ở bảo tàng dân tộc học tại Lviv, Ukraine.
Bức tượng này được gọi là bức tượng nữ thần “lười” vì là một trong những bức tượng hiếm hoi mà Nữ thần Tự do ngồi chứ không đứng.
Người ta có thể ngắm công trình điêu khắc này từ bên ngoài, Nữ thần ngồi thư giãn trên mái vòm của tòa nhà.
Bức tượng được nhà điêu khắc người Ba Lan sáng tạo năm 1910 và cho đến nay vẫn không ai hiểu thông điệp mà nghệ sĩ muốn gửi gắm là gì.
Nữ thần Tự do ở Arkansas, Mỹ
Bản sao tượng Nữ thần Tự do ở quảng trường tòa án phía đông bắc bang Arkansas là một trong những bản sao đầu tiên sử dụng biểu tượng này để vinh danh những người lính đã ngã xuống.
Tượng được khánh thành vào Ngày cựu chiến binh năm 1924 nhằm tưởng niệm những quân nhân địa phương đã hi sinh trong Thế chiến thứ nhất.
Nữ thần Tự do hai tay hai đuốc ở Cadaqués, Tây Ban Nha
Trên thực tế, tượng Nữ thần Tự do đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ siêu thực Salvador Dalí – người đã sáng tạo ra một phiên bản tượng Nữ thần Tự do của riêng mình với cả hai tay đều cầm đuốc, thay vì chỉ một tay cầm đuốc như phiên bản của Mỹ.
Nhiều người cho rằng Dalí muốn diễn giải lại ý nghĩa ban đầu về điều mà tượng Nữ thần Tự do đại diện, đó là các nghệ sĩ bị giới hạn bởi luật pháp.
Nữ thần Tự do ở New York
Đây là một bản sao bằng đồng được làm năm 2011 từ mô hình thạch cao ban đầu của bức tượng ở Paris.
Với kích thước ban đầu theo tỉ lệ bằng 1/16 bức tượng trên đảo Liberty, bức tượng này được đặt trước một tòa nhà văn phòng ở Manhattan.
Đây có thể xem là một bản sao chính thức cuối cùng của bức tượng Nữ thần Tự do mà chúng ta biết.
Nữ thần Tự do ở Thâm Quyến, Trung Quốc
Vào những năm 1990, Trung Quốc mở công viên giải trí có tên Công viên Cửa sổ thế giới nằm ở phía tây thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) với diện tích 480.000m2.
Công viên Cửa sổ thế giới là một quần thể gồm khoảng 130 kỳ quan, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, di tích lịch sử, tác phẩm nghệ thuật… tiêu biểu cho các nền văn hóa trên thế giới được thu nhỏ.
Nổi bật trong số đó là các công trình tháp Eiffel ở Paris (Pháp), quần thể Kim Tự Tháp của Ai Cập, khu vườn Nhật Bản, cánh đồng cối xay gió Hà Lan…
Nữ thần Tự do ở Đan Mạch
Bức tượng Nữ thần Tự do ở công viên Legoland Billund của Đan Mạch là công trình tiêu biểu hơn cả cho sự phá cách so với nguyên bản của bức tượng ở Mỹ.
Các nghệ sĩ không cần đồng để tạo ra tượng Nữ thần Tự do mà chỉ sử dụng các khối giống như Lego.
Trong phiên bản tượng Nữ thần Tự do ở Đan Mạch được xây dựng năm 1968, bức tượng được làm từ các khối lắp ráp như đồ chơi Lego bằng nhựa.
Nữ thần Tự do ở Rio de Janeiro
Phiên bản tượng Nữ thần Tự do của Mỹ Latin này nhằm kỷ niệm cuộc đảo chính năm 1889 mang lại nền độc lập cho Brazil.
Nữ thần Tự do ở Na Uy
Có thông tin cho rằng đồng được sử dụng để tạo ra bức tượng Nữ thần Tự do ở New York được khai thác từ một mỏ kim loại gần vùng đô thị Karmoy ở Na Uy.
Năm 1986, cộng đồng nơi đây đã công bố một bản sao bức tượng Nữ thần Tự do bên bờ sông để tôn vinh mối liên hệ này dù việc kiểm chứng là không thể vì một trận hỏa hoạn đã thiêu hủy hồ sơ lưu trữ về hoạt động của khu mỏ.
Bất kể mối liên hệ đó có thật hay không thì bản sao bức tượng Nữ thần Tự do cũng đã có mặt ở Karmoy, Na Uy.
Nữ thần Tự do ở Tokyo
Đối diện cầu Rainbow ở khu Odaiba tại Tokyo, bản sao với tỉ lệ 1/7 này là một sự tôn vinh không phải dành cho Mỹ, mà là tình bạn của Nhật với Pháp. Ban đầu nơi này được chọn là điểm trưng bày tạm bức tượng, nhưng sau đó trở nên nổi tiếng và trở thành một điểm tham quan lâu dài.
Tượng Nữ Thần Tự Do ở Sapa -Việt Nam
Bức tượng ở Sapa một dạo bị dân mạng “ném đá” dữ dội. Chủ nhân là ông Nguyễn Ngọc Đông – chủ cơ sở check-in Ansapa tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai – cho biết ông làm trong ngành du lịch đã lâu nhưng trước đây chỉ làm thuê cho các tập đoàn.
Gần đây vợ chồng ông mang tất cả vốn liếng và đi vay để thực hiện giấc mơ có được một điểm check-in kinh doanh dịch vụ du lịch riêng của mình, phục vụ nhu cầu “sống ảo” rất mạnh mẽ của người Việt hiện nay.
Ý tưởng của ông là làm một thế giới thu nhỏ bằng cách tạo các công trình, tác phẩm nổi tiếng trên thế giới để du khách đến check-in, đi vòng quanh thế giới chỉ với 80 phút.
Điểm check-in của ông Đông còn có tháp nghiêng Pisa, tháp Eiffel… nhưng chỉ tượng Nữ thần Tự do bị chê xấu. Ngoài bức tượng ‘Nữ thần Tự do’ thì điểm check-in của gia đình ông Đông còn có các biểu tượng nổi tiếng khác như: tháp nghiêng Pisa (Ý), tháp Eiffel (Pháp), đường hoa Nhật Bản, khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, làng cổ Việt Nam, đường phong lá đỏ… Tuy thế, chỉ có tượng ‘Nữ thần Tự do’ bị chê xấu.
Giải thích bức tượng “ngồi” chứ không đứng như tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, ông Đông nói mình không muốn “sao y bản chính”, vì ở Việt Nam đã có nhiều rồi, ông muốn làm phiên bản bán thân kiểu như cuộc thi làm tượng bán thân bằng tuyết ở những lễ hội tuyết mùa đông ở nước ngoài. Chính vì thế mà tượng có màu trắng tuyết chứ không có màu ngà xanh như phiên bản gốc.
“Điểm du lịch này là giấc mơ của tôi. Tôi như ông bố nghèo khó mãi không sinh được đứa con trai, đến khi sinh hạ thì có biết đâu nó là quỷ sứ. Sinh con có ai không muốn con mình xinh đẹp, ai chẳng muốn “thân em vừa trắng lại vừa tròn”, nhưng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
Những người thợ địa phương làm cho tôi tay nghề chỉ có thế. Nhưng xấu đẹp còn do mắt nhìn từng người. Nên thấy mọi người ném đá nhiều quá thì tôi rất đau lòng”, ông Đông chia sẻ.
Không chỉ mệt mỏi với dư luận khen chê, báo chí nhảy vào, ông Đông mấy ngày qua cũng phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý. Nhưng ông tự an ủi rằng dù bức tượng không đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, ông chỉ đang thực hiện giấc mơ kinh doanh du lịch của mình, đóng góp vào cho Sa Pa một điểm đến để phát triển du lịch địa phương.
Ông còn vui bởi cơ sở của mình mới mở được vài tháng trong thời khó khăn của du lịch nói chung vì dịch bệnh nên vắng khách, nhưng đang tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương, trong đó có 5 người dân tộc thiểu số.
Ông Đông cho biết nếu đông đảo người dân còn chê bức tượng xấu thì ông sẽ cho chỉnh sửa, quá lắm thì ông chấp nhận đập bỏ.
(Nguồn TTO)